Mất ngủ do suy nhược thần kinh và cách chữa trị an toàn
Chứng mất ngủ kéo dài thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là tình trạng suy nhược thần kinh. Quá trình chữa bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì theo đuổi phác đồ điều trị và nghiêm túc tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh là gì?
Bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh là gì?
Mất ngủ kéo dài có thể khiến sức khỏe bệnh nhân từ từ suy kiệt và kéo giảm chất lượng cuộc sống theo thời gian. Tình trạng này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: căng thẳng kéo dài, lạm dụng chất kích thích, tác động của môi trường sống, yếu tố tuổi tác… Tuy nhiên, nguyên nhân hình thành cốt lõi của bệnh mất ngủ chính là sự suy nhược thần kinh.
Khi nồng độ của serotonin (chất dẫn truyền thần kinh giữ vai trò điều hòa cảm xúc, ổn định tâm trạng) suy giảm, các tế bào thần kinh sẽ bị thiếu oxy, máu và dưỡng chất, sau đó rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức, không thể chuyển sang trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi. Do đó, chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng đáng kể.
Mất ngủ là một trong những dấu hiệu nhận biết đầu tiên của chứng suy nhược thần kinh. Đa số bệnh nhân suy nhược thần kinh đều bị rối loạn giấc ngủ.
Suy nhược thần kinh là một trong những bệnh lý tâm căn phổ biến nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhân suy nhược thần kinh là 3 – 4% dân số, trong khi số liệu tương ứng ở các quốc gia Tây Âu vào khoảng 5 – 10%.
Triệu chứng của bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh
Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự thiếu ngủ, mất ngủ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường và Alzheimer. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng rủi ro mắc phải các dạng rối loạn tâm thần và tai nạn giao thông.
Nhìn chung, giấc ngủ quan trọng tương đương chế độ ăn uống và những hành vi hàng ngày khác. Giấc ngủ giúp chúng ta thư giãn tinh thần, tái tạo năng lượng sau một ngày dài học tập, làm việc chăm chỉ, đồng thời đảm bảo các cơ quan nội tạng (phổi, gan, ruột, tụy…) tiến hành thải độc hiệu quả.
Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy tinh thần hăng hái, đầu óc thư thái, cơ thể khỏe mạnh và sẵn sàng cho một ngày mới tràn đầy năng lượng. Ngược lại, tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ sẽ tác động sâu sắc đến não bộ cùng nhiều cơ quan khác nhau. Vì vậy, người bệnh dễ bứt rứt, khó chịu, cáu gắt, phiền muộn, khó tập trung, suy giảm trí nhớ…
Bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh khiến chúng ta khó chìm vào giấc ngủ, giấc ngủ chập chờn dù bản thân đang cảm thấy vô cùng buồn ngủ. Những dấu hiệu nhận biết điển hình của vấn đề này bao gồm:
- Khó ngủ, trằn trọc
- Giật mình thức giấc đột ngột và khó ngủ lại
- Tỉnh dậy quá sớm
- Luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi khi ngủ dại
- Mệt mỏi, lờ đờ và liên tục buồn ngủ vào ban ngày
- Lo lắng, khó chịu, nóng nảy, trầm cảm
- Không tập trung, khó chú ý, khả năng ghi nhớ ké,
- Căng thẳng, nhức đầu
Bệnh mất ngủ được phân chia thành mất ngủ cấp tính (diễn ra từ một đêm đến vài tuần) và mất ngủ mạn tính (kéo dài 3 đêm đến 1 tháng hoặc hơn).
Nếu không được quan tâm điều trị đúng mức, chứng mất ngủ cấp tính sẽ nhanh chóng phát triển thành chứng mất ngủ mạn tính. Thông thường, tình trạng mất ngủ mạn tính xuất hiện khi người bệnh bị trầm cảm, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh…
Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ ước tính, có 15 – 35% người trưởng thành bị mất ngủ cấp tính trong nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí 3 tháng và 10% người trưởng thành mắc chứng mất ngủ kinh niên.
Tình trạng mất ngủ mạn tính có thể giải phóng nhiều kích tố gây căng thẳng, cản trở quá trình dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng lớn đến chức năng điều chỉnh cảm xúc cùng khả năng suy nghĩ cũng như dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe – tâm lý nghiêm trọng.
Hệ lụy của bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh
Chứng suy nhược thần kinh có liên hệ mật thiết với căn bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu. Tình trạng mất ngủ kéo dài vừa là triệu chứng điển hình vừa là hậu quả dễ nhận thấy nhất của suy nhược thần kinh.
- Chứng suy nhược thần kinh có liên hệ mật thiết với căn bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.
Trên thực tế, những người bị mất ngủ đơn thuần tuy ngủ ít nhưng vẫn có tâm trạng bình ổn, đầu óc sáng suốt và tràn đầy năng lượng cho một ngày mới làm việc, học tập hăng say. Trong khi đó, các bệnh nhân bị mất ngủ do suy nhược thần kinh thường trở nên cáu gắt, uể oải, mệt mỏi, bực bội, rất muốn ngủ nhưng không thể ngủ được.
Các nhà khoa học ước tính, 35 – 50% ca bệnh mất ngủ kinh niên liên quan đến những vấn đề về tâm thần, đặc biệt là tâm căn suy nhược (hay suy nhược thần kinh).
Dưới góc nhìn Đông y
Y học cổ truyền quan niệm, suy nhược thần kinh khiến chức năng của tạng can và tâm mất đi thế thăng bằng “tâm chủ thần” vốn có. Đây chính là nguồn gốc của những triệu chứng mất ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu, cáu gắt, tức giận.
Khi chức năng của can bị ảnh hưởng, sự sơ tiết của can sẽ suy giảm đáng kể, từ đó tác động tiêu cực đến hàng loạt hoạt động tinh thần, bao gồm chứng ngủ không yên giấc (thể nhẹ) hoặc xuất hiện bệnh lý tâm thần (thể nặng).
Không chỉ dừng lại ở đó, với nhiệm vụ chủ huyết, tạng can là kho dự trữ và điều hòa dòng huyết của cơ thể. Khi chức năng này kém dần, quá trình lưu thông khí huyết sẽ trì trệ, gây ra hiện tượng đau nhức. Nếu cơ thể không thể thu huyết về can khi nghỉ ngơi, chúng ta sẽ bị khó ngủ, bồn chồn.
Để điều trị bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh, Đông y khuyến khích bệnh nhân làm việc, luyện tập, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, hợp lý, đồng thời áp dụng các bài thuốc an thần, dưỡng tâm, hành khí, sơ can, bổ huyết, hành huyết, giải uất nhằm lấy lại cân bằng chức năng tâm can.
Dưới góc nhìn Tây y
Các chuyên gia cho biết, bệnh mất ngủ do suy nhược tinh thần có thể tác động trực tiếp đến nhiều chức năng của cơ thể chúng ta. Tùy thuộc vào đặc điểm thể trạng và mức độ mất ngủ, tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả phức tạp, khó lường như:
- Suy giảm sức đề kháng, suy nhược cơ thể
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Tình trạng mất ngủ do suy nhược cơ thể có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối của nhân loại trong nhịp sống hiện đại.
Giấc ngủ giúp phục hồi não bộ, tái tạo năng lượng và chữa lành tổn thương. Sự suy nhược thần kinh đi kèm triệu chứng căng thẳng, mất ngủ kéo dài khiến cơ thể kiệt quệ, suy nhược, suy giảm hệ miễn dịch và tăng cường rủi ro mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm.
- Tâm trạng bất ổn, thất thường
Bệnh mất ngủ do suy nhược tinh thần có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý bệnh nhân, làm họ thường xuyên mệt mỏi, khó chịu, thay đổi cảm xúc nhanh chóng và rất dễ nổi cáu.
- Vấn đề về đường tiêu hóa
Hệ thần kinh trung ương có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tiêu hóa. Khi chúng ta mất ngủ, các bệnh lý ở đường tiêu hóa như: viêm ruột, viêm dạ dày, viêm tá tràng… sẽ phát sinh.
- Vấn đề về sinh lý
Tình trạng rối loạn chức năng tình dục ở đàn ông, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, suy giảm ham muốn ở cả hai giới thường đi kèm bệnh mất ngủ do suy nhược tinh thần.
- Nhồi máu cơ tim
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người bị mất ngủ vì căng thẳng và suy nhược tinh thần có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp 6 lần những người bình thường.
- Bệnh lý thần kinh
Chứng bệnh này thường là nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, trầm cảm cùng nhiều vấn đề tâm lý khác. Trong đó, bệnh trầm cảm khiến người bệnh liên tục chán nản, tuyệt vọng, tự làm tổn thương bản thân, thậm chí cố gắng tự sát.
Biện pháp chẩn đoán bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh
Nếu phát hiện bản thân có biểu hiện mất ngủ, độc giả cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Trên thực tế, người bệnh mất ngủ thường xuất hiện nhiều triệu chứng có thể dễ dàng nhận biết như: uể oải, lờ đờ, mệt mỏi, mắt trũng sâu…
Để đánh giá chính xác nguyên nhân hình thành và mức độ bệnh lý, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám trực tiếp và trao đổi cặn kẽ với bệnh nhân về tiền sử mắc bệnh cùng những vấn đề liên quan.
Bệnh nhân có thể được yêu cầu viết nhật ký theo dõi giấc ngủ để giúp chuyên gia nắm bắt tình trạng hiện tại của bạn, từ đó cân nhắc phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả.
Trong một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết (ví dụ xét nghiệm điện não – EEG) nhằm xác định liệu đây có phải là bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh hay không.
Phương pháp điều trị bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh
Quá trình điều trị mất ngủ do suy nhược thần kinh luôn là mối bận tâm hàng đầu của các bệnh nhân. Để đẩy lùi triệt để chứng bệnh này, bạn cần đáp ứng hai mục tiêu sau:
- Mục tiêu trước mắt là kiểm soát triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, bồn chồn, nhức đầu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Mục tiêu lâu dài là tăng cường nồng độ hormon serotonin, tăng cường cung cấp khí oxy và chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh, tăng cường thời gian bộ não nghỉ ngơi và tăng cường chức năng của hệ thống thần kinh.
Muốn chữa khỏi bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh, nhiều người bệnh đã vội vàng tìm đến thuốc an thần gây ngủ mà chưa tìm hiểu thực sự cặn kẽ.
Trên thực tế, những loại thuốc này có công dụng cản trở hoạt động của hệ thần kinh, từ đó buộc cơ thể rơi vào trạng thái buồn ngủ gượng ép. Thế nên, việc sử dụng thuốc Tây trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra hiện tượng nhờn thuốc, phụ thuộc thuốc, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Do đó, phương pháp điều trị nội khoa chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời, không thể loại bỏ hoàn toàn căn nguyên bệnh lý (tình trạng suy giảm hormon serotonin).
Các chuyên gia cho biết, phác đồ điều trị bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh bao gồm trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc Tây. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng bài thuốc Đông y và chữa bệnh theo một số mẹo dân gian dưới đây sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
1. Trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu nói chung và liệu pháp nhận thức – hành vi nói riêng là phương pháp điều trị suy nhược thần kinh hàng đầu hiện nay.
Nhà trị liệu sẽ trò chuyện với bệnh nhân để giúp họ xác định vướng mắc tâm lý, tìm kiếm nguyên nhân và thấu hiểu bản chất vấn đề, từ đó gợi ý phương án khắc phục cũng như hướng dẫn họ cách suy nghĩ, tư duy tích cực, lành mạnh hơn. Sau khi đã giải tỏa căng thẳng và loại bỏ ưu phiền, người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, bình an và ngủ ngon hơn hẳn.
- Tâm lý trị liệu nói chung và liệu pháp nhận thức – hành vi nói riêng là phương pháp điều trị suy nhược thần kinh hàng đầu hiện nay.
2. Sử dụng thuốc Tây
Căn cứ vào cơ chế phát sinh bệnh lý, các loại thuốc Tây trị suy nhược thần kinh sẽ tác động trực tiếp lên quá trình hưng phấn của hệ thần kinh.
Thuốc asthenal hoặc sulbutiamine (arcalion) thường được sử dụng sau khi người bệnh ăn sáng. Lưu ý, bạn không nên dùng thuốc vào buổi trưa, tối hoặc lúc đang đói bụng vì thuốc có thể gây mất ngủ, khó chịu, cồn cào ở vùng thượng vị.
Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể điều trị chứng suy nhược thần kinh hiệu quả. Tùy thuộc vào đặc điểm thể trạng, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn bạn sử dụng:
- Thuốc an thần giúp trấn tĩnh, ngăn ngừa cơn buồn ngủ.
- Thuốc bổ cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho não bộ và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.
- Thuốc giảm đau (phổ biến nhất là paracetamol) có tác dụng nhanh chóng, tức thì nhưng dễ gây độc cho gan nếu sử dụng liều cao thường xuyên.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có khả năng làm tăng hàm lượng serotonin. Nhóm thuốc này được bổ sung với liều thấp và sẽ tăng dần liều lượng khi cần thiết. Tác dụng không mong muốn của thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là gây khô miệng, buồn nôn, tiêu chảy, yếu cơ, buồn ngủ, mất ngủ, chóng mặt, rối loạn chức năng tình dục…
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng được chỉ định ở liều thấp, sau đó bác sĩ chuyên khoa sẽ tăng dần liều lượng tùy vào tình trạng bệnh lý. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này bao gồm: buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, khô miệng, táo bón, nôn ói, tăng cân, mờ mắt, thiếu năng lượng…
- Các vitamin nhóm B (vitamin B1, vitamin B6…) có thể chữa bệnh suy nhược thần kinh bằng cách tăng cường khả năng hoạt hóa của các synap. Tuy nhiên, độc giả không nên chủ quan cho rằng đây là thuốc bổ nên sử dụng tùy ý. Thực ra, nhóm thuốc này cung cấp yếu tố vi lượng, có thể tác động trực tiếp đến quá trình chuyển hóa dưỡng chất bên trong cơ thể nhưng đồng thời cũng dẫn đến một số tác dụng không tốt nếu bệnh nhân sử dụng quá liều hoặc sai chỉ định.
3. Áp dụng bài thuốc Đông y
Đối với những người bệnh suy nhược thần kinh, cơ địa thần kinh yếu (tiên nhiên không đủ) kéo theo công năng của tạng phủ (nhất là can, thận, tâm, tỳ) bị rối loạn. Dưới đây là những bài thuốc ứng với từng thể lâm sàng của bệnh lý này theo y học cổ truyền.
- Thể can khí uất kết
Do sang chấn tinh thần gây ra, thể can khí uất kết tương ứng giai đoạn hưng phấn, với các biểu hiện như: phiền muộn, uất ức, thở dài, ăn kém, trướng bụng, mạch huyền, rêu lưỡi trắng. Phép trị thể bệnh này là an thần, lý khí, sơ can.
Bài thuốc Sài hồ sơ can thang gia vị: Sắc kỹ 4g cam thảo, 6g thanh bì, 8g đan bì, 8g chi tử, 8g hoàng cầm, 10g sài hồ, 12g táo nhân, 12g bạch thược, 12g đương quy và 12g câu đằng. Uống 1 thang/ngày.
Bài thuốc Đan chi tiêu dao thang vị (nếu bệnh tình tiến triển thành can uất hóa hóa với triệu chứng miệng khô đắng, mặt đỏ): Sắc kỹ 4g cam thảo, 8g chi tử, 8g sài hồ, 8g đan bì, 8g bạc hà, 10g sinh khương, 10g phục linh, 12g đại táo, 12g bạch truật, 12g bạch thược, 12g đương quy và 12g táo nhân. Dùng 1 thang/ngày.
- Thể can tâm thận âm hư
Thể can thận âm hư tương ứng với 4 giai đoạn ức chế thần kinh, đó là:
1. Âm hư hỏa vượng có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, hay quên, ù tai, xúc động, hay mơ, ngủ ít, vui buồn thất thường, khô họng, khô miệng, táo bón, mạch huyền tế sác, nước tiểu đỏ, trong người nóng bừng. Phép trị an thần, tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương.
- Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị: Sắc kỹ 8g bá tử nhân, 8g cúc hoa, 8g trạch tả, 8g bạch linh, 8g đan bì, 10g sơn thù, 10g táo nhân, 12g hoài sơn, 12g kỷ tử, 12g sa sâm, 12g mạch môn và 16g thục địa. Uống 1 thang/ngày.
- Bài thuốc Thiên vương bổ tâm đan: Sắc kỹ 6g viễn chí, 8g ngũ vị, 12g đương quy, 12g huyền sâm, 12g đẳng sâm, 12g đan sâm, 12g phục thần, 12g sinh địa, 12g mạch môn, 12g táo nhân, 12g bá tử nhân và 12g cát cánh. Dùng 1 thang/ngày.
2. Tâm can thận âm với biểu hiện di tinh, ù tai, đau lưng, hồi hộp, ngủ ít, nhức đầu, táo bón, miệng ít khô, nước tiểu trong, mạch tế. Phép trị cố tinh, an thần, bổ can huyết, bổ thận âm.
- Bài thuốc Tả quy thang gia giảm: Sắc kỹ 8g quy bản, 8g bá tử nhân, 10g sơn thù, 12g kỷ tử, 12g hoài sơn, 12g thỏ ty tử, 12g lộc giác giao, 12g táo nhân, 12g ngưu tất và 16g thục địa. Uống 1 thang/ngày.
- Bài thuốc Lục vị quy thược thang gia vị: Sắc kỹ 8g bạch linh, 8g trạch tả, 8g đan bì, 10g sơn thù, 12g hoài sơn, 12g đương quy, 12g bạch thược, 12g kim anh, 12g liên nhục, 12g khiếm thực, 12g táo nhân và 16g thục địa. Dùng 1 thang/ngày.
3. Tâm tỳ hư có triệu chứng ăn kém, ngủ ít, dễ hoảng sợ, mệt mỏi, sút cân, hồi hộp, mạch nhu, mắt thâm quầng, rêu lưỡi trắng, hoãn, tế. Phép trị an thần, dưỡng tâm, kiện tỳ.
- Bài thuốc Quy tỳ thang: Sắc kỹ 6g viễn chí, 8g mộc hương, 12g hoàng kỳ, 12g bạch truật, 12g phục thần, 12g đại táo, 12g đương quy, 12g long nhãn, 12g táo nhân và 16g đẳng sâm. Uống 1 thang/ngày.
4. Thận âm thận dương hư với biểu hiện đau lưng, mỏi gối, lạnh tay chân, liệt dương, di tinh, uể oải, sắc mặt trắng, tiểu nhiều, ngủ ít, sợ lạnh, nước tiểu trong, mạch trầm tế không lực, lưỡi trắng nhạt. Phép trị cố tinh, an thần, bổ thận âm, ôn thận dương.
- Bài thuốc Thận khí thang gia vị: Sắc kỹ 4g nhục quế, 4g phụ tử, 6g ngũ vị, 6g viễn chí, 6g ích trí nhân, 8g kim anh, 8g trạch tả, 8g bạch linh, 8g đan bì, 8g thỏ ty tử, 10g sơn thù, 12g hoài sơn, 12g táo nhân và 16g thục địa. Uống 1 thang/ngày.
- Bài thuốc Hữu quy thang gia giảm: Sắc kỹ 4g nhục quế, 4g phụ tử, 6g viễn chí, 10g sơn thù, 12g hoài sơn, 12g kỷ tử, 12g thỏ ty tử, 12g lộc giác giao, 12g ngưu tất, 12 táo nhân, 12g đỗ trọng và 16g thục địa. Dùng 1 thang/ngày.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc đơn lẻ sau:
Bài thuốc Thủ ô ty tử hoàn điều trị chứng ăn ít, kém ngủ, thiếu máu, ho lao, di mộng hoạt tinh, suy nhược cơ thể.
- Chuẩn bị 50g mộc nhĩ (tẩm giấm sấy khô), 50g kê nội kim (tẩm giấm sao), 50g thực diềm rang khô, 80g đậu đen, 80g ngải cứu khô, 260g hà thủ ô đỏ chế (sao vàng), 130g liên nhục (bỏ tim sao giòn), 260g thỏ ty tử (sao qua), 260g cám gạo nếp mịn (sao vàng), 260g lộc giác sương (sao vàng), 10 quả trứng gà (đã luộc chín), 520g mật mía và 520g kẹo mạch nha
- Sơ chế và tán tất cả vị thuốc thành dạng bột mịn
- Luyện toàn bộ nguyên liệu với mật mía và kẹo mạch nha để cô đặc thành châu
- Hoàn viên cỡ hạt bắp
- Uống 20 viên/lần, 2 lần/ngày với nước sôi để nguội
- Kiêng rau thơm và thức ăn cay nóng
Bài thuốc Khung chỉ thảo quyết táo nhân thang chủ trị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt (đơn thuần), mất ngủ vì suy nhược thần kinh.
- Chuẩn bị 8g tang diệp khô, 8g lá vông khô, 8g bình vôi, 12g xuyên khung, 12g bạch chỉ, 12g thảo quyết minh (sao thơm), 12g táo nhân (sao cháy), 12g trinh nữ tử (sao thơm), 12g lạc tiên (khô) và 20g mè đen (rang khô bỏ vỏ)
- Sắc tất cả dược liệu với 600ml nước sạch cho đến khi dung dịch cô cạn còn 200ml
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Uống 1 thang/ngày, vào 2 buổi sáng – tối
Bài thuốc Tiêu dao thang gia vị điều trị mệt mỏi, ăn kém, ít ngủ, mạch phù sác, rêu lưỡi trắng.
- Chuẩn bị 2g cam thảo, 4g đơn bì, 4g uất kim, 4g chi tử, 4g xuyên khung, 4g bạc hà, 8g phục linh, 8g đương quy, 8g bạch thược (sao), 8g sài hồ, 8g táo nhân (sao), 8g hương phụ và 12g thục địa
- Sắc tất cả dược liệu với 600ml nước sạch cho đến khi dung dịch cô cạn còn 100ml
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Uống 1 thang/ngày
Bài thuốc Quy tỳ thang gia giảm chủ trị ăn kém, ngủ ít, hốt hoảng, mạch hoãn, lưỡi trắng, mắt thâm quầng, mệt mỏi, hốt hoảng, suy nhược lâu ngày.
- Chuẩn bị 2 quả đại táo, 4g mộc hương (tán bột để riêng), 8g đẳng sâm, 8g bạch truật, 8g long nhãn, 8g táo nhàn, 8g phục thần, 8g ý dĩ, 8g viễn chí, 8g liên nhục, 8g hoàng kỳ, 8g đương quy, 8g kỷ tử và 12g hắc đậu
- Sắc tất cả dược liệu (trừ mộc hương) với 800ml nước sạch cho đến khi dung dịch cô cạn còn 200ml, sau đó cho bột mộc hương vào khuấy đều
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Uống 1 thang/ngày
Bài thuốc Quy tỳ gia thục địa thang điều trị miệng khô, mệt mỏi, sắc da xanh xao, cơ thể gầy gò, hơi thở yếu, tiếng nói nhỏ, mi mắt thâm quầng, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, ngủ ít, ợ hơi, chậm tiêu, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch trầm huyền, đôi khi đại tiện lẫn máu tươi.
- Chuẩn bị 2g ngũ vị tử, 4g mộc hương, 4g cam thảo chích, 10g viễn chí, 10g đại táo, 10g long nhãn, 12g bạch linh, 12g bạch thược, 12g táo nhân (sao đen), 15g đẳng sâm, 15g bạch truật (sao), 15g hoàng kỳ, 12g đương quy và 20g thục địa (sao khỏe)
- Sắc tất cả dược liệu với 800ml nước sạch cho đến khi dung dịch cô cạn còn 200ml
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Uống 1 thang/ngày
Bài thuốc An thần cố tính thang chủ trị liệt dương, di tinh, gối yếu mỏi, sắc mặt trắng, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu nhiều (nước trong), ít ngủ, mạch trầm tế vò lực, lưỡi trắng nhợt.
- Chuẩn bị 4g nhục quán (tán hột gói riêng), 4g trạch tả, 4g đơn bì, 8g hoài sơn, 8g sơn thù, 8g phục linh, 8g phụ tử chế, 8g viễn chí, 8g kim anh tử, 8g khiêm thực, 8g ba kích, 8g kỷ tử, 8g thỏ kỷ tử, 12g nhục thung dung, 12g phúc bồn tử, 12g đỗ trọng, 12g thục địa, 12g táo nhân và 2 quả đại táo
- Sắc tất cả dược liệu với 800ml nước sạch cho đến khi dung dịch cô cạn còn 200ml
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Uống 1 thang/ngày
Bài thuốc Thủy lục nhị tiên đơn điều trị mỏi gối, đau lưng, hoạt tinh, di mộng (ở đàn ông) và bạch đới, đại tiện lỏng (ở phụ nữ).
- Chuẩn bị 500g khiếm thực, 500g kim anh tử và mật ong nguyên chất vừa đủ
- Sấy khô hai nguyên liệu ở 50 độ C, tán thành bột mịn
- Cho thêm mật ong, cố thành châu, luyện làm hoàn (12g/hoàn)
- Uống 1 hoàn/lần, 3 lần/ngày với nước sôi để nguội
- Kiêng kỵ thức ăn cay nóng
Khi áp dụng những bài thuốc Đông y trên, bạn cần lưu ý:
- Tìm mua dược liệu an toàn, chất lượng, có nguồn gốc – xuất xứ rõ ràng
- Cam thảo kỵ hồng đại kích, hải tảo, cam toại, nguyên hoa
- Xích thược kỵ lê lô
- Ngưu tất kỵ thai, tránh dùng
- Đào nhân kỵ thai, cần thận trọng
4. Chữa bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh theo kinh nghiệm dân gian
Hiện nay, để điều trị bệnh mất ngủ do suy nhược thần kinh, nhiều bệnh nhân đã tin tưởng áp dụng mẹo chữa dân gian từ những loại thảo dược an toàn, lành tính như:
Cây đinh lăng
Với nhiều dưỡng chất thiết yếu (vitamin B1, vitamin B13, cysteine, lysine, methionine), cây đinh lăng có thể hỗ trợ quá trình dẫn truyền thông tin, tăng cường khả năng phản xạ tự nhiên của cơ thể, đồng thời cải thiện triệu chứng mất ngủ vì suy nhược thần kinh.
- Cây đinh lăng có thể hỗ trợ quá trình dẫn truyền thông tin, tăng cường khả năng phản xạ tự nhiên của cơ thể, đồng thời cải thiện triệu chứng mất ngủ vì suy nhược thần kinh.
Bệnh nhân có thể uống trà đinh lăng, làm gối đinh lăng hoặc chế biến nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng từ nguyên liệu này.
Cây trinh nữ
Với nhiều thành phần an thần, cây trinh nữ giúp xoa dịu tinh thần và điều trị suy nhược thần kinh an toàn, hiệu quả. Muốn cải thiện bệnh lý, bạn có thể dùng nước trinh nữ hàng ngày vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
Tâm sen
Tâm sen có khả năng ổn định nhịp tim và điều hòa huyết áp. Người bệnh có thể uống trà tâm sen hàng ngày hoặc sắc kỹ tâm sen với lá vông, củ bình vôi, hạt táo chưa sao và long nhãn để tăng cường hiệu quả chữa bệnh.
Gạo lứt
Gạo lứt rất giàu vitamin và khoáng chất. Loại thực phẩm này giúp an thần, hạn chế căng thẳng, đẩy lùi mất ngủ và bồi bổ cơ thể. Cháo long nhãn gạo lứt là món ăn lý tưởng dành cho các bệnh nhân mất ngủ do suy nhược tinh thần.
Ngoài ra, bạn có thể ưu tiên chế biến các món ăn có tác dụng an thần trong bữa ăn hàng ngày như: canh nấm đầu khỉ thịt gà, câu kỷ tử, táo đỏ nấu trứng gà, canh hạt sen tim heo, mứt dâu tây, gà hầm tam thất, gà hầm hà thủ ô, canh thịt heo hàu biển…
Mất ngủ do suy nhược thần kinh là bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Để chủ động phòng tránh tình trạng này, bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên và đảm bảo lịch ngủ khoa học.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh mất ngủ mạn tính (kinh niên) có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
- 10 món ăn giúp chữa bệnh mất ngủ hiệu quả
- 15 loại thức uống chữa mất ngủ, giúp ngủ ngon và sâu hơn
- 10 cách chữa bệnh mất ngủ tại nhà bằng phương pháp dân gian
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!