Stress có gây mất sữa không? Mẹ làm gì để nhiều sữa?
Stress (Căng thẳng thần kinh) có thể gây ra tình trạng mất sữa ở phụ nữ sau khi sinh. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, cả hai vấn đề này có thể tiến triển nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cả sức khỏe của mẹ và bé.
Căng thẳng thần kinh (stress) là tình trạng thường gặp ở người trưởng thành do áp lực từ công việc, mối quan hệ gia đình, tài chính, con cái sau sinh và nhiều vấn đề khác. Stress gây ra cảm xúc tiêu cực như lo lắng, thất vọng, bi quan, lo âu,…
Stress có gây mất sữa mẹ sau sinh không?
Phụ nữ sau khi sinh rất dễ gặp phải tình trạng stress do ảnh hưởng của quá trình sinh nở, rối loạn nội tiết tố, mất cân bằng trong cuộc sống khi không nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm từ bạn đời và nhiều nguyên nhân, yếu tố khác. Ngoài những biểu hiện về mặt cảm xúc và hành vi, stress ở phụ nữ sau sinh còn ảnh hưởng đến nguồn sữa.
Stress không trực tiếp gây ra tình trạng mất sữa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của stress làm tăng nguy cơ mất sữa, giảm lượng sữa và giảm hàm lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ.
Theo lý giải của các chuyên gia, hoạt động tiết sữa bị chi phối bởi hormone prolactin và chịu tác động gián tiếp của nhiều hormone khác trong cơ thể. Trong khi đó, căng thẳng thần kinh gây rối loạn các hormone này làm giảm khả năng tiết sữa, thậm chí mất sữa.
- Hormone prolactin giữ nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe, bao gồm chi phối hoạt động tiết sữa mẹ sau khi sinh nở. Hormone này được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên. Tuy nhiên khi bị căng thẳng, não bộ có thể bị ức chế dẫn đến giảm sản xuất hormone prolactin.
- Ngoài hormone prolactin, quá trình sản xuất và giải phóng sữa mẹ còn bị chi phối bởi hormone oxytocin được sản sinh ở vùng dưới đồi. Oxytocin có tác dụng kích thích ống dẫn sữa mở rộng để sữa chảy ra khỏi bầu ngực, tuy nhiên stress sẽ làm ức chế hormone này, từ đó gây tắc sữa và tăng nguy cơ mất sữa.
- Sau khi sinh nở, lượng hormone estrogen và progesterone ở cơ thể sản phụ chưa thật sự ổn định. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của bầu vú và hoạt động sản xuất sữa mẹ.
Căng thẳng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây mất sữa. Tuy nhiên, stress kết hợp với một số yếu tố khác như mất ngủ, sức khỏe suy giảm, chế độ ăn không phù hợp sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề bất thường trong quá trình sản xuất sữa mẹ.
Ngoài ra, stress sau sinh gây nhiều ảnh hưởng qua nguồn sữa như:
- Giảm chất lượng sữa do mẹ stress, ăn uống không đủ chất, không thể cung cấp đủ dinh dưỡng tạo sữa.
- Làm giảm lượng sữa tiết ra.
- Giảm tần suất cho con bú. Khi người mẹ căng thẳng mệt mỏi, sẽ không còn cho bé bú đúng giờ, hay bú đủ cữ. Dần dần khiến lượng sữa tiết ra cũng sẽ ít hơn, bé không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Mất sữa có nguy hiểm không?
Mất sữa là tình trạng tuyến sữa dừng hoạt động và không thể sản xuất, tiết sữa như bình thường. Đây là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mất sữa đồng nghĩa với việc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không có nguồn dinh dưỡng dẫn đến phải sử dụng sữa ngoài.
Nếu không được cải thiện sớm, mất sữa kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngoài những tác động tiêu cực đối với bé, mất sữa còn có thể khiến sữa bị tắc ở các ống dẫn sữa gây ra tình trạng đau nhức bầu ngực và nặng hơn là sưng tấy, viêm nhiễm.
Tình trạng này vô tình làm nghiêm trọng hơn căng thẳng thần kinh ở mẹ sau sinh. Do đó, cần phải có các biện pháp khắc phục stress kết hợp với mất sữa trong thời gian sớm nhất. Nếu chủ quan, phụ nữ sau sinh không chỉ gặp phải các vấn đề ở tuyến vú mà còn có nguy cơ bị rối loạn lo âu và trầm cảm cao.
Nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị stress, ảnh hưởng nguồn sữa
Stress sau sinh có nguyên nhân đến từ cả yếu tố thể chất và tâm lý. Các yếu tố này tác động mạnh mẽ đến tinh thần của người mẹ, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm sau sinh nếu không được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Các nguyên nhân gây stress sau sinh, từ đó ảnh hưởng tới nguồn sữa mẹ gồm:
- Thay đổi hormone sau sinh gây buồn bã và lo âu.
- Thiếu ngủ và kiệt sức do chăm sóc con liên tục.
- Áp lực từ trách nhiệm chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Thiếu kinh nghiệm chăm sóc con dẫn đến lo lắng.
- Thiếu thời gian cá nhân gây mất cân bằng cuộc sống.
- Thay đổi trong quan hệ vợ chồng gây căng thẳng.
- Các vấn đề sức khỏe sau sinh làm tăng stress.
- Lo lắng về tài chính khi chăm sóc con.
- …
Cách giảm stress cho mẹ khi cho con bú
Mất sữa là tình trạng thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Nếu xảy ra do stress, mẹ bỉm nên thực hiện các biện pháp giải tỏa căng thẳng để cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, nên kết hợp thêm với lối sống lành mạnh để cải thiện số lượng và chất lượng sữa mẹ.
Dưới đây là một số cách cải thiện mất sữa do căng thẳng mẹ bỉm có thể áp dụng:
1. Điều chỉnh lối sống
Sau khi sinh nở, mẹ bỉm thường mất vài tháng mới có thể ổn định lại cuộc sống do chưa quen với việc chăm sóc con cái. Để giảm stress và cải thiện tình trạng mất sữa, mẹ bỉm nên cố gắng điều chỉnh lối sống trong thời gian sớm nhất.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng mất sữa do strsess ở mẹ sau sinh:
- Chia sẻ công việc chăm sóc con cái cùng với bạn đời và người thân để dành thời gian ngủ và nghỉ ngơi. Để giảm stress, cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày và nghỉ ngơi hợp lý. Ít khi mẹ sau sinh có thể ngủ một giấc dài, vì vậy bạn có thể tận dụng khoảng thời gian trẻ ngủ để nghỉ ngơi nhằm phục hồi sức khỏe và giảm căng thẳng.
- Tăng lượng chất xơ, vitamin trong chế độ ăn hằng ngày để làm “mát sữa”. Bên cạnh đó, có thể bổ sung một số thực phẩm có tác dụng lợi sữa như lá đinh lăng, đu đủ, móng giò, tảo biển,…
- Uống nhiều nước để cân bằng điện giải và đẩy nhanh tốc độ đào thải sản dịch. Ngoài nước lọc, mẹ bỉm sữa cũng có thể bổ sung thêm nước hoa quả, nước ép từ rau xanh và nước canh để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất.
- Sau khoảng 1 tháng, mẹ bỉm nên tập yoga và đi bộ nhẹ nhàng để phục hồi xương khớp. Ngoài ra, tập thể dục đúng cách còn ổn định hormone và cải thiện tình trạng stress hiệu quả.
- Không sử dụng thức uống chứa cồn, tránh hút thuốc lá và hít khói thuốc thụ động.
- Kết hợp thêm một số biện pháp giảm thông tia sữa như mát xa, chườm ấm, sử dụng trà lợi sữa,…
Đối với những trường hợp mất sữa nhẹ, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện sau khi điều chỉnh lối sống. Bên cạnh hiệu quả giảm stress và lợi sữa, lối sống lành mạnh còn giúp phục hồi thể trạng và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ sau khi sinh.
2. Thực hiện các biện pháp thư giãn
Tình trạng căng thẳng ở mẹ bỉm sau sinh có thể kéo dài trong nhiều tháng. Stress không chỉ là nguyên nhân gây mất sữa mà còn làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn lo âu. Do đó bên cạnh việc điều chỉnh lối sống, phụ nữ sau khi sinh cần thực hiện thêm một số biện pháp thư giãn để giải tỏa stress và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực.
Các biện pháp thư giãn giúp kiểm soát căng thẳng cho phụ nữ sau khi sinh:
- Chia sẻ với bạn đời, người thân: Dưới sự thay đổi của nội tiết tố, phụ nữ sau khi sinh thường trở nên nhạy cảm hơn so với những vấn đề trong cuộc sống. Để được thấu hiểu và đồng cảm, mẹ bỉm nên chia sẻ những nỗi lo với bạn đời và người thân, bạn bè đáng tin cậy. Lời khuyên hữu ích từ những người xung quanh sẽ là “liều thuốc” tự nhiên giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực ở phụ nữ sau khi sinh.
- Sử dụng trà thảo mộc: Một số loại trà thảo mộc đã được chứng minh có hiệu quả an thần và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, phụ nữ sau khi sinh có thể giảm căng thẳng thần kinh bằng cách dùng trà hoa cúc La Mã, trà cam thảo, trà bạc hà, trà gừng, trà mật ong,… Hương vị và mùi thơm đặc trưng của các loại trà này cũng góp phần xua tan mệt mỏi và mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn.
- Ngồi thiền: Thiền định đã được chứng minh về tác dụng kiểm soát căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Ngồi thiền giúp điều hòa nhịp thở, cân bằng các cơ quan nội tạng và mang đến sự bình yên, tĩnh lặng cho tâm trí. Nếu có thể, phụ nữ sau khi sinh nên ngồi thiền từ 20 – 30 phút/ ngày để giảm căng thẳng và phòng ngừa các vấn đề tâm lý thường gặp.
- Các biện pháp khác: Ngoài ra, mẹ bỉm cũng có thể cải thiện tình trạng mất sữa do stress bằng một số biện pháp thư giãn khác như tập thể dục, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, đọc sách, nghe nhạc, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, vẽ tranh,…
3. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Trong một số trường hợp cần thiết, mẹ bỉm nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy mất sữa và stress không có cải thiện khi áp dụng các biện pháp trên. Nếu có suy nghĩ và hành vi tự hủy hoại bản thân, cần đến ngay bệnh viện để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Làm gì để nhiều sữa khi bị stress?
Nếu mẹ sau sinh bị stress và nhận thấy lượng sữa giảm, đừng lo lắng. Hãy thử các mẹo sau để cải thiện nguồn sữa:
- Hút sữa thường xuyên hơn: Tăng tần suất hút sữa, đảm bảo ngực được hút sạch sau mỗi lần cho bú. Ngay cả khi bé không đói, hãy hút sữa sau mỗi 2 giờ trong vài ngày thay vì 3 giờ. Điều này giúp kích thích cơ thể sản xuất thêm sữa.
- Hút sữa đôi: Sau khi bé bú xong, hãy nghỉ ngơi, uống một cốc nước và đợi 20 phút, sau đó hút sữa lần nữa. Lặp lại sau mỗi lần cho bú hoặc hút sữa trong vòng 24-48 giờ, bạn sẽ thấy lượng sữa tăng lên.
- Sử dụng thực phẩm tăng sữa: Ăn yến mạch hoặc sử dụng các sản phẩm như bánh quy, trà lợi sữa. Những thực phẩm này có thể giúp tăng lượng sữa mẹ.
- Nhờ chuyên gia tư vấn: Nếu gặp khó khăn, bạn có thể gặp chuyên gia tư vấn về việc cho con bú để được hỗ trợ tốt nhất.
Nhớ rằng, mục tiêu quan trọng nhất là cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, dù bạn chọn phương pháp nuôi con nào.
Stress là yếu tố gia tăng nguy cơ mất sữa ở mẹ sau sinh. Để cải thiện tình trạng này, nên kết hợp lối sống lành mạnh với các biện pháp thư giãn, giải tỏa stress. Nếu cần thiết, phụ nữ mang thai nên tìm gặp bác sĩ để phòng tránh các ảnh hưởng và hệ lụy nặng nề.
Tham khảo thêm:
- 24 Thực phẩm giúp giảm stress căng thẳng cực hiệu quả
- Lời khuyên giúp vượt qua stress, áp lực về tiền bạc
Nguồn:
- https://www.medela.com/en-us/breastfeeding-pumping/articles/breastfeeding-challenges/does-stress-impact-breast-milk-quality-and-supply
- https://utswmed.org/medblog/decrease-breast-milk-supply/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!