Thao túng tinh thần (Gaslighting): Cách nhận biết & vượt qua
Gaslighting – Thao túng tinh thần được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1938 khi vở kịch cùng tên được ra mắt. Thuật ngữ này đề cập đến việc lạm dụng tâm lý với mục đích bóp méo nhận thức, khiến nạn nhân nghi hoặc bản thân và chìm đắm trong cảm giác tội lỗi, hoang mang,…
Thao túng tinh thần (Gaslighting) là gì?
Thao túng tinh thần (Gaslighting/ Gas-Lighting) còn được gọi là hiệu ứng Gaslighting. Thuật ngữ này đề cập đến hình thức lạm dụng tâm lý mà kẻ thao túng sử dụng các chiêu trò để làm méo mó nhận thức khiến nạn nhân luôn thường trực cảm giác tội lỗi, đau khổ, nghi ngờ giá trị của bản thân,…
Kẻ thao túng thấu hiểu sâu sắc tâm lý và suy nghĩ của đối phương. Bằng những thủ đoạn tinh vi, nạn nhân biến thành con rối với cảm xúc, suy nghĩ, hành vi bị chi phối mạnh mẽ.
Thao túng tinh thần có thể ở mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Ở trạng thái bị thao túng mạnh mẽ, nạn nhân mất dần đi cảm nhận về thực tế, nghi ngờ phán đoán và không thể đánh giá khách quan về giá trị của bản thân. Bằng lời nói và hành vi của mình, kẻ thao túng có thể dễ dàng điều khiển nạn nhân theo ý muốn.
Thuật ngữ hiệu ứng Gaslighting được nhắc đến lần đầu tiên sau khi vở kịch cùng tên được ra mắt. Gaslighting (Nghĩa đen: Thắp sáng đèn ga) là vở kịch ra mắt vào năm 1983 kể về nhân vật Jack Manningham và những hành vi bạo hành tinh thần có tính toán lên người vợ của mình là Bella Manningham.
Trong vở kịch, có chi tiết Jack Manningham sử dụng đèn ga để truy tìm báu vật được giấu trên gác xép. Thế nhưng khi vợ phát hiện, ông phủ nhận điều này và sử dụng thủ thuật để vợ tin rằng tất cả là do bà tự tưởng tượng.
Jack Manningham tiếp tục thuyết phục vợ và những người xung quanh rằng cô ấy bị điên bằng cách thay đổi vị trí tất cả đồ đạc trong nhà. Bằng thủ thuật của mình, ông ta khiến vợ tin rằng bản thân thật sự có vấn đề về trí nhớ.
Gaslighting được thực hiện một cách rất tinh vi. Thông qua biểu cảm khuôn mặt và lời nói, kẻ thao túng có thể khiến cho nạn nhân nghi ngờ cảm xúc và sự phán đoán của mình. Nạn nhân rơi vào trạng thái không hoàn toàn tỉnh táo và dễ dàng bị kiểm soát.
Vào khoảng thập niên 60, thuật ngữ Gaslighting bắt đầu được sử dụng để miêu tả hành vi lạm dụng tâm lý, nhận thức của nạn nhân. Thuật ngữ này còn được định nghĩa là các hành vi phá hoại, làm mất đi khả năng phán đoán của người khác.
Những hiểu biết về tâm lý nói chung và hiệu ứng Gaslighting nói riêng chưa thật sự trở nên phổ biến. Ngày nay, có rất nhiều người đang là nạn nhân của thao túng tinh thần nhưng không hoàn toàn nhận ra. Gaslighting là hình thức lạm dụng cảm xúc, điều khiển suy nghĩ, nhận thức của người khác. Hiểu biết về hiệu ứng này sẽ giúp bạn nhận diện các thủ đoạn của kẻ thao túng và tránh biến bản thân trở thành nạn nhân.
Nhận biết đặc điểm, hành vi của kẻ thao túng tinh thần
Gaslighting không chỉ xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng, người yêu mà có thể xuất hiện ở trong bất cứ mối quan hệ nào. Ở từng trường hợp cụ thể, kẻ thao túng sẽ sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn khác nhau để lạm dụng, dẫn dắt cảm xúc của nạn nhân.
Kẻ thao túng tinh thần thường sẽ có những đặc điểm, hành vi như sau:
1. Gây hấn thụ động
Thay vì gây hấn một cách trực tiếp, kẻ thao túng tinh thần dùng các hành vi gây hấn thụ động để gây ra những cảm xúc tiêu cực cho nạn nhân. Hành vi này được thực hiện một cách vô cùng khéo léo đến cả chính nạn nhân và những người xung quanh cũng không thể nhận ra.
Những hành vi gây hấn thụ động có thể bao gồm từ chối các trò chuyện có tính xây dựng, sử dụng sự im lặng để “trừng phạt” bạn, thể hiện sự chống đối ngầm thông qua một số hành động,… Kẻ thao túng không bày tỏ rõ ràng về việc bản thân không hài lòng và thất vọng. Thay vào đó, họ dùng sự im lặng hoặc sự châm biếm để nạn nhân hình thành cảm giác tội lỗi, cho rằng bản thân quá đáng và có những hành vi không phải,…
2. Bóp méo sự thật
Kẻ thao túng tinh thần có xu hướng bóp méo sự thật để làm thay đổi nhận thức và phán đoán của nạn nhân. Ở hầu hết các trường hợp, kẻ thao túng sẽ giả vờ không biết hoặc nói dối về một vấn đề nào đó.
Kẻ thao túng có thể bóp méo sự thật về những sự việc, tình huống trong cuộc sống để “châm ngòi” sự nghi ngờ của chính bản thân nạn nhân. Bằng các hành vi bóp méo sự thật, nạn nhân sẽ luôn ở trong trạng thái nghi ngờ về năng lực và khả năng phán đoán của mình.
Về lâu dài, nạn nhân gần như không thể quyết đoán khi đưa ra các quyết định và phải thông qua ý kiến của kẻ thao túng. Lúc này, kẻ thao túng có thể dễ dàng biến nạn nhân thành con rối và gây ra sự chi phối mạnh mẽ đến các quyết định, cảm xúc.
3. Luôn đóng vai nạn nhân
Một đặc điểm thường thấy ở kẻ thao túng tinh thần là thường xuyên đóng vai nạn nhân. Trong hầu hết các tình huống, kẻ thao túng sẽ sử dụng sự im lặng hoặc tự trách để khơi dậy sự đồng cảm.
Khi đóng vai nạn nhân, kẻ thao túng sẽ nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu từ mọi người. Ở trạng thái cảm xúc này, nạn nhân dễ bị dẫn dắt và kẻ bạo hành có thể đạt được những gì mà họ mong muốn.
4. Sự im lặng/ phớt lờ
Kẻ thao túng tinh thần không bao giờ phản ứng quá gay gắt và có thể kiểm soát tốt mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Thay vì phản ứng quá khích, kẻ thao túng sử dụng sự im lặng và phớt lờ để “trừng phạt” đối phương.
Rõ ràng, sự im lặng trong một thời gian dài sẽ khiến cho nạn nhân bắt đầu nghi ngờ về hành động của mình liệu có quá đáng hay không. Bản thân có lỡ lời trong các cuộc cãi vã khiến đối phương tổn thương? Sự nghi ngờ về khả năng phán đoán, cảm nhận của nạn nhân cũng sẽ bắt đầu “nảy mầm”.
Sự im lặng dai dẳng của kẻ thao túng khiến nạn nhân khao khát mối quan hệ được thân thiết như trước. Khi bày tỏ mong muốn, kẻ thao túng sẽ chấp nhận với thái độ vô cùng rộng lượng. Tuy nhiên, lúc này cán cân quyền lực đã nghiêng hoàn toàn về kẻ thao túng và nạn nhân dễ bị dẫn dắt cảm xúc bởi các chiêu trò tinh vi.
5. Không ngừng so sánh bạn với người khác
Một đặc điểm thường thấy khác ở kẻ thao túng tinh thần là không ngừng so sánh bạn với người khác. Trong tất cả các tình huống, họ sẽ so sánh bạn với những người tốt hơn để làm nổi bật lên những thiếu sót, khiếm khuyết.
Hành vi so sánh khiến cho nạn nhân nghĩ rằng bản thân kém cỏi và còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Kẻ thao túng sẽ đóng vai là người rộng lượng, giúp nạn nhân nhìn nhận lại bản thân và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm hay chấp nhận mọi khuyết điểm. Bằng cách này, nạn nhân có xu hướng “thần tượng hóa” kẻ thao túng và cho rằng bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với họ.
6. Ràng buộc bạn qua mối quan hệ thân thiết
Kẻ thao túng sẽ xác định trước nạn nhân và ràng buộc họ qua mối quan hệ thân thiết. Kẻ thao túng sẽ chủ động thân thiết để có thể ràng buộc bạn trong mối quan hệ có vẻ đặc biệt hơn những mối quan hệ xã giao thông thường.
Tuy nhiên, những mối quan hệ phát triển quá nhanh thường khó bền vững. Kẻ thao túng có thể liên tục tấn công nạn nhân bằng những hành động ngọt ngào, quan tâm. Trước sự nhiệt thành của đối phương, nạn nhân sẽ trở nên “mềm lòng” và chấp nhận bị ràng buộc bởi mối quan hệ do kẻ bạo hành xây dựng.
7. Bắt nạt trí tuệ
Bắt nạt trí tuệ là hành vi thường thấy ở kẻ thao túng tinh thần. Dạng bắt nạt này không sử dụng hành vi bạo lực hay những lời nói đe dọa mà sử dụng quyền lực của trí tuệ để bắt nạt kẻ yếu kém hơn.
Kẻ thao túng sử dụng kiến thức sâu rộng của mình để nạn nhân thấy rằng họ thực sự kém cỏi, thiếu hiểu biết. Trước một người trông-có-vẻ-hoàn-hảo, nạn nhân sẽ bắt đầu hình thành tâm lý phụ thuộc.
Nạn nhân thường chủ động chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình để được hỗ trợ. Điều này đúng với ý muốn của kẻ thao túng tinh thần. Sau khi lắng nghe tất thảy những điều chân thật từ nạn nhân, kẻ thao túng sử dụng những câu nói uyên thâm để điều khiển cảm xúc và suy nghĩ, biến nạn nhân thành con rối trong tay.
Ngoài những thủ thuật trên, kẻ thao túng tinh thần có thể sử dụng hình thức bạo hành lạnh, bạo hành bằng lời nói,… để bóp méo nhận thức của nạn nhân. Với những chiêu trò vô cùng tinh vi, nạn nhân hoàn toàn không nhận ra cảm xúc và hành vi của mình đang bị chi phối mạnh mẽ.
Diễn biến tâm lý ở từng giai đoạn thao túng tinh thần
Gaslighting thường xảy ra trong một thời gian dài với diễn biến rất chậm. Ban đầu, kẻ bạo hành gần như không có các hành vi bất thường, thậm chí luôn tỏ ra bản thân là một người vô hại.
Sau đó, kẻ bạo hành bắt đầu sử dụng hành vi để thao túng tinh thần khiến nạn nhân luôn cảm thấy sợ sệt, hoài nghi và hoang mang. Kẻ thao túng tiếp tục gia tăng các thủ đoạn để khiến nhận thức của nạn nhân bị bóp méo và mất đi khả năng phán đoán một cách chính xác về các tình huống trong cuộc sống.
Gaslighting thường diễn ra trong 3 giai đoạn là hoại nghi, phòng thủ và trầm cảm. Các giai đoạn thường không quá rạch ròi, đôi khi diễn ra đồng thời.
1. Giai đoạn hoài nghi
Hoài nghi là giai đoạn đầu tiên của Gaslighting. Ở giai đoạn này, nạn nhân có đã bắt đầu hình thành sự nghi ngờ về bản thân. Nạn nhân có thể cho rằng bản thân quá nhạy cảm hoặc nhận thấy hành vi, lời nói của mình đôi khi quá đáng làm tổn thương người khác – mà cụ thể ở đây là kẻ thao túng tinh thần.
Hoài nghi là “mầm mống” cho thấy thao túng tinh thần đang bắt đầu chi phối bạn. Kẻ thao túng sẽ lợi dụng sự hoài nghi của nạn nhân để có thể điều khiển, chi phối cảm xúc và suy nghĩ. Sự hoài nghi càng lớn, nhận thức càng bị bóp méo và chi phối.
2. Giai đoạn tự vệ
Giai đoạn tự vệ hay còn là giai đoạn phòng thủ. Ở giai đoạn này, nạn nhân bắt đầu có các hành vi nhằm chống lại sự thao túng tinh thần. Tuy nhiên khi bắt đầu phản kháng, đối phương sẽ liên tục phủ định bằng sự im lặng/ phớt lờ hoặc lảng tránh sang một vấn đề. Khi mọi sự phản kháng đều không mang lại tác dụng, nạn nhân sẽ dần lún sâu vào sự thao túng đã được lên kế hoạch từ trước.
3. Giai đoạn trầm cảm
Trong giai đoạn trầm cảm, nạn nhân gần như đánh mất chính mình khi nhận thức bị bóp méo và mất khả năng phán đoán về mọi thứ xung quanh. Nạn nhân phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ thao túng. Mọi quyết định, cảm xúc, suy nghĩ đều bị chi phối một cách vô cùng tinh vi.
Khi bước vào giai đoạn trầm cảm, nạn nhân sẽ phải đối mặt với sự lo lắng, bất an, căng thẳng và luôn nghi ngờ giá trị của bản thân. Thay vì nhận ra những vấn đề của đối phương, nạn nhân cho rằng mình phải hoàn thiện hơn để xứng đáng với họ. Cuối cùng, kẻ thao túng đạt được mục đích một cách dễ dàng thông qua các hành vi thao túng vô cùng tinh vi.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thao túng tinh thần
Gaslighting hiện diện ở tất cả các mối quan hệ và rõ rệt nhất trong mối quan hệ vợ chồng. Hành vi thao túng tinh thần được thể hiện một cách vô cùng tinh vi khiến cho nạn nhân hoàn toàn không nhận ra sự bất thường. Chỉ khi lún sâu vào mối quan hệ, nạn nhân mới nhận ra bản thân luôn lo lắng, sợ hãi, bất an và nghi ngờ chính mình.
Hiện nay, hiệu ứng Gaslighting đang bị nhiều người lợi dụng để đạt được mục đích. Để có thể thoát khỏi sự kiểm soát của kẻ thao túng, bạn cần nhận ra liệu mình có phải là nạn nhân của thao túng tinh thần qua những dấu hiệu sau:
- Thường xuyên chỉ trích bản thân và mặc cảm tội lỗi vì tin rằng bản thân không tốt.
- Tự hỏi liệu bản thân có thật sự đang quá nhạy cảm hay không.
- Tin rằng bản thân chưa đủ tốt và cần nỗ lực để có thể xứng đáng với đối phương.
- Dù đang ở trong mối quan hệ mà mình mong muốn nhưng bạn hoàn toàn không có cảm giác hạnh phúc, vui vẻ. Thay vào đó là cảm xúc bất an, lo lắng, hoài nghi và đau khổ.
- Không thể đưa ra những quyết định của riêng mình. Mọi quyết định đều bị chi phối bởi ý kiến và mong muốn của đối phương.
- Thường xuyên tìm cách giải thích cho những hành vi kỳ lạ của đối phương. Thay vì nhìn nhận họ đang có vấn đề, bạn sẽ luôn nhận lỗi về phía mình và tìm lý do hợp lý để giải thích cho hành vi của họ.
- Luôn có cảm giác bản thân không thể làm bất cứ điều gì tốt đẹp nếu không có sự hỗ trợ của đối phương.
- Thường trực cảm giác xấu hổ, thất vọng, nghi ngờ giá trị và năng lực của bản thân.
Thao túng tinh thần thường xuất hiện trong mối quan hệ độc hại. Một kẻ chỉ muốn thao túng bạn đương nhiên sẽ không thể mang lại cho bạn cảm xúc tiêu cực. Thứ kẻ thao túng muốn là lợi dụng tâm lý, chi phối cảm xúc, suy nghĩ của bạn để đạt được mục đích cá nhân.
Thao túng tinh thần (Gaslighting) và ảnh hưởng đối với tâm lý
Thao túng tinh thần không có biểu hiện rõ ràng như bạo hành thể chất. Diễn biến của các hành vi thao túng thường khá chậm và được tạo vỏ bọc trông có vẻ vô hại. Dần dần, nạn nhân lún sâu vào “chiếc bẫy” được kẻ thao túng sắp đặt từ trước.
Trong khi nạn nhân vùng vẫy với một mớ cảm xúc tiêu cực, kẻ thao túng dễ dàng đạt được mục đích bằng cách điều khiển nạn nhân như con rối trong tay.
Hậu quả của Gaslighting là vô cùng nặng nề. Ban đầu, nạn nhân tự nghi ngờ chính mình, đánh mất giá trị và sự tự tin vốn có. Chất lượng cuộc sống của nạn nhân cũng vì thế mà giảm sút. Công việc, các mối quan hệ đều phát sinh nhiều vấn đề.
Tinh thần bị lạm dụng trong một thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu. Nạn nhân có xu hướng lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện để giải tỏa sự bất lực và cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, chất gây nghiện và cồn càng khiến cho nạn nhân mất đi sự tỉnh táo. Kẻ thao túng vì thế ngày càng dễ dàng điều khiển nạn nhân và có được tất cả những thứ mà mình muốn.
Vượt qua thao túng tinh thần (Gaslighting) bằng cách nào?
Nhận diện và vượt qua thao túng tinh thần – Gaslighting là điều không dễ dàng. Với sự khéo léo và tinh vi, kẻ thao túng gần như luôn tìm được lý do để giải thích hợp lý cho bản thân. Những lời nói, hành vi được sắp xếp hoàn hảo đến mức nạn nhân chỉ có thể cho rằng vấn đề xuất phát từ bản thân.
Sau khi nhận ra bản thân đang là nạn nhân của hiệu ứng Gaslighting, bạn có thể thử một số cách sau:
1. Chia sẻ với ai đó
Khi phát hiện bản thân là nạn nhân của Gaslighting, phản ứng đầu tiên thường là sự thất vọng cùng cực. Nạn nhân sẽ mất một thời gian để có thể chấp nhận sự thật này. Việc chia sẻ với ai đó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ dàng chấp nhận hơn.
Tìm ai đó đủ thân thiết và tin tưởng để chia sẻ là cách để bạn lấy lại bình tĩnh, tránh đưa ra những quyết định sai lầm trong lúc nóng giận. Là người ngoài cuộc, bạn bè/ người thân sẽ có những đánh giá khách quan hơn và đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn thoát khỏi kẻ thao túng tinh thần.
2. Học cách từ chối kẻ thao túng tinh thần
Bước đầu để bạn có thể thoát khỏi kẻ thao túng tinh thần là học cách từ chối. Hãy từ chối những yêu cầu mà bạn không muốn thực hiện cho dù đối phương có dùng lời nói hay hành vi như thế nào đi chăng nữa.
Ban đầu, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác tội lỗi khi từ chối làm theo yêu cầu của kẻ thao túng. Tuy nhiên, đây là cách duy nhất để có thể chấm dứt việc bị chi phối, kiểm soát. Bạn cần hiểu rằng, những yêu cầu của kẻ thao túng là vô lý. Họ đang lợi dụng bạn để đạt được mục đích của mình. Những gì mà bạn cảm nhận đều không được tôn trọng và quan tâm đúng nghĩa.
Nếu đối phương điều chỉnh hành vi của mình, hãy thiết lập quyền lực cân bằng cho cả hai. Một mối quan hệ lành mạnh phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng. Trường hợp đối phương tiếp tục các hành vi thao túng, bạn nên xem xét việc chấm dứt mối quan hệ độc hại này.
3. Ngừng việc trách móc bản thân
Kẻ bạo hành có thể khiến nạn nhân rơi vào vòng xoáy của sự hoài nghi và tội lỗi. Nạn nhân sẽ luôn cảm thấy bản thân chưa đủ tốt và có xu hướng tự trách móc chính mình. Cảm giác tội lỗi khiến nạn nhân bị dẫn dắt thực hiện các hành vi, đưa ra quyết định dựa theo mong muốn của kẻ thao túng.
Ngừng việc trách móc bản thân là việc bạn cần làm. Bạn không có lỗi với bất cứ ai mà chỉ có lỗi với chính bản thân mình. Lỗi của bạn là để bản thân bị dày vò bởi sự tội lỗi, hoài nghi, lo âu và hoảng loạn. Trong khi đáng ra bạn có thể chủ động trong cuộc sống và tự do với cảm xúc, suy nghĩ của chính mình.
Trách móc bản thân sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái u uất kéo dài. Hãy cởi bỏ những gánh nặng vô hình, loại bỏ cảm xúc tiêu cực do kẻ bạo hành gây ra để bắt đầu một cuộc sống mới. Một mối quan hệ thực sự cũng sẽ không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực, mâu thuẫn và tranh cãi. Nhưng hơn hết, bạn biết rằng mình đang hạnh phúc và thật sự hài lòng với cuộc sống hiện tại.
4. Lắng nghe bản thân mình
Khi kết giao với một kẻ thao túng tinh thần, cảm xúc và suy nghĩ của bạn bị dẫn dắt bởi những lời nói, hành vi vô cùng tinh vi. Lắng nghe bản thân là cách để bạn hiểu rằng mình thật sự cần gì, muốn gì và đang cảm thấy như thế nào.
Hơn bất cứ ai, chính bạn là người hiểu rõ bản thân mình nhất. Hiểu rằng bản thân có thật sự là quá nhạy cảm hay không và liệu mình có thật sự đầy rẫy những khuyết điểm như kẻ thao túng đã “gieo rắc”.
Thấu hiểu và lắng nghe chính mình là “chìa khóa” giúp bạn vượt qua Gaslighting. Khi có sự thấu hiểu sâu sắc về bản thân, bạn cũng sẽ tránh được việc bị lợi dụng và thao túng trong các mối quan hệ.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Kẻ thao túng có thể liên tục tìm cách liên lạc và gặp gỡ bạn. Nếu cần thiết, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Một số kẻ thao túng tinh thần trở nên gay gắt, mất kiểm soát khi bạn nhận ra vấn đề và “nắm thóp” những chiêu trò mà họ sử dụng.
Sự giúp đỡ kịp thời sẽ giúp bạn bảo vệ chính mình và cảm thấy thật sự an toàn sau những tháng ngày sống trong sự nghi hoặc, phiền muộn.
6. Gặp chuyên gia tâm lý
Tổn thương tâm lý mà thao túng tinh thần để lại là vô cùng lớn. Nhiều người rơi vào khủng hoảng, trầm cảm, lo âu dai dẳng. Nếu cần thiết, bạn có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Các chuyên gia sẽ giúp bạn vượt qua nỗi đau, sự thất vọng, ám ảnh,… về sự việc đã xảy ra. Bên cạnh đó, bạn sẽ được trang bị kỹ năng đối phó với các tình huống căng thẳng. Học cách thấu hiểu chính mình, thiết lập những thói quen tốt và xây dựng các mối quan hệ thực sự. Can thiệp tâm lý kịp thời có thể ngăn chặn những hệ lụy lâu dài do Gaslighting gây ra. Đồng thời cũng sẽ giúp bạn củng cố lòng tin cho những mối quan hệ tiếp theo.
Thao túng tinh thần/ Hiệu ứng Gaslighting là phương tiện để những kẻ thao túng đạt được mục đích cá nhân. Hiểu biết về hiện tượng tâm lý này sẽ giúp bạn chủ động trong việc bảo vệ bản thân. Biết cách chọn lọc và xây dựng, duy trì những mối quan hệ thực sự.
Có thể bạn quan tâm
- Cyberbullying | Thực trạng bắt nạt qua mạng và hậu quả
- Dấu hiệu bạo hành tinh thần nơi công sở và cách vượt qua
- Bạo hành tâm lý trong tình yêu và cách xử lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!