Thực trạng stress trước kỳ thi vào lớp 10 của học sinh thành phố
Học sinh thành phố là nhóm đối tượng bị căng thẳng, stress trước kỳ thi vào lớp 10 nhiều hơn cả bởi có vô vàn những áp lực đè nặng trên vai. Làm thế nào để vào được trường điểm, làm thế nào để trúng tuyển trường công khi mà tỷ lệ chọi quá cao khiến các em không ngừng lo lắng. Không ít học sinh bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng khi đến gần kỳ thi vì học hành quá sức, ăn uống không đủ chất và thiếu ngủ dài ngày.
Thực trạng học sinh ở thành phố bị áp lực, stress trước kỳ thi vào lớp 10
Giai đoạn thi chuyển cấp luôn khiến học sinh phải chịu rất nhiều áp lực, căng thẳng. Trong đó tỷ lệ học sinh ở khu vực các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội bị áp lực, stress trước kỳ thi vào lớp 10 đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Điều này được hình thành từ rất nhiều yếu tố, bao gồm áp lực chọn trường, áp lực do gia đình, thầy cô tạo ra; kế hoạch học tập kém khoa học, cùng chế độ sinh hoạt kém lành mạnh trong suốt thời gian dài.
Nhiều học sinh cho biết, càng gần đến ngày thi, thời gian ngủ của các em ngày càng hạn hẹp. Có em chỉ được ngủ 2- 3 tiếng/ ngày, kể cả cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi mà phải tham gia các lớp học thêm. Trên lớp học lúc nào học sinh cũng cảm thấy buồn ngủ, đặc biệt trong những thiết học đầu. Thậm chí ngay cả giờ ra chơi các em cũng không được nghỉ ngơi mà bị các thầy cô “xin tiết” hay dạy cố.
Một khảo sát cũng được thực hiện với các học sinh cuối cấp THCS cho thấy các em luôn phải thức sau 23h đêm và dậy ngay từ 5h30- 6h sáng để chuẩn bị cho việc học; 80% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày. Nhiều em chỉ cần nghĩ đến việc học đã cảm thấy xây xẩm mặt mày, buồn nôn, dù cảm thấy không thể tiếp thu nhưng vẫn phải cố gắng ngồi học không bỏ tiết nào.
Đặc biệt tỷ lệ các học sinh ở thành phố thường bị stress trước kỳ thi vào lớp 10 với mức độ cao hơn học sinh ở khu vực nông thôn rất nhiều. Nhất là các học sinh có cha mẹ đang làm thuê ở thành phố, không có sổ hộ khẩu ở đó, có tài chính eo hẹp càng phải mang nhiều gánh nặng hơn trong kỳ thi chuyển cấp.
Áp lực thi cử ở học sinh lớp 9 khiến không ít học sinh bị suy nhược cơ thể, sút cân nghiêm trọng, thậm chí hình thành suy nghĩ muốn nghỉ học. Một số khác cũng thay đổi tư duy, tích cách theo hướng tiêu cực; hình thành các rối loạn tâm lý nghiêm trọng, thậm chí là muốn tự tử vì không thể vượt qua được áp lực. Thực trạng đáng báo động này là tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ nhất cho thấy cần thay đổi định hướng giáo dục, thi cử càng sớm càng tốt.
Học sinh bị stress trước kỳ thi vào lớp 10 vì đâu?
Có rất nhiều yếu tố khiến học sinh dễ bị stress, căng thẳng trước kỳ thi vào lớp 10. Chính gia đình và thầy cô cũng góp phần khiến các em cảm thấy lo lắng, áp lực hơn. Và bản thân các em cũng tự tạo ra áp lực cho chính mình để cố gắng hơn nhưng lại không có cách vượt qua nên mới dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
1. Tỷ lệ chọi vào lớp 10 quá cao
Một yếu tố phổ biến khiến các học sinh ở khu vực thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Lạt bị áp lực, stress trước kỳ thi vào lớp 10 cao hơn các học sinh ở nông thôn chính là do tỷ lệ “chọi” quá cao. Hầu hết các học sinh ở nông thôn chỉ có 1 hoặc vài sự lựa chọn các trường cấp 3, vị trí trường cũng thường nằm quanh khu vực nơi ở, mật độ dân số thấp nên hầu như bất cứ ai cũng có cơ hội đậu vào một ngôi trường nào đó.
Trong khi đó, mật độ dân số ở các thành phố ngày càng tăng, không chỉ là người bản địa mà còn là người từ các khu vực khác đến sinh sống và lập nghiệp nên tỷ lệ giành suất vào trường cấp 3 sẽ thấp hơn. Chưa kể các em còn phải cố gắng để vào đường trường công thay vì trường tư ( để có mức học phí thấp hơn) hay trường học theo hệ giáo dục cơ bản truyền thống ( hệ nâng cao hay trường điểm/ trường chuyên thường được đánh giá cao hơn).
Chẳng hạn một khảo sát được thực hiện năm 2018 cho thấy tại Hà Nội, tổng số các trường THPT hệ công lập chỉ đáp ứng được 62% hồ sơ đăng ký dù trước đó đã tăng thêm đến 300 phòng học mới và nới sĩ số lớp 10 thành 45 học sinh/ lớp. Vậy 38% học sinh không đạt chỉ tiêu sẽ phải học tại trường tư, chọn những ngôi trường rất xa nhà, thậm chí một số em do có hoàn cảnh khó khăn còn buộc phải lựa chọn chuyển hướng học nghề.
Hay một thống kê khác được thực hiện tại Trường chuyên Lê Hồng Phong TPHCM vào năm 2022, trường chỉ có chưa đến 600 chỉ tiêu nhưng lại có đến hơn 3000 hồ sơ, tức tỷ lệ chọi xấp xỉ là 1-5. Càng những trường “hot”, trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao thì tỷ lệ chọi càng lớn, mức độ stress trước kỳ thi vào lớp 10 càng tăng lên theo. Và mỗi năm, những con số này đều cao hơn chứ không hề có mức độ hạ nhiệt.
Không có quá nhiều cơ hội tốt cho những học sinh không đậu vào lớp 10 tại các ngôi trường theo đúng nguyện vọng, nhất là đối với các học sinh không có hộ khẩu ở thành phố hay có tài chính khó khăn. Bởi thế các em càng phải cố gắng nỗ lực học tập, không dám ngừng nghỉ một giây phút nào để tình trạng này không diễn ra.
2. Kế hoạch học tập không khoa học
Nhiều học sinh chỉ cố gắng học thật nhiều mà không có một kế hoạch khoa học dẫn đến chẳng thể nào tiếp thu một cách có hiệu quả. Các em vừa phải hoàn thành việc học tập các môn phụ trên lớp, vừa phải tăng cường học các môn chính ngoài giờ để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, bị “ăn gian” cả giờ giải lao lẫn ngày nghỉ cuối tuần đến mức không có thời gian để nghỉ ngơi.
Việc nhà trường phân bổ thời gian học tập không hợp lý, chỉ cố gắng nhồi nhét kiến thức cũng khiến không ít học sinh bị stress trước kỳ thi vào lớp 10. Không ít học sinh thậm chí còn sợ việc đến lớp nếu chưa hoàn thành xong bài tập vì sẽ bị thầy cô la mắng, khiển trách, thậm chí phạt trước lớp. Nhiều em đến 9h tối vẫn chưa học thêm về đến nhà và 12h đêm vẫn còn đang chuẩn bị bài học cho ngày hôm sau dẫn đến vô cùng mệt mỏi.
Chưa kể đến việc ở nhiều bộ môn, chẳng hạn như Tiếng Anh, nhiều thầy cô chọn phương pháp học mẹo, chọn kết quả mẹo thay vì tập trung cho các em nắm bắt kỹ nền tảng kiến thức và kết quả là các em luôn mơ hồ khi đến gần kỳ thi. Hay việc nhiều học sinh có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, đến sát kỳ thi mới cuống cuồng ôn tập khiến lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn nên cũng không thể có tâm lý thoải mái khi đến gần ngày thi.
Việc không có một kế hoạch học tập, ôn thi khoa học khiến học sinh vừa dễ bị stress trước kỳ thi vào lớp 10 đồng thời kết quả thi cử cũng không hề khả quan. Tuy nhiên đây lại là một trong những thực trạng dễ thấy ở trong bất cứ kỳ thi nào, môi trường nào, thời điểm nào.
3. Áp lực từ thầy nhà trường
Nhiều trường chạy theo “thành tích”, muốn trường mình được vinh danh bởi có nhiều học sinh đậu trường chuyên, trường điểm nên không ngừng tạo áp lực cho giáo viên và học sinh. Thầy cô giáo vì muốn học sinh cố gắng hơn, đạt thành tích tốt nên mới không ngừng thúc giục, giao nhiều bài tập, thậm chí là rầy la nhưng vô tình lại khiến con thêm nhiều áp lực, lo lắng và tiêu cực hơn.
Chính nhà trường và thầy cô cũng là người phân bổ, sắp xếp lịch học cho học sinh. Mặc dù chính bộ giáo dục đã từng chia sẻ rằng, việc tăng cường thêm tiết cho học sinh lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10 là chưa cần thiết bởi nhìn chung, nội dung thi đều nằm trong trong sách giáo khoa, không có mở rộng nên chỉ cần học sinh nắm chắc kiến thức đã được học thì chắc chắn sẽ thi qua.
Tuy nhiên như đã nói, do học sinh lớp 9 tại ở thành phố phải chịu áp lực cạnh tranh quá lớn khi tranh một suất vào ngôi trường mong muốn. Không ít trường hợp, học sinh dù được 8-9 điểm mỗi môn mà vẫn không thể vào được trường chuyên. Do đó việc tăng cường thêm các tiết dạy, phải học thêm tiết cho học sinh lớp 9 vẫn cực kỳ phổ biến và cũng chính các yếu tố này khiến nhà trường buộc tạo thêm stress trước kỳ thi vào lớp 10.
4. Áp lực từ gia đình
Gia đình luôn muốn con vào được trường tốt, trường cấp 3 chất lượng để có nền tảng kiến thức vững chắc, cần thiết cho quá trình thi đại học sắp tới. Mặt khác cha mẹ cũng luôn đặt kỳ vọng con có thể vào trường điểm, có thể giống như họ đã từng hoặc thay cha mẹ thực hiện ước mơ được đặt chân vào trường chuyên nên mới tạo ra nhiều áp lực như thế con con cái khi đến gần kỳ thi quan trọng nào.
Nhiều học sinh khi đi học thì bị áp lực từ thầy cô, khi về nhà thì bị gia đình khiến căng thẳng. Thậm chí nhiều phụ huynh còn “tham gia” cùng con ôn thi bằng cách ngồi học cùng con, kiểm tra bài còn con một cách vô cùng nghiêm khắc. Sự căng thẳng, stress trước kỳ thi vào lớp 10 tạo ra bởi chính gia đình khiến con ăn không ngon, không dám ngủ, trong đầu lúc nào cũng chỉ học và học.
Nhiều gia đình còn tạo áp lực cho con bằng cách không ngừng nói về tương lai mịt mù nếu con không thi đỗ cấp 3 hoặc than vãn về tiền học thêm quá nhiều, học phí quá cao nếu con phải học những trường tư. Đôi khi mục tiêu của những điều này cũng chỉ nhằm khiến trẻ vì biết ơn cha mẹ để cố gắng hơn nhưng lại vô tình tạo áp lực tài chính lên con, khiến trẻ nhìn nhận rằng mình chính là gánh nặng của gia đình.
Hay việc người lớn, cha mẹ vẫn giữ thói quen so sánh với “con nhà người ta”, luôn hạ thấp năng lực của trẻ và khiến con thêm phần tự ti. Dù đã cố gắng học tập nhưng con luôn bị ám ảnh bởi lời chê bai từ cha mẹ, cho rằng mình kém cỏi nên mới cảm thấy không thể vượt qua khỏi cái bóng của “con nhà người ta”.
5. Áp lực do chính bản thân tạo ra
Học sinh bị stress trước kỳ thi vào lớp 10 cũng ảnh hưởng từ chính những áp lực, lo lắng mà bản thân con tự tạo ra. Nỗi lo sẽ khiến cha mẹ thất vọng, bị bạn bè chê cười nếu rớt cấp 3 khiến con tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Con tự đều ra những mục tiêu mà bản thân cần phải đạt được trong kỳ thi này để phấn đấu nhưng lại quá sức với năng lực nên không thể tránh khỏi những lo âu, căng thẳng không thể giải tỏa.
Đặc biệt, học sinh hiện nay còn chịu một phần áp lực được tạo ra bởi truyền thông, mạng xã hội. Việc nhiều trang báo không liên tục đưa ra các thông tin về nội dung thi khiến con trở nên hoang mang, không biết tập trung vào kiến thức nào. Dù chỉ một diễn biến nhỏ về quy chế thi, nội dung thi cũng được báo chí cập nhật khiến cả dư luận xôn xao, bàn tán khiến trẻ không thể xây dựng định hướng học tập cho phù hợp.
Mặt khác, các em còn mang nhiều nỗi lo âu, căng thẳng bởi “áp lực đồng trang lứa“. Nhiều học sinh khi chưa bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã nhận được thư trúng tuyển đi du học hay được tuyển thẳng vì đạt được thành tích tốt từ các kỳ thi học sinh giỏi; hay việc bạn bè có thể thoải mái vào trường tư, trường quốc tế khiến các em khác cũng mang nhiều nỗi tự ti. Cảm giác kém cỏi, thất bại khiến các em muốn cố gắng nhiều hơn nhưng thực tế chỉ làm tăng thêm mức stress trước kỳ thi vào lớp 10.
6. Không được nghỉ ngơi hợp lý
Căng thẳng, stress chính là tín hiệu rõ rệt nhất cho thấy rằng não bộ rất cần được nghỉ ngơi. Việc học sinh chỉ tập trung vào học tập mà quên mất việc nghỉ ngơi, không ngủ được đến 4- 5 tiếng một ngày cũng góp phần khiến mức độ stress trước kỳ thi vào lớp 10 ngày càng tăng lên. Chưa kể đến việc kỳ thi thường diễn ra trong mùa nắng khiến học sinh nóng bức, nực nội và luôn thấy mệt mỏi, khó chịu trong người.
Không thể ăn cơm đúng bữa, phải ăn vội vàng chiếc bánh mì hay uống sữa thay cơm giống như là một điều bình thường với những học sinh đang trong giai đoạn ôn thi gấp rút. Nhiều phụ huynh thường động viên con cố gắng hơn, chỉ cần kết thúc kỳ thi thì cuộc sống sẽ dần trở lại trạng thái bình thường nhưng chỉ cần 1 vài tháng cũng khiến con sút cân, gầy đi trông thấy.
Stress trước kỳ thi vào lớp 10 và những hệ lụy không ngờ
Dù thực trạng stress trước kỳ thi vào lớp 10 là điều cực kỳ phổ biến nhưng phụ huynh thường chủ quan, cho rằng đó là điều bình thường, hết kỳ thi thì con sẽ tự động thoải mái, tích cực trở lại. Tuy nhiên, không ít sự cố không mong muốn đã xảy ra vì học sinh quá stress, cố gắng quá mức trong kỳ thi trước mặt khiến phụ huynh, nhà trường cần phải xem xét lại về việc tạo áp lực học tập quá sức cho các con.
Nhiều học sinh cho biết, stress trước kỳ thi vào lớp 10 đã khiến em lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, cơ thể như không còn sức sống, lúc nào cũng thèm ngủ, thèm được nằm xuống nghỉ ngơi. Không ít học sinh cũng bị đau đầu, đau dạ dày, suy nhược cơ thể, đau cổ, vai, gáy nghiêm trọng vì lối sống kém khoa học trong suốt thời gian dài.
Áp lực quá lớn về tương lai mù mịt nếu không thể đậu cấp 3 khiến nhiều em luôn trong trạng thái lo âu, ngay cả trong giấc mơ các em cũng thấy việc đang ngồi trên bàn học và bị thầy cô la mắng, làm cha mẹ thất vọng. Con không ngừng run rẩy mỗi khi lên lớp mà chưa hoàn thành tập, thậm chí ngất xỉu vì quá lo âu. Con càng cố gắng thức khuya để học lại càng cảm thấy không hiểu gì và trở nên khủng hoảng hơn.
Tình trạng học sinh ngủ quên hay ngất xỉu ngay trong ngày thi vì chịu áp nhiều áp lực, căng thẳng, ôn luyện quá sức trước đó đang trở nên ngày càng phổ biến. Thậm chí nhiều em bật khóc ngay khi vừa phát đề vì rõ ràng đã ôn luyện trước đó nhưng lại chẳng thể nhớ gì, chẳng thể làm được gì. Áp lực quá lớn khiến não bộ bị trì trệ, càng cố nhồi nhét kiến thức lại càng phản tác dụng và dẫn tới hậu quả này.
So với kỳ thi đại học, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được đánh giá nhẹ nhàng hơn rất nhiều nhưng không ít học sinh, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành phố lớn bị khủng hoảng tâm lý, rơi vào trầm cảm, lo âu hay thậm chí là muốn tự tử. Phụ huynh không hề nhận ra những bất thường trong tâm lý, khi thấy trẻ có dấu hiệu xao nhãng, hay cáu gắt, tách biệt với mọi người lại không ngừng chỉ trích, cho rằng con lười biếng nên càng kích động, khiến trẻ muốn tự tử nhiều hơn.
Một thống kê cho thấy, thực trạng học sinh bị căng thẳng, stress đang ngày càng có xu hướng “trẻ hóa”. Không chỉ học sinh lớp 9 bị stress trước kỳ thi vào lớp 10 mà ngay cả những học sinh lớp 1, lớp 2 cũng đã bắt đầu phải chịu nhiều áp lực từ học tập. Gia đình, nhà trường và các ban ngành làm trong lĩnh vực giáo dục nên sớm có giải pháp chăm sóc tâm lý, sức khỏe tinh thần cho học sinh để tránh những hệ lụy đáng tiếc trên có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn học tập: Nguyên nhân, Cách nhận biết và Điều trị
- Cảm Xúc Tiêu Cực Trong Học Tập: Ảnh Hưởng Và Cách Ứng Phó
- Tham Vấn Tâm Lý Học Đường Là Gì? Quan Trọng Như Thế Nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!