Nói chuyện với người đa nhân cách: Những điều cần lưu ý
Thường xuyên nói chuyện với người đa nhân cách sẽ giúp người bệnh giải tỏa cảm xúc và tránh tình trạng cách ly xã hội. Tuy nhiên, người mắc chứng bệnh này có tâm lý rất nhạy cảm nên khi trò chuyện, phải lưu ý một số vấn đề quan trọng.
Những lưu ý khi nói chuyện với người đa nhân cách
Đa nhân cách (rối loạn đa nhân cách) là một dạng rối loạn phân ly mà bệnh nhân tách rời nhận thức và hình thành từ 2 nhân cách trở lên. Các nhân cách này thường có sự khác biệt, thậm chí là đối lập về tính cách và ngoại hình. Theo các chuyên gia, sự hình thành của nhiều nhân cách khác nhau trong cùng một cá thể thường bắt nguồn từ cơ chế phòng vệ.
Người mắc chứng đa nhân cách gặp rất nhiều phiền toái trong các mối quan hệ, cuộc sống bị rối nhiễu và không ổn định. Hơn nữa, sự xuất hiện liên tục của các nhân cách khác nhau cũng khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm và lo âu.
Phần lớn những người bị đa nhân cách đều có quá khứ đau buồn, phải đối mặt với những sự kiện sang chấn nghiêm trọng. Do đó, tâm lý của họ thường rất nhạy cảm và đôi khi thể hiện cảm xúc một cách thái quá.
Người bị đa nhân cách thường sống khép kín, ít giao tiếp khi ở nhân cách chính. Vì vậy, những người xung quanh nên trò chuyện, chia sẻ với bệnh nhân để họ có động lực và kiên trì trong quá trình điều trị. Như đã đề cập, tâm lý của những người bị đa nhân cách vô cùng nhạy cảm. Khi trò chuyện cùng họ, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
1. Chia sẻ nhưng không phán xét
Yếu tố quan trọng nhất khi nói chuyện với người đa nhân cách là chia sẻ nhưng không phán xét. Thực tế, mọi người đều chưa thực sự hiểu về rối loạn đa nhân cách. Nhiều người nhầm lẫn rằng bệnh nhân cố ý xây dựng những nhân cách khác để thỏa mãn bản thân hoặc đạt được mục đích nào đó.
Tuy nhiên, những dạng nhân cách này được hình thành do sự rối loạn của não bộ. Bản thân người mắc chứng đa nhân cách hoàn toàn không phát hiện mình mắc bệnh. Bệnh nhân thường quên đi ký ức ở nhân cách khác và cho rằng thời gian đó bản thân đang ngủ.
Khi trò chuyện với người đa nhân cách, bạn có thể hỏi han về cuộc sống và những vấn đề họ đang phải đối mặt. Nếu cảm thấy thoải mái, người bệnh có thể chia sẻ với bạn những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Vai trò của bạn là lắng nghe, bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm.
Tuyệt đối không thể hiện sự phán xét thông qua lời nói. Bởi việc phải đối mặt với chứng đa nhân cách không phải lỗi của họ. Người bị đa nhân cách có tâm lý không ổn định và nhạy cảm quá mức. Những lời nói có tính chất phán xét có thể kích thích cơ chế phòng vệ và làm hình thành những nhân cách khác.
2. Luôn ủng hộ người bệnh
Khi nói chuyện với người bị đa nhân cách, hãy thể hiện bạn luôn ủng hộ mọi quyết định của họ. Như đã đề cập, đa số người mắc chứng bệnh này đều có tổn thương tâm lý sâu sắc. Bản thân họ từng bị chối từ, bỏ rơi hoặc lạm dụng. Do đó, khi nhận được sự ủng hộ từ bạn, họ sẽ gia tăng sự tự tin và có thêm động lực để tiếp tục điều trị.
Thể hiện sự ủng hộ cũng sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ với người bệnh. Điều này sẽ giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng tâm lý xã hội và có chỗ dựa tinh thần khi đối mặt với căng thẳng.
So với người sống đơn độc, những bệnh nhân đa nhân cách có sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và những người xung quanh thường có đáp ứng tốt với điều trị. Do đó, hãy nhớ rằng, chỉ với những lời nói đơn giản, bạn có tiếp thêm động lực và hy vọng cho bệnh nhân.
3. Bình tĩnh khi họ thay đổi nhân cách mới
Khi nói chuyện với người đa nhân cách, bạn có thể gặp phải tình trạng họ xuất hiện một nhân cách thay thế. Khi ở nhân cách khác, họ có thể không biết bạn là ai. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên bình tĩnh và tránh phản ứng hoảng loạn khiến bệnh nhân bị kích động.
Nhân cách khác của bệnh nhân có thể sợ hãi hoặc bối rối khi nhìn thấy bạn. Lúc này, bạn có thể giới thiệu bản thân tuy nhiên không nên đề cập mối quan hệ giữa bạn và họ. Bởi nhân cách mới của họ có thể có giới tính, độ tuổi, ngoại hình và tính cách hoàn toàn ngược lại với nhân cách chính. Vì vậy, việc giới thiệu bạn là đồng nghiệp, bạn bè hoặc bạn đời của họ có thể khiến bệnh nhân trở nên sợ hãi và hoảng loạn.
4. Khuyến khích họ nói về cảm xúc của chính mình
Khi cả hai thực sự hòa hợp trong cuộc trò chuyện, bạn có thể khơi gợi để bệnh nhân bày tỏ cảm xúc của chính mình. Đa phần người mắc bệnh lý này đều bị tổn thương tâm lý trong quá khứ.
Do đó, họ có xu hướng kìm nén cảm xúc và suy nghĩ thật của bản thân. Sự che đậy trong thời gian dài có thể tạo nên cơ chế phòng vệ (hình thành nhân cách mới) và gia tăng các vấn đề tâm lý như stress, lo âu, trầm cảm,…
Để bệnh nhân được giải tỏa cảm xúc, bạn nên khuyến khích họ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Tuy nhiên, không nên ép buộc bệnh nhân chia sẻ nếu họ không thoải mái. Có thể tạo sự thoải mái cho cuộc trò chuyện bằng cách chủ động chia sẻ những vấn đề bản thân đang đối mặt.
Thông qua việc chia sẻ, bệnh nhân sẽ hiểu rằng bất cứ ai cũng phải đối mặt với những vấn đề riêng. Điều này sẽ giúp họ giảm cảm giác tự ti, mặc cảm và xấu hổ về bệnh tình. Ngoài ra, sự cởi mở của bạn cũng giúp người bệnh thoải mái trong cuộc trò chuyện và cách ứng xử hằng ngày.
5. Có những lời nói quan tâm, khích lệ
Khi nói chuyện với người đa nhân cách, bạn nên có những lời nói thể hiện sự quan tâm và khích lệ. Trong trường hợp họ bày tỏ sự chán nản và mệt mỏi khi điều trị, bạn nên thể hiện sự đồng cảm với những vấn đề bệnh nhân đang đối mặt.
Sau khi bày tỏ sự thấu hiểu, nên khích lệ người bệnh tiếp tục điều trị vì đây là giải pháp tốt nhất giúp họ ổn định cuộc sống và có một sức khỏe tâm thần ổn định.
Thực tế, những lời quan tâm và khích lệ từ bạn đôi khi không thể thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân. Tuy nhiên, thông qua lời nói, họ có thể cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm từ bạn. Điều này có thể giảm sự kích thích và giúp tâm lý của bệnh nhân ổn định hơn. Đây là yếu tố giúp hạn chế sự xuất hiện ồ ạt của các dạng nhân cách khác nhau.
6. Tôn trọng người bệnh
Một nguyên tắc quan trọng khác khi nói chuyện với người đa nhân cách là luôn thể hiện sự tôn trọng họ trong cuộc trò chuyện. Bản thân người mắc chứng bệnh này sẽ nhạy cảm hơn bình thường. Do đó, họ có thể cảm thấy những người xung quanh đang xem nhẹ và coi thường bản thân.
Trong cuộc trò chuyện, bạn không nên đối xử với họ như người bệnh vì điều này sẽ khiến cho mối quan hệ trở nên tồi tệ và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Sự tôn trọng được thể hiện rõ ràng qua lời nói và cử chỉ. Vì vậy, hãy cố gắng chú ý biểu cảm và ngôn từ của bản thân để tránh gây tổn thương tâm lý của người bệnh.
7. Không đề cập quá nhiều đến bệnh tình
Vấn đề lớn nhất mà người bị đa nhân cách phải đối mặt là các triệu chứng tâm thần. Tuy nhiên, bạn không nên đề cập quá nhiều đến bệnh tình của họ. Nếu thực sự thân thiết, có thể hỏi han nhưng không nên đào sâu.
Trong trường hợp họ chủ động chia sẻ, bạn nên thể hiện sự đồng cảm và quan tâm. Thay vì tập trung về việc thăm khám và điều trị, bạn nên đặt câu hỏi về cảm nhận của người bệnh để hiểu được rằng họ có thực sự thoải mái khi điều trị hay không. Tập trung vào suy nghĩ và cảm xúc của người bệnh sẽ giúp họ cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc thay vì những câu hỏi liên quan đến bệnh tình, các phương pháp điều trị, chẩn đoán,…
Các chuyên gia tâm lý cho biết, đa nhân cách là một dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Khi mắc chứng bệnh này, người bệnh không chỉ phải mạnh mẽ vượt qua bệnh tật mà còn phải tranh đấu để giành lại bản ngã. Quá trình điều trị sẽ rất khó khăn và thường kéo dài trong nhiều năm. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc đã biết cách nói chuyện với người đa nhân cách. Trên thực tế, cuộc trò chuyện có thể diễn ra theo nhiều hướng khác nhau. Tùy theo tình huống và tâm lý của người bệnh, bạn nên có sự điều chỉnh linh hoạt để cuộc trò chuyện diễn ra thuận lợi. Nếu bệnh nhân có phản ứng quá khích, nên nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh để tránh những tình huống đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!