Tâm lý người tự sát: Cách nhận biết & ngăn chặn hành vi
Hiểu về tâm lý người tự sát sẽ giúp chúng ta có thể nhận diện sớm và tìm cách ngăn chặn kịp thời. Hành vi tự sát dù mang tính chất bộc phát nhưng hầu hết mọi người đều đã có sự chuẩn bị từ trước đó và từng phát ra những tín hiệu cầu cứu. Một lời động viên đúng lúc của bạn hoàn toàn có thể là ánh đèn chiếu sáng kéo họ ra khỏi bóng tối đau khổ và thắp lên hy vọng để tiếp tục cuộc sống.
Tự sát và hành vi tự sát là gì?
Tự sát là hành vi một cá nhân tự ý kết thúc cuộc sống của mình, thường là do cảm giác tuyệt vọng, mất phương hướng hoặc không tìm thấy lối thoát khỏi những áp lực tâm lý, cảm xúc và tình huống khó khăn. Hành vi tự sát không chỉ đơn thuần là việc tự tử mà còn bao gồm các hành động có ý định gây tổn hại cho bản thân nhằm mục đích chấm dứt cuộc sống.
Hành vi tự sát có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau và thường trải qua một quá trình suy nghĩ, cân nhắc và lên kế hoạch. Đây là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, xã hội và cần được nhận biết, hỗ trợ kịp thời.
1. Tỷ lệ tự sát trên thế giới và Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đưa ra số liệu mỗi năm có đến 800.000 người tự sát trên thế giới, tương đương với việc cứ 40s lại có một người tự sát. Chưa kể đến 10- 20 triệu người có các hành vi tự sát nhưng không thành công. Tự sát vốn được coi là một hành vi tiêu cực nhất khi tâm lý của một người rơi vào khủng hoảng, đau khổ không thể giải thoát và khi tỷ lệ này cao đến thế có nghĩa đây là thực trạng rất đáng báo động.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tự sát không cao như ở một số quốc gia khác, nhưng vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 3.000-4.000 trường hợp tử vong do tự sát. Con số này có thể chưa phản ánh đầy đủ thực tế do nhiều trường hợp không được ghi nhận hoặc báo cáo chính thức.
Bản thân chúng ta không thể hiểu được vì sao một người lại có thể tự sát bởi các hành vi này vô cùng đau đớn. Mỗi người có một câu chuyện của riêng mình, ngưỡng tâm lý cũng khác nhau, khi vượt quá ngưỡng chịu đựng, cơ thể cạn kiệt năng lượng hoàn toàn thì tự khắc họ sẽ nghĩ đến việc chấm dứt những đau khổ này bằng việc tự sát.
Từ trạng thái tâm lý buồn bã, chán nản bình thường để đi đến hành vi tự sát không dài cũng không ngắn, tùy thuộc vào vấn đề mỗi người đang phải đối mặt. Có người quyết định tự kết liễu cuộc sống của mình chỉ trong tích tắc nhưng cũng có người phải đấu tranh tâm lý dai dẳng mới đi kết hành vi tiêu cực này.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tự sát thì vô vàn. Có người tự sát vì phải chịu áp lực từ gia đình, cha mẹ lúc nào cũng bắt ép họ phải làm theo những gì đã được sắp xếp đến mức không có tự do; có người tự sát vì thua lỗ sau đầu tư hay chơi bài bạc dẫn đến một số nợ khổng lồ vượt quá sức; tự sát vì bị bạo hành tinh thần, bị cô lập, bị nhiều người dùng những từ ngữ cay độc để tấn công mỗi ngày; tự sát vì tình yêu…
2. Các nhóm đối tượng có nguy cơ tự sát cao
Tự sát có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng có một số nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và có nguy cơ tự sát cao hơn:
- Tuổi tác: Thanh thiếu niên và người cao tuổi là hai nhóm đối tượng có nguy cơ tự sát cao nhất. Thanh thiếu niên thường phải đối mặt với áp lực học hành, sự thay đổi tâm lý và các vấn đề tình cảm. Người cao tuổi có thể cảm thấy cô đơn, mất mát và gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tâm thần.
- Giới tính: Tỷ lệ tự sát ở nam giới thường cao hơn nữ giới. Nam giới thường chọn các phương pháp tự sát có tính chất nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong khi đó, nữ giới thường có xu hướng tự làm hại bản thân hoặc dùng các phương pháp ít nguy hiểm hơn, do đó tỷ lệ tự tử không thành công ở nữ cao hơn.
- Tình trạng xã hội: Những người gặp khó khăn trong cuộc sống như mất việc, nợ nần, hoặc những người trải qua biến cố lớn như thất tình, ly hôn, mất người thân cũng có nguy cơ tự sát cao. Ngoài ra, những người sống trong môi trường bạo lực, bị lạm dụng hoặc chịu sự kỳ thị xã hội cũng dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng và có hành vi tự sát.
Nhận diện và hỗ trợ kịp thời cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn tự sát và bảo vệ sức khỏe tinh thần của cộng đồng.
Diễn biến tâm lý người tự sát
Hành vi tự sát thường khởi đầu bằng ý tưởng tự sát thoáng qua khi họ phải đối mặt với trạng thái đau khổ. Tần suất ý tưởng này xuất hiện ngày càng nhiều khi những khúc mắc trong tâm lý không được giải quyết và dần tiến triển thành kế hoạch tự sát, toan tự sát (tự sát không hoàn thành) hoặc tự sát thành công. Diễn biến của quá trình bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân, môi trường và quá trình chữa lành.
Tâm lý người tự sát có thể đã trải qua những cảm xúc, giai đoạn như sau:
- Đau khổ, nặng nề, tuyệt vọng, không còn cảm thấy hứng thú với bất cứ điều gì trong cuộc sống. Một cú sốc, hay những sự kiện xảy ra ngoài sức tưởng tượng khiến họ đau khổ và không thể nào vượt qua của một người chính là bắt nguồn cho những đau khổ này
- Luôn trong trạng thái hối hận, tội lỗi, tự trách cứ bản thân. Chẳng hạn một người bị phá sản luôn tự trách mình kém cỏi, cảm thấy vô dụng, vô giá trị; người bị áp lực gia đình cảm thấy tội lỗi vì không thể làm hài lòng cha mẹ; người sau chia tay luôn cảm thấy rằng lý do là nằm ở mình. Họ luôn quay cuồng trong cảm giác tự trách và không thoát ra được, làm gì cũng lo lắng, sợ hãi rằng sai lầm sẽ tiếp tục lặp lại
- Tâm lý người tự sát cũng thường trải qua giai đoạn mất niềm tin vào bản thân, đánh mất lòng tự trọng. Chính cảm giác tội lỗi đã khiến họ nghĩ rằng mình là người vô dụng, vô giá trị, không nên xuất hiện trên cuộc đời nên mới nảy sinh các suy nghĩ muốn tự sát. Mặt khác họ cũng tự so sánh bản thân với những chuẩn mực, giá trị đạo đức trong xã hội, với những người xung quanh và càng cảm thấy bản thân kém cỏi nên càng đau khổ hơn
- Tâm lý người sự sát đã bị cảm xúc tiêu cực chi phối, bất cứ điều gì cũng khiến họ cảm thấy giống như “thế giới đang quay lưng lại” với họ. Một chiếc lá vô tình rơi trúng cũng có thể khiến họ nghĩ rằng đến cái lá cây cũng muốn “bắt nạt” mình và trở nên suy sụp hơn
- Suy giảm nhận thức, không thể đánh giá các vấn đề một cách công bằng, đúng đắn, hành xử hoàn toàn theo cảm xúc. Mọi sự hy vọng, niềm tin của những người này dần bị sụp đổ khiến họ chỉ còn ở trạng thái “tồn tại” chứ không còn là sống. Tâm lý người tự sát lúc này hầu như không thể nghĩ gì về tương lai, thậm chí là sợ hãi khi nghĩ đến ngày mai phải thức dậy và bắt đầu một ngày mới
Diễn biến tâm lý người tự sát không phải lúc nào cũng giống nhau, tuy nhiên hầu hết đều trải qua các giai đoạn này. Rất khó để miêu tả nỗi đau khổ của một người nghiêm trọng đến thế nào mới khiến họ quyết định đi đến hành vi tiêu cực đến như thế. Nhưng chắc hẳn rằng, họ đã ở trong những giai đoạn vô cùng khó khăn và mệt mỏi đến mức không nói thành lời.
Dấu hiệu cảnh báo tự sát
Các chuyên gia cho biết, ý định tự sát thường không mang tính chất bộc phát mà đã được nuôi dưỡng trong thời gian dài. Một số người có thể chuẩn bị mọi thứ để thực hiện hành vi này nhưng một số khác có thể thực hiện đột ngột do cảm xúc lên tới cao trào và không thể kiểm soát được. Tất nhiên vẫn có nhiều trường hợp việc tự sát mới chỉ hình thành trong suy nghĩ và để tiến đến hành vi thực sự vẫn là một quá trình dài.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho biết rằng, trước khi thực hiện hành vi tự sát, hầu hết mọi người đều phát ra các “tín hiệu kêu cứu” để hy vọng được giúp đỡ. Tuy nhiên hầu như những người xung quanh đều bỏ qua các dấu hiệu này, thậm chí còn có những hành vi, lời nói vô tình làm thúc đẩy hành động này hơn. Bởi thế cần phải thấu hiểu, nắm bắt dấu hiệu tâm lý người tự sát để có hướng can thiệp hỗ trợ kịp thời.
Một số dấu hiệu cho thấy một người có tâm lý muốn tự sát như:
- Nói năng lộn xộn, khó hiểu, mơ hồ, thường bàn về cái chết, thậm chí là nói về việc bản thân muốn chết. Họ không ngừng than vãn, đưa ra những lời nói đầy bi quan về cuộc đời và nói rằng “ước gì mình chết đi”, “nếu tôi chết”.. Hoặc họ cũng có thể ám chỉ về việc nếu họ hết thì những người khiến họ đau khổ sẽ cảm thấy như thế nào. Tuy nhiên nếu ai hỏi họ có thể lảng sang những chuyện khác
- Không thiết tha với bất cứ điều gì từ việc vui chơi, ăn uống, trò chuyện.. Tất cả họ chỉ làm cho có mà không có bất cứ nhiệt huyết bởi họ cho rằng có làm nữa cũng vô nghĩa vì họ sắp không còn trên đời này
- Cảm xúc thường xuyên thay đổi và khó nắm bắt. Tâm lý người tự sát luôn lơ đãng, mất tập trung, buồn bã, từ chối tham gia các hoạt động, dễ cáu kỉnh hơn. Tuy nhiên họ cũng có thể đột ngột vui vẻ, nói cười liên miên, không ngừng tỏ ra hạnh phúc., đây có thể là dấu hiệu về việc họ chuẩn bị tự sát nên muốn từ biệt lần cuối với những người xung quanh
- Một số người có xu hướng chuẩn bị cho sự ra đi của mình bằng cách chuẩn bị tất cả mọi thứ, chẳng hạn cho đi những tài sản có giá trị; sắp xếp công việc; hướng dẫn cho những người trong gia đình làm một việc gì đó mà nếu không có họ, mọi người sẽ không thể hoàn thành; nói lời từ biệt với những người quan trọng hay chia sẻ những dòng trạng thái trên mạng xã hội
- Tâm lý người tự sát cũng bắt đầu chuẩn bị thực hiện các hành vi của mình bằng cách thu thập, tích trữ những dụng cụ có thể giúp họ chấm dứt cuộc sống. Chẳng hạn mua thuốc ngủ hoặc bất cứ loại thuốc nào, dao lam hay tìm kiếm các địa điểm, các cách thức giúp họ tự sát
- Có xu hướng dần tự cô lập bản thân, lảng tránh mọi người, nghỉ việc đột ngột hoặc khóa các tài khoản mạng xã hội
- Sống một cách bất cần, không còn quan tâm đến các quy tắc hay lời nói của người khác, làm mọi thứ mà họ dự định trước đó nhưng chưa từng được thực hiện
- Viết sẵn di chúc để có thể thực hiện tự sát bất cứ lúc nào
Khộng phải ai khi có ý định tự sát cũng bộc lộ các dấu hiệu này một cách rõ ràng. Có những người đã chuẩn bị cho cái chết của mình một cách âm thầm, nhẹ nhàng đến mức không ai ngờ tới. Bởi thế tỷ lệ tự sát hoàn thành vẫn rất cao khiến những người ở lại cũng vô cùng đau lòng và nuối tiếc.
Làm thế nào để ngăn chặn hành vi tự sát?
Nhiều người tự sát vì cảm thấy rằng đó là cách duy nhất để giải thoát cho chính khỏi khỏi những đau khổ, có người tự sát vì muốn trả thù, có người tự sát vì muốn tốt cho người ở lại. Thế nhưng chắc chắn rằng, khi một người chết đi bằng việc tự tử sẽ luôn để lại những đau khổ, tiếc nuối, cảm giác ân hận cho chính những người ở lại.
Trên thực tế, có những người có biểu hiện hết sức bình thường, lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nhưng không ngờ rằng, họ đang phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên khi đã phát hiện ra một người có biểu hiện bất thường về tâm lý, cần nhanh chóng tìm cách hỗ trợ, chăm sóc về tâm lý, động viên đúng cách, thậm chí là theo dõi hành vi để ngăn chặn hành vi tự sát có thể xảy ra.
Vậy cần làm gì khi phát hiện một người có tâm lý muốn tự sát?
- Trò chuyện và nhanh chóng liên hệ với chuyên gia tâm lý để hỗ trợ. Tâm lý người sự sát cực kỳ khủng hoảng và tiêu cực, nếu bạn vô tình nói một điều gì đó không đúng hoàn toàn có thể làm kích động họ, cho dù bạn mục đích của bạn là muốn động viên, an ủi họ. Do đó cách tốt nhất để ngăn chăn hành vi tự sát của một người chính là tìm đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn.
- Trong trường hợp phát hiện ai đó đang có hành vi thực hiện tự sát cần nhanh chóng trò chuyện để trấn tĩnh nạn nhân đồng thời gọi cho cảnh sát để tìm cách hỗ trợ. Lúc này chính bản thân bạn cũng cần bĩnh tĩnh, khéo léo để kết nối với nạn nhân, xoa dịu cảm xúc của họ để họ thay đổi suy nghĩ tiêu cực này.
- Nếu phát hiện người thân hay bạn bè có tâm lý tự sát, hãy nhanh chóng tìm kiếm xung quanh nơi ở của họ các công cụ dùng để thực hiện hành vi này, chẳng hạn như dao lam, dây thừng, thuốc ngủ. Ngoài ra cũng cần loại bỏ các công cụ có thể dùng tự tử xung quanh môi trường sống để ngăn chặn mọi hành vi này. Thông báo với người nhà hay những người chung sống để tạo ra đường dây liên kết, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi này xuất hiện
- Trò chuyện và tìm cách kết nối tâm lý để người có ý định tự sát có thể chia sẻ, giãi bày bởi khi nói ra được vấn đề của bản thân họ sẽ thấy dễ chịu hơn, nguôi ngoai phần nào ý định tự sát. Tuy nhiên nếu họ không muốn chia sẻ bạn tuyệt đối không được bắt ép mà cần tạo cho họ sự thoải mái, dễ chịu. Rủ rê họ tham gia các hoạt động xã hội, một buổi đi chơi, cùng thực hành thiền hay tìm hiểu về một hoạt động nào đó mang đến những giá trị tích cực có thể giúp cảm xúc mong muốn được sống của họ được kích hoạt lại
- Trò chuyện với nhà trị liệu để hiểu hơn về tâm lý người tự sát và tìm cách hỗ trợ khi cần thiết
- Chú ý đến lời nói, hành vi, cử chỉ để không làm đối phương thêm tổn thương. Chẳng hạn những câu nói như “chuyện nhỏ như con thỏ có gì đâu mà phải làm như vậy” hay ” cố gắng đi, chuyện gì rồi cũng qua”.. những lời nói tưởng chừng như an ủi này thực tế chỉ đang phủ nhận sự cố gắng “sống sót” của họ trong suốt thời gian qua và càng khiến họ mất đi động lực sống tiếp
- Tạo môi trường thuận lợi nhất để những người này nghỉ ngơi thư giãn, tránh các tác động tiêu cực.
- Tìm hiểu và giải quyết, cô lập nạn nhân với các nguyên nhân khiến họ muốn tự sát. Chẳng hạn người tự sát vì bạo lực mạng cần cách ly họ với các nền tảng mạng xã hội; người muốn tự sát vì thua lỗ, nợ nần cần tránh để họ tiếp xúc với các thông tin về việc đang bị đòi nợ hay áp lực về tiền bạc
- Xây dựng lối sống lành mạnh và khuyến khích nạn nhân cùng thực hiện, chẳng hạn như cùng tập thể dục hằng ngày, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, làm đẹp cho bản thân
Một số quan niệm sai lầm về tâm lý người tự sát
Một số người có những quan niệm sai về tự sát, khiến cho việc nắm bắt tâm lý tự sát gặp khó khăn, sai lầm. Dẫn tới không kịp thời ngăn chặn những hành vi dại dột. Dưới đây là một số thắc mắc, quan niệm sai cần loại bỏ.
1. Người tự sát luôn để lại thư tuyệt mệnh?
Không phải tất cả những người tự sát đều để lại thư tuyệt mệnh. Mặc dù nhiều người chọn cách này để bày tỏ nỗi đau, sự tuyệt vọng hoặc lý do dẫn đến hành vi của mình, nhưng một số lượng lớn các trường hợp tự sát xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc thư từ nào.
Việc không để lại thư tuyệt mệnh có thể do người tự sát không muốn hoặc không có cơ hội để viết. Trong một số trường hợp, họ có thể cảm thấy việc ra đi là điều dễ hiểu và không cần phải giải thích thêm. Do đó, việc không tìm thấy thư tuyệt mệnh không có nghĩa là hành động tự sát đó ít nghiêm trọng hay không có nguyên nhân cụ thể. Không dùng nó làm căn cứ để xác định tâm lý, hành vi người có ý định tự sát.
2. Người nói về ý định tự sát sẽ không tự sát?
Một quan niệm sai lầm khác là cho rằng những người nói về ý định tự sát thường chỉ muốn thu hút sự chú ý và sẽ không thực hiện. Trên thực tế, những lời nói hoặc hành vi cảnh báo liên quan đến tự sát cần được chú ý một cách nghiêm túc. Nhiều người trước khi tự sát đã bày tỏ ý định của mình hoặc đưa ra những dấu hiệu rõ ràng nhưng không được gia đình và bạn bè nhận thức đúng mức.
Những câu nói như “Tôi muốn chết,” “Cuộc sống này thật vô nghĩa” hoặc “Tôi không còn muốn sống nữa” đều là những tín hiệu cảnh báo. Tâm lý người tự sát rất phức tạp, việc bỏ qua hoặc coi nhẹ những lời nói này có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Điều quan trọng là chúng ta phải lắng nghe, thể hiện sự quan tâm và khuyến khích họ tìm đến sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý.
Tâm lý người tự sát có diễn biến khá nhanh chóng, phức tạp, không dễ dàng để phát hiện và nắm bắt. Mỗi người nên học cách quan tâm đến sức thần của bản thân và những người xung quanh để sớm phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện bất thường. Đôi khi chỉ cần bạn đối xử dịu dàng và chân thành với những người xung quanh cũng có thể kéo rất nhiều người thoát khỏi bờ vực tự sát, đưa họ đến một cuộc sống mới, tươi đẹp, tích cực và tràn đầy hy vọng.
Có thể bạn quan tâm
- Nguy Cơ Tự Sát Ở Thanh Thiếu Niên Và Cách Phòng Ngừa
- Cha Mẹ Nên Làm Gì Khi Con Có Suy Nghĩ Tự Sát?
- Rối loạn lo âu có tự hết không hay phải điều trị?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!