Sợ thời gian trôi (Chronophobia) và sự nguy hiểm của hội chứng này
Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) được mô tả là sự lo lắng ở một người khi họ cảm thấy rằng quỹ thời gian của họ không còn nhiều nên mới tìm mọi cách mà họ cho rằng có thể níu giữ thời gian. Trạng thái tâm lý này thường xuất hiện ở những người già, người mắc các bệnh nan y hay các tù nhân nhận án tử hình. Nỗi ám ảnh phi lý này gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thể chất và cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) là gì?
Hội chứng sợ thời gian trôi được đặc trưng bởi nỗi ám ảnh, sợ hãi có tính chất phi lý và dai dẳng (kéo dài ít nhất 6 tháng), ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, tinh thần, tâm lý của người bệnh. Thuật ngữ Chronophobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, trong đó “Chrono” được dịch nghĩa là “thời gian” và “phobia” là “nỗi sợ hãi ám ảnh dai dẳng”. Đây là một trong những hội chứng tâm lý rất kỳ lạ của con người.
Mỗi ngày trôi qua đều có 24 tiếng, bắt đầu từ 0h và kết thúc sau 24h, tương ứng với ngày và đêm. Thời gian trôi qua giống như một quy luật bất biến của tự nhiên, không có gì thay đổi được. Không có bất cứ phép màu nào xảy ra cho phép con ngừng ngưng đọng được thời gian, quay ngược thời gian hay tua nhanh thời gian. Nếu có chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hoặc biết đâu trong tương lai sẽ có một phát minh kỳ tích vĩ đại hiện thực hóa điều này.
Hội chứng sợ thời gian trôi được xếp thuộc nhóm rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, tuy nhiên hiện chưa được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) phiên bản mới nhất. Thống kê chưa thể cập nhật chính xác tỷ lệ người mắc bệnh, bởi các triệu chứng này thường diễn biến một cách âm thầm, đôi khi chính bản thân người bệnh cũng không chấp nhận rằng mình đang có những bất thường về tâm lý.
Một người mắc Chronophobia thường gặp nhiều khó khăn trong việc định hình về thời gian, nỗi căng thẳng này đặc biệt tăng lên khi họ đến gần một dịp quan trọng nào đó, chẳng hạn như sinh nhật của bản thân. Bởi nỗi ám ảnh rằng thời gian của mình ngày càng ít đi nên khi tiến gần đến các sự kiện này chính là minh chứng rõ rệt cho việc thời gian trôi qua – điều mà họ không hề mong đợi.
Hội chứng sợ thời gian trôi thường xuất hiện trên những đối tượng như người lớn tuổi, người mắc các bệnh nan y, các tù nhân phải nhận bản án tử hình.. Bởi họ cảm thấy rằng cái chết đang cận kề nên mới cảm thấy lo lắng mỗi giờ, mỗi phút qua đi và luôn tìm cách níu kéo thời gian trong vô vọng.
Biểu hiện hội chứng sợ thời gian trôi
Các dấu hiệu của hội chứng sợ thời gian trôi Chronophobia xuất hiện cả trên mặt thể chất lẫn tinh thần, đôi khi có thể gây ra các phản ứng quá mức. Thực tế dòng chảy của thời gian luôn diễn ra bất cứ lúc nào, không có gì có thể thay đổi quy luật của vũ trụ này, cũng có nghĩa là nỗi sợ của người bệnh luôn luôn thường trực, chỉ có thể tăng lên chứ hầu như không thuyên giảm.
Nỗi căng thẳng của người mắc Chronophobia sẽ tăng lên khi nghe thấy tiếng đồng hồ, chuông báo giờ của điện thoại, nhìn thấy lịch hoặc nếu có ai đề cập đến các vấn đề về thời gian. Cụ thể, một số biểu hiện điển hình của hội chứng sợ thời gian trôi bao gồm
- Các biểu căng thẳng như run rẩy, đánh trống ngực liên tục, đổ mồ hôi lạnh, khô miệng, khát nước, đứng không vững, choáng váng, buồn nôn, tăng huyết áp, căng cơ, thở ngắn, cảm giác bị đau dạ dày.
- Trong trạng thái căng thẳng tột độ, những người này có xu hướng bỏ chạy hay thậm chí là ngất xỉu
- Luôn cảm thấy lo âu, căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến ăn uống không ngon, khó ngủ, ngủ dễ bị giật mình
- Choáng váng, mất phương hướng
- Tránh né các tình huống, không gian có thể nhìn thấy dấu hiệu của thời gian đang trôi qua, chẳng hạn như không sử dụng đồng hồ, không xem lịch, không xem các chương trình có đề cập đến sự kiện lịch sử, thời gian
- Hạn chế việc lập kế hoạch cho tương lai hoặc từ chối tham gia các sự kiện ở tương lai
- Nỗi hoảng loạn, căng thẳng ở hội chứng sợ thời gian trôi sẽ tăng lên khi sắp đến các sự kiện như ngày sinh nhật, ngày tốt nghiệp, lễ kỷ niệm..
- Luôn cảm thấy rằng mình sắp cận kề cái kết, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua cũng có nghĩa là thời gian sống của họ càng ít đi
- Không thể tập trung vào các việc khác do thường xuyên nghĩ cách níu giữ thời gian
- Không thể hoàn thành các kế hoạch, công việc, cuộc hẹn đúng thời gian do luôn tìm cách tránh né việc nhìn thấy thời gian
- Mất nhận thức về tri thức, chẳng hạn cảm thấy thời gian trôi quá nhanh hoặc quá chậm
- Đôi khi có thể xuất hiện hoang tưởng, ảo giác bất thường
Hầu hết người bệnh đều không nhận ra rằng mình đang có những suy nghĩ phi lý, sai lầm mà luôn nhìn nhận rằng những nỗi lo của bản thân là hoàn toàn đúng đắn. Một số bệnh nhân còn từ chối việc đến bệnh viện thăm khám và cũng không chấp nhận rằng bản thân mắc bệnh tâm thần và luôn tìm cách chứng minh những suy nghĩ, lập luận của mình.
Các đối tượng có nguy cơ mắc Chronophobia
Đặc điểm chung của người mắc Chronophobia chính là họ có nỗi lo sợ về cái chết, lo sợ rằng mình đã hết thời gian. Điều này có thể xuất phát từ chính tình trạng sức khỏe hay một tình huống đặc biệt nào đó mà những người này đang gặp phải. Chính các yếu tố này đã giúp người bệnh càng khẳng định rõ hơn niềm tin của bản thân về nỗi lo lắng khi thời gian trôi qua.
Cụ thể, những đối tượng được đánh giá có nguy cơ cao mắc hội chứng sợ thời gian trôi bao gồm
- Người lớn tuổi: người già thường được ví như ở độ tuổi “gần đất xa trời” nên bất cứ ai cũng lo lắng rằng mình sẽ không còn sống được bao lâu, có thể “ra đi” bất cứ lúc nào. Bởi thể nỗi căng thẳng của người già tăng lên mỗi khi thời gian trôi qua, đặc biệt vào các thời điểm sinh nhật khiến họ chẳng thể nào vui vẻ.
- Người mắc các bệnh nan y: ở những người mắc bệnh nan y không có thuốc chữa, chẳng hạn như ung thư, HIV.. thường rơi vào tâm lý cực kỳ tuyệt vọng. Họ biết chắc rằng tình trạng của bản thân không có hy vọng, họ có thể chết đi bất cứ lúc nào. “Thần chết” giống như luôn chực chờ bên cạnh khiến họ không thể thoát khỏi cảm giác lo âu, ám ảnh, không muốn thời gian trôi qua một chút nào.
- Người đang bị giam giữ: hội chứng sợ thời gian trôi được đánh giá xuất hiện khá nhiều ở các tù nhân, đặc biệt là những người phải nhận bản án tử hình. Một thuật ngữ khác được sử dụng phổ biến trong môi trường này chính là “rối loạn thần kinh trong tù”. Một số không muốn chấp nhận một cái chết đã được ấn định nên mới cảm thấy tuyệt vọng hơn khi thời gian trôi qua; ngược lại một số khác có thể cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm bởi mãi mà không đến ngày họ được trả tự do. Mặt khác, một số nhóm người, chẳng hạn như người đang/ từng bị bắt cóc, giam giữ cũng có thể hình thành nỗi ám ảnh sợ hãi này.
- Sự kiện đau thương ở quá khứ: Chronophobia cũng có thể xảy ra ở những người đã từng trải qua các sự kiện đau thương ở quá khứ, chẳng hạn như phải sống trong thảm họa tự nhiên ( sống sót sau thảm họa động đất, sóng thần.. ) hoặc sống trong thời điểm có đại dịch kéo dài cần phải cách ly với thế giới. Chẳng hạn trong thời điểm thế giới mắc đại dịch Covid 19, tỷ lệ số người mắc hội chứng sợ thời gian trôi đã tăng lên đáng kể, chủ yếu xuất hiện trên những người phải sống trong các khu cách ly.
- Tính chất công việc: những người phải sống hoặc làm việc trong môi trường căng thẳng, luôn đề cao yêu cầu về thời gian, chẳng hạn phải làm đủ KPI trong 1 tháng nếu không sẽ bị đuổi việc… Khi phải sống trong sự căng thẳng, stress vì không đủ số dù sắp đến hạn khiến họ trở nên ám ảnh với thời gian.
- Tiền sử bệnh lý: những người có tiền sử mắc các bệnh tâm lý – tâm thần chẳng hạn như rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn PTSD, rối loạn lo âu tổng quát hay một số dạng rối loạn sợ hãi khác cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng này.
Nguyên nhân hội chứng sợ thời gian trôi
Tương tự như một vài dạng rối loạn lo âu khác, hiện tại vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân, cơ chế hay nguyên lý của hội chứng sợ thời gian trôi. Tuy nhiên tạm thời có thể xác định được các yếu tố nguy cơ có liên quan, đối tượng hay hoàn cảnh bùng phát các triệu chứng. Điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị Chronophobia .
Cụ thể, các yếu tố nguy cơ được đánh giá liên quan trực tiếp đến hội chứng sợ thời gian trôi bao gồm
- Di truyền: nếu trong gia đình có người mắc Chronophobia hoặc các dạng rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Sức khỏe tinh thần: ở những người có tinh thần yếu, tâm lý nhạy cảm, hay suy nghĩ sẽ càng dễ bị ám ảnh hơn bởi những tư duy tiêu cực, sai lệch của bản thân. Bên cạnh đó càng sống trong trạng thái căng thẳng, stress kéo dài tâm lý cũng càng dễ nhạy cảm và dễ suy nghĩ, đánh giá các vấn đề tiêu cực hơn.
- Những người yêu cuộc sống, sự tự do: trong cuộc sống có biết bao điều thú vị chờ đợi mà chúng ta chưa thể khám phá hết, vì vậy khi bị giam cầm hay luôn phải sống trong trạng thái lo âu vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào thì tất nhiên những người này rất khó chấp nhận và vượt qua.
- Những trải nghiệm trong quá khứ: chẳng hạn một người từng sống trong một đống đổ nát do thiên tai trong thời gian dài, và không có bất cứ phương tiện nào để liên lạc với bên ngoài; người từng vì chậm trễ vài phút mà thay đổi cả cuộc đời cũng sẽ dễ trở nên ám ảnh với dòng chảy của thời gian. Quá khứ là thứ và thời gian đều là những thứ đã trôi qua thì không bao giờ có thể quay trở lại.
Hội chứng sợ thời gian trôi và những hệ lụy
Nỗi căng thẳng ở những người mắc các dạng rối loạn lo âu thường xuất hiện nếu họ phải đối mặt với các đối tượng gây lo âu. Thế nhưng dòng chảy của thời gian vẫn luôn diễn ra, luôn tồn tại, luôn hiện hữu mà chúng ta không thể nào tránh né hay trốn chạy được. Chỉ có con người có thể dừng lại hay bất động, còn thời gian thì không bao giờ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nỗi ám ảnh sợ hãi của người mắc Chronophobia cũng luôn luôn hiện hữu trong tâm trí, hành vi.
Hội chứng sợ thời gian trôi có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe, tinh thần, công việc, các hoạt động hay nói chung là toàn bộ cuộc sống của mỗi người. Bao gồm
- Luôn trễ nải các cuộc hẹn, công việc do không kiểm soát hay nhận định được thời gian nên luôn bị kiểm trách, giảm chất lượng đời sống, công việc hay các mối quan hệ
- Lạm dụng bia rượu, thuốc lá hay chất kích thích để giảm nỗi căng thẳng quá mức của bản thân
- Suy giảm sức khỏe do thường xuyên mất ngủ, ăn uống không ngon, lạm dụng chất kích thích
- Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày, huyết áp hay tim mạch hay các bệnh tự miễn bởi lối sống kém khoa học
- Một số có xu hướng tự cô lập bản thân, kết hợp với những suy nghĩ tiêu cực, lối sống kém lành mạnh dẫn tới nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa hay các dạng rối loạn tâm thần khác
Mặt khác, với những người già hay người mắc các bệnh nan y, việc lo âu, suy nghĩ tiêu cực có thể càng khiến tình trạng sức khoẻ kém đi, cũng có nghĩa chính bản thân họ làm rút ngắn thời gian của chính mình. Do đó cần nhanh chóng có hướng phát hiện và kiểm soát những người có dấu hiệu bất thường nghi ngờ có liên quan đến hội chứng sợ thời gian trôi để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Làm thế nào để vượt qua Chronophobia?
Do chưa được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) hay các phiên bản chẩn đoán về rối loạn tâm thần khác nên hiện nay, hội chứng sợ thời gian trôi chưa có biện pháp chẩn đoán cụ thể. Người bệnh nên đến thăm khám tại các các cơ sở y tế có chuyên môn về tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý trị liệu để có biện pháp thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.
Bác sĩ tâm thần hay các chuyên gia có thể sẽ đặt ra các câu hỏi và yêu cầu người bệnh thực hiện một số kiểm tra chuyên môn nhằm xác định chính xác bệnh lý, từ đó đưa ra lộ trình điều trị thích hợp nhất. Để khắc phục hoàn toàn hội chứng sợ thời gian trôi có thể cần kết hợp nhiều phương pháp, bao gồm cả trị liệu tâm lý, các biện pháp hóa dược cùng một lối sống lanh mạnh hơn.
Trị liệu tâm lý
Chronophobia được hình thành bởi những dòng suy nghĩ bất thường, lệch lạc, phi lý so với thực tại, bởi thế cần phải điều chỉnh, loại bỏ các tư duy này nếu muốn khắc phục hoàn toàn hội chứng này. Tâm lý trị liệu được đánh giá là biện pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu thay thế tư duy sai lầm của người bệnh bằng những nhân thức đúng đắn, phù hợp hơn với thực tại.
Nhà trị liệu là người trực tiếp trò chuyện, chia sẻ, đặt câu hỏi để len lỏi sâu vào tâm trí, hiểu rõ vì sao người bệnh lại hình thành như tư tưởng tiêu cực như thế. Tùy theo tâm lý, tinh thần của từng người, nhà trị liệu sẽ xây dựng lộ trình can thiệp phù hợp nhất.
Một số liệu pháp được đánh giá phù hợp với hội chứng sợ thời gian trôi bao gồm
- Liệu pháp thôi miên: nhằm mục đích đi sâu vào tâm trí để tìm hiểu nguồn gốc của nỗi sợ, đồng thời tác động vào quá trình thay thế suy nghĩ, nhận thức của người bệnh hiệu quả hơn. Ở trạng thái thôi miên, người bệnh cũng có khả năng ổn định cảm xúc, tâm lý, hạn chế trạng thái hoảng loạn khi phải chia sẻ với nhà trị liệu.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): được áp dụng phổ biến nhất với mục đích giúp người bệnh hiểu rõ được suy nghĩ của bản thân, tự nhận định đúng/ sai về tự duy chính mình, từ đó tự kiểm soát được về tư duy, cảm xúc của chính bản thân mình. CBT hướng tới việc thay thế có hiệu quả tư duy méo mó, lệch lạc bằng những nhận thức đúng đắn cần thiết cho cuộc sống của mỗi người.
- Liệu pháp tự phơi nhiễm: nhà trị liệu có thể thiết lập, xây dựng các môi trường hay tình huống để người bệnh tự đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân với nhiều cấp độ. Cơ thể và não bộ khi được tiếp xúc thường xuyên với các tình huống này sẽ hình thành cơ chế tự thích nghi, không còn cảm thấy quá lo lắng hay căng thẳng, dần dần vượt qua nỗi ám ảnh phi lý của bản thân. Ở đây, nhà trị liệu có thể yêu cầu người mắc hội chứng sợ thời gian trôi xem hay nhìn đồng hồ, lịch, xây dựng các kế hoạch tương lai.
- Các liệu pháp thư giãn: Các liệu pháp như thiền, hít thở, thư giãn sẽ được chuyên gia hướng dẫn nhằm giúp bệnh nhân thoải mái, thả lỏng cả về tâm trí lẫn tinh thần, hạn chế các trạng thái hoảng loạn quá mức. Các liệu pháp này cũng giúp ích lâu dài khi người bệnh buộc phải đối mặt với các tình huống căng thẳng mà không có người hỗ trợ.
Kỹ thuật giải mẫn cảm có hệ thống được áp dụng cho bệnh nhân thuộc hội chứng sợ thời gian trôi thường được kết hợp đồng thời giữa liệu pháp tự phơi nhiễm và thôi miên, đồng thời là một loạt các chiến lược để vượt qua căng thẳng. Người đáp ứng tốt với các liệu pháp tâm lý thực sự có những cải thiện đáng kể về mặt tinh thần, rút ngắn thời gian vượt qua Chronophobia.
Điều trị bằng thuốc
Không có bất cứ loại thuốc nào được công nhận là thuốc đặc trị cho người mắc hội chứng sợ thời gian trôi. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một vài loại thuốc để ổn định tâm lý cho người bệnh, hạn chế các trạng thái kích động, bất ổn dẫn tới thiếu hợp tác trong quá trình điều trị. Chủ yếu là những nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm hay thuốc chẹn beta.
Tuy nhiên hầu hết các nhóm thuốc này thường đi kèm rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nên không được khuyến khích sử dụng trong thời gian dài. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc hay cách sử dụng để hạn chế các phản ứng không mong muốn này.
Điều trị tại nhà
Bản thân người bệnh cần chủ động và quyết tâm trong suốt quá trình điều trị, kiên trì hợp tác theo các chỉ định từ bác sĩ chuyên môn để việc điều trị có tiến triển tốt. Bên cạnh đó một lối sống tích cực, lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, luôn để tâm trí thư giãn cũng góp phần đẩy lùi các triệu chứng Chronophobia có hiệu quả hơn.
Một số phương pháp được đánh giá hữu ích trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà cho người bệnh bao gồm
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh xa các tình huống làm kích hoạt căng thẳng, lo âu
- Tập trung vào làm những việc có ích để quên đi nỗi sợ thời gian trôi, chẳng hạn như đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, đan lát hoặc bất cứ vấn đề nào đó mà không cần chú ý về thời gian
- Hướng tới các liệu pháp thư giãn, chẳng hạn như thiền hay yoga để xoa dịu cảm xúc, cân bằng tâm tâm trí, tránh xa các tình huống gây căng thẳng
- Duy trì thói quen vận động, thể dục thể thao hằng ngày, hít thở không khí trong lành của tự nhiên thay vì chỉ luôn trốn tránh trong nhà với nỗi sợ hãi
- Chia sẻ nỗi lo lắng, sợ hãi của bản thân với những người xung quanh để tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết, chẳng hạn như khi cần phải xem đồng hồ hay chuẩn bị đón nhận các sự kiện nào đó
- Thực hành liệu pháp hít thở để tự xoa dịu chính mình khi đứng các tình huống gây căng thẳng
- Chăm sóc và yêu thương bản thân nhiều hơn mỗi ngày
Hội chứng sợ thời gian trôi có thể xuất hiện trên rất nhiều người, tuy nhiên không phải lúc nào bản thân người bệnh cũng có thể tự ý thức được. Để vượt qua được hội chứng này còn phải phụ thuộc vào ý chí của từng bệnh nhân, tuy nhiên việc tuân thủ đúng hướng dẫn từ nhà trị liệu, thay đổi lối sống lành mạnh đều mang đến rất thay đổi tích cực cần thiết cho người bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng Stendhal gây ra nhiều triệu chứng không thể xem nhẹ
- Hội chứng Lithromantic là gì? Nhận biết và chữa trị thế nào?
- Hội Chứng Sợ Hãi Khi Không Có Điện Thoại Bên Cạnh (Nomophobia)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!