Chứng sợ gương (Catoptrophobia): Làm rõ những bí ẩn xoay quanh
Chứng sợ gương (Catoptrophobia) là một trong những dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hiếm gặp, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Người mắc chứng này sẽ có cảm giác sợ hãi tột độ, la hét, mất kiểm soát cảm xúc khi nhìn thấy gương và hình ảnh phản chiếu của bản thân trong gương.
Chứng sợ gương là gì?
Chứng sợ gương còn được gọi là Catoptrophobia. Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp κάτοπτρον (kátoptron, nghĩa là “gương”) và φόβος (phobos, nghĩa là “sợ hãi”). Ngoài ra, hiện tượng này còn được gọi là Spectrophobia (chứng sợ quang phổ) hay eisoptrophobia.
Chứng sợ gương là nỗi sợ hãi và ám ảnh cực độ, phi lý, và dai dẳng với những tấm gương và hình ảnh phản chiếu trong gương. Hội chứng này là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi không thường gặp, nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sông hàng ngày.
Rối loạn lo âu ám ảnh cụ thể đặc trưng bởi sự sợ hãi, lo âu, ám ảnh một cách phi lý dành cho một đối tượng, một tình huống cụ thể nào đó, trong trường hợp này là một tấm gương. Chứng sợ gương khiến người bệnh sinh ra cảm giác lo lắng và hoảng sợ tột cùng khi nhìn thấy gương, hoặc nghĩ về nó.
Đặc biệt nếu người bệnh nhìn thấy hình bóng phản chiếu của bản thân trong gương thì phản ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn. Chính vì thế các nhà khoa học nhận định rằng, điều mà người mắc hội chứng này sợ chính là hình bóng phản chiếu của họ, chứ không phải là bản thân chiếc gương.
Người bệnh luôn cảm thấy lo âu, bất an, không muốn đối diện với nhan sắc và thân hình của bản thân, hoặc lo sợ ma quỷ hay những thế lực siêu nhiên ám trong gương sẽ gây hại cho họ. Nỗi sợ hãi khủng khiếp đến mức khiến họ tránh xa mọi nơi có gương, và không bao giờ bố trí bất cứ vật gì có thể phản chiếu tương tự như gương trong nhà.
Chứng sợ gương không được ghi nhận chính thức trong DSM-5 hay ICD-10, nhưng vẫn được xem là một tình trạng thuộc nhóm rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Chứng sợ gương gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, vì gương là một vật dụng quen thuộc có thể gặp ở khắp mọi nơi.
Biểu hiện của chứng sợ gương
Tùy theo tình trạng bệnh và mức độ ám ảnh của người bệnh, những biểu hiện và mức độ của chứng sợ gương sẽ khác nhau ở từng trường hơp. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nhận ra một số biểu hiện đặc trưng của chứng sợ gương thông qua hành vi, phản ứng thể chất và trạng thái tinh thần của người bệnh.
- Người bệnh cảm thấy lo lắng, sợ hãi, la hét và hoảng loạn tột độ khi nhìn thấy, hoặc nghĩ về gương và hình bóng phản chiếu của bản thân.
- Nỗi sợ phi lý về gương ám ảnh đến mức trong nhà không bố trí bất cứ chiếc gương hay vật dụng phản chiếu nào.
- Có thái độ tránh né, tìm mọi cách thoát khỏi những nơi có bố trí gương khi đi ra ngoài, tìm cách đứng ở góc khuất để trong nhìn thấy gương
- Cảm thấy đau khổ, mệt mỏi, khủng hoảng trầm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nếu nhìn thấy hình bóng phản chiếu của mình trong gương.
- Có những người không thể chụp ảnh selfie vì nhìn thấy hình ảnh phản chiếu trong điện thoại.
- Có những phản ứng thể chất dữ dội khi nhìn thấy gương như: run rẩy, đồ mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, khó thở, đồng tử giãn, nhịp thở gấp, mặt trắng bệch, chóng măt, nôn ói, loạng choạng, huyết áp tăng,…
- Khó ngủ, mất ngủ vì ác mộng do vô tình nhìn thấy gương hoặc hình ảnh phản chiếu.
- Có suy nghĩ về cái chết
- Có những phản ứng dữ dội như la hét, khóc lóc và ngất xỉu khi nhìn thấy gương.
- Lạm dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc an thần để vượt qua ám ảnh và cảm giác sợ hãi.
Gương, hay những vật phản chiếu khác như kính là vật dụng quen thuộc và cần thiết trong đời sống hàng ngày, vì thế chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Người bị chứng sợ gương sẽ gặp rất nhiêu khó khăn trong sinh hoạt nếu cứ tránh né, và có phản ứng quá khích khi bắt gặp những chiếc gương ở khắp mọi nơi.
Nỗi sợ này có thể khiến họ thu mình lại, hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, và không tham gia những hoạt động xã hội. Điều này khiến người bệnh ngày càng xa lánh cuộc sống, và tăng nguy cơ mắc stress, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, và nhiều vấn đề tinh thần khác.
Nguyên nhân của chứng sợ gương
Nguyên nhân của chứng sợ gương có thể bắt nguồn từ cả những yếu tố sinh học và môi trường. Những yếu tố này có thể kích phát và phát triển hội chứng sợ gương theo những cách khác nhau. Một người có thể bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều yếu tố tùy thuộc vào bệnh sử gia đình và những trải nghiệm trong quá khứ.
- Gen di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc chứng sợ gương, rối loạn lo âu, rối loạn càm xúc,… có nguy cơ caso mắc chứng này và có biểu hiện từ rất sớm. Những cặp anh chị em sinh đôi cung có nguy cơ cao cùng mắc bệnh nếu một trong hai có biểu hiện của chứng sợ gương.
- Hoạt động của hạch hạnh nhân: Việc kích phát chứng sợ gương còn chịu ảnh hưởng của hạch hạnh nhân, một bộ phận có nhiệm vụ điều khiển cảm xúc và hành vi trong não. Nếu hạch hạnh nhân hoạt động quá mức, hoặc có bất cứ bất thường gì, cảm xúc của người bệnh có thể chịu ảnh hưởng, trở nên nhạy cảm, dễ hoảng loạn và dễ mất kiếm chế cảm xúc trong một số trường hợp nhất định.
- Thế lực siêu nhiên: Trong nhiều nền văn hóa, chiếc gương thường có liên quan đến các thế lực siêu nhiên như ma quỷ, hay là cánh cổng bước sang thế giới khác. Đặc biệt là những bộ phim kinh dị ngày nay càng khiến nỗi sợ đó dâng cao. Gương được xem là nơi nhốt những linh hồn tà ác, là nơi thu hút những thứ không sạch sẽ, việc soi gương vào ban đêm sẽ khiến con người bị bắt hồn, hoặc gương vỡ là dấu hiệu của nguy hiểm và xui xẻo. Những truyền thuyết về thế lực siêu nhiên và các quan niệm mê tín khiến nhiều người ám ảnh và sợ hãi khi nhìn vào gương.
- Ám ảnh bởi hình ảnh méo mó: Một số chiếc gương đặc biệt có thể làm méo mó hình ảnh, tạo ra những ảnh phản chiếu kinh dị và đáng sợ khiến nhiều người bị ám ảnh. Với những người nhát gan, dễ hoảng sợ, dễ bị kích động, những hình ảnh này có thể khiến họ hoảng sợ, gặp ác mộng, và có thể khới phát chứng sợ gương.
- Ám ảnh ngoại hình: Những người thường xuyên bị dè bỉu về ngoại hình, cảm thấy tự ti về nhan sắc của bản thân, có lòng tự trọng thấp sẽ cảm thấy sợ hãi, chán ghét khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương. Suy nghĩ này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng thường thấy ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì, hoặc những thanh niên trẻ. Chính những tiêu chuẩn về cái đẹp độc hại, cùng với sự dè bỉu của người xung quanh dành cho những người có vẻ bề ngoài không xinh đẹp đã khiến họ chán ghét nhìn thấy bản thân trong gương, và có thể kích phát chứng sợ gương.
- Chấn thương tâm lý: Những người có trải nghiệm tiêu cực liên quan đến gương như từng bị ngã vào mặt gương, từng bị mảnh vỡ gương làm bị thương, hoặc chứng kiến những hình ảnh kinh hoàng thông qua mặt gương đều có thể gây sang chấn tâm lý sau tai nạn trầm trọng. Những sự kiện tiêu cực này khiến người bệnh hoảng loạn, ám ảnh, gây ảo giác hoặc ác mộng khi nhìn vào gương, từ đó kích phát Catoptrophobia.
Mỗi người sẽ có những nguyên nhân khác nhau khi sinh ra tâm lý sợ gương, đôi khi bác sĩ cũng không thể xác định chính xác nguyên nhân do có nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng. Người mắc chứng sợ gương phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến nỗi sợ của bản thân.
Người mắc chứng Catoptrophobia có thể nhận thức rằng nỗi sợ của họ là phi lý, và gương không đe dọa gì đến tính mạng hay cuộc sống bình thường. Những nỗi sợ hãi vẫn xuất hiện một cách không kiểm soát, và gây nên những phản ứng nghiệm trọng cho người bệnh.
Ảnh hưởng tiêu cực của chứng sợ gương
Gương và những vật phản chiếu hình ảnh là vật dụng cần thiết hàng ngày. Do đó chúng xuất hiện ở mọi nơi như siêu thị, nhà sách, trung tâm thương mại, nhà ở, văn phòng, trên các phương tiện giao thông,… Điều này khiến người sợ gương không thể đi đến những nơi công cộng vì phải tránh né gương, việc tránh né này cũng vô cùng khó khăn.
Họ phải luôn kiểm tra mọi thứ xung quanh để đảm bảo không có gương ở gần đó, hình ảnh của mình không bị phản chiếu trong gương. Việc tránh né này có thể khiến người bệnh mệt mỏi, hoảng loạn, và khắc sâu thêm cảm giác sợ hãi. Nếu để tình trạng này kéo dài, người bệnh sẽ ngày càng bị ám ảnh nặng nề và hạn chế ra ngoài hơn.
Hành vi né tránh này không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và cuộc sống hàng ngày, mà còn ảnh hưởng đến công việc và những mối quan hệ xã hội khác. Việc trốn tránh nỗi sợ không phải là một biện pháp tốt để giải quyết những cảm xúc tiêu cực, mà chỉ khiến các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra, chứng sợ gương liên quan đến ám ảnh về ngoại hình có thể khiến người bệnh ám ảnh bởi hình bóng phản chiếu trong gương, ngày càng lười chăm sóc bản thân, không nhận ra những điểm bất thường trên cơ thể, và ngày cảng soi mói những khuyết điểm ngoại hình (dù thực tế chúng không tồn tại).
Những vấn đề tiêu cực này có thể gây ra tình trạng ăn kiêng không khoa học, chứng chán ăn, và trầm cảm. Càng muốn ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực, họ càng tránh nhìn vào gương, và có những hành vi không phù hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chứng sợ gương ảnh hưởng bởi những suy nghĩ về ma quỷ và những điều tâm linh sẽ ám ảnh nặng nề tâm trí người bệnh. Gương thường gắn liền với những suy nghĩ tiêu cực, có thể gây hại cho bản thân và những điều xung quanh. Suy nghĩ này khiến người bệnh luôn sinh ra những ảo giác, cảm xúc lo sợ nếu vô tình nhìn vào gương.
Chẩn đoán hội chứng sợ gương
Việc chẩn đoán hội chứng sợ gương sẽ phụ thuộc vào những biểu hiện lâm sàng, tiền sử gia đình, và những trải nghiệm của người bệnh trong quá khứ. Tất cả những yếu tố này đều góp phần ảnh hưởng đến chẩn đoán cuối cùng. Để được chẩn đoán hội chứng sợ gương, những biểu hiện của người bệnh phải bao gồm:
- Các triệu chứng xảy ra liên tục trong ít nhất 6 tháng
- Nỗi sợ gương không bị ảnh hưởng với rượu, bia, ma túy và những chất kích thích khác
- Cảm giác sợ hãi, hoảng loạn phi lý và mất kiểm soát khi nhìn hoặc nghĩ về gương
- Luôn né tránh mọi nơi có bố trí gương, hoặc cố gắng che tầm nhìn và lướt thật nhanh qua những nơi có gương
- Không bố trí bất cứ chiếc gương hay vật phản chiếu nào ở nhà
- Cảm giác sợ hãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sinh hoạt hàng ngày
Nếu người bệnh có những triệu chứng trên, gia đình nên đưa họ đến bệnh viện, hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được chẩn đoán và giúp đỡ. Càng phát hiện va cải thiện sớm thì những ảnh hưởng tiêu cực cáng được hạ thấp, người bệnh có thể nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và quay lại cuộc sống bình thường.
Biện pháp cải thiện chứng sợ gương
Chứng sợ gương có thể được cải thiện thông qua liệu pháp nhận thức-hành vi, liệu pháp tiếp xúc, thôi miên, thực tế ảo, điều trị bằng thuốc và những hoạt động cải thiện tại nhà. Tùy theo tình hình bệnh nhân, bác sĩ sẽ có biện pháp phù hợp cho từng trường hợp.
Thông thường, tư vấn tâm lý vẫn là liệu pháp chính giúp người bệnh vượt qua ám ảnh. Trong quá trình trị liệu, nếu người bệnh có những triệu chứng lo âu, sợ hãi, mất ngủ, gặp ác mộng hay những triệu chứng nghiêm trọng hơn thì vó thể kết hợp dùng thuốc để cải thiện.
1. Điều trị bằng thuốc
Mục đích của việc điều trị bằng thuốc là giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng như lo lắng, mất ngủ, giúp giảm áp lực, hạn chế những hành vi quá khích trong tình huống cần thiết. Thuốc chỉ có tác dụng hạn chế triệu chứng, chứ không dùng để loại bỏ ám ảnh và điều trị chứng sợ gương.
Chính vì thế không phải bất cứ trường hợp nào cũng dùng thuốc, mà cần được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc thường được kê cho người bệnh chứng sợ gương bao gồm: thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc chẹn beta, benzodiazepin, thuốc ức chế monoamin oxydase,…
Đây là những loại thuốc chống trầm cảm, chống rối loạn lo âu rất thường gặp và có hiệu quả với người bệnh. Mỗi đối tượng sẽ phù hợp với một loại thuốc khác nhau, thế nên trong quá trình điều trị có thể thay đổi nhiều loại thuốc, tùy vào phản ứng của người bệnh với thuốc.
Thuốc thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để cải thiện triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý. Người bệnh trong quá trình dùng thuốc có thể xuất hiện những tác dụng phụ như buồn ngủ, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt,… nhưng chúng sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.
Nếu thuốc không có tác dụng, hoặc tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, người bệnh cần lập tức liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý để tránh những hậu quả về sau. Quá trình dùng thuốc cũng cần tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ
2. Điều trị tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị chứng sợ gương, mang đến nhiều kết quả tốt và an toàn cho người bệnh vì không tác động trực tiếp đến cơ thể, không gây tác dụng phụ như thuốc. Điều trị tâm lý giúp người bệnh nhận thức được nỗi sợ là phi lý, từ đó cải thiện suy nghĩ và hành vi.
Hiện nay những liệu pháp tâm lý được sử dụng phổ biến nhất vẫn là liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT), liệu pháp tiếp xúc, thực tế ảo, và liệu pháp thôi miên. Các bác sĩ sẽ tùy vào từng giai đoạn hoặc tình trạng của bệnh nhân để áp dụng phương pháp thích hợp, hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc là liệu pháp trực tiếp và mang tính kích thích cao, buộc người bệnh phải đối diện với nỗi sợ, sau đó học cách khống chế và cải thiện vấn đề này. Người bệnh được đặt trong một môi trường an toàn, giữ trạng thái bình tĩnh, và học cách tiếp xúc với gương và những vật phản chiếu theo thứ tự tăng dần. Ban đầu người bệnh sẽ tiếp xúc với hình ảnh thông qua tranh vẽ, hình chụp, sau đó là những đoạn phim ngắn, rồi bắt đầu tưởng tượng và suy nghĩ về những chiếc gương trong đầu. Khi người bệnh bắt đầu quen thuộc và giảm bớt sợ hãi, họ sẽ đối mặt với gương thật.
- Liệu pháp thực tế ảo: Liệu pháp thực tế ảo bổ trợ rất tốt cho liệu pháp tiếp xúc, thế nên chúng thường được dùng kết hợp với nhau. Khi để người bệnh tiếp xúc với gương thật, những phản ứng quá khích trong cơn hoảng loạn có thể làm vỡ gương, gây thương tích và nguy hiểm cho cả người bệnh và bác sĩ. Chính vì thế, việc áp dụng công nghệ thực tế ảo để tạo ra chiếc gương ảo giống như thật có thể hạn chế nguy hiểm, giúp người bệnh làm quen dễ hơn với nỗi sợ, và giúp hà trị liệu dễ dàng xử lý trong nếu có bất ngờ.
- Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức-hành vi giúp thay đổi nhận thức của người bệnh, từ đó cải thiện hành vi của họ theo hướng tích cực. Liệu pháp này sẽ giúp nhà trị liệu tìm hiểu nguyên nhân gây ra ám ảnh về gương của người bệnh thông qua trò chuyện, hoặc với sự giúp đỡ của thôi miên. Đó có thể là những sự kiện kinh khủng trong quá khứ, hoặc niềm tin sai lệch, những ám ảnh về thế siêu nhiên. Khi đã xác định nguồn gốc của nỗi sợ, bác sĩ sẽ giúp người bệnh vượt qua và loại bỏ ám ảnh.
- Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên có tác dụng khơi gợi những ký ức ẩn sâu trong tiềm thức, giúp bác sĩ biết được nguồn cơn của ám ảnh mà người bệnh phải chịu. Liệu pháp thôi miên đưa người bệnh vào trạng thái thả lỏng, giúp họ nhớ lại những ký ức đã quên lãng. Liệu pháp thôi miên thường được kết hợp với liệu pháp nhận thức-hành vi để tăng hiệu quả điều trị.
Liệu pháp tâm lý mang đến những ảnh hưởng tích cực trong quá trình trị liệu. Thời gian điều trị tâm lý dài hay ngắn là phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận và cải thiện của người bệnh. Kết hợp với việc dùng thuốc cải thiện triệu chứng, và các phương pháp thư giãn tại nhà, hiệu quả chữa trị sẽ được nâng cao.
Trong quá trình điều trị, ngoài tiếp nhận trị liệu tâm lý và uống thuốc đều đặn khi cần thiết, bệnh nhân cũng cân điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Xây dựng lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng cũng góp phần cải thiện triệu chứng sợ gương, và giảm thiểu những ảnh hưởng kèm theo.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ đám đông: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng sợ chó (Cynophobia): Ảnh hưởng và Cách vượt qua
- Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia): Nguyên nhân và Cách khắc phục
- Hội chứng sợ bệnh viện (Nosocomephobia) là gì? Cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!