Trẻ bị công kích trên mạng xã hội cha mẹ nên làm gì?
Các hành vi công kích, bắt nạt trên mạng xã hội đã không còn là vấn đề xa lạ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng này để lại hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Do đó, bố mẹ cần phải trang bị những kiến thức cần thiết để hỗ trợ trẻ vượt qua.
Mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người từ việc giúp cập nhật nhanh chóng các tin tức đến nhu cầu giải trí, thư giãn và học tập. Ngoài ra, mạng xã hội còn là nơi để kinh doanh, quảng cáo và là phương tiện chính cho một số ngành nghề như blogger, KOL, Influencers,… Và quan trọng nhất, mạng xã hội giúp kết nối mọi người mà không bị giới hạn bởi thời gian hay khoảng cách.
Bên cạnh những lợi ích trên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ nên bản thân người dùng phải trang bị cho bản thân kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết. Trong đó, vấn đề lớn mà bất cứ ai cũng nguy cơ phải đối mặt là bị công kích trên mạng xã hội hay bắt nạt trực tuyến – Cyberbullying.
Nhận biết trẻ bị công kích trên mạng xã hội
Cyberbullying gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và chất lượng cuộc sống – mức độ có thể nặng nề hơn ở những đối tượng thiếu kinh nghiệm sống như trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Chính vì vậy ngoài việc quan tâm đến kết quả học tập, bố mẹ cũng cần có kiến thức để bảo vệ con cái khỏi những vấn đề trong cuộc sống.
Khác với bắt nạt trực tiếp, trẻ bị công kích trên mạng xã hội thường che giấu vấn đề bản thân đang gặp phải vì sợ bố mẹ la mắng. Tuy nhiên, trẻ vẫn sẽ bộc lộ ra những biểu hiện bất thường về mặt tâm lý và hành vi.
Bố mẹ có thể nhận biết trẻ bị công kích trên mạng xã hội thông qua các dấu hiệu sau:
- Khuôn mặt buồn bã, chán nản, bất an, bồn chồn khi sử dụng mạng xã hội
- Dành nhiều thời gian trực tuyến vì lo sợ đối tượng xấu sẽ có các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, một số trẻ có thể sợ sử dụng mạng xã hội vì không dám đối mặt với các bình luận ác ý.
- Thường che giấu bố mẹ bằng cách gập màn hình máy tính hoặc nhanh chóng tắt các trình duyệt đang mở
- Quan sát kỹ sẽ cảm nhận được tâm lý của con đang bất ổn. Khi thì buồn bã, ủ rũ, khi thì sợ hãi, hoảng loạn, bồn chồn, bất an và đôi khi có biểu hiện nóng giận.
- Thay đổi thói quen ăn uống, thường là chán ăn, ăn uống kém, sụt cân, suy nhược
- Thay đổi thói quen sinh hoạt như mất ngủ, ngủ muộn, uể oải, không muốn tập thể dục hay tham gia các trò chơi như bình thường.
- Nhận thấy rõ cảm giác chán chường khi học tập, đôi khi trẻ có thể bày tỏ ý nghĩ không muốn đến trường
- Trẻ thu mình trong phòng, không muốn gặp gỡ bạn bè, tránh các cuộc tụ họp và không hào hứng khi vui chơi
- Kết quả học tập của trẻ thường đi xuống
Theo thống kê, công kích trên mạng xã hội gặp chủ yếu ở trẻ từ giai đoạn dậy thì cho đến khoảng 20 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sự phát triển nhanh chóng và luôn muốn khẳng định bản thân nên đề cao sự riêng tư, không chia sẻ nhiều với bố mẹ. Do đó, gia đình cần phải chú ý đến những biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện và có hướng xử lý phù hợp.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị công kích trên mạng xã hội?
Các hành vi công kích, bắt nạt trên mạng xã hội để lại nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống và tinh thần của trẻ. Thậm chí, một số trẻ còn phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như stress, suy nhược, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, hội chứng Self-Harm, trầm cảm,… Gần đây cũng đã ghi nhận một số trường hợp tự sát do các bình luận đả kích từ mạng xã hội.
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng có không ít mặt trái. Để trẻ vượt qua vấn đề này, bố mẹ phải là chỗ dựa tinh thần và hướng dẫn trẻ các biện pháp xử lý phù hợp:
1. Chặn số điện thoại, tài khoản của đối tượng xấu
Biện pháp đầu tiên gia đình có thể thực hiện là chặn số điện thoại và tài khoản của đối tượng có bài viết, bình luận công kích, xúc phạm con trẻ. Nếu các đối tượng này vẫn liên tục gọi điện thoại làm phiền, mẹ nên xem xét việc đổi số điện thoại cho trẻ.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội đều đã phát triển các tính năng nhằm đảm bảo sự riêng tư của người dùng. Do đó, mẹ có thể rà soát lại các bài viết của con, sau đó ẩn, xóa hoặc điều chỉnh quyền riêng tư để tránh tình trạng đối tượng xấu cắt, ghép tin nhắn, hình ảnh nhằm xúc phạm và hạ bệ con trẻ.
Nếu đối tượng xấu có bài viết với nội dung xúc phạm, mẹ có thể báo cáo để nền tảng này rà soát lại bài viết. Các bài viết vi phạm quy tắc cộng đồng sẽ bị xóa hoàn toàn, thậm chí có thể bị khóa tài khoản tạm thời hoặc vĩnh viễn.
2. Liên hệ với nhà trường
Hiện nay, có một hình thức công kích mà trẻ phải đối mặt là thông qua confession của trường. Các nội dung này được quản trị viên đang lên và ẩn danh người gửi. Một số đối tượng xấu có thể tung tin đồn để thóa mạ danh dự của trẻ bằng các tin đồn thất thiệt. Để tăng mức độ tin cậy, những đối tượng này sẽ có các bình luận úp mở ở bên dưới bài viết khiến cho nhiều người bị cuốn vào và cho rằng trẻ thực sự là người xấu, đáng bị tẩy chay và cô lập.
Ở giai đoạn tuổi dậy thì, cá nhân mỗi trẻ chưa có ý thức về hành vi, lời nói của bản thân nên xem nhẹ việc thóa mạ, xúc phạm người khác. Trong khi đó, nạn nhân bị công kích phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề cả về sức khỏe, tinh thần, kết quả học tập,…
Trong trường hợp này, gia đình nên liên hệ với nhà trường để làm rõ đối tượng nào đứng sau vụ việc. Từ đó có biện pháp xử lý phù hợp giúp trẻ lấy lại danh dự và thoải mái trong quá trình học tập. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên liên hệ với thầy cô nếu bạn học trong trường trực tiếp bắt bạt, công kích trẻ trên mạng xã hội.
3. Trình báo cơ quan chức năng
Đôi khi các đối tượng công kích trẻ trên mạng xã hội nằm ngoài phạm vi nhà trường. Trong trường hợp này, gia đình nên lưu lại các bằng chứng và trình báo cơ quan chức năng để được giải quyết – đặc biệt là khi những đối tượng này có hành vi đe dọa tung clip và hình ảnh nhạy cảm.
Trẻ có thể không đồng tình với giải pháp này. Tuy nhiên, bố mẹ nên giải thích nhẹ nhàng để trẻ hiểu, phải có biện pháp mạnh tay để những đối tượng này không thể đe dọa thêm bất cứ ai. Nếu nhẫn nhịn, không chỉ có một mình trẻ mà còn rất nhiều người sẽ trở thành nạn nhân.
4. Chuyển trường học
Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm, kỹ năng nên rất dễ bị tổn thương sau những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Vì vậy nếu cần thiết, gia đình nên xem xét chuyển trường để trẻ thoải mái hơn khi học tập.
Giai đoạn dậy thì trở đi là thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển nhân cách và tương lai của trẻ. Do đó, gia đình nên tạo điều kiện để trẻ học tập, vui chơi trong môi trường lành mạnh. Khi bắt đầu làm quen với môi trường mới, mẹ nên hướng dẫn trẻ kỹ năng cần thiết để chọn lọc bạn bè và tránh xa những thị phi không đáng có.
5. Chia sẻ và động viên trẻ thường xuyên
Khi bị công kích trên mạng xã hội, trẻ không tránh khỏi tâm lý buồn bã, ủ rũ, bất an, bồn chồn và lo lắng. Khác với người trưởng thành, kinh nghiệm sống của trẻ còn non kém nên không biết cách điều chỉnh tâm trạng và gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, gia đình cần động viên, chia sẻ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho trẻ trong thời gian này.
Ngày nay, việc bị công kích trên mạng xã hội không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, những ảnh hưởng mà trẻ phải đối mặt thật sự cần được quan tâm nhiều hơn. Để giúp đỡ trẻ phát triển và trưởng thành một cách lành mạnh, bố mẹ cần quan tâm đến đời sống tinh thần bên cạnh sức khỏe và kết quả học tập của trẻ.
Có thể bạn quan tâm
- Áp lực học tập: Thực trạng và những hậu quả tiềm ẩn
- Dấu hiệu khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và cách giúp trẻ vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!