Mất tập trung trong giờ học: Nguyên nhân, tác hại, cách cải thiện
Trẻ em thường dễ mất tập trung trong giờ học, đặc biệt khi môi trường học tập thiếu hấp dẫn, phương pháp giảng dạy không thu hút. Các em cảm thấy khó chú ý suốt tiết học dài nên việc tiếp thu kiến thức trở nên kém hiệu quả. Vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn đến sự tự tin của trẻ trong lớp.
Mất tập trung trong giờ học là gì?
Mất tập trung trong giờ học là tình trạng trẻ khó duy trì sự chú ý vào bài giảng, nhiệm vụ học tập. Các em dễ bị sao nhãng bởi nhiều yếu tố xung quanh như tiếng ồn, đồ vật, các hoạt động khác trong lớp. Mặc dù đây là hiện tượng phổ biến nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và kết quả học tập của trẻ.
Ở độ tuổi tiểu học, nhiều trẻ khó duy trì sự chú ý nhất là trong môi trường có nhiều yếu tố gây phân tâm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì tình trạng này lại liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) – một rối loạn về chức năng não bộ. Nếu thầy cô và cha mẹ nhận thấy con thường xuyên sao nhãng trong thời gian dài, hãy đưa trẻ đến chuyên gia để được thăm khám loại trừ nguyên nhân liên quan đến bệnh lý.
Nguyên nhân gây mất tập trung trong giờ học
Khi trẻ không thể tập trung vào bài giảng, việc học trở nên khó khăn hơn khiến kết quả học tập và sự phát triển tư duy giảm sút. Để giúp các em cải thiện khả năng, việc nhận biết và khắc phục các nguyên nhân gây ra tình trạng này là điều vô cùng quan trọng.
- Thiếu ngủ:
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ mất tập trung là thiếu ngủ. Một giấc ngủ không đảm bảo khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, uể oải trong giờ học. Đồng thời làm cho các bé mất chú ý, khó tiếp thu thông tin và thường xuyên rơi vào trạng thái buồn ngủ trong lớp học.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý:
Nếu không được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như sắt, kẽm, vitamin B,… khả năng hoạt động của não bộ sẽ bị ảnh hưởng, khiến trẻ khó tập trung vào bài học. Một chế độ ăn uống thiếu lành mạnh làm các em trở nên chậm chạp, lười biếng và mất hứng thú với việc học.
- Ảnh hưởng từ môi trường học tập:
Môi trường học tập không ngăn nắp, không đủ ánh sáng sẽ làm giảm khả năng tập trung của trẻ. Hơn nữa, không gian học thiếu thoải mái, có nhiều yếu tố gây xao nhãng như tiếng ồn, đồ chơi, thiết bị điện tử dễ khiến các em bị phân tâm và khó tập trung vào bài giảng.
- Lạm dụng công nghệ:
Trẻ em ngày nay thường tiếp xúc với thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng từ rất sớm nên gây ra nhiều sự phân tâm khi học. Việc sử dụng quá mức sẽ làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy logic cùng trí nhớ dài hạn của các em.
- Thiếu động lực học tập:
Trẻ không có động lực học tập sẽ dễ thấy chán nản và mất tập trung. Điều này thường xảy ra khi các bé thấy bài học quá khó, không thấy được giá trị của việc học. Việc thiếu động lực khiến trẻ không còn hứng thú với bài giảng, dẫn đến sự lơ là và thiếu chú ý trong lớp học.
- Các vấn đề tâm lý:
Những vấn đề như trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ. Tâm lý bất ổn làm các con khó duy trì sự chú ý và dễ rơi vào tình trạng mơ màng, lơ đễnh trong giờ học.
- Thiếu sự vận động thể chất:
Việc trẻ không được vận động đủ sẽ làm cho cơ thể trở nên lười biếng và trí não hoạt động kém hiệu quả hơn. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng có tác dụng để các em giải tỏa căng thẳng, cải thiện khả năng tập trung và hồi phục năng lượng cho cơ thể.
Biểu hiện của mất tập trung trong giờ học
Mất tập trung trong giờ học là một vấn đề khá phổ biến ở trẻ em và cần được hiểu rõ thông qua các biểu hiện sau đây:
- Thường xuyên lơ đãng và không lắng nghe bài giảng, cuộc trò chuyện trực tiếp
- Khó duy trì khả năng chú ý khi thực hiện các nhiệm vụ học tập kéo dài
- Dễ bị phân tâm bởi các yếu tố xung quanh như tiếng ồn, đồ vật
- Hay quên bài tập, làm mất sách vở, để quên dụng cụ học tập
- Không thể ngồi yên một chỗ lâu, hay đứng lên và di chuyển liên tục
- Nét chữ của trẻ thường xấu hơn so với các bạn cùng trang lứa do thiếu tập trung
- Luôn thấy chán nản, không hứng thú với việc đến trường và thường xuyên ngủ gật trong lớp
- Hành vi của trẻ thất thường, dễ cáu gắt, nóng nảy mà không rõ nguyên nhân
Tác hại của việc mất tập trung trong giờ học
Việc mất tập trung trong giờ học không chỉ khiến trẻ bỏ lỡ nhiều thông tin quan trọng mà còn làm giảm khả năng hiểu bài. Nếu không nắm vững kiến thức, hiệu suất học tập sẽ đi xuống đi kèm với điểm số thấp và khó hoàn thành bài tập đúng hạn. Dần dần, các em có thể mất hứng thú với việc học, tạo ra khoảng cách giữa mình và các bạn.
Không chỉ tác động đến kết quả học tập, tình trạng mất tập trung còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Khi liên tục bị phân tâm và không đạt được kết quả như mong muốn, các em trở nên tự ti và luôn thấy áp lực. Những kỳ vọng từ thầy cô, cha mẹ cùng sự cạnh tranh với bạn bè làm bé lo lắng và dần trở nên e ngại việc học, thậm chí tìm cách trốn tránh nó.
Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Kiến thức bị hổng khiến các em khó học lên cao hơn, từ đó làm giảm cơ hội phát triển bản thân và nghề nghiệp sau này. Một nền tảng kiến thức không vững chắc có thể gây ra nhiều hệ lụy, làm hạn chế các cơ hội học tập và thành công trong tương lai.
Cách cải thiện tình trạng mất tập trung trong giờ học
Mất tập trung trong giờ học không chỉ làm giảm hiệu suất học tập mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Để giúp các em cải thiện tình trạng này, cha mẹ và thầy cô cần phối hợp áp dụng nhiều biện pháp cụ thể như sau:
1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Một bữa ăn đầy dinh dưỡng sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng và tinh thần để học tập. Cha mẹ nên chú ý bổ sung thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau xanh và các loại hạt để cải thiện lượng oxy lên não nhằm duy trì sự tập trung. Bên cạnh đó, sắt là dưỡng chất cần thiết để sản xuất hồng cầu, góp phần cung cấp năng lượng cho não hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, các thực phẩm chứa omega – 3 như cá hồi, quả óc chó và các loại rau xanh cũng rất cần thiết. Omega – 3 không chỉ giúp tăng cường trí nhớ mà còn hỗ trợ sự phát triển toàn diện của não bộ. Kết hợp các loại thực phẩm này vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp trẻ có thể tiếp thu bài học tốt hơn, giảm thiểu tình trạng mất tập trung trong lớp học.
2. Trò chơi cải thiện tập trung
Các trò chơi trí tuệ không chỉ là hoạt động giải trí mà còn giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung và tư duy. Các trò như ghép hình, tìm số, ghép từ sẽ kích thích não bộ và khuyến khích các em chú ý vào các chi tiết nhỏ. Đồng thời khuyến khích bé học cách phân tích thông tin và giải quyết vấn đề hiệu quả, cải thiện khả năng tập trung trong giờ học.
Ngoài ra, những trò chơi thể thao, thi đua như “chạy đua với thời gian”, “chỉ một phút” cũng rất hữu ích khi giúp trẻ học cách quản lý thời gian và tăng khả năng hoàn thành công việc nhanh chóng mà không bị phân tâm.
3. Hạn chế thiết bị điện tử
Thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng làm trẻ dễ mất tập trung nếu không được kiểm soát hợp lý. Để hạn chế điều này, cha mẹ nên thiết lập khung giờ sử dụng thiết bị cho con, chỉ cho phép dùng khi cần học bài, tra cứu thông tin. Việc quản lý thời gian sử dụng thiết bị sẽ làm cho các em được tập trung hơn vào học tập và giảm bớt tình trạng lãng phí thời gian vào những hoạt động vô bổ.
Để thay thế thời gian sử dụng thiết bị, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, chơi trò chơi trí tuệ tại nhà. Chúng không chỉ giúp trẻ rời xa màn hình mà còn tạo cơ hội để rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho việc học tập và cuộc sống sau này.
4. Khuyến khích vận động thể chất
Vận động thể chất là yếu tố quan trọng giúp cải thiện khả năng tập trung của trẻ. Ở các bé thường xuyên vận động sẽ có khả năng tập trung tốt hơn, bởi nó giúp máu lưu thông tốt đến não bộ, từ đó tăng cường trí nhớ và sự chú ý. Các bộ môn thể thao như bóng rổ, bơi lội và yoga sẽ làm cho các em trở nên khỏe mạnh mà còn phát triển kỹ năng tư duy cùng sự tập trung.
Tham gia các hoạt động thể chất còn giúp trẻ giảm căng thẳng và mệt mỏi sau giờ học, tạo điều kiện cho não bộ thư giãn và phục hồi. Một lịch trình vận động đều đặn hoàn toàn đảm bảo duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất để học tập hiệu quả hơn và giảm tình trạng mất tập trung.
5. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Trẻ cần có đủ giấc ngủ chất lượng để não bộ được nghỉ ngơi và phục hồi sau một ngày dài học tập. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ ngủ đủ từ 8 – 10 giờ mỗi đêm và có một môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái để giúp đi vào giấc ngủ sâu hơn.
Ngoài ra, trong trường hợp trẻ học bán trú, thầy cô cũng có thể sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý vào buổi trưa. Một giấc ngủ ngắn từ 20 – 30 phút cũng giúp các em thêm tỉnh táo và tập trung hết khả năng trong các tiết học buổi chiều để có kết quả học tập tốt.
Tình trạng mất tập trung trong giờ học là điều mà hầu hết học sinh và sinh viên đều từng trải qua, nhưng nó hoàn toàn có thể cải thiện. Với sự quan tâm và hướng dẫn của gia đình cùng phương pháp giảng dạy hợp lý, trẻ sẽ tập trung hơn để qua đó đạt được những thành tích tốt trong học tập.
Có thể bạn quan tâm:
- Mục tiêu học tập: Cách xác định và thiết lập cho giới trẻ
- Cảm xúc tiêu cực trong học tập: Ảnh hưởng và cách ứng phó
Nguồn tham khảo:
- https://www.oxfordlearning.com/nine-reasons-kids-struggle-with-paying-attention-in-class/
- vinmec.com,…..
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!