10 cơ chế phòng vệ tâm lý bảo vệ bạn trước cảm giác lo âu
Khi đối diện với cảm giác lo âu, căng thẳng, con người sẽ có những cơ chế phòng vệ nhất định giúp vượt qua căng thằng, cân bằng cảm xúc, và chống lại lo âu. Cơ chế phòng vệ là một trong những khái niện nổi tiếng, và đã trở nên thông dụng trong cuộc sống xuất phát từ Sigmund Freud, nhà phân tâm học nổi tiếng thề giới.
Cơ chế phòng vệ tâm lý là gì?
Cơ chế phòng vệ (Defense Mechanisms) là một khái niệm trong phân tâm học của Sigmund Freud. Ông nhận ra bản thân con người, trong vô thức, đã có sẵn những cơ chế phòng vệ nhất định khi rơi vào hoảng hốt, lo âu nhằm chống lại cảm xúc tiêu cực và giúp tâm trạng bình tĩnh hơn.
Cơ chế phòng vệ không chỉ gói gọn trong trong việc con người chống lại những sự kiện đau buồn, mất mát, hay trạng thái lo âu hoảng hốt, mà còn là phản ứng đa dạng của con người với những sự kiện trong cuộc sống. Do đó, có thể nói rằng con người đã sử dụng rất nhiều cơ chế phòng vệ trong suốt cuộc đời.
Những chiến thuật đối phó với căng thẳng trong cô thức giúp con người thoát khỏi cảm giác lo âu, bất an, mà còn giúp bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa, và những vấn đề trong tiềm thức không muốn nghĩ đến hoặc không muốn đối mặt. Cơ chế phòng vệ xảy ra ở bất cứ mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc hay học vấn.
Xem thêm: Lo âu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Cơ chế phòng vệ là phản ứng bình thường của cơ thể, giúp cân bằng tinh thần và cảm xúc. Tuy nhiên, nếu cơ chế này hoạt động quá mạnh, mất kiểm soát và gây ra những hành vi không phù hợp, chúng có thể kích phát những bệnh lý nguy hiểm về cả thể chất và tâm thần.
Sự hình thành của các cơ chế phòng vệ
Cơ chế phòng vệ có tác dụng bảo vệ tâm trí khỏi những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực mà tâm thức muốn trốn tránh. Nó ngăn chặn con người có suy nghĩ và hành vi bốc đồng, không phù hợp với đạo đức hay luật lệ. Khái niệm về cơ chế phòng vệ của Sigmund Freud cũng gắn liền với ba yếu tố trong cấu trúc nhân cách bao gồm: bản năng, bản ngã và siêu ngã.
1. Bản năng
Bản năng (The ID – Cái Nó) là thứ xuất hiện từ lúc con người chào đời, là phần tính cách và hành vi nguyên thủy nhất không chịu ảnh hưởng của bất cứ tác động nào từ bên ngoài. Những hành vi như khát thì tìm nước uống, đói thì tìm thức ăn, chạm vào thứ nóng bỏng thì rụt tay lại là minh chứng rõ nhất cho bản năng.
Những hành vi này không cần dạy dỗ mà bất cứ đứa trẻ nào khi sinh ra đều biết. Fred cho rằng đây là gốc rễ cơ bản của việc hình thành tính cách. Chính vì bản năng sinh ra cùng với con người, thế nên bản chất của nó là sự ích kỷ, tâm lý muốn thỏa mãn, mang nhiều khao khát, ham muốn, và không thể trì hoãn nhu cầu nhất thời.
Nếu đáp ứng được nhu cầu, con người sẽ không rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng. Ngược lại, nếu nhu cầu không thể đáp ứng, bản năng có thể khiến con người đòi hỏi chúng bằng mọi cách, và rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng. Ví dụ những đứa trẻ sơ sinh chưa đến giai đoạn phát triển tính cách, thế nên chúng bị chi phối bởi bản năng.
Nếu cảm thấy đói hoặc khó chịu, trẻ sẽ khóc mãi cho đến khi được no bụng hoặc cảm thấy thoải mái hơn. Khi trẻ không phản ứng nữa, đó là khi nhu cầu của trẻ đã được đáp ứng. Bản năng có cả tốt và xấu. Ví dụ bản ngã ham muốn có thể khiến ta cướp giật đồ của người khác chỉ để thỏa mãn nhu cầu bản thân.
2. Bản ngã
Bản ngã (The Ego – Cái Tôi) sinh ra để kiềm chế bản năng. Nếu để bản năng tự do phát triển, nó sẽ bộc lộ ra ngoài một cách nguyên thủy, mạnh mẽ, và không thể kiềm chế. Bản năng không có lý trí, giống như một con ngựa hoang không có ai điều khiển. Thế nên con người sinh ra bản ngã, và bản ngã chính là người cưỡi ngựa, giúp con ngựa đi đúng hướng.
Bản ngã sinh ra từ bản năng, và giúp bản năng biểu hiện trong thực tế cuộc sống theo cách dễ chấp nhận hơn. Bản ngã xuất hiện khi con người bắt đầu phát triển tư duy và nhận thức. Nhờ bản ngã, chúng ta phân biệt được tình huống nào nên hành xử ra sao cho phù hợp, và nên thể hiện mong muốn, nhu cầu của bản thân thế nào trong từng trường hợp.
Bản ngã có thể cân bằng giữa bản năng và siêu ngã, giúp con người hành xử và phản ứng tốt hơn trong nhiều tình huống. Lo âu có thể là một dấu hiệu cho thấy có vấn đền không ổn xảy ra, và để ngăn cản điều này, bản ngã đã dùng các cơ chế phòng vệ để giải tỏa lo âu, hoặc giải quyết nguy hiểm.
3. Siêu ngã
Siêu ngã là phần nhân cách chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài như cách dạy dỗ của cha mẹ, môi trường sống, niềm tin tôn giáo, quy chuẩn xã hội và đạo đức. Trái ngược với bản năng là tính cách nguyên thủy, sinh ra là đã có, siêu ngã hình thành trong quá trình nhận thức và trưởng thành, mang tính đúng sai và đạo đức cao.
Siêu ngã chính là sự phân biệt rạch ròi giữa những đúng-sai, tốt-xấu, điều có thể làm-điều không thể làm, đạo đức-vô đạo đức,… giúp con người hành xử theo nguyên tắc xã hội và đạo đức. Một người bị ảnh hưởng quá nhiều từ siêu ngã sẽ trở nên lý tính, giáo điều, có tư tưởng cực đoan về nhiều vấn đề, và khó chấp nhận sự thay đổi.
Bản ngã hành động theo nhu cầu nguyên thủy, mang tính ích kỷ nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Siêu ngã áp chế mọi thức không phù hợp với lý tưởng, hướng đến lý tưởng, và đưa ra phán xét về những hành vi của con người. Những xung đột giữa hai yếu tố này đẩy con người vào trạng thái bất an, lo âu và ảnh hưởng đến ý thức,
Chính xung đột này khiến bản ngã “bật” cơ chế phòng vệ để chống lại những yếu tố tiêu cực, ngăn chặn tư duy sai lệch. Cơ chế phòng vệ tâm lý được phân chia thành 10 loại khác nhau, bao gồm: phủ nhận, chuyển dịch cảm xúc, ức chế và xóa bỏ, thăng hoa, phóng chiếu, tri thức hóa, hợp lý hóa, thoái lui, phản ứng ngược, và hồi quy.
Về sau, các nhà khoa học tiếp tục liệt kê thêm một số cơ chế phòng vệ tâm lý nữa như: hành động, ức chế, vị tha, phân ly, ảo tưởng, hài hước hóa,… để miêu tả những cách con người đối phó với căng thẳng. Cùng tìm hiểu 10 cơ chế phòng vệ chính được để cập ở trên trong phần bài viết dưới.
10 cơ chế phòng vệ tâm lý chính của con người
Cơ chế phòng vệ là một phần cùa sự phát triển tâm lý, và chúng ta luôn vô thức thể hiện những cơ chế này mà không nhận ra. Nắm được 10 cơ chế phòng vệ tâm lý chủ yếu dưới đây có thể giúp bạn hạn chế những ảnh hưởng có hại, và cải thiện hành vi giao tiếp khi rơi vào những tình huống không thoải mái.
1. Phủ nhận
Phủ nhận là cơ chế phòng vệ xuất hiện khi bạn không muốn tin tưởng vào một điều gì đó. Dù là lần đầu biết đến sự kiện, hay trong tiềm thức đã có manh mối xác nhận từ trước, phản ứng bình thường của con người là phủ nhận. Phủ nhận giúp ngăn chặn cảm giác đau khổ, thất vọng, hay cảm xúc tiêu cực mà tin tức và sự kiện mang đến.
Cơ chế phủ nhận rất thông dụng và xuất hiện trong nhiều tình huống như: nghe tin vợ/chồng ngoại tình, biết mình bị điểm kém vì sai sót trong bài thi, người bị bệnh nan y không thể chấp nhận bản thân mắc bệnh, hay những người chịu cú sốc tâm lý lớn luôn lẫn tránh và phủ nhận sự tồn tại của những cú sốc này.
Phủ nhận là một trong các cơ chế tự vệ của tâm lý dùng để trốn tránh hiện thực, khi con người không muốn chấp nhận thực tế phũ phàng. Ngoài ra, chúng ta càng tin tưởng vào một sự vật hay sự việc nào đó, thì cơ chế phủ nhận càng thể hiện mạnh mẽ khi sự thật đi ngược lại với niềm tin ban đầu.
2. Chuyển dịch cảm xúc là cơ chế phòng vệ tâm lý thường thấy
Sự chuyển dịch cảm xúc là hành vi chuyển những cảm xúc tiêu cực của bản thân đến một đối tượng khác yếu thế, dễ bắt nạt hơn để thoát khỏi trạng thái căng thẳng, tức giận hay mệt mỏi. Sự chuyển dịch cảm xúc là một dạng “giận cá chém thớt” điển hình nhằm tránh những bất lợi cho bản thân.
Cơ chế chuyển dịch cảm xúc xuất hiện dưới nhiều hình thức, mà một trong số đó là Trauma dumping, tức chia sẻ cảm xúc một cách tiêu cực với những người xung quanh dù họ không muốn. Tại sao con người lại chuyển dịch cảm xúc của mình từ đối tượng này sang đối tượng khác? Đó là do đối tượng bị chuyển dịch không tạo thành uy hiếp.
Bạn cảm thấy tức giận và thất vọng vì bị sếp la, bị khách hàng làm khó dễ, bị điểm kém, hay bị những người quyền lực hơn bắt nạt. Thế nhưng, bạn không thể trút sự bực bội lên cấp trên, khách hàng hay người có chức quyền, bởi chúng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như mất việc, mất tiền, bị đánh đập, hạ hạnh kiểm,…
Chính vì thế, trút sự bực bội và thất vọng lên vợ con, cha mẹ, bạn bè, thú cưng hay những người yếu thế hơn sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực. Cơ chế phòng vệ này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân bạn, và những mối quan hệ trong cuộc sống, là mầm mống của bạo lực gia đình.
3. Ức chế
Ức chế cũng là cơ chế phòng vệ tâm lý mang hướng phủ nhận sự thật, nhằm loại bỏ những thông tin, sự kiện không muốn đối mặt. Ức chế chỉ là phương pháp đối phó tạm thời với chấn thương tâm lý, vì chúng vẫn tồn tại trong tiềm thức, ảnh hưởng đến hành vi, và có thể bị kích phát khi gặp kích thích.
Ví dụ một người từng bị nhốt trong một nơi tối tăm chật hẹp khi lớn lên có thể trong vô thức né tránh nhưng nơi chật chội, dơ bẩn, và tối tăm. Những người bị lừa gạt, hoặc từng bị lạm dụng trong quá khứ sẽ khó tin tưởng người khác, ngại đụng chạm, và khó xây dựng, duy trì những mối quan hệ xã hội.
Con người ức chế những suy nghĩ và ám ảnh tiêu cực để hy vọng quên đi, và xem chúng chưa từng tồn tại. Chỉ như vậy sự đau khổ, lo âu, ám ảnh mà sự kiện mang đến mới có thể dần dần biến mất và bị xóa bỏ. Trong nhiều tình huống, ức chế cảm xúc sẽ giúp bản thân dần quên đi, từ đó xóa bỏ những trải nghiệm không tốt.
4. Xóa bỏ
Xóa bỏ là phản ứng tự vệ của tâm lý nhằm đảm bảo rằng, những trải nghiệm tiêu cực sẽ biến mất và không ảnh hưởng đến chủ thể. Xóa bỏ là hành động lãng quên có động cơ, nhưng được thực hiện trong vô thức. Việc cố gắng lãng quên, không chú ý đến những điều tiêu cực sẽ giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
5. Thăng hoa
Thăng hoa là một cơ chế tự vệ theo hướng tích cực. Cơ chế này giúp con người thể hiện những cảm xúc căng thẳng, mệt mỏi bằng hành động lý trí hơn, được xã hội chấp nhận hơn, và không gây hại đến người khác. Thăng hoa trái ngược với chuyển dịch cảm xúc, vì chuyển dịch cảm xúc thường mang ý nghĩa tiêu cực.
Thăng hoa giúp con người chuyển sức ép tâm lý sang một đối tượng khác lành mạnh hơn. Ví dụ chúng ta có thể trút bỏ năng lượng tiêu cực qua những hoạt động thể dục, thể thao, hay những hoạt động nghệ thuật. Cách giải tỏa áp lực này tốt hơn cho tâm lý, và là cơ chế phòng vệ tích cực.
Thay vì trút cảm xúc tiêu cực vào những người không liên quan, chúng ta có những cách khác để giải tỏa. Fred cho rằng đây là một cơ chế phòng vệ chứng tỏ rằng con người đó đã trưởng thành, biết nhận thức và kiềm chế hành vi của bản thân phù hợp với đạo đức và chuẩn mực xã hội.
6. Cơ chế phòng vệ hợp lý hóa
Hợp lý hóa là một phản ứng tự vệ vô cùng quen thuộc của con người. Hợp lý hóa là hành vi bao biện, tìm lý do cho một sự việc hay hành động nào đó nhằm khiến chúng trở nên hợp lý, bảo vệ lòng tự trọng của bản thân. Hợp lý hóa giúp giảm bớt cảm giác xấu hổ, tội lỗi, thất vọng, lo lắng khi sự việc không như ý, cũng như lẫn tránh sự thật.
Hợp lý hóa sẽ thay thế nguyên nhân dẫn đến hành vi bằng một nguyên nhân khác dễ chấp nhận hơn, phù hợp đạo đức hơn, và hạn chế gây tổn thương hơn. Đôi khi sự hợp lý hóa sẽ đi liền với ngụy biện. Con người không chấp nhận vấn đề nằm ở bản thân mình, nên tạo ra lý do hợp lý để đổ lỗi cho người khác.
Những người dùng cơ chế phòng vệ hợp lý hóa sẽ nhận hết những thứ tốt đẹp về mình, còn những thất bại và sai lầm thì do yếu tố bên ngoài ảnh hưởng. Hợp lý hóa có thể giúp ta thoát được những tình huống xấu hổ, hạn chế tổn thương nhưng cũng có thể biến ta thành người ích kỷ, vô cảm.
7. Trí tuệ hóa
Cơ chế tự vệ tâm lý bằng cách suy nghĩ một sự kiện theo hướng lý tính hơn được gọi là trí tuệ hóa. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, nhốt mình trong những suy nghĩ quá cảm tính, ta bắt đầu suy xét mọi thứ theo hướng lý tính hơn, và tìm hiểu những tri thức cần thiết để giải quyết vấn đề.
Việc nhìn nhận vấn đề theo hướng trí tuệ hóa giúp chúng ta tập trung vào sự thật, vào tính logic và loại bỏ những phần cảm tính. Ví dụ khi rơi vào tình huống nguy hiểm, nhiều người sẽ rơi vào hoảng loạn, trong khi những người khác lại phản ứng theo hướng lý trí và bình tĩnh hơn để giãi quyết tình huống.
Trí tuệ hóa có thể giúp chúng ta sáng suốt và bình tĩnh trong những trường hợp nguy cấp, tập trung vào tính logic, và tạm thời áp chế cảm giác lo lắng, sợ hãi và những hành vi tiêu cực. Tuy nhiên quá lý trí trong nhiều tình huống cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
8. Phóng chiếu
Phòng chiếu hiểu đơn giản là một cơ chế phòng vệ thông qua việc đổ lỗi cho người khác, gắn hết những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân cho người đối diện, và biến họ thành người có lỗi. Hành vi này giúp bạn không trở thành “người xấu”, và hợp lý hóa cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Đây là một cách phủ nhận trách nhiệm, và biến bản thân thành nạn nhân. Ví dụ, bạn tin rằng một ai đó không thích bạn. Bạn phân tích hành vi, lời nói và những biểu cảm của họ với bản thân để chứng minh rằng, họ thật sự có thái độ không tốt trước. Nhưng trên thực tế, bạn đang gán những suy nghĩ và nhận định tiêu cực của mình lên người khác.
Phóng chiếu là cơ chế phòng vệ khi bạn không muốn chấp nhận suy nghĩ và hành vi “không tốt” của bản thân, bằng cách chiếu nó lên người khác và phán xét họ. Cơ chế này có thể gây ra những cái nhìn sai lệch trong cuộc sống, ảnh hưởng đến quan hệ xã hội và có thể hình thành tâm lý nạn nhân.
9. Thoái lui/hồi quy
Hồi quy xảy ra khi con người không thể đối phó với lo lắng và những tình huống bất lợi trước mắt, nên họ từ bỏ việc đối phó với những cảm xúc tiêu cực, và quay vế với những hành vi trong tuổi thơ. Mỗi người sẽ có những biểu hiện hồi quy khác nhau, dựa trên giai đoạn mà họ muốn trở về.
Ví dụ khi cảm thấy bất lực hay muốn tạo sự chú ý, chúng ta liền khóc nức nở vì đó là cách đứa trẻ phản ứng với thế giới, tạo sự chú ý của cha mẹ và thể hiện mong muốn, nhu cầu của mình. Có những người sẽ tim lại những đồ vật cũ, thực hiện những hành vi thời thơ bé khi cảm thấy thất vọng và tổn thương.
Cơ chế tự vệ như hồi quy có thể tạo nên cảm giác thân thuộc, an toàn, giúp giải tỏa sự thất vọng, đau khổ, hay chống lại những sự kiện không vui đang xảy ra. Một người tìm về những hành vi thời thơ ấu là do chúng khiến họ cảm thấy như được che chờ, bảo bọc, và tạo cảm giác thoải mái.
10. Cơ chế phòng vệ phản ứng ngược
Phản ứng ngược là cách ta chống lại sự kiện đau buồn, hoặc phản ứng lại với điều ta không thích theo hướng trái ngược. Cơ chế phòng vệ này giúp che giấu cảm xúc thật, khiến người khác không biết được bạn đang thật sự nghĩ gì. Phản ứng ngược có thể giúp con người không rơi vào những tình huống bất lợi trong những lúc cần thiết.
Phản ứng ngược có thể giúp giảm nhẹ tổn thương, và bảo vệ chúng ta những lúc cần thiết, tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không đáng. Ví dụ bạn có thể tươi cười vui vẻ với một ngươi mà bạn ghét, hay không phản ứng tiêu cực với một câu bông đùa vô ý để giữ lịch sự trong giao tiếp, hoặc phớt lờ trò đùa ác ý của người khác.
Phản ứng ngược có thể giúp bạn tránh thoát nguy hiểm, và không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, những ác ý người khác nhắm vào bản thân. Càng sợ hãi hay hoảng loạn, bạn càng thể hiện mình bình tĩnh thì tình huống càng dễ giải quyết. Nói chung phản ứng ngược có thể mang đến những ảnh hưởng tích cực.
Ảnh hưởng của các cơ chế phòng vệ tâm lý
Các cơ chế phòng vệ tâm lý là một phần của cuộc sống, và rất khó để ngăn chặn vì tất cả xảy ra trong vô thức. Mỗi người sẽ có những cơ chế phản ứng khác nhau, và theo nhiều mức độ khác nhau tùy vào nhận thức, tính cách, suy nghĩ, và khả năng kiềm chế cảm xúc.
Cơ chế phòng vệ tâm lý mang đến những ảnh hưởng tích cực cho tâm trạng, nhưng cũng không thiếu những ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần. Ví dụ cơ chế thăng hoa, trí tuệ hóa hay phản ứng ngược có thể giúp con người chuyển đổi cảm xúc tiêu cực theo hướng tích cực hơn.
Những cơ chế khác thường mang đến những ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ như phủ nhận không hề tốt cho sức khỏe tinh thần, vì đây là một cách chạy trốn hiện thực. Mặc dù chúng ta biết có nhiều bằng chứng chứng minh sự việc là thật, nhưng ta vẫn không ngừng trốn tránh, không thể đối mặt với sự thất vọng, đau khổ, kinh hoàng mà nó mang đến.
Chuyển dịch cảm xúc theo hướng tiêu cực sẽ gây hại cho những người xung quanh, biến bạn thành một kẻ vũ phu, bạo lực, không nói lý lẻ, và là mầm mống của tình trạng bạo lực gia đình. Chuyển dịch cảm xúc cũng có thể gây tình trạng nghiện rượu, nghiện chất kích thích,… vì muốn tìm cách phát tiết cảm xúc tiêu cực.
Hợp lý hóa hay phóng chiếu có thể khiến chúng ta trở thành những con người ích kỷ, vô tâm, hoặc thích thể hiện tâm lý nạn nhân. Việc liên tục từ chối, phủi bỏ trách nhiệm và đẩy chúng cho người khác là hành vi tiêu cực. Việc hợp lý hóa mọi thứ cũng gây ảnh hưởng đến cách ta nhận định một sự việc.
Các cơ chế phòng vệ tâm lý có cả những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực đến sức khỏe tâm thần của chúng ta. Có người sẽ dựa vào đó để thay đổi suy nghĩ và hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh, có người sẽ có hành vi quá khích, làm tổn thương người xung quanh. Chính vì thế, hiểu rõ về những cơ chế này giúp ta kiểm soát phản ứng một cách tốt hơn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.
Có thể bạn quan tâm
- Tâm lý nạn nhân: Luôn đổ lỗi khi mọi thứ không như mong muốn
- Giải phóng cảm xúc (Catharsis) giúp con người thay đổi tích cực
- Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý né tránh những thông tin tiêu cực
- Hiệu ứng Rashomon là gì? Phân tích ứng dụng trong đời sống
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!