Cha Mẹ Nên Làm Gì Khi Con Có Suy Nghĩ Tự Sát?
Cần làm gì khi con có suy nghĩ tự sát là nỗi lo lắng của rất nhiều bậc phụ huynh. Thực tế khi phải đối mặt với tình trạng này, rất nhiều người không thể bình tĩnh và đôi khi còn có biểu hiện hoảng loạn. Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bố mẹ xử lý đúng cách khi nhận thấy con trẻ có ý nghĩ tự tử.
Nhận biết con có suy nghĩ tự sát
Vài năm trở lại đây, tình trạng tự sát, tự tử đã không còn quá xạ lạ. Dưới áp lực của cuộc sống, không ít trẻ phải đối mặt với trầm cảm, stress, lo âu và tổn thương tâm lý sâu sắc. Nếu không được chăm sóc sức khỏe tâm thần kịp thời, sự bi quan, bế tắc có thể khiến trẻ nảy sinh ý nghĩ tự sát.
Thực tế, các bậc làm cha làm mẹ chỉ chú ý đến sức khỏe thể chất và kết quả học tập mà không quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của con cái. Do đó, khi thấy con có ý nghĩ và hành vi tự sát, không ít phụ huynh rơi vào trạng thái bàng hoàng, hoảng loạn và không thể hiểu được lý do vì sao.
Ý nghĩ tự sát có thể là hành vi tạm thời khi trẻ phải đối mặt với những cú sốc đầu đời như kết quả học tập không như mong muốn, áp lực học tập, bị phản bội trong tình yêu, bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất, tình dục,… Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp nung nấu ý định này trong thời gian dài do stress mãn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm. Vì không thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực và phải đối mặt với sự đau khổ, dằn vặt sâu sắc nên việc hình thành ý nghĩ tự sát là dễ hiểu.
Để tránh những tình huống đáng tiếc, bố mẹ có thể phát hiện sớm con có suy nghĩ tự sát thông qua các biểu hiện như:
- Có những câu nói ẩn ý về cái chết một cách vô thức
- Trẻ trở nên lầm lì, hay thu mình trong phòng và nghĩ ngợi trong hàng giờ liền. Khi bố mẹ gọi hoặc đặt câu hỏi, trẻ thường lơ đễnh và trả lời một cách chậm chạp
- Bày tỏ sự bi quan trong lời nói và cách nhìn nhận vấn đề
- Cảm nhận rõ sự buồn chán, đau khổ trên gương mặt của con trẻ
- Có các hành vi bất thường như mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, bỏ ăn, dễ xung đột với mọi người xung quanh, sử dụng rượu bia, chất kích thích,… Đối với trẻ lớn, trẻ có thể có những hành vi buông thả không nghĩ đến hậu quả như đua xe, yêu đương mù quáng và quan hệ tình dục không an toàn.
Các biểu hiện này thường thấy ở người bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn lo âu. Đây đều là những bệnh lý có thể dẫn đến tự sát và các hành vi tự hại. Nếu nhận thấy con cái có các biểu hiện bất thường này, gia đình nên có biện pháp khắc phục kịp thời để tránh những tình huống đáng tiếc.
Nên làm gì khi con có suy nghĩ tự sát? Điều cha mẹ nên biết
Người có ý định tự sát thường không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bố mẹ hay những người xung quanh. Tuy nhiên, gia đình cần có sự quan tâm và can thiệp kịp thời để con cái vực dậy tinh thần và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Suy nghĩ tự sát của con cái thường bắt nguồn từ trầm cảm nặng và không thể thoát khỏi sự bế tắc, đau khổ. Lúc này, trẻ tin rằng, cái chết là phương thức duy nhất để giải tỏa mọi đau khổ và tìm thấy sự nhẹ nhàng trong tâm hồn.
Khi nhận thấy con cái có suy nghĩ tự sát, bố mẹ cần thực hiện ngay các biện pháp sau:
1. Cất, giấu những đồ vật có thể thực hiện hành vi tự sát
Ngay khi nhận thấy con cái có suy nghĩ tự sát, nên cất giấu toàn bộ những đồ vật có thể gây ra cái chết như kéo, dao, đồ sắc nhọn, súng, thuốc ngủ,… Nếu ở nhà cao tầng, nên khóa kín cửa sổ và theo sát những hành vi của trẻ để tránh những tình huống đáng tiếc.
Trẻ có suy nghĩ tự sát thường đang trong trạng thái bất ổn nên đây là biện pháp cần được ưu tiên. Mẹ có thể dọn dẹp phòng để tìm kiếm thuốc ngủ một cách kín đáo, tránh khiến cho trẻ bị hoảng loạn dẫn đến những hành vi nông nổi. Trong thời gian này, bố hoặc mẹ nên ở nhà để theo sát trẻ và tránh các hành vi tự sát, tự hại.
2. Chia sẻ và lắng nghe con cái
Sau khi cất giấu những vật dụng có thể gây ra cái chết, bố hoặc mẹ nên tìm cách trò chuyện với con cái. Khi trò chuyện, nên chú ý đến từ ngữ để tránh làm tổn thương trẻ và khiến tâm trạng của trẻ trở nên bất ổn hơn. Thay vào đó, nên có những lời nói nhẹ nhàng để tạo dựng lòng tin, có như vậy con trẻ mới thoải mái giãi bày hết những suy nghĩ trong lòng và kể cho bố mẹ vấn đề mà mình đang phải đối mặt.
Khi lắng nghe trẻ, bố mẹ cần tránh những câu nói phán xét và trách móc, chì chiết mặc dù trẻ đang có những suy nghĩ sai lệch. Điều này sẽ khiến cho tổn thương tâm lý trở nên sâu sắc hơn và trẻ sẽ dần xa cách bố mẹ. Thay vì la mắng, bố mẹ nên đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng để hiểu được rằng vấn đề không quá nghiêm trọng và mỗi người đều có cơ hội thứ 2 để làm lại.
Nếu trẻ bày tỏ sự chán ghét do bố mẹ quá đặt nặng thành tích và thường xuyên so sánh trẻ với người khác, bố mẹ nên thẳng thắn nhìn nhận sai lầm và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Khi nhận thấy sự đồng cảm và chia sẻ từ bố mẹ, con trẻ sẽ cảm nhận được chỗ dựa tinh thần vững chắc và có niềm tin hơn vào cuộc sống.
3. Tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm, căng thẳng
Trẻ ở trong giai đoạn tuổi dậy thì và thanh thiếu niên rất dễ bị trầm cảm, stress do tâm lý nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm sống. Tất cả các vấn đề trong cuộc sống như áp lực học tập, mâu thuẫn với bạn bè, người yêu, bị nhà trường trách phạt nặng nề, mất người thân, bị lạm dụng tình dục,… đều có thể khiến trẻ phải đối mặt với những tổn thương về mặt tâm lý.
Do đó, sau khi trấn an tinh thần của trẻ, nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không đơn giản bởi trẻ thường cố ý giấu bố mẹ vì sợ bị đánh giá và la mắng. Vì vậy trước tiên, bố mẹ cần thiết lập mối quan hệ thân thiết và đáng tin cậy để trẻ có thể mở lòng, chia sẻ mọi vấn đề.
4. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý
Sau khi tâm lý trẻ đã ổn định đôi phần, mẹ nên lựa lời để khuyên trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý. Thay vì nói rằng trẻ đang mắc bệnh, hãy dùng các từ ngữ nhẹ nhàng hơn như con đang gặp khó khăn về vấn đề tâm lý và có những vướng mắc khó giải quyết.
Để tạo lòng tin cho trẻ, bố mẹ cũng có thể chia sẻ với con về những thời điểm bị áp lực và gặp phải những vấn đề tương tự. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng việc bi quan, tiêu cực và có suy nghĩ tự sát là hoàn toàn bình thường.
Khi đến gặp bác sĩ tâm lý, trẻ không tránh khỏi cảm giác lo lắng và sợ hãi. Do đó, bố mẹ có thể ở bên cạnh trẻ cả khi thăm khám và điều trị. Nếu trẻ được chỉ định trị liệu tâm lý, gia đình cũng có thể tham gia trị liệu cùng để hiểu hơn về cảm xúc của trẻ và có những lời nói, hành vi phù hợp.
Đối với những trường hợp trầm nặng và stress nặng dẫn đến suy nghĩ tự sát, điều trị có thể gặp rất nhiều khó khăn vì bản thân trẻ đã bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Do đó, gia đình cần ở bên cạnh ủng hộ và động viên để trẻ tiếp tục cố gắng.
5. Hỗ trợ con xây dựng lối sống lành mạnh
Tinh thần bất ổn khiến sức khỏe thể chất của trẻ bị ảnh hưởng nhiều. Chính vì vậy, bố mẹ cần hỗ trợ con xây dựng lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe và nâng đỡ tinh thần. Ngoài ra, lối sống khoa học cũng giúp trẻ tránh xa việc sử dụng rượu bia và chất kích thích.
Cách xây dựng lối sống lành mạnh khi con có suy nghĩ tự sát:
- Trong thời gian đầu, nên chế biến các món ăn dễ nuốt và dễ tiêu hóa cho trẻ. Bởi lúc này, trẻ thường có dấu hiệu bỏ ăn và ăn uống kém. Khuyến khích trẻ ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Sau khi trẻ ổn định tâm lý, nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học để nâng đỡ tinh thần và cải thiện các vấn đề tâm lý mà trẻ đang gặp phải như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể dục thể thao. Nếu có thể, cả gia đình nên cùng tập luyện và vui chơi để tạo hứng khởi cho con cái. Hoạt động thể chất không chỉ mang lại lợi ích đối với sức khỏe mà còn giúp trẻ giải tỏa áp lực trong việc học và lấy lại trạng thái cân bằng.
- Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh tình trạng thức khuya và suy nghĩ quá nhiều. Trong thời gian này, bố hoặc mẹ nên ngủ cùng con để theo sát trẻ và có biện pháp xử lý kịp thời nếu có vấn đề bất thường.
Sau khi tâm lý của trẻ đã ổn định, gia đình vẫn cần duy trì cho trẻ lối sống khoa học để phòng ngừa các vấn đề tâm lý tái phát. Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp trẻ giữ sự cân bằng và biết cách kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống.
6. Cho con thấy những giá trị đang sở hữu
Khi tuyệt vọng và bi quan, trẻ không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực và thậm chí là tự sát. Một đặc điểm chung thường thấy ở người có ý nghĩ tự sát là luôn cảm thấy bản thân bất hạnh, vô dụng và không có bất cứ giá trị nào trong cuộc sống. Vì vậy, bên cạnh việc giúp trẻ cải thiện sức khỏe và chia sẻ, động viên, gia đình cần cho con trẻ thấy những giá trị mà bản thân đang sở hữu.
Đầu tiên, cần để cảm nhận được tình cảm gia đình và giúp trẻ hiểu rằng, gia đình luôn ở bên cạnh, đồng hành và chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nên cho trẻ thấy rằng bên cạnh những người không tốt, trẻ vẫn còn rất nhiều bạn bè và người thân quan tâm. Không thể để vì một người mà khiến những người xung quanh đau lòng.
Trẻ có suy nghĩ tự sát đều bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Do đó, gia đình cần mềm mỏng trong việc đưa ra lời khuyên và phải thật chú ý về lời nói. Bởi những câu nói dù không ác ý nhưng cũng khiến trẻ phải bận tâm và đau lòng.
Nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, con trẻ có thể tìm lại niềm vui trong cuộc sống và không còn suy nghĩ đến vấn đề tự sát. Tuy nhiên, gia đình vẫn cần tiếp tục theo dõi và đồng hành để giúp con cân bằng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm?
- Mệt mỏi áp lực vì điểm số và 5 cách giúp bạn vượt qua
- Áp lực học tập: Thực trạng và những hậu quả tiềm ẩn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!