Rối loạn trầm cảm tái diễn là gì? Có nguy hiểm hơn?
Rối loạn trầm cảm tái diễn là tình trạng bệnh quay trở lại với mức độ trầm trọng hơn trước đó rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh tái diễn trở lại và người bệnh cần nhanh chóng tiến hành điều trị với bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Rối loạn trầm cảm tái diễn là gì?
Nhiều người thường băn khoăn rằng “bệnh trầm cảm có tái phát không, có nguy hiểm không” thì câu trả lời hoàn toàn là có. Theo thống kê có đến 50% trường hợp người bệnh trầm cảm tái phát lại sau điều trị và đây là nguyên nhân chiếm đến 2/3 trường hợp bệnh nhân tự tử. Tình trạng này chính là rối loạn trầm cảm tái diễn.
Theo định nghĩa của IDC-10 (1992), rối loạn trầm cảm tái diễn (F33) được hiểu là rối loạn cảm xúc mã hóa và được đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của những giai đoạn trầm cảm đã được biệt định trước đó. Bao gồm các giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0), trầm cảm vừa (F32.1), trầm cảm nặng (F32.2 hoặc F32.3). Thời gian kéo dài mỗi giai đoạn khoảng 6 tháng.
Theo phân loại của IDC – 10(1992) chia rối loạn trầm cảm tái phát thành 4 giai đoạn với mức độ triệu chứng tăng dần, bao gồm
- Rối loạn trầm cảm tái diễn giai đoạn nhẹ
- Rối loạn trầm cảm tái diễn giai đoạn vừa
- Rối loạn trầm cảm tái diễn giai đoạn nặng không có triệu chứng loạn thần
- Rối loạn trầm cảm tái diễn giai đoạn thuyên giảm
Các nghiên cứu cho thấy có 58 – 85% trường hợp bệnh nhân có ít nhất hai giai đoạn trầm cảm trong suốt cuộc đời. Tỷ lệ trầm cảm tái diễn cũng tăng dần trong mỗi đợt tái phát tiếp theo. Các thống kê thực tế cũng ghi nhận có đến 34% bệnh nhân có dấu hiệu tái diễn bệnh trong năm đầu tiên, trong đó có đến hơn 19% thường gặp ở người già.
Các triệu chứng của trầm cảm đều xuất hiện trên từng giai đoạn với các biểu hiện ngày càng trầm trọng hơn. Các triệu chứng điển hình của chứng rối loạn trầm cảm tái diễn bao gồm
- Khi sắc trầm cảm xuất hiện thường xuyên
- Người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn phiền, không có niềm vui, ăn uống không ngon, cảm giác đau nhức cơ thể nhưng khó diễn tả
- Không có hứng thú với các hoạt động trong ngày
- Mất ngủ tái phát lại, khó khăn khi đi vào giấc ngủ
- Cảm giác luôn muốn khóc trở lại
- Tăng cân sụt cân bất thường, mất cảm giác ngon miệng kéo dài suốt nhiều ngày
- Dễ bị kích động hay mệt mỏi quá mức
- Cảm giác vô dụng và tự trách cứ bản thân mình mỗi ngày
- Chỉ muốn ở một mình, không muốn giao tiếp nói chuyện với ai
- Do dự và mất tập trung
- Bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện tự tử
Theo bác sỹ tâm lý Deborah Serani, tác giả của cuốn sách “Sống chung với bệnh trầm cảm” (Living with depression) cho biết, nếu bạn đã từng trải qua 2 đợt trầm cảm, thì khả năng bệnh tái phát là khoảng 80%. Trong trường hợp bạn đã từng bị 3 đợt trầm cảm, thì khả năng trầm cảm tái diễn lên tới 90%.
Nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm tái diễn
Trầm cảm có thể điều trị dứt điểm trong giai đoạn nhẹ mà không để lại di chứng gì nhưng đồng thời cũng rất dễ tái phát trở lại do rất nhiều nguyên nhân. Có thể do việc điều trị trước đó không dứt điểm hoàn toàn, người bệnh gặp những sang chấn tâm lý mới không thể giải quyết. Ngoài ra yếu tố giới tính và độ tuổi cũng liên quan nhiều đến nguy cơ tái phát bệnh.
Cụ thể, các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm quay trở lại bao gồm:
- Người có giới tính nữ
- Người trong độ tuổi trên 30
- Tình trạng hôn nhân như ly dị, độc thân, góa phụ, ly thân
- Những xung đột với gia đình
- Gặp các sang chấn tâm lý mới sau thời gian điều trị trầm cảm chưa lâu
- Cuộc sống khó khăn
- Tầng lớp xã hội thấp
- Nguyên nhân gây trầm cảm trước đó cũng có thể liên quan đến việc tái phát bệnh nếu người bệnh gặp lại tình huống tương tự và không thể vượt qua
- Người bị trầm cảm nặng và kéo dài trước đó
- Có các rối loạn tâm thần khác
- Lạm dụng rượu hay các chất kích thích
- Người có các bệnh lý kèm theo, đặc biệt là các bệnh mãn tính
- Người có tiền sử những người trong gia đình cũng mắc bệnh trầm cảm
- Phụ nữ có thai và sau sinh cũng có nguy cơ tái phát trầm cảm rất cao
- Do điều trị không dứt điểm trước đó bằng thuốc. Thống kê cũng cho thấy có đến 70% người bệnh tái phát trầm cảm do tự ý ngưng thuốc sớm so với chỉ định của bác sĩ khiến bệnh không dứt điểm hoàn toàn và dễ dàng tái phát hơn
Rối loạn trầm cảm tái diễn có nguy hiểm hơn không?
Bất cứ một bệnh lý nào tái phát thường cũng nguy hiểm hơn và trầm cảm cũng không hề ngoại lệ. Ở những người bị tái phát bệnh, mức độ trầm trọng cao hơn rất nhiều, người bệnh thường xuyên nghĩ đến việc tự tử và lên kế hoạch để thực hiện nó. Đôi khi họ tự lừa dối chính bản thân, không chấp nhận việc bị bệnh lại và khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh đó mức độ nguy hiểm của bệnh còn phụ thuộc vào việc điều trị. Khi bệnh tái phát người bệnh cần phải điều trị với các nhóm thuốc liều mạnh hơn do cơ thể có thể đã kháng lại các nhóm thuốc trước. Đồng thời quá trình điều trị cũng sẽ dài hơn để đảm bảo việc điều trị lần này thực sự triệt để.
Mặc dù bệnh vẫn có thể điều trị bằng thuốc nhưng nếu không có sự phối hợp của người bệnh thì vẫn có thể tái phát sau đợt điều trị này. Khi bị tái phát đồng nghĩa với việc người bệnh chưa thực sự giải tỏa được tâm lý, vì thế việc trị liệu cũng không hề dễ dàng.
Nói chung rối loạn trầm cảm tái diễn gây ra rất nhiều nguy hiểm cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần, do đó cần nhanh chóng có hướng điều trị càng sớm càng tốt để loại bỏ những nguy hiểm.
Hướng điều trị rối loạn trầm cảm tái diễn
Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm một số bài test và tiến hành kiểm tra toàn diện để xác định mức độ, giai đoạn bệnh. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn và người bệnh cần phải thực sự nghiêm túc quyết tâm cố gắng điều trị bệnh thì mới thực sự có hiệu quả. Trong trường hợp có liên quan đến các bệnh lý nào khác người bệnh cũng cần nhanh chóng tiến hành điều trị triệt để.
1. Điều trị y khoa
Một số thuốc được dùng thường dùng trong điều trị rối loạn trầm cảm tái diễn thường là các loại thuốc chống trầm cảm được điều trị phối hợp các thuốc an thần kinh, thuốc bình thần và một số loại thuốc giúp điều chỉnh khí sắc. Trong các trường hợp bệnh trầm trọng hơn có thể dùng các liệu pháp sốc điện hoặc kích thích xuyên sọ để hỗ trợ.
Các loại thuốc chủ yếu được dùng bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin: Như Sertralin, Fluoxetin, Fluvoxamin, Citalopram, Escitalopram hay Paroxetin
- Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng: thường dùng Amitriptylin hay Clomipramin
- Thuốc chống loạn thần:Haloperidol, Chlorpromazin, Levopromazin, Sulpirid, Risperidon, Olanzapin, Quetiapin, Clozapin..
- Thuốc nhóm benzodiazepin: Diazepam, Clonzepam hay Bromazepam
- Thuốc giúp điều chỉnh khí sắc: Valproat hay Carbamazepin
- Một số nhóm thuốc khác: thuốc giải lo âu, gây ngủ; thuốc tăng cường tuần hoàn não; vitamin và yếu tố vi lượng…
Liệu pháp sốc điện được dùng khi người bệnh có suy nghĩ hoặc hành vi thực hiện tự tử hoặc trong trường hợp việc điều trị bằng thuốc không còn mang lại tác dụng khả quan. Trong khi đó với các trường hợp nặng hơn thường được chỉ định kích thích xuyên sọ để kiểm soát những suy nghĩ và hành động của bệnh nhân.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh nguy cơ bệnh tái phát trở lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trầm trọng hơn. Sau điều trị bác sĩ vẫn có thể cho người dùng dùng một số thuốc duy trì như thuốc điều chỉnh khí sắc từ 6 tháng đến 2 năm để hạn chế bệnh tái diễn.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý cũng là biện pháp rất cần thiết để loại bỏ bệnh hoàn toàn. Thông qua các buổi trị liệu cùng bác sĩ, người bệnh sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc, giải quyết căng thẳng hay các xung đột, biết cách giao tiếp với những người xung quanh để nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.
Quan trọng nhất là người bệnh cần thực sự hợp tác, mở lòng và sẻ chia với bác sĩ. Bởi việc điều trị sẽ không đem lại kết quả nếu người bệnh vẫn giữ mãi những vấn đề khó khăn trong lòng, không chịu nói ra để tìm cách giải quyết. Ở trầm cảm tái diễn giai đoạn nhẹ thường có tiên lượng điều trị khá tốt, có thể không cần dùng thuốc mà vẫn có thể cải thiện bệnh.
Một số liệu pháp tâm lý thường được áp dụng bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Liệu pháp gia đình
- Liệu pháp cá nhân
- Liệu pháp thư giãn luyện tập
Bác sĩ cũng có thể tổ chức các buổi trị nhóm để các bệnh nhân có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn, tự xoa dịu những trái tim tổn thương. Với người bệnh sau điều trị trầm cảm cũng nên dành thời gian kiểm tra tâm lý định kỳ để kiểm soát tối đa nguy cơ tái phát.
3. Điều chỉnh lại lối sống
Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng kém lành mạnh cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến trầm cảm tái phát với mức độ trầm trọng cao. Không chỉ trong quá trình điều trị mà sau điều trị người bệnh vẫn nên ưu tiên duy trì một lối sống lành mạnh tự do để phòng tránh triệt để rối loạn trầm cảm tái diễn.
Cụ thể, người bệnh nên chú ý các vấn đề sau đây:
- Tuyệt đối tránh xa bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích. Đây có thể chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trầm cảm tái phát
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường đề kháng và cải thiện tâm trạng. Việc dậy sớm tập thể dục và hít thở không khí trong lành mỗi ngày sẽ giúp tinh thần ngày hôm đó minh mẫn và lạc quan hơn rất nhiều
- Học cách kiểm soát căng thẳng thông quan yoga, thiền hay dưỡng sinh
- Nấu ăn, thêu thùa, vẽ tranh, đan móc cũng là cách giúp giải tỏa những tâm trạng căng thẳng hay lo lắng
- Gặp gỡ bạn bè nhiều hơn, nên làm bạn với những người tích cực, tránh tiếp xúc quá nhiều với những người có suy nghĩ tiêu cực bởi rất dễ lây lan tâm trạng này
- Thay đổi chế độ khoa học, tăng cường bổ sung các loại rau củ trái cây tốt cho tâm trạng
- Cố gắng duy trì giấc ngủ đầy đủ, nếu bị mất ngủ cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ để chỉ định các loại thuốc phù hợp
Thực tế vẫn chưa có biện pháp nào có thể đảm bảo phòng tránh rối loạn trầm cảm tái diễn hoàn toàn bởi các nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp. Bản thân chính người bệnh cần phải thực sự quyết tâm và cố gắng trong điều trị cũng như phòng bệnh, cần thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực hơn. Hãy tự yêu chính bản thân mình bởi chỉ có mình bạn mới thực sự giúp được bạn, mọi biện pháp xung quanh vẫn chỉ mang tác dụng hỗ trợ.
Rối loạn trầm cảm tái diễn có thể gây ra nguy hiểm cho người bệnh nên cần phải phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Khi nhận thấy bản thân không ổn, phát hiện các triệu chứng trầm cảm quay trở lại, người bệnh hãy nhanh chóng tiến hành gặp bác sĩ để có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- Cảm giác buồn chán kéo dài sau sinh là dấu hiệu bệnh gì?
- Trầm cảm sau khi bị sảy thai và cách phòng tránh
- Tìm hiểu phương pháp thực dưỡng chữa bệnh trầm cảm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!