Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều: Hậu quả, cách khắc phục
Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều là tình trạng phổ biến ở người trưởng thành. Ban đầu, các triệu chứng chỉ xảy ra với mức độ nhẹ và tần suất thấp. Tuy nhiên nếu không có biện pháp cải thiện, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng, gây đau đầu, mệt mỏi, stress, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Vì sao suy nghĩ quá nhiều gây mất ngủ?
Suy nghĩ quá nhiều là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là nữ giới, người có tính cách hướng nội, hay lo âu, stress, nhạy cảm, tự ti,… Tình trạng này thường xảy ra sau khi phải trải qua những sự kiện gây tổn thương tâm lý hoặc phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực trong cuộc sống.
Người có thói quen hay suy nghĩ quá nhiều dễ gặp phải tình trạng mất ngủ kèm theo đó là mệt mỏi và đau đầu. Ngoài ra, thói quen này kéo dài còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề thể chất và tâm thần. Với những người có sẵn bệnh lý, suy nghĩ quá nhiều làm gia tăng mức độ của triệu chứng và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng, rủi ro.
Mất ngủ kèm mệt mỏi và đau đầu là triệu chứng thường gặp ở những người suy nghĩ quá nhiều. Khi liên tục suy nghĩ, các cơ quan của não bộ và tế bào thần kinh phải hoạt động liên tục, điều này làm tiêu tốn nhiều oxy. Lúc này, tuần hoàn máu không cung cấp đủ oxy cần thiết gây ra tình trạng choáng và đau đầu. Nếu xảy ra thường xuyên, thói quen suy nghĩ quá nhiều có thể gây ra tình trạng thiếu máu não, đau nửa đầu và rối loạn tiền đình,…
Ngoài ra khi phải suy nghĩ liên tục, hoạt động sản sinh melatonin sẽ bị gián đoạn. Melatonin là hormone được tuyến tùng sản sinh trước giờ đi ngủ khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ. Do đó khi bị stress và suy nghĩ tiêu cực, cơ thể rất khó chìm vào giấc ngủ, ngủ không sâu, chập chờn và dễ thức giấc. Hơn nữa khi suy nghĩ nhiều, nồng độ serotonin sẽ giảm thấp mà đây chính là yếu tố cần thiết để chuyển hóa thành melatonin.
Suy nghĩ quá nhiều thường đi kèm với căng thẳng, lo âu và phiền muộn. Khi đối mặt với những vấn đề này, cơ thể sẽ có đáp ứng cả về thể chất và tâm thần để có thể vượt qua. Lúc này, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể, từ đó gia tăng hàng loạt hormone như cortisol, adrenalin,…
Các hormone này chi phối hoạt động của các cơ quan nhằm giúp cơ thể vượt qua stress. Tuy nhiên, việc gia tăng hormone dài hạn có thể gây ra nhiều vấn đề, trong đó thường gặp nhất là mệt mỏi và uể oải. Ngoài ra, rối loạn hormone và sự thay đổi đột ngột của các cơ quan cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ, mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Hậu quả của mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều
Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều là biểu hiện cho thấy cơ thể đang rơi vào trạng thái căng thẳng. Nếu tình trạng tiếp diễn, các triệu chứng này sẽ kéo dài với mức độ nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, bạn cũng phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe khác như mệt mỏi, đau đầu, giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, thiếu sự sáng tạo trong cuộc sống, đau dạ dày, đau mỏi vai gáy,…
Tác hại của suy nghĩ quá nhiều không chỉ dừng ở sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Cụ thể, tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất học tập, làm việc, thậm chí có thể gây ra một số tình huống đáng tiếc khi điều khiển phương tiện giao thông do thiếu ngủ, mệt mỏi và lơ đễnh.
Khi quẩn quanh với những suy nghĩ tiêu cực, không phải ai cũng có thể thoát ra và vực dậy được tinh thần. Nhiều người lựa chọn dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,… để quên đi phiền muộn. Với tác dụng ức chế thần kinh trung ương, các chất gây nghiện hoàn toàn có thể giúp bạn quên đi nỗi lo lắng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên về lâu dài, mức độ lo âu, căng thẳng sẽ tăng lên gây ra những rối loạn về cảm xúc và hành vi.
Cách khắc phục mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều có thể dẫn đến mất ngủ kèm mệt mỏi, đau đầu và hàng loạt các vấn đề khác. Để bảo vệ sức khỏe và trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn hơn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau:
1. Học cách không suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều là nguyên nhân gây mất ngủ, mệt mỏi và đau đầu. Chính vì vậy, cách hiệu quả nhất để cải thiện và phòng ngừa tình trạng này là gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và không nên dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ.
Một số cách để không suy nghĩ quá nhiều, tránh bị mất ngủ:
- Thông thường, suy nghĩ quá nhiều thường xảy ra khi chúng ta phải đối mặt những vấn đề khó tìm được hướng giải quyết hoặc những sự kiện gây sang chấn tâm lý. Thay vì quẩn quanh với những ý nghĩ tiêu cực, nên chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè để được đồng cảm và thấu hiểu.
- Viết nhật ký để giãi bày cảm xúc, thể hiện suy nghĩ và cách nhìn nhận của bản thân. Với những người có khả năng diễn đạt kém và tính cách hay nóng giận, cách này có thể giúp giải tỏa cảm xúc mà không gây ra xung đột hay mâu thuẫn.
- Ngồi thiền, tập yoga và một số bài tập thể dục đơn giản có thể giải tỏa căng thẳng và gạt bỏ thói quen suy nghĩ quá nhiều. Hoạt động thể chất cũng góp phần giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ và giảm nhẹ tình trạng choáng váng, đau đầu.
- Lên kế hoạch chi tiết để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thay vì chìm đắm trong các suy nghĩ tiêu cực. Khi những vấn đề này được giải quyết, thói quen hay suy nghĩ, lo lắng sẽ được cải thiện đáng kể.
- Dành thời gian rảnh rỗi cho những hoạt động lành mạnh thay vì liên tục suy nghĩ về các sự kiện đã xảy ra. Các hoạt động như vẽ tranh, chơi đùa với thú cưng, đọc sách, chăm sóc cây cối,… hoàn toàn có thể giải tỏa căng thẳng và phân tán tư tưởng giúp bạn ít suy nghĩ về những vấn đề, khó khăn trong cuộc sống.
Sau khi thực hiện các cách để ngừng suy nghĩ quá nhiều ở trên, bạn sẽ thấy đầu óc nhẹ nhàng hơn, dễ đi vào giấc ngủ hơn. Dần dần, bạn sẽ loại bỏ được thói quen không tốt đối với sức khỏe thể chất và tâm thần này.
2. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp suy nghĩ quá nhiều gây mất ngủ kéo dài và trình trạng đau đầu, mệt mỏi không dứt, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và hiệu suất lao động, học tập, bạn nên tìm gặp bác sĩ để chỉ định sử dụng một số loại thuốc. Trước tiên, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bạn đang gặp phải là stress (căng thẳng) hay nặng hơn là suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu và trầm cảm. Sau đó sẽ xem xét chỉ định loại thuốc phù hợp như:
- Thuốc giảm đau không kê toa Paracetamol
- Các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh như Sulbutiamin, Asthenal,…
- Thuốc tăng cường tuần hoàn não như chiết xuất lá bạch quả (Ginkgo biloba, Piracetam,…)
- Thuốc chống trầm cảm (thường dùng nhất là nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRIs)
- Thuốc an thần (thường sử dụng ngắn hạn)
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số viên uống bổ sung và TPCN bồi bổ thần kinh để cải thiện mất ngủ, giảm đau đầu và mệt mỏi. Các sản phẩm này có thể dùng dài hạn và ít tác dụng phụ hơn so với sử dụng thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên, TPCN và viên uống bổ sung chỉ mang lại hiệu quả với những trường hợp nhẹ.
3. Tư vấn, trị liệu tâm lý
Trong trường hợp cần thiết, bạn nên tư vấn hoặc trị liệu tâm lý nếu suy nghĩ quá nhiều gây mất ngủ kéo dài. Cả hai phương pháp này đều giúp gỡ rối những vướng mắc về mặt tâm lý, đưa ra lời khuyên để bạn có thể giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Ngoài ra, trị liệu tâm lý còn bao gồm các kỹ thuật có thể giải tỏa căng thẳng và giúp bạn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Tùy theo tình trạng cụ thể, chuyên gia tâm lý sẽ chỉ định tham vấn tâm lý hoặc trị liệu tâm lý. Trong đó, trị liệu cần phải được thực hiện theo liệu trình bao gồm 10 – 12 buổi.
4. Các biện pháp tự cải thiện
Ngoài các phương pháp trên, bạn cũng có thể khắc phục tình trạng mất ngủ do suy nghĩ quá nhiều bằng một số biện pháp tự cải thiện như:
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm vào buổi tối đã chứng minh giúp thư giãn cơ, tăng cường tuần hoàn máu, từ đó có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm mệt mỏi và đau đầu. Vì vậy nếu thường xuyên suy nghĩ quá nhiều, bạn nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh để cải thiện một số triệu chứng. Tuy nhiên, cần hạn chế tắm khuya sau 22:00.
- Liệu pháp mùi hương: Liệu pháp mùi hương là phương pháp ngửi tinh dầu bằng nhiều hình thức khác nhau như massage với tinh dầu, cho tinh dầu vào máy khuếch tán, đốt nến thơm, sử dụng tinh dầu dưỡng tóc,… Mùi hương từ các loại tinh dầu giúp kích thích khứu giác, từ đó thúc đẩy sản sinh hormone serotonin và endorphine mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái. Bạn có thể áp dụng liệu pháp mùi hương khi làm việc, sáng sớm hoặc tối trước khi ngủ để có giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn.
- Uống trà thảo mộc: Uống trà thảo mộc cũng là cách đơn giản để giảm đau đầu, mất ngủ và mệt mỏi vì suy nghĩ quá nhiều. Trong trường hợp này, bạn nên lựa chọn các loại trà có mùi thơm, tác dụng an thần và thư giãn để mang lại hiệu quả cao hơn. Nếu sử dụng trà chứa caffeine, nên uống vào sáng sớm để cải thiện khả năng tập trung và giúp tinh thần trở nên tỉnh táo, minh mẫn.
- Xoa bóp bấm huyệt: Trong trường hợp suy nghĩ nhiều gây mất ngủ thời gian dài, kèm theo đau đầu có thể xoa bóp bấm huyệt vùng đầu để cải thiện. Khi xoa bóp, lực từ bàn tay và ngón tay sẽ giúp lưu thông máu lên não, từ đó giảm tình trạng choáng váng và đau đầu. Ngoài ra, hormone endorphin cũng sẽ gia tăng trong quá trình xoa bóp. Hormone này có tác dụng thư giãn, mang đến tâm trạng thoải mái và vui vẻ. Khi xoa bóp, bạn có thể dùng kèm với một số loại tinh dầu để tăng hiệu quả thư giãn và an thần.
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Để cải thiện mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều, bạn cũng cần xây dựng chế độ ăn hợp lý. Nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều tryptophan để thúc đẩy não bộ sản sinh hormone melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ. Ngoài ra, ăn uống đầy đủ cũng giúp cải thiện thể chất và góp phần nâng đỡ tinh thần.
Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã trang bị cho bản thân những biện pháp phù hợp để có thể gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực và cải thiện những vấn đề sức khỏe do thói quen này gây ra. Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Có thể bạn quan tâm
- Căng thẳng stress có thể gây thừa cân béo phì
- 24 Thực phẩm giúp giảm stress căng thẳng cực hiệu quả
- 10 Loại tinh dầu giúp giảm stress căng thẳng hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!