Các loại bệnh tâm lý thần kinh thường gặp
Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có khoảng gần 2/3 trên tổng số người mắc phải các loại bệnh tâm lý thần kinh không tìm đến sự hỗ trợ của y tế. Song nếu tình trạng bệnh không sớm được điều trị sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân và những người xung quanh.
Bệnh tâm lý thần kinh là gì?
Tâm lý thần kinh là một khái niệm nhằm nói đến các vấn đề có liên quan đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc, nhận thức, tâm lý của con người. Tâm lý thần kinh sẽ ảnh hưởng đến những hành động, suy nghĩ, cảm nhận, cách cư xử, giải quyết các vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống. Những đối tượng bị mắc các vấn đề về rối loạn tâm lý thần kinh vẫn có thể cải thiện và phục hồi sức khỏe nếu lựa chọn đúng phương pháp và điều trị tích cực.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tâm lý thần kinh giai đoạn sớm
Tình trạng bệnh tâm lý thần kinh nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời sẽ khiến cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng, nhiều nguy cơ gây ra các hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí là cả tính mạng của bệnh nhân. Sau đây là một số dấu hiệu đặc trưng để bạn có thể nhận biết được căn bệnh này.
- Cảm giác chán nản, buồn bã, thất vọng, sợ hãi, lo sợ kéo dài.
- Thường xuyên thay đổi tâm trạng hoặc bộc phát cảm xúc một cách đột ngột
- Rối loạn giấc ngủ, có thể mất ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều
- Thay đổi thói quen ăn uống, chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn không kiểm soát
- Trí nhớ suy giảm hoặc trở nên lú lẫn.
- Mất dần các hứng thú đối với những hoạt động xảy ra xung quanh, kể cả các sở thích, đam mê trước đây.
- Suy nghĩ tiêu cực, xuất hiện những suy nghĩ, hành vi làm tổn thương đến chính mình hoặc những người bên cạnh.
- Mất dần khả năng ứng biến với những tình huống xảy ra hàng ngày, không thể đưa ra quyết định hay hướng giải quyết các vấn đề xung quanh, thậm chí là những việc đơn giản.
- Những những hành vi, cách cư xử sai lệch, không tuân theo pháp luật hoặc gây phá hoại.
- Rơi vào tình trạng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện
- Tách biệt khỏi xã hội, không muốn giao tiếp, trò chuyện với bạn bè, người thân hoặc xuất hiện các ảo tưởng, hoang tưởng xa vời với thực tế.
- Suy nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát.
Nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh tâm lý thần kinh
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tâm lý thần kinh, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
- Áp lực, căng thẳng, stress kéo dài liên tục
- Các vấn đề bạo lực trong gia đình, trường học
- Các chấn thương nghiêm trọng như tai nạn giao thông, chấn thương đầu,…
- Có tuổi thơ bất hạnh, từng bị lạm dụng, bạo hành.
- Ảnh hưởng từ yếu tố di truyền
- Sang chấn tâm lý như thất nghiệp, mất mát người thân trong gia đình, ly hôn, phá sản,…
- Bị phân biệt đối xử hoặc kỳ thị
- Sự thay đổi về các chất trong não bộ
Các căn bệnh tâm lý thần kinh có thể xuất phát từ nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Việc xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp cho quá trình điều trị được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Các loại bệnh tâm lý thần kinh thường gặp
Nhóm bệnh tâm lý thần kinh hiện được chia thành rất nhiều loại khác nhau. Một số loại thường gặp có thể kể đến như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, thiểu năng trí tuệ, sa sút trí nhớ,….
1. Trầm cảm
Hiện nay, trầm cảm là một trong các chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất, nó có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, từ trẻ nhỏ cho đến những người già lớn tuổi. Triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này chính là trạng thái buồn bã, chán nản kéo dài liên tục ít nhất khoảng 2 tuần.
Người bệnh sẽ cảm thấy bản thân vô dụng, thấp kém, họ sẽ dần mất đi hứng thú đối với những hoạt động thú vị xảy ra xung quanh và không muốn tiếp xúc hay giao tiếp với những người bên cạnh. Những đối tượng bị bệnh trầm cảm thường có khí sắc kém, thiếu năng lượng, không có sức sống cả về tinh thần và thể chất nhưng không thể xác định được cụ thể nguyên nhân. Thậm chí họ có thể xuất hiện các ảo giác, ảo tưởng khi tình trạng bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như do di truyền, ảnh hưởng từ gia đình, tính cách, việc lạm dụng quá nhiều các chất kích thích, gặp phải những cú sốc về tâm lý,…Theo nhận định từ WHO thì trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất và có ảnh hưởng đến hơn 264 triệu người trên toàn thế giới.
Tùy vào tình trạng thể chất và mức độ biểu hiện bệnh của mỗi người mà thời gian điều trị cũng sẽ khác nhau. Đối với những trường hợp trầm cảm nhẹ chỉ cần nhanh chóng thay đổi lối sống tích cực và áp dụng điều trị bằng liệu pháp tâm lý sẽ giúp sức khỏe cải thiện tốt hơn.
Còn trong trường hợp người bệnh trầm cảm nặng thì cần sử dụng thêm một số loại thuốc chống trầm cảm để kiểm soát bệnh tình tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh trầm cảm có thể kéo dài và nhiều khả năng tái phát, do đó bệnh nhân sau khi điều trị cần phải xây dựng lối sống tích cực để phòng tránh các triệu chứng bệnh quay lại.
2. Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một trong các chứng rối loạn tâm thần nặng bao gồm các biểu hiện đặc trưng như hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn suy nghĩ. Người bệnh sẽ dần xuất hiện các suy nghĩ sai lệch về cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ, hành vi nhưng họ không thể nhận biết được điều đó là đúng hay sai. Trong thời gian bị bệnh, hầu hết các đối tượng sẽ trở nên ít nói, ngại giao tiếp với những người xung quanh, họ sẽ trở nên buồn bã, chán nản, lo âu nhiều hơn.
Tâm thần phân liệt là căn bệnh mạn tính, nó thường khởi phát ở những người trẻ tuổi và có thể kéo dài đến cuối đời. Vì thế, quá trình điều trị của những bệnh nhân này sẽ được duy trì ngay khi các triệu chứng của bệnh đã được kiểm soát và thuyên giảm đáng kể. Thông thường, để có thể điều trị được các triệu chứng của bệnh và giúp sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt hơn thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ kết hợp đồng thời giữa việc sử dụng thuốc chống loạn thần và điều trị tâm lý, phục hồi chức năng xã hội cho người bệnh.
3. Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực hay còn được gọi là rối loạn trầm cảm – hưng cảm, đây là căn bệnh có thể gây ra những biến đổi đột ngột và nặng nề về mặt tâm trạng. Người bệnh sẽ thường xuyên thay đổi cảm xúc, có lúc sẽ vô cùng lạc quan, vui vẻ, phấn khích nhưng cũng có lúc tuyệt vọng, buồn chán đến cực độ. Bên cạnh đó, những đối tượng bệnh chỉ lên cơn hưng cảm nhưng không phải trải qua giai đoạn trầm cảm vẫn được xếp vào nhóm bệnh này.
Hiện nay, tính trên tổng dân số của cả thế giới thì có khoảng 45 triệu người đang mắc phải căn bệnh này. Rối loạn lưỡng cực có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, đặc biệt là những người trẻ tuổi (dưới 25 tuổi), phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, các đối tượng thường xuyên phải chịu nhiều áp lực, sử dụng quá nhiều các chất kích thích,…
Ngay khi nhận thấy những thay đổi bất thường trong cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, bạn nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể. Các chuyên gia sẽ sử dụng các kỹ thuật hình ảnh hoặc tiến hành xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Sau đó, dựa vào nguyên nhân và mức độ bệnh của mỗi người mà đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Thông thường việc điều trị rối loạn lưỡng cực sẽ sử dụng thuốc chống co giật hoặc thuốc ổn định âm trạng kết hợp cùng các liệu pháp điều trị tâm lý.
4. Sa sút trí tuệ (chứng mất trí nhớ)
Sa sút trí tuệ chính là một thuật ngữ dùng để nhắc đến tình trạng mất trí nhớ hoặc suy giảm về chức năng ghi nhớ. Bệnh nhân sẽ bị cản trở về khả năng sử dụng các kỹ năng, ngôn ngữ để tư duy hoặc giải quyết các vấn đề. Chứng mất trí nhớ có thể là hệ quả của các chất thương hoặc bệnh lý có ảnh hưởng đến não bộ, điển hình như đột quỵ, bệnh Alzheimer.
Một điều đáng buồn đó chính là hiện nay vẫn chưa tìm ra phương pháp có thể điều trị dứt điểm được chứng sa sút trí tuệ. Đây là một dạng bệnh tiến triển, cụ thể là nó sẽ phát triển nặng nề hơn theo thời gian và không có xu hướng thuyên giảm. Thế nhưng, các chuyên gia cho biết rằng, việc sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp cho các triệu chứng lú lẫn, đãng trí được kiểm soát tạm thời.
5. Thiểu năng trí tuệ
Thiểu năng trí tuệ hay còn được biết đến với tên gọi khác là chậm phát triển trí tuệ hay rối loạn phát triển trí tuệ. Loại rối loạn phát triển này sẽ khởi phát từ trước năm 18 tuổi và khiến cho người bệnh bị hạn chế về các hành vi thích ứng và những hoạt động trí tuệ. Thông thường sẽ gặp phải các vấn đề như khó khăn trong việc đọc viết, thiểu năng trong việc làm toán, bị hạn chế khả năng nói hay thiểu năng trong việc nghe nhìn.
Để có thể xác định một người bị thiểu năng trí tuệ, các chuyên gia thường sẽ đánh giá qua các bài kiểm tra chỉ số thông minh (IQ). Điểm số IQ càng thấp thì mức độ bệnh càng cao. Các chuyên gia chia tình trạng này thành 4 nhóm: thiểu năng trí tuệ mức độ nhẹ, thiểu năng trí tuệ mức độ trung bình, thiểu năng trí tuệ mức độ nặng và thiểu năng trí tuệ rất nặng.
6. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Rối loạn tăng động giảm chú ý còn được viết tắt là ADHD – ttention-deficit hyperactivity disorder. Đây là một trong các rối loạn phát triển phổ biến ở trẻ em, biểu hiện đặc trưng của căn bệnh này đó chính là các hành động hiếu động thái quá kết hợp với sự suy giảm khả năng chú ý.
Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc, học tập và cản trở rất nhiều đối với những mối quan hệ xã hội. Theo ước tính thì cứ khoảng 100 trẻ nhỏ sẽ có từ 3 đến 5 em gặp phải căn bệnh này, các triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát sớm trước lúc 7 tuổi.
Thống kê cho biết, tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai sẽ cao hơn gấp 3 lần so với những bé gái và mức độ bệnh sẽ suy giảm dần khi trẻ trưởng thành, ở độ tuổi 20 tỷ lệ mắc bệnh chỉ còn khoảng 1% và giảm còn 0,5 khi ở độ tuổi trung niên. Dựa vào kết quả nghiên cứu với quy mô lớn trên gần 1.594 học sinh tại nước ta cho biết, tỷ lệ mắc phải căn bệnh này chiếm khoảng 3,01%.
7. Rối loạn tự kỷ
Rối loạn tự kỷ còn được gọi tắt là ASD – Autism Spectrum Disorder, đây là một chứng rối loạn phát triển thần kinh – tâm thần, nó duy trì và kéo dài đến suốt cuộc đời và gây ra những ảnh hưởng đến khả năng tương tác và giao tiếp xã hội của người bệnh. Đa phần các triệu chứng của rối loạn tự kỷ sẽ hình thành sớm trước 3 tuổi, một số trường hợp có thể trễ hơn.
Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số người mắc phải chứng bệnh này. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC (Centers for Disease Control and Prevention) cho biết, vào năm 2018 tỷ lệ mắc bệnh rối loạn tự kỷ trên toàn thế giới là 1/59 và nam giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới 4 lần.
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với tình trạng bệnh rối loạn tự kỷ. Một số biện pháp can thiệp thường được áp dụng như trị liệu ngôn ngữ, can thiệp hành vi, trị liệu hướng nghiệp, trị liệu điều hòa cảm giác và sử dụng các loại thuốc nhằm giảm bớt các cơn nóng giận, cáu gắt, trầm cảm, giúp cho bệnh nhân được tăng cường các hoạt động chức năng khác.
8. Rối loạn giao tiếp
Rối loạn giao tiếp là một loại bệnh tâm lý thần kinh thường gặp, nó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hiểu, sử dụng hoặc phát hiện lời nói, ngôn ngữ. Các dạng rối loạn giao tiếp phổ biến như rối loạn âm thanh lời nói, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giao tiếp xã hội và rối loạn lưu loát khởi đầu ở giai đoạn thời thơ ấu (chứng nói lắp).
Một số biểu hiện đặc trưng của trẻ khi bị rối loạn giao tiếp như ít nói, thậm chí không nói gì, vốn từ bị hạn hẹp so với những bạn cùng tuổi, trẻ sẽ khó hiểu được các hướng dẫn đơn giản hoặc khó gọi tên đồ vật. Nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này như vấn đề về gen di truyền, những ảnh hưởng về thể chất, trong quá trình mang thai mẹ bị nhiễm các chất độc hại.
Hiện nay, đa phần các loại bệnh tâm lý thần kinh vẫn chưa có biện pháp phòng tránh cụ thể. Để có thể hạn chế các nguy cơ mắc bệnh, bạn nên chú ý rèn luyện thể dục thể thao, vận động cơ thể mỗi ngày, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế áp lực, căng thẳng, không lạm dụng các chất gây nghiện, chất kích thích,…
Bài viết trên đây đã giúp bạn biết thêm thông tin về các loại bệnh tâm lý thần kinh thường gặp hiện nay. Những đối tượng mắc phải các căn bệnh này rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ xã hội cũng như người thân xung quanh. Để giúp cho tình trạng sức khỏe được cải thiện tốt hơn, bệnh nhân cần kiên trì và thực hiện đúng theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn phân liệt cảm xúc và những vấn đề cần lưu ý
- Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Chữa bệnh loạn thần bằng thuốc nam có hiệu quả không?
- Bệnh loạn thần có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!