Mộng du là gì? Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa
Là dạng rối loạn giấc ngủ tương đối phổ biến, mộng du khiến bệnh nhân bất ngờ bật dậy, đi lại hay lầm bầm trong lúc say ngủ. Theo thống kê, khoảng 40% trẻ em từng mắc phải chứng bệnh này vào một thời điểm nào đó trong thời thơ ấu.
Mộng du là gì?
Mộng du (hay còn gọi là chứng miên hành) là tình trạng rối loạn hành vi xảy ra khi người bệnh ở trong trạng thái ngủ sâu. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể đột ngột ngồi dậy, đi quanh phòng, nói những điều vô nghĩa hoặc thực hiện các hành động khác thường mà không hề tỉnh táo.
Khi bị mộng du, bệnh nhân không thể phản ứng với sự kiện xung quanh và hoàn toàn không có ấn tượng về chúng. Hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và người thiếu ngủ. Một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Neurology cho thấy mộng du là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương bản thân. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể trèo lên cửa sổ, ra khỏi nhà, lái xe hoặc thậm chí nhảy lầu.
Đặc điểm của cơn mộng du
Hiện tượng mộng du thường diễn ra vào 1 – 2 giờ sau khi bệnh nhân bước vào giai đoạn 3 – 4 của giấc ngủ sâu (giấc ngủ NREM – không có chuyển động mắt nhanh) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi tỉnh giấc, người bệnh hoàn toàn không nhớ về những sự việc đã xảy ra.
Khi bị mộng du, người bệnh sẽ bất ngờ ngồi dậy, mở mắt và đi lại quanh phòng, thậm chí tiến về nơi có ánh sáng. Trẻ hay sang phòng của cha mẹ, trèo lên cửa sổ hoặc mở cửa để ra ngoài. Người bệnh còn thực hiện nhiều hành động vụng về như tiểu vào thùng rác, cởi hoặc mặc thêm quần áo, di chuyển đồ đạc, nấu ăn, ăn uống vô độ,…. Một số người còn lái xe một quãng đường dài trong khi đang ngủ.
Các chuyên gia cho biết, có hai trạng thái mộng du đặc biệt là:
- Mộng du liên quan đến hành vi ăn uống: Bệnh nhân ăn uống vô độ trong vô thức, tiêu thụ những món ăn kỳ dị và thường chỉ phát hiện ra bằng chứng của sự việc này vào sáng hôm sau.
- Mộng du liên quan đến hành vi tình dục: Người bệnh hoạt động tình dục ở nhiều mức độ khác nhau (vuốt ve, thủ dâm, giao hợp trong khi đang ngủ) và không hề nhận biết điều này. Dạng mộng du thường gặp ở nam giới và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cũng như gây rạn nứt nhiều mối quan hệ xã hội.
Sự thật thú vị về mộng du
- Mộng du xuất hiện ở khoảng 15% trẻ em 8 – 12 tuổi và thường tự biến mất vào giai đoạn trưởng thành
- Tỷ lệ người lớn mộng du chỉ chiếm 2,5% dân số nói chung
- Trẻ em mộng du hay nói mớ khi ngủ và sợ hãi ban đêm.
- Đa số trẻ em bị bệnh mộng du không cần can thiệp điều trị
- Có 20% bệnh nhân vẫn bị mộng du khi đã trưởng thành
- Cứ 3 người thì có 1 người mắc phải chứng bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời
- Nguy cơ bị bệnh mộng du của một người có cha hoặc mẹ (hoặc cả hai) từng bị mộng du thường cao hơn 10 lần so với người bình thường
- Khi đang trong trạng thái mộng du, người bệnh nên được đảm bảo an toàn và hướng dẫn quay lại giường ngủ mà không bị đánh thức.
Dấu hiệu bị mộng du
Mộng du thường xảy ra vào đêm khuya, sau khi đi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ và ít xuất hiện vào buổi trưa. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, hiện tượng này có thể kéo dài trong vài phút hoặc lâu hơn. Những triệu chứng điển hình của mộng du bao gồm:
- Ngồi dậy, bước ra khỏi giường và đi lại xung quanh trong khi đang ngủ
- Ngồi trên giường, mở mắt, đôi mắt vô hồn đờ đẫn
- Thực hiện một số hành động theo thói quen như: ăn nhẹ, nói chuyện, thay đồ…
- Khó bị đánh thức
- Không giao tiếp với người khác hay phản ứng với tình huống
- Bối rối, lúng túng và mất phương hướng trong một khoảng thời gian ngắn sau khi bị đánh thức
- Ngủ lại nhanh chóng
- Hoàn toàn không nhớ về cơn mộng du tối hôm trước
- Ám ảnh, sợ hãi ban đêm
- Đi khỏi nhà, lái xe, đi tiểu trong thùng rác/tủ quần áo, quan hệ tình dục vô thức, bị thương vì nhảy qua cửa sổ hoặc té xuống cầu thang (trong những trường hợp hiếm gặp)
- Trở nên bạo lực trong lúc mộng du hoặc sau khi thức dậy
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mộng du
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, sốt cao, thiếu magie, không ngủ đủ giấc, ốm đau liên miên, trào ngược dạ dày – thực quản cùng thói quen sử dụng một số loại thuốc an thần, thuốc kháng histamin chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Bên cạnh đó, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác chẳng hạn việc ngủ ở chỗ lạ, ồn ào, quá nhiều ánh sáng hoặc bàng quang chứa đầy nước tiểu.
Hiện tượng mộng du ở người lớn có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá – rượu bia, phản ứng của cơ thể với thuốc Tây, rối loạn tâm thần, rối loạn hơi thở khi ngủ (trong đó có chứng ngưng thở khi ngủ), hội chứng chân không yên, chứng ngủ gà, đau nửa đầu, trào ngược dạ dày – thực quản, chấn thương, cường giáp, đột quỵ…
Trong khi đối với người già, căn bệnh này có thể là dấu hiệu cảnh báo về những rủi ro về bệnh mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua… Và đặc biệt 2 yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình hình thành dạng rối loạn giấc ngủ này là gen di truyền và tuổi tác.
Ai dễ bị mộng du?
Mộng du có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng không phải ai cũng dễ gặp phải hiện tượng này. Mỗi người đều có những yếu tố khác nhau tác động đến giấc ngủ, và mộng du thường xuất hiện ở một số đối tượng cụ thể:
- Những người có tiền sử gia đình bị mộng du, vì hiện tượng này có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Trẻ em trong giai đoạn phát triển, khi đối mặt với sự thay đổi lớn trong cuộc sống như chuyển trường, chuyển nhà.
- Người có thói quen ngủ không đều đặn, thường xuyên thiếu ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn.
- Người mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng kéo dài.
- Những người thường xuyên sử dụng các chất kích thích như caffeine, thuốc lá, rượu bia.
- Người sử dụng một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm.
- Người lớn nhưng vẫn gặp mộng du kéo dài từ thời thơ ấu mà chưa được giải quyết.
Người bị mộng du có nói chuyện không?
Người bị mộng du hoàn toàn có khả năng nói chuyện, mặc dù trong trạng thái này lại không hoàn toàn tỉnh táo. Khi đang mộng du, não bộ vẫn hoạt động, dẫn đến việc người bệnh có thể phát ra âm thanh, nói ra những câu đơn giản hoặc phức tạp. Tuy nhiên, những câu nói này thường không có ý nghĩa rõ ràng và không liên quan đến thực tế.
Trong quá trình nói chuyện, người mộng du hay nói lảm nhảm với những câu không đầu không đuôi, khiến cho người nghe cảm thấy khó hiểu. Nếu ai đó hỏi bệnh nhân một câu, họ có thể trả lời một cách máy móc nhưng không liên quan. Thậm chí, một số người còn có thể hát những bài hát quen thuộc.
Nguyên nhân chính xác khiến người mộng du có thể nói chuyện vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng điều này liên quan đến việc não bộ chưa chuyển hoàn toàn từ trạng thái ngủ sang trạng thái thức. Do đó, não bộ vẫn điều khiển các cơ miệng và thanh quản, khiến người bệnh có thể tạo ra âm thanh và lời nói trong khi vẫn đang trong giấc ngủ.
Có nên đánh thức người bị mộng du không?
Hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo không nên đánh thức người bị mộng du một cách đột ngột. Khi mộng du, người bệnh không nhận thức được tình huống xung quanh nên việc thức tỉnh bất ngờ có thể khiến họ hoảng sợ, bối rối hoặc thậm chí tức giận. Thay vì cố đánh thức, bạn có thể nhẹ nhàng hướng dẫn họ trở về giường một cách an toàn, tránh xa những nguy hiểm tiềm ẩn. Một giọng nói nhẹ nhàng, một cái chạm nhẹ vào vai đưa người bệnh trở lại giấc ngủ mà không gây ra phản ứng tiêu cực.
Nếu cần phải đánh thức người mộng du, hãy làm điều này một cách hết sức cẩn trọng. Trong trường hợp này, hãy sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái và thực hiện các động tác từ tốn. Khi tỉnh dậy, người mộng du dễ cảm thấy lẫn lộn và không nhớ gì về sự việc vừa diễn ra nên hãy giúp họ bình tĩnh và thư giãn để tránh cơn hoảng loạn.
Cách xử lý khi gặp người mộng du
Mộng du tuy không phải là tình trạng quá hiếm gặp, nhưng nếu không biết cách xử lý đúng thì người bệnh có thể vô tình gặp nguy hiểm. Để bảo vệ cả bệnh nhân lẫn mọi người xung quanh trong tình huống này, cần phải có biện pháp đối mặt phù hợp như sau:
- Giữ bình tĩnh, đừng để sự lo lắng hoặc bất ngờ của mình ảnh hưởng đến tình trạng của người đang mộng du
- Không nên cố gắng đánh thức người mộng du bởi họ dễ bối rối, mất phương hướng và có hành vi kích động
- Đảm bảo an toàn cho người bệnh bằng cách nhẹ nhàng dẫn người đó quay trở lại giường ngủ, tránh để các vật dụng nguy hiểm như dao kéo, đồ vật sắc nhọn trong tầm với
- Nếu tình trạng mộng du xảy ra thường xuyên, nên khuyên người bệnh tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để có hướng điều trị phù hợp
- Luôn quan sát và theo dõi tình trạng của người bệnh để kịp thời can thiệp nếu có dấu hiệu mệt mỏi, nguy hiểm khác
Mộng du có nguy hiểm không?
Mộng du về cơ bản không phải là một tình trạng nguy hiểm, nhưng trong một số trường hợp lại gây ra nguy hiểm cho người bệnh. Do đang ngủ và không kiểm soát được hành động của mình, người mộng du có thể đi lại vấp ngã, va chạm với các vật thể trong nhà. Hơn nữa, chấn thương có thể xảy ra khi người bệnh rơi vào tình huống nguy hiểm như ngã cầu thang, va chạm với phương tiện giao thông.
Mộng du không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn có thể gây ra căng thẳng. Những người mắc phải chứng này trở nên bối rối, xấu hổ về các hành động xảy ra trong giấc ngủ. Điều này có thể khiến họ lo ngại về việc mộng du sẽ tái diễn và gây thêm căng thẳng, mệt mỏi và mất tập trung trong ngày hôm sau.
Không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân người mộng du, tình trạng này còn tác động đến người sống chung. Bạn cùng giường, người thân cùng nhà có thể bị gián đoạn giấc ngủ khi người bệnh mộng du gây khó chịu và gây nguy cơ tai nạn cho cả hai. Những hành động bạo lực, hành vi bất thường khác trong lúc mộng du có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ và chất lượng sống của mọi người trong gia đình.
Biện pháp chẩn đoán bệnh mộng du
Bác sĩ sẽ thu thập thông tin từ bệnh nhân, người chăm sóc về các hành vi khi ngủ. Đồng thời hỏi về tiền sử bệnh lý bao gồm các vấn đề liên quan đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Từ đó, đưa ra chẩn đoán mộng du dựa trên những mô tả chi tiết này. Ngoài ra, việc ghi chép thói quen ngủ trong một khoảng thời gian nhất định cũng rất hữu ích, giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của người bệnh.
Để tìm ra nguyên nhân gây mộng du, bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố khác nhau. Một số tác nhân chính có thể gây ra chứng mộng du bao gồm:
- Các điều kiện y tế khác
- Sử dụng thuốc Tây
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn tâm thần
- Lạm dụng chất kích thích
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác định tình trạng mộng du một cách chính xác hơn. Một số phương pháp xét nghiệm thường được áp dụng bao gồm:
- Đa ký giấc ngủ (polysomnography) để ghi lại hoạt động não, nhịp tim, hô hấp
- Điện não đồ (EEG) để theo dõi hoạt động điện não
- Điện cơ đồ (EMG) để đo lường hoạt động cơ
- Ghi chép và theo dõi hành vi ngủ qua camera hoặc thiết bị ghi âm tại nhà
Phương pháp điều trị bệnh mộng du
Hiện tượng mộng du thường tự động biến mất khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên, nên các bé không cần điều trị đặc hiệu. Khi thấy con bất ngờ ngồi dậy và đi lại giữa đêm, cha mẹ nên dẫn bé đến nhà vệ sinh và sau đó đưa lại giường. Trạng thái mộng du thường chấm dứt ngay khi trẻ về giường. Để hạn chế tai nạn, phụ huynh cần khóa cửa cẩn thận và cho trẻ ngủ trong giường lớn bởi kiệt sức có thể tăng nguy cơ mộng du.
Nếu cần dậy sớm vào buổi sáng, hãy tập cho trẻ thói quen ngủ sớm theo khung giờ định sẵn. Cha mẹ cũng nên ghi chép thời điểm con đi ngủ và bắt đầu mộng du, sau đó đánh thức bé khoảng 15 phút trước lúc mộng du và giữ cho thức trong 5 phút, lặp lại trong 7 đêm. Nếu tình trạng mộng du vẫn tái diễn, hãy luyện tập lại trong 7 đêm tiếp theo.
Điều chỉnh lối sống
Điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị mộng du là nâng cao chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và thường xuyên luyện tập thể dục.
- Cải thiện giấc ngủ: Lịch ngủ khoa học là chìa khóa giúp đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Vào buổi tối trước giờ đi ngủ, hãy tránh xa mọi thiết bị điện tử, tắt hết hệ thống đèn phòng, che rèm, bật đèn ngủ, tắm bằng nước ấm, thưởng thức sữa ấm, đọc vài trang sách để ngủ ngon hơn.
- Xoa dịu căng thẳng: Thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, bổ ích như thiền định, tập yoga, trò chuyện với người thân, sống với sở thích (vẽ tranh, nấu nướng, làm gốm, may vá, thêu thùa, làm đồ thủ công…) sẽ giúp tinh thần thêm phấn chấn, vui vẻ và lạc quan.
- Tập thể dục điều độ: Các động tác thể dục vừa sức giúp rèn luyện cơ bắp, thư giãn đầu óc và dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, đừng tập thể dục quá gần khung giờ đi ngủ (nhất là những bài tập nặng) bởi điều này gây ra mệt mỏi, đuối sức và khó ngủ hơn.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh:
- Tăng cường dung nạp nhóm thực phẩm giàu magie, canxi: Tình trạng thiếu hụt hai loại khoáng chất này sẽ kéo giảm chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể bổ sung canxi và magie từ sữa, phô mai, sữa chua, trà xanh, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám, thực phẩm chức năng…
- Ưu tiên tiêu thụ nhóm thực phẩm chứa nhiều omega – 3: Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Sleep Research cho biết, nguồn omega – 3 dồi dào từ một số loài cá (cá thu, cá trích, cá ngừ, cá hồi…) có khả năng tạo nên những giấc ngủ ngon.
- Thưởng thức trà thảo mộc: Thức uống quen thuộc với trà hoa cúc, trà lạc tiên, trà hoa hồng, trà hoa vàng, trà đông trùng hạ thảo giúp thư giãn cơ thể và cải thiện giấc ngủ.
Điều trị nội khoa
Trong hầu hết trường hợp, bệnh mộng du có thể được chữa khỏi dễ dàng bằng cách điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này tiếp tục kéo dài và dẫn đến cảm giác mệt mỏi, uể oải triền miên cho bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn một số loại thuốc sau:
- Prosom là loại thuốc an thần có công dụng hỗ trợ ngủ sâu và ngon giấc hơn.
- Klonopin có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, điều trị chứng động kinh và hoảng loạn cũng như giảm thiểu tần suất mộng du.
- Trazodone là loại thuốc chống trầm cảm giúp tăng cường nồng độ serotonin bên trong não bộ, từ đó cải thiện các triệu chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một phương pháp trị liệu tâm lý rất hữu ích nếu áp dụng điều trị các vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Đặc biệt, CBT cho chứng mất ngủ (CBT – I) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách giúp người bệnh điều chỉnh mọi suy nghĩ tiêu cực về giấc ngủ của mình. Khi được áp dụng một cách cẩn thận, liệu pháp này với các kỹ thuật thư giãn có thể ngăn ngừa các đợt mộng du liên quan đến căng thẳng.
Cách ngăn chặn, phòng ngừa mộng du
Khi mộng du xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân cũng như mọi người xung quanh, cần tìm hiểu ngay cách ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro với các biện pháp sau đây:
- Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy đều đặn vào cùng một giờ mỗi ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Tạo không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, loại bỏ ánh sáng và tiếng ồn để tránh gián đoạn giấc ngủ
- Loại bỏ các vật sắc nhọn và khóa cửa ra vào, cửa sổ để đảm bảo an toàn cho người bị mộng du
- Tập thể dục, thiền hoặc yoga thường xuyên để giảm căng thẳng, giúp cơ thể thư giãn
- Tránh tiêu thụ đồ uống chứa cồn, caffeine và chất kích thích để giảm nguy cơ bị mộng du
- Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ bằng việc đọc sách, tắm nước ấm
- Bệnh nhân cần được ngủ trong phòng trống, ở tầng trệt với cửa chính và cửa sổ cài then kỹ lưỡng
- Lắp đặt chuông ở cửa ra vào để chúng rung lên báo thức khi người bệnh mở cửa
- Nếu mộng du kéo dài hoặc nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm kiếm các giải pháp điều trị phù hợp
Một số câu hỏi thường gặp về hiện tượng mộng du
Dù đã có nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chính xác gây ra mộng du vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Những hành vi trong trạng thái mộng du thường khiến người thân lo lắng và tìm cách can thiệp. Dưới đây là một số câu hỏi và đáp án giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng thú vị nhưng cũng đầy phức tạp này.
1. Người bị mộng du có mở mắt không?
Có, người bị mộng du thường mở mắt khi mộng du và thực hiện các hành động như đi lại, nói chuyện. Nhưng mặc dù đang mở mắt, người bệnh lại không có ý thức về những gì mình đang làm.
2. Người bị mộng du có nhớ được những gì mình đã làm khi ngủ không?
Đa số người mộng du không thể nhớ lại những gì mình đã làm khi ngủ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, họ có thể nhớ được một vài chi tiết mơ hồ, nhưng thường là rất ít.
3. Khi nào nên đưa người bị mộng du đi khám?
Nếu mộng du xảy ra thường xuyên, gây nguy hiểm cho bản thân cũng như người khác và đồng thời đi kèm với các vấn đề về sức khỏe như ngưng thở khi ngủ thì người bệnh nên được đưa đi khám.
Trong hầu hết trường hợp, bệnh mộng du không quá nghiêm trọng và không tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Thế nhưng, cần để ý các dấu hiệu sau đây để đi khám kịp thời:
- Thường xuyên bị mộng du, từ 1 – 2 lần/tuần trở lên
- Hành động phức tạp, tự làm đau bản thân hoặc tấn công người khác
- Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của những người thân trong gia đình
- Cảm thấy xấu hổ vì những hành vi trong vô thức của bản thân
- Bị mộng du khi đã trưởng thành
- Hiện tượng này xảy ra khi còn nhỏ và kéo dài đến tuổi vị thành niên
Mặc dù thường tự biến mất theo thời gian, mộng du vẫn gây ra hành động không an toàn khi người bệnh đang trong trạng thái ngủ. Vậy nên, việc theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa càng trở nên quan trọng để giảm thiểu nguy cơ bệnh lý và bảo vệ sức khỏe của mọi người.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh: Dấu hiệu và cách cải thiện
- Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD) là gì?
- Buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS): Điều cần biết
Nguồn tham khảo:
- tamanhhospital.vn, vinmec.com, hongngochospital.vn,…..
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14292-sleepwalking
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!