Kích thích não sâu (DBS): Quy trình, lợi ích và những rủi ro
Kích thích não sâu (Deep brain stimulation) là một phương pháp được sử dụng trong điều trị Parkinson nhằm giảm bớt tính trạng run rẩy và cứng khớp. Phẫu thuật kích thích não sâu mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân Parkinson có thể sinh hoạt bình thường, hạn chế những tác động tiêu cực của bệnh đến sức khỏe.
Phẫu thuật kích thích não sâu là gì?
Kích thích não sâu DBS là một thủ thuật phẫu thuật thần kinh tiên tiến. Phương pháp này hoạt động bằng cách đưa thiết bị gọi là máy kích thích thần kinh vào vùng não của con người. Máy kích thích thần kinh sẽ gửi các xung điện phù hợp đến các mục tiêu cụ thể trong não, thông qua các điện cực được cấy ghép.
Những dòng điện này kích thích và cải thiện sự hoạt động của những vùng não bất thường, giúp điều trị các rối loạn vận động như run cơ bản, loạn trương lực cơ, động kinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và đặc biệt có tác dụng cải thiện các triệu chứng của Parkinson. Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu những ứng dụng khác của phương pháp này.
DBS cũng giúp cải thiện một số triệu chứng khác của Parkinson như mệt mỏi, ngủ nhiều, đau đớn và tình trạng tiểu gấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là kích thích não sâu chỉ giúp giảm các triệu chứng, giúp bệnh nhân thoải mái hơn chứ không có tác dụng chữa bệnh, hay ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Vào năm 1997, phẫu thuật kích thích não sâu DBS đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt như một phương pháp điều trị chứng run vô căn và bệnh Parkinson; chứng loạn trương lực cơ vào năm 2003; chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) vào năm 2009; và chứng động kinh vào năm 2018.
Phương pháp này cho thấy những hiệu quả đáng kể với những người bị rối loạn vận động và run tay chân, lợi ích đạt được kéo dài 5 năm hoặc lâu hơn tùy vào sự thích ứng của cơ thể. Giống như nhiều phương pháp điều trị khác, kích thích não sâu DBS không phù hợp với 100% bệnh nhân Parkinson, mà chỉ hiệu quả trong một số tình huống nhất định.
Phẫu thuật luôn không tránh được tỉ lệ nhỏ những biến chứng xảy ra trước và sau, và DBS cũng không ngoại lệ. Một số biến chứng sau kích thích não sâu bao gồm: nhiễm trùng, đột quỵ, chảy máu, co giật, phát âm không rõ, và một chút khó khăn trong tìm từ khi nói.
Tuy xảy ra với tỉ lệ rất nhỏ, nhưng người bệnh có thể cân nhắc có nên áp dụng kích thích não sâu trong điều trị bệnh Parkinson hay không. Người bệnh sẽ được bác sĩ giải thích rõ ràng về ưu điểm và biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chữa trị để cân nhắc và đưa ra quyết định.
Những triệu chứng có thể điều trị bằng kích thích não sâu
Như đã nói ở trên, phẫu thuật kích thích não sâu giúp cải thiện các rối loạn vận động như run cơ bản, loạn trương lực cơ, động kinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và Parkinson. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng với một số triệu chứng chứ không phải mọi trường hợp. Những triệu chứng đó bao gồm:
- Loạn trương lực cơ: co cơ mất kiểm soát khi đang hoạt động, co thắt cơ khi căng thẳng hoặc lo lắng
- Động kinh: mất ý thức, lú lẫn tạm thời, tay chân co giật mất kiểm soát, hoảng loạn
- Run cơ bản: tay run rẩy, không thể cầm chắc đồ vật, không thề điều khiển tay trong các hoạt động hàng ngày,
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: suy nghĩ cưỡng chế mang tính bạo lực với bản thân hoặc người khác, ám ảnh về vi khuẩn và vi trùng, hành vi sắp xếp mọi thứ theo trật tự và đối xứng, rửa tay quá mức, kiểm tra mọi thứ nhiều lần, đếm số cụ thể trong mọi trường hợp,…
- Bệnh Parkinson: rung tay, co cứng cơ, di chuyển bất thường
Đây là những triệu chứng có thể được cải thiện nếu áp dụng phương pháp DBS trong điều trị. Hiện nay kích thích não sâu chỉ được áp dụng trong trường hợp người bệnh không có tương tác tốt với thuốc, không thể kiểm soát các triệu chứng thông qua hóa dược trị liệu.
Quy trình hoạt động của kích thích não sâu
Kích thích não sâu được chứng nhận là an toàn cho não. Phương pháp này không gây tổn thương cho các mô não khỏe mạnh, cũng như không phá hủy các tế bào thần kinh. Thay vào đó, nó làm gián đoạn những tín hiệu không bình thường trong não, giúp tín hiệu truyền đi chính xác hơn. Hệ thống DBS bao gồm ba thành phần là:
- Điện cực: Điện cực là một sợi dây chì mảnh, có tính cách điện, được luồn qua một lỗ nhỏ trong hộp sọ và cấy vào vùng não cụ thể.
- Dây dẫn: Phần dây nối rất dài cũng được cách điện, luồn dưới phần da đầu, cổ và vai có nhiệm vụ kết nối điện cực với bộ pin (IPG)
- Bộ pin (IPG): IPG thường được cấy dưới da gần xương đòn, trong một số trường hợp đặc biệt có thể cấy dưới ngực hoặc dưới da bụng.
Trong quá trình kích thích não sâu, các điện cực được đặt ở những vị trí cụ thể, tùy vào loại bệnh và triệu chứng của bệnh nhân. Những vị trí đó bao gồm:
- Hạt nhân dưới da (STN): cải thiện tình trạng run, cứng cơ, loạn trương lực cơ và rối loạn vận động trong điều trị bệnh Parkinson.
- Thalamus (VIM): cải thiện triệu chứng run trong điều trị run vô căn.
- Globus pallidus (GPi): cải thiện tình trạng run, chậm, cứng, loạn trương lực cơ và rối loạn vận động, có hiệu quả trong điều trị loạn trương lực cơ và Parkinson.
Điện cực có thể đặt ở bên trái, bên phải, hay cả hai vùng trái phải của não thông qua các lỗ nhỏ ở đỉnh hộp sọ. Bệnh nhân có thể sử dụng bộ điều khiển bằng tay không dây được lập trình đặc biệt để bật/tắt bộ phận IPG. Thời gian sử dụng của pin IPG là 5 năm, có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy vào cường độ sử dụng.
Những cài đặt về cường độ tác động có thể được thay đổi theo thời gian khi tình hình của bệnh nhân có tiến triển. Khi được kích thích bằng công tắc, IPG tạo ra các xung điện và gửi chúng đi theo dây dẫn vào điện cực, tác động đến nhân não nhằm điều chỉnh các tín hiện thần kinh bất thường, nguyên nhân gây ra tình trạng run, co cứng cơ và các triệu chứng khác.
Kiểm tra và Chẩn đoán trước khi ứng dụng DBS
Một nhóm các chuyên gia đa ngành sẽ theo dõi tình hình bệnh nhân, để quyết định các xét nghiệm cần thiết, và cân nhắc xem bệnh nhân có thích hợp dùng kích thích não sâu hay không. Bệnh nhân Parkinson và run cơ bản có thể thực hiện những thử nghiệm khi dùng thuốc và không dùng thuốc để đánh giá mức độ bệnh.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải trải qua một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm điện não đồ (trong trường hợp bệnh nhân động kinh)
- Đánh giá thần kinh-tâm lý
- Kiểm tra thang điểm ám ảnh cưỡng chế (YBOCs) (trong trường hợp bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế)
- Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp xác định độc tố và những chất bất thường
- Chụp MRI và/hoặc CT giúp xác định vị trí cần tác động khi kích thích
Ngoài ra, để được điều trị bằng kích thích não sâu, bệnh nhân còn phải đáp ứng ba tiêu chí. Thứ nhất là các triệu chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, làm giảm chất lượng sinh hoạt. Thứ hai là cơ thể không phản ứng tốt với thuốc, các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm dù dùng thuốc đúng cách và đúng liều.
Cuối cùng là tác dụng của thuốc dần mất tác dụng, không còn hiệu quả điều trị. Nếu đáp ứng ba tiêu chí trên và vượt qua những xét nghiệm cần thiết, người bệnh có thể được chấp nhận điều trị bằng phương pháp kích thích não sâu. Phương pháp này mang đến hiệu quả, nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro.
Ưu nhược điểm và biến chứng của kích thích não sâu
Phướng pháp kích thích não sâu tồn tại những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Ngoài ra sau phẫu thuật cũng có tỷ lệ nhất định xuất hiện biến chứng. Bệnh nhân có thể cân nhắc những tác động tích cực và rủi ro có thể xảy ra nhằm đưa ra quyết định cuối cùng.
Ưu điểm
- DBS có thể đảo ngược và có thể tắt hoặc loại bỏ nếu cần.
- Phương pháp không gây hại cho não, không ảnh hưởng hay giết chết tế bào não
- Có thể thực hiện ở một bên hoặc hai bên não
- Có thể điều chỉnh tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mắc phải
- Có thể cải thiện hệ thống để loại bỏ những tác dụng phụ tiềm ẩn
- Người bệnh sau khi được kích thích não sâu không ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị khác
- Thiết bị có khả năng hoạt động 24/7 trong vòng ít nhất 5 năm
- Hệ thống DBS không thể sạc lại cần thay thế mỗi 5 năm, còn hệ thống có thể sạc lại có dung lượng pin lên đến 10-15 năm
Nhược điểm:
- Có thể cần phẫu thuật bổ sung trong những trường hợp như đứt dây nối ở cổ, các bộ phận bị mài mòn, thiết bị hư hỏng cơ học hay vì nhiều nguyên nhân khác.
- Có thể xuất hiện một số tác dụng phụ tạm thời sau DBS như ảo giác, rối loạn chức năng nhận thức, hưng phấn và trầm cảm do điện cực bị đặt lệch, hoặc do tác động mà chệch khỏi vị trí ban đầu. Ngoài ra, còn một số tác dạng phụ như: đau và sưng ở vị trí cấy, buồn nôn, đau đầu, căng cơ, mất thăng bằng, khả năng nhìn và nói năng bị ảnh hưởng,…
- Những tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra với tỷ lệ nhỏ bao gồm: xuất huyết não (1–2%), nhiễm trùng (3–5%), đột quỵ, cảm xúc cùn mòn tạm thời, mất khả năng bơi lội.
Tỷ lệ biến chứng thường tỷ lệ nghịch với kinh nghiệm của đội ngũ phẫu thuật. Đội ngũ tham gia càng giỏi và nhiều kinh nghiệm thì xác suất sinh ra biến chứng càng nhỏ. Chính vì thế kỹ thuật này chỉ được chỉ định và thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao.
Trong trường hợp điện cực bị lệch vị trí gây ra các biến chứng khó lường, bác sĩ có thể xác định tình trạng thông qua chụp CT. Những tác dụng phụ như mất thăng bằng, đau đầu và buồn ngủ tạm thời là tình trạng bình thường. Bệnh nhân có thể tái khám sau 2-4 tuần để theo dõi và kiểm tra thiết bị.
Chú ý trong quá trình phục hồi sau DBS
Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ dặn dò cụ thể về những điều cần lưu ý trong quá trình hồi phục, và cho bạn biết cần bao lâu để nhận thấy những thay đổi trong các triệu chứng bệnh. Khoảng thời gian này sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào khả năng thích ứng, sức khỏe thể chất, và khả năng phục hồi của cơ thể.
Hầu hết các bệnh nhân sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện 1-2 ngày để theo dõi, sau đó họ được phép về nhà. Thời gian hồi phục sẽ kéo dài vài tuần để cơ thể làm quen với bộ phận mới được cấy ghép. Sau đây là một số điều bác sĩ có thể căn dặn mà bạn buộc phải làm theo nếu không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe:
- Tránh những hoạt động mạnh như chơi thể thao, hay những hoạt động yêu cầu thể lực, khả năng tập trung và khả năng vận động trong khoảng hai tuần sau phẫu thuật. Bạn cũng không nên làm những việc như dọn dẹp nhà cửa, quan hệ tình dục, hay nhấc những vật nặng quá 2kg.
- Tránh những hoạt động có cường độ cao trong bốn đến sáu tuần sau phẫu thuật. Bạn chỉ nên tập những bài tập nhẹ nhàng, tiết tấu chậm, không đòi hỏi nhiều thời gian. Hãy thay những hoạt động có cường độ cao bằng việc nghe nhạc, đọc sách, hoặc làm việc nhẹ nhàng.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc duỗi người: Không nên thực hiện những cử động như đưa tay qua đầu, vươn vai, duỗi người, vặn người,… nói chung là những hoạt động mạnh, hoặc thay đổi tư thế đột ngột vì có thể khiến bạn choáng váng, hoặc ảnh hưởng đến bộ xung điện.
Kích thích não sâu hiện đang là biện pháp hữu dụng nhất trong điều trị các triệu chứng run cơ bản, loạn trương lực cơ, động kinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và Parkinson trong trường hợp thuốc không có tác dụng. Biện pháp này mang đến hiệu quả, nhưng vẫn tiềm tàng những biến chứng nhất định. Thế nên người bệnh và gia đình có thể cân nhắc chấp nhận điều trị hay không.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sương mù não là gì? Triệu chứng và Cách khắc phục
- Bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không? Chữa được không?
- Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD) là gì?
- Rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em: Nguyên nhân và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!