10 Cách giúp giảm Stress trong đời sống gia đình đơn giản
Có khá nhiều cách giảm stress trong gia đình như kiểm soát cảm xúc, chia sẻ công việc nhà, học cách thấu hiểu và đồng cảm,… Áp dụng những biện pháp này kịp thời sẽ giúp tháo gỡ xung đột và giữ cho gia đình luôn ấm êm, hạnh phúc.
10 Cách giảm stress trong gia đình đơn giản, hiệu quả
Gia đình là nơi để chúng ta dựa vào những khi mệt mỏi và áp lực. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng hạnh phúc và thuận hòa. Việc xung đột, mâu thuẫn giữa những thành viên là vấn đề khó tránh khỏi, nhất là với những cặp vợ chồng mới cưới và gia đình có nhiều thế hệ.
Khi có mâu thuẫn hoặc áp lực trong một mối quan hệ, bạn sẽ dễ dàng xử lý và đôi khi có thể đi đến quyết định chấm dứt. Khác với những mối quan hệ thông thường, gia đình có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, bản thân mỗi người cần phải biết cách giảm stress trong đời sống gia đình để giữ không khí hòa thuận và vui vẻ.
Ngày nay, không chỉ có bố mẹ mà con cái cũng phải đối mặt với áp lực gia đình. Nếu không có biện pháp can thiệp, áp lực sẽ chồng chất ngày qua ngày khiến khoảng cách giữa những thành viên trong gia đình ngày một xa cách. 10 Cách giảm stress đơn giản trong gia đình sau sẽ giúp bạn dễ dàng giải tỏa căng thẳng và tạo mối quan hệ thân thiết với những thành viên khác:
1. Học cách kiểm soát cảm xúc
Như đã đề cập, việc phát sinh mâu thuẫn và tranh cãi trong gia đình là điều khó tránh khỏi. Các cặp vợ chồng dễ xung đột về vấn đề tài chính, quản lý chi tiêu, nuôi dạy con cái,… Trong khi đó, bố mẹ và con cái thường bất đồng quan điểm do cách suy nghĩ khác biệt giữa 2 thế hệ. Bố mẹ thường cứng nhắc, thiếu sự lắng nghe và chia sẻ. Trong khi đó, con cái có những hành vi nổi loạn và thiếu sâu sắc trong cách nhìn nhận.
Trong các cuộc cãi vã, rất khó để kiềm chế cảm xúc nóng giận và phẫn nộ. Tuy nhiên nếu để những cảm xúc này lấn át, các thành viên trong gia đình dễ làm tổn thương nhau với những lời nói nặng nề – thậm chí là cay độc. Với những người có lòng tự trọng cao, họ sẽ khắc sâu những câu nói này và khó lòng có thể tha thứ. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm stress trong gia đình là học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Cảm xúc là thứ rất khó kiểm soát – nhất là trong tình huống xung đột và cãi vã. Tuy nhiên, bạn cần cố gắng kiểm soát cơn giận để tránh nói ra những lời làm tổn thương đối phương. Việc kiểm soát cảm xúc sẽ giúp giảm thiểu mâu thuẫn trong gia đình và giữ cho không khí luôn hòa thuận, ấm cúng. Bên cạnh đó, bố mẹ biết cách kiềm chế cơn giận trước mặt con cái cũng sẽ giúp con ý thức được việc quản lý cảm xúc của chính mình.
2. Dành thời gian trò chuyện với gia đình
Thực trạng đáng buồn hiện nay là những thành viên trong gia đình rất ít khi trò chuyện cùng nhau. Thậm chí, bố mẹ và con cái chỉ gặp nhau trong khoảng thời gian rất ngắn vì lịch học dày đặc và công việc chồng chất. Dần dần, những bất hòa trong gia đình sẽ trở nên sâu sắc hơn và giữa các thành viên hoàn toàn không có bất cứ mối liên hệ nào.
Để giảm stress trong đời sống gia đình, bạn nên dành khoảng thời gian ít ỏi còn lại trò chuyện với bạn đời, bố mẹ và con cái. Trò chuyện là cách đơn giản nhất để thu nhỏ khoảng cách giữa các thế hệ và thấu hiểu hơn tâm tư, tình cảm của con cái.
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ cho rằng con đã lớn nên không cần quan tâm quá nhiều và con sẽ hiểu vì sao bố mẹ phải dành thời gian làm việc vất vả. Tuy nhiên, con trẻ dù có sâu sắc như thế nào vẫn cần được bố mẹ quan tâm và chăm sóc. Nếu bố mẹ quá mải mê với công việc, giữa con và gia đình sẽ dần hình thành khoảng cách. Hơn nữa trong quá trình trưởng thành, con sẽ gặp khá nhiều vấn đề khó khăn và nhiều thắc mắc cần được bố mẹ hỗ trợ.
Nếu chưa có con cái, cả hai vợ chồng cũng phải dành nhiều thời gian trò chuyện cùng nhau. Đây là cách để cả hai thấu hiểu nhau hơn và biết rõ đối phương có mong muốn như thế nào. Ngược lại, những cặp đôi ít giao tiếp và “chiến tranh lạnh” sẽ phải đối mặt với stress trong thời gian dài. Thậm chí, những cặp đôi này dễ đi đến quyết định chia tay vì cuộc sống gia đình quá nặng nề và phiền muộn.
3. Duy trì bữa cơm gia đình
Ngày nay dưới áp lực của cuộc sống, rất ít người dành thời gian cho bữa cơm gia đình. Trong văn hóa của người Việt, mâm cơm gia đình có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần. Dùng bữa cùng gia đình là cách đơn giản giúp các thành viên gắn bó và thấu hiểu nhau.
Trong bữa ăn, cả gia đình sẽ cùng kể lại những sự việc xảy ra trong ngày, chia sẻ với những thành viên khác khó khăn và băn khoăn của bản thân về việc học, nghề nghiệp, mâu thuẫn,… Ngoài ra, thông qua những món ăn ngon, mẹ sẽ thể hiện được tình yêu thương đối với con cái, đồng thời giúp trẻ hiểu rõ sự quan tâm và lo lắng của gia đình dành cho bản thân.
Bên cạnh đó, mâm cơm gia đình còn giúp tình cảm giữa hai vợ chồng trở nên sâu sắc hơn. Dù cuộc sống có vất vả và áp lực như thế nào thì khi trở về nhà, các thành viên đều có thể thưởng thức những món ăn thơm ngon với tâm trạng thoải mái và vô lo.
4. Chia sẻ công việc nhà – Cách giảm stress trong gia đình hiệu quả
Stress trong gia đình đôi khi bắt nguồn từ những công việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc con cái,… Những công việc này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại chiếm đến hàng giờ đồng hồ. Nếu chỉ dồn trách nhiệm cho người phụ nữ, trong gia đình sớm muộn cũng sẽ có xung đột và mâu thuẫn. Bởi sau 8 tiếng làm việc, người phụ nữ cũng cần được nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
Cách đơn giản để giảm stress trong gia đình là chia sẻ công việc nhà. Sau giờ làm việc, người chồng có thể giúp đỡ vợ một số việc như đón con, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ trong khi vợ nấu nướng. Thực tế, dù người chồng vụng về khi làm việc nhà nhưng bằng tấm lòng và sự quan tâm, người vợ sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và trân trọng cuộc sống hiện tại.
Nếu con cái đã lớn, bố mẹ nên giao cho con một số công việc nhà đơn giản như dọn dẹp đồ đạc, quét nhà, chăm sóc cây cối,… Điều này vừa giúp bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi vừa rèn cho con tinh thần trách nhiệm với gia đình.
5. Học cách đồng cảm và thấu hiểu
Yếu tố cần thiết nhất để duy trì gia đình hạnh phúc là sự đồng cảm và thấu hiểu. Bản thân mỗi người đều có những quan điểm sống và suy nghĩ khác biệt. Tuy nhiên, nếu cứng nhắc với quan điểm của mình và bác bỏ suy nghĩ của người khác, mối bất đồng sẽ trở nên sâu sắc dần theo thời gian.
Mâu thuẫn chỉ đơn giản là do sự khác biệt nên không nhất thiết phải phân định ai đúng – ai sai. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình cần đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của đối phương. Có như vậy, gia đình mới duy trì được không khí ấm cúng và hòa thuận. Ngoài ra, khi bày tỏ sự thấu cảm, những thành viên khác trong gia đình sẽ cảm nhận được tình cảm của bạn và học cách nhường nhịn thay vì cãi vã.
Một vấn đề thường thấy ở các gia đình Việt là bố mẹ thiếu sự thấu hiểu đối với con cái. Khi con có những lời nói và hành vi không phù hợp, bố mẹ luôn cho rằng con hư hỏng và ngỗ ngược.
Tuy nhiên, những thay đổi của con đôi khi xảy ra do ảnh hưởng của quá trình dậy thì. Hơn nữa, vì chưa có hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nên trẻ có thể hình thành quan niệm lệch lạc và không phù hợp với xã hội. Trong trường hợp này, gia đình cần bảo ban, chỉ dạy để con điều chỉnh suy nghĩ. Ngược lại, những phản ứng quá khích như quát nạt, la mắng và chì chiết sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý chống đối và thù địch với gia đình.
Trong quan niệm của người Việt, bố mẹ luôn có uy quyền đối với con cái và có thể đưa ra những quyết định thay con. Tuy nhiên, kiểm soát con cái quá mức lại vô tình “giết chết” những tính cách tốt của trẻ như tính trách nhiệm, chủ động, khả năng tư duy nhạy bén, quản lý thời gian,… Ngoài ra, trẻ có thể cảm thấy quá ngột ngạt trong chính gia đình của mình và bắt đầu phản kháng với những lời nói, hành vi ngỗ ngược.
Mâu thuẫn trong gia đình dù xảy ra do bất cứ lý do gì đều chỉ có thể giải quyết khi cả hai phía có sự thấu hiểu và đồng cảm. Đây cũng là “chìa khóa” toàn năng giúp cha mẹ gần gũi với con cái và vợ chồng gắn kết với nhau hơn.
6. Thay đổi suy nghĩ
Thay đổi suy nghĩ là cách giảm stress đơn giản và hữu hiệu. Về bản chất, suy nghĩ là cách chúng ta tư duy và đánh giá lại những sự việc đã diễn ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có cách suy nghĩ khác nhau tùy vào đặc điểm tính cách cũng như trải nghiệm cuộc sống.
Suy nghĩ không chỉ chi phối hành động mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc. Khi có những suy nghĩ bi quan, bạn sẽ phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng, bi quan, chán nản. Ngược lại nếu giữ cho mình suy nghĩ lạc quan, bạn sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, hài lòng dù cuộc sống đang gặp phải nhiều vấn đề.
Trong đời sống gia đình, áp lực tài chính, bất đồng quan điểm với bạn đời, con cái chậm lớn, nổi loạn,… đều có thể dẫn đến căng thẳng. Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt. Vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm vào những thứ tiêu cực, bạn nên thay đổi suy nghĩ của bản thân để giải tỏa stress.
Bên cạnh những vấn đề phải suy nghĩ, hãy nghĩ đến những giá trị bạn đang sở hữu. Chẳng hạn như những thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, bạn đời dù có nhiều bất đồng nhưng vẫn luôn hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc con cái, công việc dù có nhiều áp lực nhưng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và nguồn thu nhập ổn định,…
Niềm vui luôn hiện diện trong cuộc sống từ những điều nhỏ nhất. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào những thứ tiêu cực, bạn sẽ quên mất việc bản thân đang có cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều người. Thay đổi suy nghĩ sẽ giúp tự giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, từ đó tự mình giải tỏa căng thẳng và tìm lại sự cân bằng trong đời sống gia đình.
7. Không mang công việc về nhà
Khi đối mặt với áp lực công việc, bạn rất dễ nổi nóng, cáu kỉnh và khó kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Vì vậy, hãy gạt bỏ mọi lo lắng trong công việc khi trở về nhà. Gia đình là nơi để chúng ta cảm thấy bình yên khi trở về. Do đó, đừng mang bất cứ những tiêu cực ngoài cuộc sống vào đời sống gia đình.
Nếu công việc quá áp lực, bạn nên sắp xếp thời gian đến công ty sớm và về muộn hơn, tránh tình trạng đem công việc về nhà. Bởi những áp lực trong công việc sẽ chi phối đáng kể đến tâm trạng và cách ứng xử của bạn đối với những thành viên trong gia đình.
8. Dành thời gian nghỉ ngơi
Sau 8 tiếng làm việc, bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt các công việc không tên ở nhà. Tình trạng này khiến cho quỹ thời gian trong ngày bị cạn kiệt và bạn không thể nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra áp lực gia đình và gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe như stress, suy nhược thần kinh, mất ngủ,…
Một cách giảm stress trong gia đình đơn giản nhất là dành thời gian nghỉ ngơi. Bạn có thể nhờ những người thân trong gia đình hoàn thành giúp việc nhà hoặc lược bớt những công việc không quá quan trọng. Thực tế, nhiều người muốn tự mình làm công việc nhà vì cảm thấy những thành viên khác thực hiện khá vụng về. Tuy nhiên, ôm đồm mọi thứ khiến bạn khó tránh khỏi tình trạng mệt mỏi. Vì vậy, hãy nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh để có thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
Giấc ngủ là liều thuốc tốt nhất cho tâm trạng. Sau một giấc ngủ ngon, những cảm xúc tiêu cực sẽ vơi đi đáng kể và mang đến cho bản thân năng lượng dồi dào để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Nếu có thể, bạn nên dành khoảng thời gian cuối tuần để thư giãn và cho phép bản thân lười biếng sau những giờ làm việc căng thẳng.
9. Chăm sóc bản thân
Sức khỏe thể chất và tinh thần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy để giảm stress và ổn định tâm trạng, bạn cần phải chăm sóc bản thân. Bởi thể trạng suy nhược, mệt mỏi sẽ khiến stress trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó tiếp tục gia tăng mâu thuẫn và xung đột trong đời sống gia đình.
Dù đang phải đối mặt với nhiều áp lực, bạn vẫn cần duy trì các biện pháp chăm sóc bản thân như:
- Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Nếu có con nhỏ, nên tranh thủ những giờ trẻ ngủ để nghỉ ngơi.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, tuyệt đối không bỏ bữa hoặc ăn uống qua loa. Cần đảm bảo bữa ăn phải cung cấp đủ tinh bột, chất xơ, vitamin, đạm, khoáng chất và những thành phần thiết yếu khác.
- Hạn chế hút thuốc lá và dùng rượu bia. Bởi những thói quen này đã được chứng minh có thể tăng mức độ lo âu, căng thẳng và làm nghiêm trọng các triệu chứng thể chất do stress gây ra.
- Cân đối thời gian làm việc, tránh làm việc quá 9 tiếng/ ngày. Nếu công việc quá nhiều, bạn nên lập kế hoạch làm việc khoa học để tăng hiệu suất lao động.
- Dành ít nhất 3 buổi/ tuần để tập thể dục, mỗi buổi ít nhất 30 phút. Tập thể dục là thói quen lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy, hoạt động thể chất giúp giải phóng hormone endorphin và giảm hormone cortisol. Nhờ vậy sau khi tập thể dục, bạn sẽ cảm thấy tinh thần sảng khoái, giảm căng thẳng và khỏe mạnh hơn.
10. Trang bị các kỹ năng thư giãn
Tất cả những sự việc xảy ra không mong muốn đều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng. Nếu không biết cách giải tỏa, tinh thần dễ bị căng thẳng và bất ổn. Điều này ảnh hưởng nhiều đến cách ứng xử của bạn đối với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những mối quan hệ khác. Chính vì vậy để giảm stress trong gia đình, bạn nên trang bị cho bản thân các liệu pháp thư giãn sau:
- Hít thở sâu: Hít thở sâu là cách giảm stress và chế ngự cảm xúc hiệu quả. Trong các cuộc cãi vã, bạn nên rời đi và tìm một nơi yên tĩnh để hít thở sâu. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách hít một hơi thật sâu từ mũi, sau đó giữ hơi trong vài giây và thở ra bằng miệng. Lặp lại khoảng vài lần để điều hòa nhịp thở và kiểm soát cơn giận cùng với những cảm xúc tiêu cực khác.
- Tắm nước ấm: Sau một ngày làm việc căng thẳng, bạn có thể ngâm mình trong bồn nước ấm để thư giãn cơ và giải tỏa stress. Nước ấm có tác dụng tăng tuần hoàn máu, giãn cơ bắp và thải độc da. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp cải thiện giấc ngủ, tránh tình trạng mất ngủ và khó ngủ do căng thẳng thần kinh.
- Ngồi thiền: Ngồi thiền là phương pháp luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại. Phương pháp này được thực hiện bằng cách ngồi thẳng và hít thở sâu để tâm trí và thể xác hòa làm một. Khi ngồi thiền, tâm trí sẽ trở về trạng thái nguyên thủy và tránh xa những phiền muộn, căng thẳng trong cuộc sống. Ngồi thiền mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm stress trong gia đình cũng như cuộc sống.
- Nghe nhạc: Vào cuối ngày, bạn có thể nghe nhạc để thư giãn và giải tỏa căng thẳng. Hoặc có thể thực hiện các sở thích khác như vẽ tranh, chăm sóc cây cối, đọc sách, chơi đùa với thú cưng, đan len,… Những hoạt động đơn giản này sẽ giúp bạn quên đi phiền muộn và thả lỏng đầu óc.
Hy vọng qua 10 cách giảm stress trong cuộc sống được giới thiệu trong bài viết, bạn đọc đã biết cách giải tỏa căng thẳng do áp lực gia đình. Nếu tình trạng không được cải thiện, nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được chia sẻ và cho lời khuyên hữu ích.
Có thể bạn quan tâm
- 10 Cách giúp bạn giải tỏa áp lực cuộc sống hiệu quả
- 13 Cách giúp bạn ngừng suy nghĩ quá nhiều giảm căng thẳng
- Mệt mỏi mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!