Rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh: Dấu hiệu và cách cải thiện
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phái đẹp phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: bốc hỏa, cáu gắt, chóng mặt, tăng cân, lo âu, rụng tóc, khô da… Đặc biệt, sự suy giảm nội tiết tố đột ngột còn khiến nhiều phụ nữ bị rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh.
Rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh là bệnh gì?
Rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh là tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon, gián đoạn giấc ngủ… xuất hiện ở phụ nữ trung niên. Theo thống kê, cứ 10 chị em trong độ tuổi mãn kinh thì đến 9 người bị bốc hỏa, nhức đầu. Hai triệu chứng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Các chuyên gia cho biết, để chìm vào giấc ngủ, hệ thần kinh trung ương sẽ thúc đẩy các tuyến nội tiết sản xuất những hóa chất cần thiết (với khả năng phong bế thần kinh) giúp ức chế não bộ cùng vùng cấu trúc dạng lưới và vùng não dưới đồi. Như vậy, sự ngủ cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thần kinh và hệ nội tiết.
Vào giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormon estrogen bên trong cơ thể phụ nữ giảm sút rõ rệt. Lúc này, cán cân nội tiết tố mất đi trạng thái cân bằng vốn có. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, triệu chứng bốc hỏa hàng đêm cũng khiến phái đẹp khó ngủ hoặc mất ngủ.
Ngoài ra, khi mắc phải chứng bệnh này, người bệnh cũng thường xuyên lo âu, căng thẳng. Sau một khoảng thời gian ngắn mất ngủ, chị em sẽ trở nên nóng tính, mệt mỏi, tính khí thất thường.
Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh nhân luôn:
- Thiếu năng lượng, kém tươi tỉnh, không tỉnh táo, mất tập trung
- Suy giảm trí nhớ, suy nhược thần kinh
- Tâm trạng bất ổn
- Rối loạn tâm thần
- Lão hóa nhanh chóng
- Suy giảm khả năng nhận thức và vận động
- Suy nhược cơ thể
- Mắc phải nhiều bệnh lý nghiêm trọng: bệnh huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư (ung thư vú, ung thư cổ tử cung)…
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng thiếu ngủ mạn tính có thể làm tăng 48% rủi ro mắc bệnh tim mạch và gây tổn thương 25% tế bào não bộ.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh
Những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh trong giai đoạn đầu tương đối mơ hồ và khó nhận biết. Vì vậy, nhiều phụ nữ thường vô tình bỏ qua. Dưới đây là một số triệu chứng cụ thể của tình trạng này mà bạn cần đặc biệt quan tâm:
- Khó ngủ, trằn trọc trên 30 phút trước khi say giấc
- Thời lượng giấc ngủ ngắn lại, dưới 6 tiếng/ngày
- Dễ giật mình tỉnh giấc vì những tiếng động nhẹ và các tác nhân xung quanh
- Hay thức dậy quá sớm và khó ngủ trở lại
- Giấc ngủ chập chờn, không sâu, dễ gặp ác mộng
- Cảm thấy mệt mỏi, oải uể, khó tập trung, kém tỉnh táo sau giấc ngủ ban đêm
- Thiếu năng lượng, bất an, lo lắng, suy giảm trí nhớ, buồn ngủ nhiều vào ban ngày
- Tâm trạng thất thường
- Bốc hỏa thường xuyên (có thể xen kẽ những cơn lạnh buốt)
- Chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, đầy bụng
- Giảm ham muốn tình dục
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh
Nguy cơ mắc bệnh tăng dẫn theo độ tuổi, nhất là từ 60 tuổi trở lên. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trên 60% phụ nữ tiền mãn kinh bị trằn trọc, gián đoạn giấc ngủ, hay mộng mị, dễ giật mình… Tình trạng này bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
1. Nội tiết tố thay đổi
Vào giai đoạn tiền mãn kinh, sự suy giảm rõ rệt của nồng độ hormon estrogen và progesterone bên trong cơ thể nữ giới sẽ dẫn đến hiện tượng nóng trong, bốc hỏa, đổ mồ hôi, khó thở… từ đó kéo giảm chất lượng giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, tỉnh dậy giữa đêm).
2. Hoạt động của tuyến yên và não bộ suy giảm
Nếu chúng ta cần đi ngủ, bộ não sẽ phát tín hiệu nhắc nhở tuyến yên tiết ra một số hormon ức chế hoạt động của nơ-ron thần kinh ở vùng dưới đồi và vùng cấu trúc lưới.
Khi bước vào độ tuổi trung niên, hoạt động của tuyến yên và não bộ suy yếu dần theo thời gian. Kết quả là chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
3. Quá trình lão hóa
Quá trình lão hóa là hệ quả tất yếu của tuổi tác và thời gian. Lúc này, chức năng của nhiều cơ quan bên trong cơ thể suy giảm nghiêm trọng.
Các tế bào thần kinh hoạt động kém hiệu quả. Do đó, phụ nữ tiền mãn kinh thường xuyên mệt mỏi, khó ngủ, ngủ không ngon giấc và dễ bị suy nhược cơ thể.
Thân nhiệt cao
Bốc hỏa và đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm là hai triệu chứng thường gặp khi chị em bước vào độ tuổi 40. Điều này cũng góp phần dẫn đến chứng mất ngủ tiền mãn kinh.
4. Bệnh lý ở độ tuổi mãn kinh
Trong độ tuổi tứ tuần, sự thay đổi nội tiết tố kéo theo sự suy giảm chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Đây chính là điều kiện thuận lợi để nhiều chứng bệnh hình thành và phát triển. Một số căn bệnh sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, bao gồm: tiểu đêm, viêm xoang, đau nhức xương khớp, viêm mũi dị ứng…
5. Tâm lý lo âu, căng thẳng
Khi bước vào giai đoạn nhạy cảm này, đa số chị em đều cảm thấy bất an, lo lắng, căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Các biểu hiện tâm lý bất thường này chính là nguồn gốc của chứng rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh.
6. Thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học
Thói quen thức khuya, lười vận động, uống nhiều nước ngọt, cà phê, rượu bia, trà đặc hoặc dung nạp thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ… là những tác nhân phổ biến khiến nữ giới mắc phải tình trạng này.
7. Tác dụng phụ của thuốc Tây
Một số loại thuốc lợi tiểu, chống trầm cảm, trị đau đầu chứa chất cafein gây cản trở ngủ. Nếu đang sử dụng những loại thuốc này, độc giả cần tìm hiểu cặn kẽ về tác dụng phụ của chúng, đồng thời tham vấn y khoa nếu muốn sử dụng thêm thuốc an thần, thuốc chữa mất ngủ.
Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh
Theo các chuyên gia, chứng bệnh này hoàn toàn có thể được kiểm soát và đẩy lùi bằng cách điều trị nội khoa, áp dụng các bài thuốc Đông y, điều chỉnh lối sống và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cụ thể:
1. Điều trị nội khoa
Phương pháp này thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định trong quá trình chữa bệnh mất ngủ mạn tính hoặc mất ngủ triền miên thể nặng. Hiện nay, thuốc điều trị mất ngủ được phân thành 3 nhóm chính, đó là:
- Nhóm thuốc an thần (ramelteon, zolpidem, zaleplon…) dành cho những bệnh nhân hay trằn trọc, khó ngủ, tỉnh giấc giữa đêm vì rối loạn tâm lý.
- Nhóm thuốc điều trị trầm cảm (clomipramine, mirtazapine…)
- Nhóm thuốc kháng histamin, chống dị ứng (promethazine, dimedrol…) phù hợp với các đối tượng bị khó ngủ vì ngứa ngáy, phát ban, dị ứng…
Những nhóm thuốc này đều giúp bệnh nhân nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nhưng cũng thường kèm theo nhiều tác dụng không mong muốn như: chóng mặt, buồn nôn, khó thở, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim…
Vì vậy, phụ nữ tiền mãn kinh không nên tự ý dùng thuốc nếu chưa tham vấn y khoa cặn kẽ. Thay vào đó, bạn hãy chỉ uống thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ kê đơn.
2. Áp dụng bài thuốc Đông y trị rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh
Tình trạng rối loạn nội tiết tố và hiện tượng căng thẳng tâm lý chính là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh.
Do đó, y học cổ truyền chú trọng xoa dịu tinh thần, điều hòa âm dương và bồi bổ cơ thể. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe cùng mức độ mất ngủ của mỗi bệnh nhân, các bài thuốc Đông y dưới đây sẽ được điều chỉnh thành phần và gia giảm liều lượng phù hợp. Hãy trao đổi kỹ lưỡng với thầy thuốc Đông y để biết được liều lượng cụ thể.
- Bài thuốc 1: Sắc kỹ chi tử, hoài sơn, thục địa, đan bì, sơn thù, trạch tả, rau má, mạch môn, thạch hộc, tri mẫu, thân cây mái, cam thảo theo tỷ lệ được kê. Dùng 3 lần/ngày.
- Bài thuốc 2: Sắc kỹ thục địa, phục thần, nhân sâm, bá tử nhân, huyền sâm, sừng tê giác, chi tử, đương quy, mạch môn, ngưu tất, tang diệp, thiên môn, lá vông, hắc táo nhân, thân cây mía theo tỷ lệ được kê. Uống 3 lần/ngày.
- Bài thuốc 3: Sắc kỹ lá vông, lá dâu tằm, hà thủ ô, củ đinh lăng, phục thần, trinh nữ hoàng cung, bạch thược, đương quy, cam thảo, thảo quyết minh theo tỷ lệ được kể. Dùng 3 lần/ngày.
- Bài thuốc 4: Sắc kỹ bạch linh, lạc tiên, phục thần, hắc táo nhân, rau má, chi tử, thục địa, đương quy, viễn chí, lá vông, đại táo theo tỷ lệ được kê. Uống 2 lần/ngày
- Bài thuốc 5: Sắc kỹ đương quy, trinh nữ hoàng cung, phòng sâm, tang diệp, mạch môn, ngưu tất, táo nhân, thạch hộc, cam thảo, viễn chí, đại táo, bạch thược, hạt sen theo tỷ lệ được kê. Dùng 2 lần/ngày.
5 bài thuốc Đông y này rất an toàn, lành tính và có thể hỗ trợ độc giả dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, bạn cần kiên trì áp dụng trong vòng 1 – 2 tuần liên tục.
3. Thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Để ngăn ngừa rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh, phái đẹp cần đi ngủ và thức dậy vào đúng khung giờ quy định.
Thói quen này giúp bệnh nhân duy trì nhịp sinh học bình thường. Vào những ngày nghỉ lễ, người đọc tránh thức khuya hay ngủ nướng, bởi điều này dễ khiến bạn mất ngủ vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, bạn hãy:
- Luyện tập thể dục, thể thao đều đặn (có thể bắt đầu với bộ môn đi bộ, chạy bộ, đạp xe, thiền định, tập yoga) trước khi đi ngủ tối thiểu 2 tiếng đồng hồ
- Kiêng cữ thuốc lá, trà đặc, rượu bia, cà phê
- Ưu tiên dung nạp thực phẩm hữu cơ tươi sạch, bổ dưỡng, tránh xa đồ ngọt, thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng…
- Thưởng thức trà thảo mộc (trà gừng, trà hoa cúc, trà cam thảo, trà tâm sen, trà nhụy hoa nghệ tây, trà hoa nhài, trà tam thất, trà oải hương, trà chanh dây…)
- Bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu hỗ trợ giấc ngủ như: kali, sắt, magie…
- Sử dụng tinh dầu thiên nhiên như: tinh dầu hoa nhài, tinh dầu oải hương, tinh dầu hoa cúc…
- Thư giãn tinh thần bằng cách đọc sách, ngâm chân, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ nhàng trước khi đi ngủ
- Lựa chọn quần áo từ chất liệu mỏng nhẹ, thấm hút tốt nếu bạn đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm
- Chọn mua chăn mền được làm từ vải cotton vì chúng rất thoáng mát, thấm hút tốt và thân thiện với làn da
- Đảm bảo phòng ngủ luôn thoáng mát, sạch sẽ, kín đáo, yên tĩnh với đèn ngủ màu vàng dịu ấm áp, đồng thời loại bỏ toàn bộ ánh sáng không cần thiết khi đến giờ đi ngủ
Nhìn chung, tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nhưng rối loạn giấc ngủ tiền mãn kinh có thể kéo theo nhiều hậu quả khó lường nếu phát triển mạn tính và trở nên tồi tệ. Do đó, để chủ động phòng tránh, phái đẹp cần thiết lập thói quen ngủ khoa học, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và duy trì lối sống lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn giấc ngủ khi mang thai: Nguyên nhân và cách chữa trị
- Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị
- Bị rối loạn giấc ngủ kéo dài có nguy hiểm không?
- Thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ và lưu ý khi dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!