Rối loạn lo âu ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Rối loạn lo âu ở trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, hành vi và sự phát triển của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị để phòng ngừa tốt hơn.
Rối loạn lo âu ở trẻ em là gì?
Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức đối với những sự việc, tình huống xảy ra xung quanh. Rối loạn lo âu ở trẻ em khiến trẻ lo sợ ngay cả trong tình huống không mang tính chất nguy hiểm hay nghiêm trọng.
Trẻ em có khả năng thích nghi kém, thế nên hầu hết trẻ vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Trẻ dễ có cảm giác lo sợ phải mất đi tình yêu thương của người thân, sợ xa cách, sợ bị phạt, sợ phạm phải sai lầm,…
Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ mà các cảm xúc lo sợ sẽ có nguyên nhân khác nhau. Thông thường các trẻ từ khoảng 8 tháng tuổi sẽ thường sợ xa cha mẹ, sợ người lạ.
Khi lớn hơn, trẻ cũng có những nỗi sợ riêng. Tuy nhiên, chúng chỉ tồn tại trong những tình huống cụ thể. Nỗi lo sợ này không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Khi tình trạng lo lắng, căng thẳng, sợ hãi kéo dài, và biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn thì có thể trẻ đang mắc rối loạn lo âu. Cha mẹ cần chú ý tình trạng này để có cách phản ứng kịp thời.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu ở trẻ em
Nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn lo âu ở trẻ em có thể đến từ yếu tố sinh học, kết hợp với các yếu tố môi trường. Một số yếu tố thường gặp bao gồm:
- Những thay đổi lớn trong gia đình: Cú sốc từ gia đình là một trong nhân tố chiếm tỉ lệ cao các đối tượng trẻ bị rối loạn lo âu. Những tình huống như người thân qua đời, cha mẹ li hôn, gia đình có thêm thành viên mới,… sẽ khiến trẻ không cảm thấy an toàn, sợ bị bỏ rơi.
- Sự bất ổn từ cha mẹ: Khi trẻ phải sống trong gia đình thường xuyên có cãi vả, mâu thuẫn, bất đồng của cha mẹ sẽ khiến cho trẻ cảm thấy căng thẳng, áp lực, sợ hãi.
- Thời gian biểu dày đặc: Một số trường hợp trẻ đã đi học và phải chịu nhiều áp lực từ cha mẹ, nhà trường. Trẻ phải học hành liên tục làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Áp lực học tập: Khi phải chịu áp lực học tập quá mức, trẻ sẽ dần ám ảnh về điểm số, thành tích, luôn cảm thấy bất an khi không đạt được kì vọng của cha mẹ, thầy cô.
- Bị bắt nạt: Thường xuyên bị bắt nạt, đánh đập, đối diện với bạo lực là nguyên nhân chính khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi, bất an.
- Thông qua các trang mạng xã hội, tivi: Nếu trẻ thường xem và đọc những thông tin về khủng bố, bạo hành, những hình ảnh mang tính chất nguy hiểm, ghê rợn sẽ dễ bị ám ảnh, dần hình thành chứng rối loạn lo âu.
Biểu hiện của rối loạn lo âu ở trẻ em
Hầu hết các tình trạng rối loạn lo âu đều có biểu hiện đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, căng thẳng thái quá. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có những triệu chứng khác biệt.
1. Biểu hiện tinh thần
Một số biểu hiện tinh thần thường gặp của bệnh rối loạn lo âu ở trẻ em bao gồm:
- Luôn cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi quá mức với các vấn đề xung quanh.
- Khó có thể tập trung vào việc gì, kể cả những việc đơn giản.
- Trẻ thường muốn quấn lấy cha mẹ, không chịu đi học.
- Trẻ thường quấy khóc vào ban đêm, đặc biệt là khi không được ngủ cạnh cha mẹ
- Cảm giác sợ bóng tối, sợ sự im lặng
- Thường xuyên giận dữ, cáu gắt không rõ lý do.
- Rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ.
- Trẻ cảm thấy khó chịu khi phải tham gia các hoạt động, tiệc tập thể
2. Biểu hiện thể chất
Một số biểu hiện thể chất thường gặp của bệnh rối loạn lo âu ở trẻ em bao gồm: đỏ mặt, đổ nhiều mồ hôi, đau bụng, rối loạn nhịp tim, tiêu chảy, tay chân run rẩy, gặp vấn đề về tiêu hóa,….
Cách điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em
Khi phát hiện dấu hiệu, phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở y khoa uy tín. Tùy vào tình trạng bệnh, chuyên gia có thể áp dụng thuốc và trị liệu tâm lý phù hợp.
1. Trị liệu tâm lý
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn lo âu ở trẻ đều được chỉ định áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý để kiểm soát và điều trị an toàn. Gia đình nên chọn trung tâm tư vấn hoặc bệnh viện uy tín,
Các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng các liệu pháp chuyên môn nhằm giúp trẻ kiểm soát nỗi sợ và hành vi của bản thân. Trị liệu tâm lý giúp trẻ nhận biết và thay thế các hành vi, suy nghĩ tiêu cực bằng những điều tích cực, lạc quan.
Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và hợp tác giữa đôi bên. Sự hỗ trợ và giúp đỡ của các bậc phụ huynh rất quan trọng. Cha mẹ phải đồng hành cùng trẻ trong quá trình điều trị rối loạn lo âu.
Xem thêm: Tạm biệt rối loạn lo âu tuổi dậy thì với trị liệu tâm lý
2. Điều trị bằng thuốc
Một số trường hợp người bệnh có xuất hiện các triệu chứng ám ảnh, hoảng sợ, lo âu chia ly thì cần kết hợp trị liệu tâm lý và cả điều trị bằng thuốc.
Các loại thuốc đặc trưng sẽ giúp cho các biểu hiện bệnh được kiểm soát và dần thuyên giảm. Người bệnh chỉ cần kiên trì sử dụng khoảng từ 2 đến 6 tuần là thấy được hiệu quả.
Tuy nhiên khi cho trẻ dùng thuốc các bậc phụ huynh cũng nên chú ý cho trẻ uống thuốc đúng theo hướng dẫn của chuyên gia. Điều này giúp tránh được những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Trẻ khi uống thuốc có thể một số tác dụng phụ không mong muốn, khiến trẻ bị mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn,… Nếu biểu hiện nhẹ, nhanh chóng biến mất thì cha mẹ không cần lo lắng
Tuy nhiên nếu các triệu chứng bất thường kéo dài, cha mẹ phải nhanh chóng thông báo ngay với các chuyên gia để được ngăn chặn kịp thời.
Các phòng ngừa rối loạn lo âu ở trẻ em
Tình trạng rối loạn lo âu ở trẻ em cần phải được quan tâm và chú ý nhiều hơn. Để phòng ngừa căn bệnh này, các bậc phụ huynh nên áp dụng những biện pháp sau đây:
- Xây dựng cho trẻ một thói quen sinh hoạt lành mạnh
- Rèn luyện cho bé tính tự lập, nâng cao kỹ năng tự phục vụ của trẻ.
- Lập ra cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung đủ chất dinh dưỡng
- Cho bé tham gia vào các câu lạc bộ vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi
- Hướng dẫn cho trẻ cách kiềm chế cảm xúc, nhìn nhận vấn đề tích cực và lạc quan.
- Thường xuyên trò chuyện, tâm sự với trẻ để trẻ cảm nhận được sự quan tâm
- Tôn trọng trẻ, giúp trẻ thoải mái chia sẻ những vấn đề của bản thân.
- Nên động viên trẻ khi trẻ gặp phải những trở ngại hoặc thất bại.
- Tránh chê bai, áp lực, chỉ trích, so sánh sẽ khiến trẻ tổn thương, thiếu tự tin
- Chú ý đến giấc ngủ của trẻ, đảm bảo trẻ ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày
- Rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ trước 22 giờ cho trẻ
- Giữ không gian chỗ ngủ thoáng mát, yên tĩnh, dễ chịu để không làm gián đoạn giấc ngủ
Hi vọng thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý này và có cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm:
- Điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu
- Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ và những điều cần lưu ý
- Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!