Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ tồn tại xen kẽ giữa 2 trạng thái tâm lý đối lập nhau, đó là trầm cảm và hưng cảm. Đặc biệt hơn, đối với trường hợp rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp thì người bệnh sẽ tồn tại đồng thời cả các biểu hiện của hưng phấn và trầm cảm.
Các giai đoạn của rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc là một vấn đề sức khỏe tâm thần khá phổ biến biến, nó được xếp vào vị trí thứ 2 trong các rối loạn tâm thần của các nước Châu Mỹ, Châu Âu, tỉ lệ những người bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn này chiếm 10% trong tổng dân số. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ thường gặp trong các hình thái của rối loạn cảm xúc. Tỉ lệ mắc bệnh vào năm 1994 tại 48 tiểu bang của Mỹ chiếm gần 1,6% và tỉ lệ hàng năm tại Anh chiếm từ 1,2 đến 1,3%.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là tình trạng bệnh lý được biểu hiện đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn hưng cảm xen lẫn với các giai đoạn trầm cảm điển hình trong suốt quá trình phát triển bệnh, trong đó, người bệnh có thể phục hồi tốt giữa các giai đoạn. Theo nghiên cứu thì chứng rối loạn này có xu hướng tái phát cao, thời kỳ thuyên giảm cũng sẽ ngắn dần và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của bệnh nhân, khiến cho họ dần tách rời khỏi xã hội và làm giảm sút chất lượng cuộc sống sau mỗi đợt tái phát.
Theo như đánh giá thực tế lâm sàng thì hầu hết các giai đoạn hưng cảm nhẹ, giai đoạn hỗn hợp hoặc bất kì giai đoạn có xuất hiện các triệu chứng loạn thần thường sẽ bị bỏ qua hoặc dễ chẩn đoán thành các chứng bệnh khác. Điều này dẫn đến việc áp dụng các biện pháp điều trị không phù hợp, mất thời gian và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của người bệnh, hơn thế còn làm gia tăng nguy cơ khiến bệnh phát triển trầm trong hơn.
Theo như hệ thống ICD-10 thì rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ nằm trong mục F31 và được phân thành nhiều giai đoạn khác nhau với nhiều mức độ và biểu hiện riêng. Cụ thể như:
- F31.0: Có biểu hiện hưng cảm ở mức độ nhẹ.
- F31.1: Biểu hiện hưng cảm ở mức trung bình cho đến nặng, tuy nhiên ở giai đoạn này vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng của loạn thần.
- F31.2: Dấu hiệu hưng cảm có kèm theo loạn thần
- F31.3: Rối loạn ở giai đoạn trầm cảm, mức độ nhẹ đến trung bình.
- F31.4: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở giai đoạn trầm cảm nặng, tuy nhiên không có kèm triệu chứng loạn thần.
- F31.5: Biểu hiện trầm cảm nặng có kèm theo triệu chứng của loạn thần.
- F31.6: Giai đoạn hỗn hợp, có cả dấu hiệu của trầm cảm và hưng cảm.
- F31.7: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có dấu hiệu thuyên giảm dần.
- F31.8: Rối loạn lưỡng cực khác.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là gì?
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là một trong các tình trạng rối loạn cảm xúc không ổn định. Lúc này người bệnh sẽ tồn tại các biểu hiện ở mức độ nhẹ và nặng, xảy ra cùng một thời điểm hoặc có thể xen kẽ lẫn nhau cùng một đợt.
Hiểu một cách đơn giản hơn đó chính là người bệnh có thể vừa có những biểu hiện của trầm cảm, vừa có các biểu hiện của hưng cảm. Đây được đánh giá là một trong các giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực mang tính chất nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Nó khiến cho tâm trạng người bệnh thay đổi một cách liên tục, ngay cả bản thân họ cũng không thể kiểm soát và thích ứng được.
Dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Như đã chia sẻ ở trên, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp chính là tình trạng xuất hiện đồng thời cả hai triệu chứng trầm cảm và hưng cảm. Việc nhận biết giai đoạn này cũng tương đối dễ dàng và rõ ràng bởi các triệu chứng thường diễn ra đồng thời hoặc có thể theo một trình tự xen kẽ nhưng tốc độ biến đổi sẽ nhanh chóng.
Giai đoạn nối liền cả hai tâm trạng đối nghịch này có thể xuất hiện và kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần, nhiều trường hợp không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ có khả năng lên đến vài tháng. Đặc biệt hơn, giai đoạn hỗn hợp có khả năng tái phát nhiều lần, người bệnh cũng sẽ phục hồi chậm hơn so với các giai đoạn riêng lẻ khác.
1. Triệu chứng hưng cảm
- Cảm giác hưng phấn: Người bệnh sẽ cảm thấy vui sướng, hạnh phúc quá mức, khí sắc không phù hợp và tương xứng đối với tình huống và hoàn cảnh hiện tại. Người bệnh cũng có xu hướng đánh giá cao bản thân, trở nên tự tin thái quá hoặc có thể xuất hiện ý tưởng tự cao.
- Tư duy hưng phấn: Nói rất nhiều, rất nhanh, thường nói chuyện ví von, hình ảnh đa dạng nhưng nội dung lại hạn hẹp, nông cạn, tuy duy phi tán.
- Hoạt động hưng phấn: Bệnh nhân có được một nguồn năng lượng dồi dào, hoạt động liên tục, giảm nhu cầu ngủ hoặc có thể không ngủ. Luôn muốn tham gia vào các công việc, hoạt động xung quanh, làm việc không ngừng nghỉ, đôi lúc kích động, bốc đồng.
2. Triệu chứng trầm cảm
- Khí sắc suy giảm trầm trọng, thường xuyên cảm thấy buồn chán, ảm đạm, tuyệt vọng, thẫn thờ, cô đơn.
- Mất dần hứng thú với hầu hết các hoạt động diễn ra bên ngoài, kể cả những điều đã từng rất yêu thích trước đây, có xu hướng tách rời khỏi xã hội, ngại giao tiếp, thu mình.
- Thường xuyên mệt mỏi, thiếu sức sống, giảm hoạt động, di chuyển chậm chạp, khó khăn trong việc hoàn thành các công việc hàng ngày hoặc có thể bỏ mặc tất cả các việc làm.
- Mất tập trung, suy giảm sự chú ý, khó khăn trong việc đưa ra lựa chọn và quyết định.
- Luôn cảm thấy bản thân tội lỗi, tự trách chính mình, cho rằng mình là người vô dụng, bất tại, tự hạ thấp lòng tự trọng.
- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng hoặc có thể ngủ nhiều.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống mất kiểm soát.
- Một số người bệnh có thể suy giảm khả năng tình dục, mất ham muốn.
- Xuất hiện các ý nghĩ tiêu cực, nhìn nhận cuộc sống theo hướng bi quan, tồi tệ.
- Có xu hướng thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc những người thân bên cạnh, có ý định muốn tự sát.
Ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp khiến cho người bệnh phải thường xuyên đối mặt với sự thay đổi về mặt cảm xúc, tâm trí trở nên bất ổn, hoang mang. Cũng chính vì những sự mất kiểm soát này có thể làm gia tăng nguy cơ thực hiện các hành vi tiêu cực, thậm chí là tự sát ở nhiều người bệnh.
Theo số liệu thống kê nhận thấy, nguy cơ tự sát ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực trong giai đoạn này tăng cao gấp 10 đến 20 lần so với các giai đoạn đơn thuần. Trong số đó, có khoảng từ 10 đến 15% các trường hợp tử vong vì chứng rối loạn này, nguyên nhân do tự sát.
Trong nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp tồn tại nhiều đặc điểm rối loạn bất ổn và đầy tính đối lập, mâu thuẫn với nhau. Cũng chính vì thế mà khiến cho người bệnh không thể kiểm soát tốt bản thân và dễ dàng đến các hành vi tiêu cực, nguy hiểm nhất là tự sát. Bên cạnh đó, trong các thống kê khác cũng nhận thấy rằng, người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ có nhiều khả năng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện.
Khi trạng thái tâm lý luôn bị đảo lộn và thay đổi một cách nhanh chóng, bệnh nhân sẽ có nhiều xu hướng tìm đến các chất kích thích để tạm thời kiểm soát các triệu chứng bất ổn. Theo thống kê cho biết có đến gần 60% các trường hợp người bệnh trong giai đoạn hỗn hợp sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy quá mức. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Hướng điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Theo khảo sát nhận thấy có đến gần 50% các trường hợp người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực rơi vào giai đoạn hỗn hợp. Và đặc biệt là những đối tượng trẻ tuổi, trẻ vị thành niên sẽ có nguy cơ cao hơn, rất hiếm gặp ở những trường hợp bệnh sau 50 tuổi. Như đã chia sẻ ở trên, giai đoạn hỗn hợp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và thậm chí có thể cướp đi tính mạng của con người. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực nói chung và rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp nói riêng thì bạn cần chủ động hơn trong việc thăm khám và điều trị.
Sau khi nắm rõ về tình trạng sức khỏe của mỗi người thì bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với các biện pháp hiệu quả khác nhau. Thông thường thì ở giai đoạn này, người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc để có thể kiểm soát được các triệu chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải có thời gian điều trị dài bởi giai đoạn này sẽ khó kiểm soát hơn so với các giai đoạn khác.
Thông thường thì lithium là phương pháp điều trị tiêu chuẩn thường được áp dụng cho các trường hợp bệnh trong giai đoạn hưng cảm. Tuy nhiên, đối với trường hợp xuất hiện đồng thời cả các triệu chứng của hưng cảm và trầm cảm thì lại kém hiệu quả hơn. Chính vì thế, trong giai đoạn hỗn hợp, nếu dùng lithium để ổn định tâm trạng thì cần phải mất khá nhiều thời gian, trung bình khoảng vài tuần để có thể phát huy tốt công dụng vốn có.
Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được cân nhắc áp dụng cho giai đoạn này, cụ thể như:
- Carbamazepine, lamotrigine có tác dụng ổn định tâm trạng, cân bằng trạng thái tâm lý hiệu quả.
- Acid valproic – một loại thuốc chống động kinh được dùng với mục đích giúp xoa dịu tâm trạng của người bệnh rối loạn lưỡng cực.
- Một số loại thuốc chống loạn thần không điển hình cũng đã được FDA chấp nhận sử dụng cho giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực hỗn hợp. Chẳng hạn như: Olanzapine (Zyprexa), Asenapine (Saphris), Risperidone (Risperdal), Ziprasidone (Geodon).
Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì những trường hợp bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn này cũng cần có sự can thiệp tâm lý, áp dụng các biện pháp tâm lý chuyên sâu. Việc kết hợp giữa dùng thuốc và trị liệu tâm lý sẽ giúp bệnh nhân dần phục hồi và ổn định tinh thần tốt hơn, hạn chế các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống của người bệnh, đồng thời đây cũng là giai đoạn khó kiểm soát và điều trị nhất. Hi vọng qua thông tin của bài viết trên đây, bạn đọc sẽ hiểu thêm về tình trạng này và có cách nhận biết, điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!