Hội chứng nghiện nhổ tóc: Dấu hiệu, ảnh hưởng, cách chữa
Đặc trưng của hội chứng nghiện nhổ tóc là người bệnh thường tự ý giật/ bứt tóc một cách vô thức và không thể tự kiểm soát được hành vi này. Rối loạn tâm lý này có thể là hậu quả từ trạng thái căng thẳng tâm lý kéo dài, trong đó việc giật tóc có thể giúp họ thả lỏng và thoải mái hơn. Tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương cả về thể chất, tinh thần và thẩm mỹ của người bệnh.
Hội chứng nghiện nhổ tóc là gì?
Hội chứng nghiện nhổ tóc có tên quốc tế là Trichotillomania/trichotillosis hoặc cũng được sử dụng với nhiều thuật ngữ khác như rối loạn nhổ tóc, rối loạn giật tóc hay nhổ tóc bệnh lý. Đây là một dạng rối loạn kiểm soát xung động phát triển theo chiều hướng mãn tính, có thể gặp ở nhiều độ tuổi nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là tuổi dậy thì. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 1- 2% dân số mắc rối loạn này, trong đó 80- 90% là phái nữ.
Thuật ngữ Trichotillomania được đặt tên bởi bác sĩ da liễu người Pháp François Henri Hallopeau, được ghép bởi các từ Hy Lạp cổ đại, trong đó “trich” mang nghĩa là lông hay tóc; “till” là hành động kéo giật và “mania” là sự cuồng nộ. Đặc trưng của rối loạn tâm thần này là hành vi bứt tóc, kéo giật tóc được thực hiện với tần suất liên tục và không thể tự kiểm soát được. Ngay cả khi họ biết hành vi này gây tổn hại về thẩm mỹ nhưng vẫn không thể dừng lại.
Thống kê cho thấy hội chứng nghiện nhổ tóc đa phần xuất hiện từ thời niên thiếu, trong khoảng 10- 17 tuổi nhưng ít được phát hiện và kéo dài mãn tính đến khi trưởng thành. Những tổn thương về da đầu nghiêm trọng, chẳng hạn hình thành những mảng hói hay những búi tóc đứt gãy với nhiều độ dài khác nhau là những dấu hiệu bất thường rõ rệt nhất khiến bệnh nhân bắt đầu thăm khám bệnh.
Theo các chuyên gia, hội chứng nghiện nhổ tóc có thể xuất phát từ các hành vi vô thức và có ý thức. Cụ thể
- Hành vi có ý thức: một số người cảm thấy việc nhổ tóc có thể khiến họ thoải mái hơn, giảm mức độ căng thẳng, lo lắng, mang đến sự dễ chịu nên liên tục thực hiện. Hành vi này dần tạo thành thói quen, khi cảm thấy stress, lo âu họ bắt buộc phải bứt tóc, ngay cả khi ý thức được điều này là không tốt và gây mất thẩm mỹ nhưng không thể nào kiểm soát được. Một số khác cũng hình thành do họ bị ngứa da đầu hay cảm thấy khó chịu nếu thấy những sợi tóc quăn hay sợi tóc lởm chởm, dựng đứng. Tình trạng này được gọi là nhổ tóc do ngứa ngáy.
- Hành vi vô thức: một số người có xu hướng giật tóc khi cảm thấy buồn bã, căng thẳng hay hạnh phúc, thích thú, đang suy nghĩ mà bản thân họ không hề nhận ra. Mục đích chung của hành vi này cũng bởi vì cảm giác “đã”, thoải mái khi giật tóc, dần tạo thành Trichotillomania. Hầu hết chỉ khi tình trạng da đầu của họ có vấn đề hoặc những người xung quanh vô tình quan sát thấy mới giúp họ nhận ra vấn đề.
Hội chứng nghiện nhổ tóc hầu hết đều bao hàm cả hành vi vô thức và có ý thức. Người bệnh phát hiện thấy thói quen không tốt của bản thân, tự dặn mình không thực hiện nữa nhưng vẫn tự vô thức nhổ tóc mà không hề hay biết. Khi họ nhận ra thì trong tay đã luôn có những sợi tóc vừa được nhổ thì cũng đã quá muộn. Do đó cần có các biện pháp điều trị chuyên môn với hội chứng này.
Biểu hiện của hội chứng nghiện nhổ tóc
Theo các chuyên gia, Trichotillomania có các tính chất tương đồng với rối loạn ám ảnh cưỡng chế bởi sở hữu các hành vi mang tính nghi thức đi kèm với việc giật/ nhổ tóc. Các biểu hiện của hội chứng nghiện nhổ tóc thể hiện khá rõ ràng nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra cho đến khi tình trạng da đầu tổn thương nghiêm trọng hay tình trạng tóc đứt gãy lởm chởm khó coi hơn.
Một số dấu hiệu đặc trưng của hội chứng nghiện nhổ tóc bao gồm
- Thực hiện nhổ tóc trong bất cứ hoàn cảnh, không gian, địa điểm hay tình huống nào, chẳng hạn đang làm việc, đọc sách, phát biểu.. Tuy nhiên thường rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, stress trước khi thực hiện hành vi này
- Nhổ/ giật tóc liên tục, có thể chuyển qua nhổ lông tay chân, nhổ lông mày, lông mi, râu.. Một số bệnh nhân Trichotillomania thậm chí còn có xu hướng nhổ tóc, lông của động vật hay búp bê, gấu bông để cảm thấy dễ chịu hơn
- Cảm thấy căng thẳng, kích động, bứt rứt, dễ nổi cáu nếu không được nhổ tóc nên không thể kiểm soát hay tự thay đổi được hành vi
- Có các hành vi mang tính cưỡng chế trước khi nhổ tóc, chẳng hạn cuốn tóc vào ngón tay; đưa tóc vào răng để cắn; kiểm tra chân tóc hay tính chất sợi tóc vừa nhổ; tìm kiếm tóc trắng, tóc quăn.. Việc nhổ tóc cũng theo một quy trình nhất định mới thực sự khiến họ cảm thấy dễ chịu
- Chơi với tóc vừa nhổ bằng cách kéo căng, cắn hoặc xoa lên mặt
- Quan sát thấy da đầu thường có các mảng trống rõ rệt, có dấu hiệu bị viêm nhiễm, tổn thương nếu không chăm sóc đúng cách. Ở trẻ em, vùng da đầu thường bị tổn thương là hai bên mang tai, gáy hay trán do vừa với tầm với của con
- Một số người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc có thể ý thức và cảm thấy xấu hổ với hành vi của mình nhưng không thể tự kiểm soát được
- Có xu hướng dấu diếm tình trạng của bản thân bằng cách đội mũ hay dùng tóc giả để che dấu những mảng hói trên đầu
- Một số bệnh nhân cũng tự biện minh rằng hành vi nhổ tóc không gây nguy hiểm cho sức khỏe nên thường không tìm cách điều trị hay kiểm soát thói quen nay
Tần suất và mức độ giật tóc sẽ gia tăng khi tình trạng căng thẳng, stress, tiêu cực tăng lên. Một số bệnh nhân khi thấy tóc rụng, thưa thớt, có những mảng hói trên da đầu có thể tìm kiếm đến bác sĩ da liễu. Tuy nhiên họ lại phủ nhận các trạng thái căng thẳng tâm lý dẫn đến nhiều khó khăn hay sai lầm trong quá trình chẩn đoán, điều trị.
Nguyên nhân hội chứng nghiện nhổ tóc
Cần biết rằng Trichotillomania không liên quan đến hội chứng ám ảnh ngoại hình mà liên quan chủ yếu đến trạng thái căng thẳng, tiêu cực về tâm lý. Hầu hết các bệnh nhân đều thừa nhận rằng, khi kéo giật tóc họ cảm thấy cực kỳ thoải mái, dễ chịu nên mới không ngừng được hành vi này. Dù vậy các nghiên cứu khoa học vẫn chưa khẳng định được cơ chế bệnh sinh chính xác của hội chứng này.
Theo các chuyên gia, một số yếu tố nguy cơ làm hình thành hội chứng nghiện nhổ tóc bao gồm:
- Gen: Một vài nghiên cứu cho rằng nếu trong gia đình có người mắc Trichotillomania thì tỷ lệ những người thân khác mắc bệnh cũng cao hơn, do có chung một loại gen di truyền có tính chất gây “nghiện”. Mặt khác nếu cha mẹ hay người thân mắc các dạng rối loạn tâm lý thì tỷ lệ con cái đời sau mắc một vấn đề tâm lý nào đó cũng rất cao.
- Yếu tố tâm lý: Thống kê được thực hiện trên 894 bệnh nhân Trichotillomania thì có tới 84% người rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng thường xuyên. Hành vi bứt tóc giúp họ cảm thấy thả lỏng, thư giãn, dễ chịu, giải phóng căng thẳng chỉ trong tích tức và dần không thể ngưng lại được. Bứt tóc có thể gây đau nhưng không quá nghiêm trọng, mặt khác các chuyên gia cũng cho rằng cảm giác đau có thể “đàn áp” cảm giác mệt mỏi, căng thẳng nê có thể thấy hầu hết những người stress nặng hay trầm cảm đều có xu hướng tự làm đau bản thân.
- Những bất thường trong não bộ: hội chứng nghiện nhổ tóc cũng có thể liên quan đến sự thay đổi bất thường của các chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng ở não bộ. Điều này cũng lý giải vì sao người bệnh dễ mất cân bằng về cảm xúc, dễ thấy khó chịu và tiêu cực hơn.
- Các rối loạn tâm lý: hội chứng nghiện nhổ tóc cũng có thể là một phần triệu chứng hoặc là hậu quả của các vấn đề tâm lý, tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu hay rối loạn tăng động ở trẻ em.
- Một số yếu tố khác: một số yếu tố làm tăng nguy cơ Trichotillomania gồm độ tuổi ( chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên và kéo dài đến khi trưởng thành); giới tính ( đa phần là nữ giới, được cho là do phái nữ có tóc dài nên dễ có hành vi này hơn); tính cách (những người nhút nhát, ít nói hay hướng nội được cho là dễ mắc hội chứng nghiện nhổ tóc hơn do họ không muốn chia sẻ cảm xúc mà thường tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình để tránh làm phiền người khác)..
Hội chứng nghiện nhổ tóc có thể gây ra hệ lụy gì?
Nhiều người thường cho rằng việc nhổ tóc của bản thân chẳng hề gây ra nguy hiểm nào đến sức khỏe, mặt khác tóc vốn có rất nhiều lại mọc liên tục nên sẽ chẳng sao. Tuy nhiên, dù thực sự mỗi người đều có nhiều tóc đến mức không đếm được nhưng nếu tần suất nhổ tóc ngày càng tăng lên thì việc tóc thưa dần, hình thành các mảng hói trên da đầu là không tránh khỏi. Khi da đầu tổn thương và không được phục hồi cũng không thể mọc tóc mới.
Hội chứng nghiện nhổ tóc có thể gây ra các hệ lụy cả về mặt thẩm mỹ, thể chất lẫn tinh thần nếu không sớm tìm cách điều trị. Cụ thể
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Trichotillomania có thể dẫn tới tình trạng hói da đầu, tóc lởm chởm, mất lông mày, lông mi và ảnh hưởng rất nhiều đến khía cạnh thẩm mỹ, đặc biệt là với phái đẹp. Thiếu tự tin về ngoại hình, bị những người xung quanh phát hiện và trêu chọc kết hợp cùng những cảm xúc tiêu cực, căng thẳng vốn có sẽ làm gia tăng các vấn đề tâm lý khác.
- Ảnh hưởng đến thể chất: nhổ tóc liên tục và không biết cách chăm sóc da đầu, sử dụng các loại dầu gội nhiều hóa chất hay thường xuyên đội mũ, đội tóc giả làm gia đầu đổ mồ hôi có thể dẫn tới các bệnh viêm hay nấm da đầu. Tình trạng này khiến da đầu càng ngứa ngáy, tâm lý càng khó chịu và muốn giật tóc nhiều hơn.
- Biến chứng do ăn tóc: Trichotillomania có thể đi kèm hành vi nhai, nuốt tóc – đây là biểu hiện của Trichotillophagia – hội chứng ăn tóc. Tình trạng này nếu không sớm phát hiện và chăn chặn sẽ tạo thành những mảng tóc lớn trong dạ dày ( vì tóc không thể tiêu hóa) còn gọi là hội chứng Rapunzel dẫn tới đau bụng, tổn thương dạ dày, nghiêm trọng hơn là thủng dạ dày.
- Gia tăng các bệnh tâm lý- tâm thần: hội chứng nghiện nhổ tóc nếu kéo dài và không có biện pháp điều trị có thể dẫn tới nguy cơ trầm cảm hay rối loạn lo âu. Người bệnh có thể phát triển thêm các hành vi cắn móng tay, tự cào cấu bản thân, tự làm đau bản thân bằng dao lam mới đủ để xoa dịu cảm xúc tiêu cực, u uất, bức bối trong tâm trí.
- Cản trở các hoạt động trong đời sống: nhiều người có thể cảm thấy tự ti về ngoại hình nên không dám tham gia vào các hoạt động nơi đông người hay gặp khó khăn trong tìm kiếm các công việc phù hợp mà không yêu cầu tính thẩm mỹ về tóc, da đầu. Mặt khác nếu không được nhổ tóc, nhiều người cũng không thể tập trung làm bất cứ việc gì dẫn tới suy giảm chất lượng về công việc hay học tập.
Rất nhiều bệnh nhân mắc hội chứng nghiện nhổ tóc chỉ khi gặp các biến chứng nghiêm trọng trọng đau dạ dày, viêm da đầu mới bắt đầu thăm khám và điều trị. Tùy từng giai đoạn mà mức độ ảnh hưởng khác nhau nhưng đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống, tinh thần nên cần có hướng can thiệp điều trị càng sớm càng tốt.
Hướng điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc
Trong Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần DSM-5 đã chính thức chấp nhận Trichotillomania thuộc nhóm rối loạn ám ảnh cưỡng chế nên có thể áp dụng các biện pháp điều trị tương tự OCD. Tuy nhiên các chẩn đoán cuối cùng vẫn phải là Trichotillomania – hội chứng nghiện nhổ tóc chứ không được thay thế bằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các chẩn đoán xét nghiệm, chẳng hạn kiểm tra các mảng trống trên da đầu là do vấn đề da liễu ( rụng tóc tự nhiên) hay do bứt tóc bằng các thiết bị soi chuyên dụng hoặc so sánh mức độ đứt gãy của tóc. Bác sĩ cũng có thể quan sát sự thay đổi về mặt cảm xúc của người bệnh khi thực hiện các hành vi bứt tóc hoặc yêu cầu làm các bài test cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Lộ trình điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc được xây dựng dựa trên tình trạng của từng người để đảm bảo hiệu quả và can thiệp các triệu chứng nhanh chóng nhất.
Liệu pháp tâm lý
Hội chứng nghiện nhổ tóc hầu hết đều có liên quan đến trạng thái căng thẳng, tiêu cực, stress trong tâm trí nên các liệu pháp tâm lý luôn được khuyến khích chủ yếu. Mục tiêu của trị liệu tâm lý là giải quyết các vấn đề gây căng thẳng, giúp người bệnh học các kiểm soát hành vi, thay đổi nhận thức để tự điều chỉnh thói quen này. Thay thế các suy nghĩ tiêu cực bằng tư duy tích cực cũng làm giảm ham muốn thôi thúc nhổ tóc cho nhiều bệnh nhân.
Một số bệnh nhân có thể từ chối tin bản thân mắc các vấn đề tâm lý – tâm thần nên sẽ không hợp tác với bác sĩ trong điều trị nên các liệu pháp tâm lý cũng nhằm giúp bệnh nhân chấp nhận chính mình. Các liệu pháp được đề nghị phổ biến trong điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc bao gồm
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): giúp bản thân người bệnh tự ý thức được về tình trạng của bản thân, hướng đến sự thư giãn để dần điều chỉnh và thay thế thói quen này bằng các hành vi, phản ứng tích cực hơn. Đây là liệu pháp được đánh giá hữu ích nhất trong điều trị Trichotillomania.
- Liệu pháp đảo ngược thói quen (HRT): thường được sử dụng phổ biến hơn trong điều trị rối loạn tic để kiểm soát các hành vi mất kiểm soát, không tự chủ. Trong hội chứng nghiện nhổ tóc, phương pháp này có thể giúp người bệnh giảm được hành vi nhổ tóc trong vô thức bằng cách thay thế các hành vi lành mạnh khác.
- Liệu pháp nhóm và hỗ trợ đồng đẳng: nhà trị liệu có thể xây dựng các nhóm giữa những người có cùng tình trạng để mọi người có thể chia sẻ và cùng hỗ trợ nhau vượt qua hội chứng nghiện nhổ tóc một cách hiệu quả.
- Liệu pháp thư giãn: các liệu pháp thư giãn, giải tỏa cảm xúc, kiểm soát cảm xúc để phù hợp với tình huống, hoàn cảnh cũng được hướng dẫn để thân chủ ứng phó với tình trạng căng thẳng ở cả hiện tại và tương lai, ngăn chặn Trichotillomania tái phát.
Các biện pháp hóa dược
Không có thuốc đặc trị trong điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc, tuy nhiên bác sĩ tâm thần có thể chỉ định một vài nhóm chất để giảm các hành vi tiêu cực, kiểm soát tạm thời các hành vi mang tính cưỡng chế. Một số nhóm thuốc phổ biến bao gồm
- Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
- Nhóm N-Acetyl Cystein có thể đáp ứng tốt trên người trưởng thành
- Thuốc chẹn Dopamine nồng độ thấp
- Thuốc chống loạn thần không điển hình
- Thuốc chống co giật
- Một số nhóm thuốc bổ não, chẳng hạn như axit amin
Các nhóm thuốc này chỉ đáp ứng cho những người gặp vấn đề về tâm lý đồng thời cũng kèm theo nhiều phản ứng phụ không mong muốn, chẳng hạn buồn ngủ, mệt mỏi, ăn uống không ngon. Thuốc được chỉ định ban đầu với liều thấp và điều chỉnh liều lượng dựa trên tiến triển của người bệnh theo từng đợt. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng điều trị theo đúng chỉ định từ bác sĩ chuyên môn để hạn chế các tác dụng phụ này.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng da đầu của người bệnh có những tổn thương, viêm nhiễm nghiêm trọng cũng sẽ được chỉ định điều trị để xoa dịu các tổn thương nhanh chóng. Thuốc kích thích tóc mọc lại cũng có thể được chỉ định để giải quyết cảm xúc tự ti về ngoại hình.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng để loại bỏ hoàn toàn các hành vi nhổ/ bứt tóc mất kiểm soát của người bệnh hoàn toàn. Điều trị dứt điểm hội chứng nghiện nhổ tóc không thể phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc hay trị liệu tâm lý mà nằm ở chính ý chí, quyết tâm của người bệnh. Người bệnh cũng có thể nhờ sự hỗ trợ từ người thân trong việc kiểm soát, ngăn chặn thực hiện các hành vi này.
Một số biện pháp có thể hữu ích trong quá trình điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc tại nhà như
- Chuyên gia khuyến khích người bệnh có thể cắt tóc ngắn để tránh kích thích ham muốn nhổ tóc ( khi tóc ở ngang tầm tay sẽ khó kiểm soát hơn)
- Tập trung vào một việc nào đó, ưu tiên các việc cần sử dụng cả hai tay để tránh cảm giác tay rảnh rỗi và muốn bứt tóc ở Trichotillomania
- Thời gian đầu, người bệnh hãy để tay làm việc gì đó, chẳng hạn như nắm chặt, bóp một trái bóng để không có cơ hội giật tóc
- Ngồi đối diện gương soi để dễ dàng phát hiện nếu bản thân đang giật tóc và kịp thời dừng lại
- Người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc nên tham khảo các liệu pháp thư giãn, kiểm soát cảm xúc, hành vi như thiền định hay yoga, liệu pháp hít thở để tự điều chỉnh tư duy, hành vi bản thân lành mạnh hơn, đặc biệt khi đối diện với các tình huống gây căng thẳng
- Sử dụng các loại dầu gội thảo dược để tránh làm tổn thương các vùng da viêm nhiễm do bứt tóc dài ngày
- Cân bằng thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi và làm việc để tránh gây căng thẳng cho tâm trí
- Xây dựng và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ 7- 8 tiếng ngày kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng khoa học, tập thể dục hằng ngày
- Tránh xa các yếu tố gây kích thích thần kinh, chẳng hạn đồ uống có cồn, chất kích thích, cà phê, thuốc lá..
- Khi da đầu chưa hồi phục, không nên nhuộm tóc hay sử dụng các sản phẩm có chứa các chất hóa học sẽ làm tổn thương da đầu nghiêm trọng hơn
Hội chứng nghiện nhổ tóc hầu hết được hình thành từ trạng thái căng thẳng tâm lý nên rèn luyện tư duy tích cực, chăm sóc sức khỏe tinh thần ổn định là cách tốt nhất để phòng tránh hội chứng này. Nếu bạn cũng đang có dấu hiệu bứt tóc hay tự làm đau bản thân mỗi khi căng thẳng, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng người tốt là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và khắc phục
- Hội Chứng Cuồng Loạn Hysteria: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!