Hội chứng PTSD – Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý
Hội chứng PTSD – Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý là dạng rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi tình trạng khủng hoảng, cáu gắt, giật mình, sợ hãi, mất hứng thú… sau khi trải qua một sự kiện đau buồn trong quá khứ. Theo thống kê, cứ 100 công dân Mỹ thì có đến 8 người từng mắc phải hội chứng này. Vậy tình trạng này là gì? Làm thế nào để điều trị an toàn, hiệu quả?
Hội chứng PTSD là gì?
Nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến những câu chuyện đau lòng hoặc đối mặt với hàng loạt biến cố trong cuộc sống. Một số người có thể vượt qua ký ức xưa cũ để mạnh mẽ tiến về phía trước. Trong khi đó, những người khác lại bị quá khứ ám ảnh thường xuyên và quá mức. Bởi nỗi khổ tâm từ những trải nghiệm đau thương sau sang chấn tâm lý có thể kéo dài dai dẳng, kết thành những ký ức tiêu cực, đen tối và dẫn đến nhiều suy nghĩ bi quan, tiêu cực.
Ai cũng có thể bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Bắt nguồn từ sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau, chứng bệnh này khiến bệnh nhân chìm đắm trong trạng thái day dứt, đau khổ, tuyệt vọng, từ đó làm suy giảm chất lượng mọi mặt cuộc sống.
Khái niệm rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (Post Traumatic Stress Disorder – PTSD) được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ chính thức công nhận vào năm 1980 trong Sổ tay Chẩn đoán các rối loạn tâm thần phiên bản III (DSM-III). Trước đó, hội chứng rối loạn tâm thần này đã được biết đến trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất với tên gọi Shell Shock (cú sốc do đạn trái phá).
Thuật ngữ này mô tả một dạng rối loạn tâm thần được kích hoạt khi người bệnh chứng kiến/trải qua một sự kiện đặc biệt, gây chấn thương tâm lý nghiêm trọng và đi kèm biểu hiện căng thẳng, bất lực, sợ hãi, kinh hoàng.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tình trạng căng thẳng (stress) – một vấn đề tinh thần thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Tình trạng căng thẳng vốn là phản ứng thích nghi tự nhiên của cơ thể trước một tác động bất kỳ đến từ thế giới xung quanh.
Nếu gặp phải tình huống căng thẳng, cơ chế tự vệ của chúng ta sẽ tăng cường phản ứng căng thẳng (chiến đấu – fight, trốn chạy – fly và đóng băng – frozen). Mục đích chính của quá trình này là tìm lại trạng thái cân bằng mới sau khi các yếu tố căng thẳng từ môi trường bên ngoài tác động vào chúng ta.
Kể từ khi trải qua một sự kiện tồi tệ, đau thương như: cháy nhà, thiên tai, chiến tranh, bị khủng bố, tra tấn, cưỡng bức… một người sẽ cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng và suy giảm khả năng cảm nhận về cảm xúc – suy nghĩ hiện tại của bản thân (hiện tượng sang chấn). Đây chính là tình trạng căng thẳng sau sang chấn.
Nếu người đó có phản ứng căng thẳng với các sự kiện kích hoạt sang chấn và không hề thuyên giảm sau một khoảng thời gian dài thì rất có thể anh/cô ấy đang bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Để xác định chính xác tình trạng này, các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ theo dõi sát sao và đánh giá triệu chứng cẩn thận dựa trên nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng quốc tế.
Sau khi giải ngũ và quay về với cuộc sống thường ngày, nhiều binh sĩ từng phục vụ chiến tranh bắt đầu xuất hiện một số vấn đề tâm lý bất thường. Trong Thế chiến II, tình trạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý được biết đến nhiều hơn.
Tuy nhiên, khái niệm này chỉ thực sự được chú ý đúng mức và nghiên cứu toàn diện từ năm 1980. Vào khoảng thời điểm này, các bác sĩ tâm thần Mỹ đã tiến hành nghiên cứu về một hội chứng mang tên Hội chứng sau chiến tranh Việt Nam trên 700.000 cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở nước ta từ năm 1965 đến năm 1973.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (hội chứng PTSD) không chỉ hình thành trong chiến tranh mà còn có thể xuất hiện trong nhiều sự kiện khác nhau của cuộc sống cá nhân. Rất nhiều người đã mắc phải chứng rối loạn tâm thần này sau khi bị cưỡng bức, tấn công, bạo hành, tai nạn giao thông, mất mát người thân, gặp phải biến cố gia đình, trải qua sự kiện động đất, lũ lụt, thiên tai, khủng bố…
Biểu hiện của hội chứng PTSD
Kể từ khi đương đầu với các sự kiện gây sang chấn, nhiều người gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tâm lý và cân bằng cuộc sống hiện tại. Sau một khoảng thời gian điều trị và phục hồi, bệnh tình của họ sẽ bắt đầu thuyên giảm.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài và trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, thì rất có thể, bạn đang mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.
Theo các chuyên gia, những triệu chứng điển hình của tình trạng này bao gồm:
Các dấu hiệu nhận biết liên quan đến việc tái trải nghiệm sự kiện gây chấn thương tâm lý
- Gặp ác mộng về những ký ức đau khổ liên quan đến sự kiện đã qua
- Cảm thấy hoặc cư xử như thể sự kiện này đã xảy ra thêm một lần nữa
- Mất nhận thức về thế giới xung quanh ở thực tại hoặc phản ứng phân ly với cuộc sống hiện tại
- Trải nghiệm những cung bậc cảm xúc phức tạp, mạnh mẽ khi nhắc đến sự kiện
- Xuất hiện nhiều triệu chứng thể lý mãnh liệt khi hồi tưởng về sự kiện (khó thở, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, mất kiểm soát, cảm thấy sắp ngất xỉu…)
Các dấu hiệu nhận biết liên quan đến việc lảng tránh nhắc về sự kiện gây sang chấn tâm lý
- Né tránh suy nghĩ hoặc trò chuyện về sự kiện ngày xưa
- Tránh xa những con người hoặc địa điểm liên quan đến sự kiện đó
Các dấu hiệu nhận biết liên quan đến sự thay đổi tiêu cực trong tâm trạng và suy nghĩ
- Khó nhớ lại những diễn biến quan trọng của sự kiện
- Mất cảm giác hoặc trở nên lãnh cảm, tê liệt với mọi thứ xung quanh
- Thiếu hứng thú trong các hoạt động xã hội
- Không thể trải nghiệm cảm xúc – tâm trạng lạc quan, tích cực
- Suy nghĩ tiêu cực, bi quan về tương lai
Các dấu hiệu nhận biết liên quan đến sự tăng cường cảnh giác và trạng thái bồn chồn
- Khó chịu, cáu gắt
- Khó ngủ, ngủ không sâu giấc
- Mất tập trung
- Dễ bị giật mình
- Tăng cường cảnh giác với thế giới xung quanh
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn trải nghiệm những triệu chứng liên quan đến trạng thái tri giác sai thực tại (nghĩa là nhận thức không chính xác, không thực tế về môi trường xung quanh) hoặc trạng thái giải thể nhân cách (cảm giác bản thân đang quan sát cảm xúc – suy nghĩ của chính mình từ bên ngoài).
Nhìn chung, những người đang bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý sẽ trải nghiệm hàng loạt triệu chứng và cung bậc cảm xúc khác nhau như: buồn bã, lo lắng, sợ hãi, kém tập trung, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống… Hơn nữa, họ cũng có thể thường xuyên hồi tưởng chuyện cũ hoặc gặp phải những cơn ác mộng liên quan đến sự kiện này.
Trên thực tế, vì cảm thấy xấu hổ nên nhiều bệnh nhân cố tình che giấu triệu chứng nhằm trị hoãn việc thăm khám bác sĩ. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ rằng, vấn đề này có thể chữa khỏi hoàn toàn và nên được điều trị càng sớm càng tốt. Do đó, hãy chủ động đi khám bác sĩ ngay khi:
- Xuất hiện những cảm xúc, suy nghĩ lo lắng, sợ hãi, bất an về sự kiện đau buồn trong quá khứ hơn 1 tháng
- Suy nghĩ và cảm nhận ngày càng trở nên tiêu cực, bi quan
- Vướng phải nhiều khó khăn, trở ngại trong việc kiểm soát tâm trạng và cân bằng cuộc sống cá nhân
- Tự làm đau bản thân hoặc nảy sinh ý định tự sát
Nguyên nhân gây nên hội chứng PTSD
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý xuất hiện khi người bệnh chứng kiến hoặc trải qua một sự kiện căng thẳng nào đó, dẫn đến sang chấn tâm lý. Sự kiện này có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Theo các chuyên gia, những tác nhân hàng đầu có khả năng gây ra tình trạng trên bao gồm:
- Thiên tai (động đất, lũ lụt, cháy rừng…)
- Tai nạn nghiêm trọng
- Sinh sống trong khu vực chiến sự (nhất là binh lính và nạn nhân chiến tranh)
- Bị tấn công thể lý nghiêm trọng
- Bị đe dọa tấn công/tấn công/lạm dụng tình dục
- Chứng kiến người khác bị thương hoặc bị giết
Đa số rối loạn sức khỏe tinh thần đều là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau thay vì bắt nguồn từ một nguyên nhân duy nhất. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý cũng nằm trong quy luật này. Do đó, hiện nay, các nhà khoa học chưa thể xác định nguyên nhân chính xác và cụ thể nhất. Một số yếu tố dưới đây có thể góp phần thúc đẩy dạng rối loạn này hình thành và phát triển:
1. Cơ chế sinh tồn
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý liên quan đến cơ chế tự vệ mang tính bản năng trước những trải nghiệm đau thương trong quá khứ. Chẳng hạn, các triệu chứng liên quan đến sự tăng cường cảnh giác và trạng thái bồn chồn có thể kích thích chúng ta phản ứng linh hoạt và nhanh chóng hơn với một sự kiện tồi tệ tương tự.
Trong đa số trường hợp, những phản ứng căng thẳng này sẽ giúp bạn sinh tồn và sống sót. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng cũng sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nếu bạn vẫn chưa thể kiểm soát cảm xúc và chấp nhận trải nghiệm đau thương xưa cũ.
2. Nồng độ adrenalin cao
Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ các hormon gây căng thẳng trong máu của các bệnh nhân bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý tăng cao bất thường.
Thông thường, khi đối mặt với các tình huống căng thẳng đến từ môi trường bên ngoài, cơ thể chúng ta sẽ tăng cường sản sinh những loại hormon gây căng thẳng (nhất là adrenaline) để kích hoạt phản ứng kịp thời. Các phản ứng căng thẳng (chiến đấu – fight, trốn chạy – fly và đóng băng – frozen) giúp chúng ta sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, cơ thể bệnh nhân lại tiết ra quá nhiều hormon căng thẳng ngay cả khi không cần thiết. Một số nhà khoa học cho rằng, yếu tố này chính là nguyên nhân hình thành các triệu chứng liên quan đến sự thay đổi tiêu cực trong cảm xúc – suy nghĩ – tâm trạng của người bệnh.
3. Thay đổi cấu trúc não bộ
Khi tiến hành quét não bằng kỹ thuật hình ảnh, các chuyên gia nhận thấy, phần não có chức năng xử lý cảm xúc của những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý khá khác biệt so với bộ não của nhóm người bình thường. Cụ thể, hồi hải mã (vùng não chịu trách nhiệm về cảm xúc và trí nhớ) của bệnh nhân nhỏ hơn so với kích thước tự nhiên.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự thay đổi trong cấu trúc bộ não này có liên hệ mật thiết với sự hình thành cảm xúc lo lắng, sợ hãi cùng những biểu hiện liên quan đến sự tái trải nghiệm sự kiện gây chấn thương tâm lý. Bằng cách thay đổi quy trình xử lý ký ức và trí nhớ bình thường, sự thay đổi này có thể dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực, kéo theo suy nghĩ bi quan và tăng cường mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện từ sớm và điều trị đúng hướng, dạng rối loạn tâm thần này sẽ phá vỡ mọi mặt cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, nếu mắc chứng bệnh này, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ:
- Lạm dụng rượu bia
- Lạm dụng ma túy
- Rối loạn ăn uống
- Bệnh trầm cảm
- Nảy sinh suy nghĩ và hành vi tự sát
- Đau nhức cơ thể mạn tính
- Bệnh tim mạch
- Bệnh tự miễn (bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp…)
Phương pháp điều trị rối loạn căn thẳng sau chấn thương tâm lý PTSD
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý bắt nguồn từ sự thay đổi quy trình xử lý ký ức và trí nhớ về những trải nghiệm trong quá khứ khi chúng ta hồi tưởng hoặc gặp ác mộng, từ đó hình thành những cảm xúc bi quan, tiêu cực. Chu trình này đồng thời cũng tăng cường mức độ tồi tệ của các triệu chứng. Tin vui là bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm bằng cách sử dụng thuốc Tây y và trị liệu tâm lý.
1. Sử dụng thuốc Tây
Khi bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, não bộ của chúng ta sẽ mất đi trạng thái cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh ban đầu. Lúc này, những phản ứng căng thẳng (chiến đấu, trốn chạy và đóng băng) sẽ được kích hoạt dễ dàng.
Việc cố gắng hạn chế căng thẳng thường đi kèm nhiều cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Bằng cách tác động vào các hóa chất liên quan đến tình trạng lo lắng và sợ hãi bên trong não bộ, một số loại thuốc có thể cải thiện triệu chứng, bao gồm trải nghiệm hồi tưởng và những cơn ác mộng. Ngoài ra, những loại thuốc này còn tác động tích cực đến cảm xúc, giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Đối với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, thuốc chống lo âu và thuốc chống trầm cảm đều giúp kiểm soát tốt triệu chứng lo âu, trầm cảm, tăng cường khả năng tập trung và tạo nên những giấc ngủ ngon.
Nếu người bệnh thường xuyên gặp ác mộng, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc chỉ định thuốc prazosin. Loại thuốc này đã được sử dụng trong công tác điều trị bệnh tăng huyết áp suốt nhiều năm nay, có thể phản ứng với norepinephrin (một hormon tương tự adrenalin) và có khả năng làm giảm hoặc ngăn ngừa những cơn ác mộng.
2. Trị liệu tâm lý
Đa số liệu pháp trị liệu rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý đều được phát triển dựa trên lý thuyết nhận thức hành vi (CBT) với nền tảng xoay quanh sự thay đổi của những kiểu mẫu suy nghĩ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân.
Phương pháp này tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân chia sẻ về chấn thương tâm lý của mình, từ đó nhận diện và chấp nỗi sợ hãi sâu thẳm của bản thân. Căn cứ vào điều kiện thực hành cụ thể, nhà tâm lý học sẽ đề xuất tiến hành trị liệu theo hình thức cá nhân, nhóm hoặc gia đình.
Ba mục tiêu then chốt của phương pháp trị liệu tâm lý dành cho những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý là:
- Cải thiện triệu chứng
- Khôi phục lòng tự trọng
- Xây dựng, rèn luyện một số kỹ năng ứng phó với căng thẳng và đối mặt với chấn thương tâm lý
Liệu pháp tiếp xúc kéo dài
Liệu pháp tiếp xúc kéo dài (Prolonged Exposure – PE) là tập hợp nhiều kỹ thuật hướng dẫn bệnh nhân kiểm soát tâm trạng thông qua việc dũng cảm đối mặt với những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Quy trình điều trị bao gồm 2 bước sau:
- Người bệnh kể về sang chấn tâm lý của bản thân với nhà trị liệu
- Nhà trị liệu từng bước giúp bệnh nhân lặp lại những cảm xúc – suy nghĩ mà bệnh nhân vẫn luôn né tránh kể từ khi trải qua chấn thương
Liệu pháp tiếp xúc kéo dài được phát triển từ lý thuyết học tập của nhà tâm lý học Ivan Pavlov. Theo đó, có nhiều yếu tố phụ (khung cảnh, mùi hương, âm thanh) xuất hiện trong môi trường khi sang chấn xảy ra. Chúng sẽ được bộ não ghi nhớ kết hợp với những diễn biến của chấn thương.
Khi bệnh nhân vô tình gặp lại các yếu tố này, não bộ sẽ lập tức hoạt hóa các ký ức về sự kiện đã qua. Điều đó dẫn đến tình trạng lo lắng, căng thẳng, sợ hãi quá mức. Đây chính là lúc những triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nhiệm vụ của phương pháp trị liệu này là hỗ trợ bệnh nhân từng bước tiếp xúc lại với các trải nghiệm mà họ đang cố tình tránh né sau khi sang chấn diễn ra, từ đó giúp họ tái tương tác và kết nối với cuộc sống hiện tại.
Liệu pháp xử lý nhận thức
Liệu pháp xử lý nhận thức (Cognitive Processing Therapy – CPT) phát triển từ nền tảng nhận thức – hành vi và được đánh giá cao về mặt lâm sàng.
Quy trình trị liệu xử lý nhận thức gồm có:
- Nhà trị liệu cung cấp cho người bệnh những thông tin tổng quát về cảm xúc, suy nghĩ và chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, từ đó nâng cao nhận thức của bệnh nhân về mối quan hệ giữa cảm xúc – suy nghĩ và “suy nghĩ tự động”. Lúc này, người bệnh sẽ chiêm nghiệm về việc tại sao sự kiện xưa cũ lại xảy ra, đồng thời nhìn nhận tác động của nó đối với niềm tin về bản thân, những người thân thiết và thế giới xung quanh.
- Người bệnh làm việc về những chấn thương tâm lý của bản thân. Họ bắt đầu hình dung và mô tả quá trình trải nghiệm sự kiện đã qua. Bằng cách đặt ra những câu hỏi của Socrate và ứng dụng một số chiến lược khác, nhà trị liệu có thể giúp đỡ bệnh nhân bóc trần những suy nghĩ tiêu cực, sai lầm của họ về chấn thương tâm lý (chẳng hạn suy nghĩ đổ lỗi cho chính mình) và từng bước điều chỉnh, thay đổi chúng.
- Bệnh nhân rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết nhằm củng cố niềm tin đúng đắn cũng như loại bỏ niềm tin sai lầm.
Liệu pháp giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái xử lý thông tin
Liệu pháp giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái xử lý thông tin (Eye Movement Desensitization and Reprocessing – EMDR) do nhà tâm lý học người Mỹ Francine Shapiro khởi xướng. Sau nhiều năm nghiên cứu, bà phát hiện ra rằng những suy tiêu cực mang tính ám ảnh có thể biến mất khi đôi mắt chúng ta chuyển động tới lui thật nhanh từ trái sang phải.
Kỹ thuật trị liệu này dựa trên niềm tin mãnh liệt vào triết lý: Tinh thần có khả năng tự chữa lành kỳ diệu. Trong liệu pháp giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái xử lý thông tin, những chuyển động mắt sẽ góp phần giải phóng những suy nghĩ – ký ức tiêu cực về sang chấn tâm lý và tái kích hoạt hệ thống chữa lành tự nhiên của bộ não.
Francine Shapiro còn đề cập đến mối quan hệ giữa phương pháp này với giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh (Rapid Eye Movement – REM). Giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh là thời điểm chúng ta nằm mơ và tái sắp xếp các phần của trí nhớ. Những cảm xúc và ký ức tiêu cực có thể được “tái định dạng” trong quá trình này.
Liệu pháp này có thể giúp bệnh nhân nắm vững và kích hoạt cơ chế tự chữa lành sang chấn tự nhiên của bản thân thông qua việc gợi lại những ký ức xưa cũ, đồng thời tập trung vào chuyển động tới lui liên tục của ngón tay bác sĩ trị liệu và âm thanh, ánh sáng xung quanh.
Ngoài ra, một số liệu pháp trị liệu tâm lý khác cũng được chứng minh rằng có thể điều trị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý hiệu quả là:
- Liệu pháp kể chuyện
- Liệu pháp cam kết và chấp nhận
- Liệu pháp giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm
Chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể được điều trị an toàn và dứt điểm bằng liệu pháp tâm lý. Điều quan trọng nhất là độc giả cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!