Rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư và cách khắc phục
Đa phần mọi người đều đã từng trải qua những giai đoạn bị rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân ung thư thì nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ lại càng cao hơn, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh hoặc có thể làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ung thư.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của thể chất và tinh thần. Các chuyên gia cho biết rằng, để có được một giấc ngủ trọn vẹn và chất lượng thì bạn cần trải qua hai giai đoạn đó là giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) và chuyển động mắt không nhanh (NREM).
Giấc ngủ REM hay còn được nhắc đến với tên gọi khác là “giấc ngủ mơ”, đây chính là giai đoạn của giấc ngủ mà não vẫn đang hoạt động. Còn giấc ngủ NREM là giai đoạn yên tĩnh của giấc ngủ. Hai giai đoạn này sẽ lặp lại theo một chu kì nhất định, thường là giai đoạn NREM sau đó sẽ đến giai đoạn REM. Thời gian kéo dài mỗi chu kì là khoảng 90 phút và sẽ được lặp lại từ 4 đến 6 lần cho khoảng 8 tiếng ngủ liên tục.
Khi mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ sẽ làm cho mô hình giấc ngủ bình thường bị ảnh hưởng. Nếu giấc ngủ không thể kéo dài lâu hoặc bị gián đoạn liên tục sẽ làm cho các giai đoạn giấc ngủ không được thực hiện tốt, đồng thời não bộ cũng không hoàn thành được những nhiệm vụ giúp cho tâm trí và cơ thể được phục hồi.
Theo nghiên cứu, các chuyên gia đã phân rối loạn giấc ngủ thành nhiều loại, sau đây là 5 loại thường gặp nhất.
- Rối loạn chu kỳ ngủ thức hay còn gọi là rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học: Người bệnh sẽ gặp phải một số vấn đề về chu kỳ ngủ thức, điều này làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến cho bệnh nhân khó ngủ hoặc không thể thức dậy đúng lúc.
- Mất ngủ hay còn được gọi là rối loạn khởi xướng và duy trì giấc ngủ: Người bệnh sẽ khó ngủ hoặc không thể ngủ được.
- Rối loạn buồn ngủ quá mức: Bệnh nhân sẽ luôn trong trạng thái buồn ngủ, không thể kiểm soát được cơn buồn ngủ của mình và khó có thể tỉnh táo vào cả ngày lẫn đêm.
- Rối loạn chức năng liên quan đến giấc ngủ, giai đoạn ngủ hoặc kích thích một phần: Loại bệnh này sẽ khiến cho bạn xuất hiện những hành động, cử chỉ, lời nói bất thường trong thời gian ngủ hoặc lúc thức dậy khỏi giấc ngủ. Người bệnh có thể nói chuyện, đi bộ, ăn uống,….
Rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ làm cho người bệnh bị suy kiệt, không còn sức lực để làm việc hoặc khó tỉnh táo để tham gia vào bất kì hoạt động nào. Các chuyên gia cho biết rằng, rối loạn giấc ngủ còn có nhiều khả năng gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến người bệnh ung thư. Người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ, không thể ghi nhớ được những sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc gặp phải nhiều khó khăn trong việc đưa ra quyết định, lựa chọn.
Ngoài ra, quá trình điều trị bệnh ung thư cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ. Theo lời khuyên của các chuyên gia thì những bệnh nhân ung thư nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, chú ý nâng cao chất lượng giấc ngủ để cải thiện được nguồn năng lượng, từ đó giúp họ đối phó tốt hơn với căn bệnh này và giúp cho quá trình chữa bệnh được thuận lợi hơn.
Rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư sẽ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh như mệt mỏi, đau nhức, nguy cơ mắc phải các căn bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Vì thế, phòng tránh tình trạng rối loạn giấc ngủ là một trong những điều quan trọng góp phần chăm sóc và cải thiện sức khỏe của mỗi con người, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư
Rối loạn giấc ngủ có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, tuy nhiên theo thống kê có đến 1/2 số người bệnh ung thư đang gặp phải vấn đề về giấc ngủ. Các chuyên gia cho biết, rối loạn giấc ngủ sẽ phổ biến hơn đối với những bệnh nhân ung thư do sự hình thành khối u. Khối u có thể gây ra các triệu chứng như đau đớn, ho, khó thở, sốt, các áp lực lên cơ thể, vấn đề về bàng quang, tiêu hóa (táo bón, buồn nôn, tiêu chảy,..), ngứa, mệt mỏi,…khiến cho người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không được sâu giấc.
Thông thường, người bệnh ung thư sẽ dễ gặp phải tình trạng mất ngủ hoặc có chu kỳ thức giấc bất thường, không ổn định. Một số loại thuốc điều trị ung thư cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ. Ngay cả khi bệnh nhân điều trị trong bệnh viện quá lâu vẫn có thể rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài. Hơn thế, người bệnh ung thư thường có tâm lý nặng nề, căng thẳng, lo lắng quá mức, đây cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng chứng mất ngủ.
1. Ảnh hưởng từ các loại thuốc điều trị
Một số loại thuốc thường sử dụng trong quá trình điều trị ung thư như thuốc giao cảm, thuốc an thần, vitamin, corticosteroid có thể gây nên một số tác động tiêu cực đến giấc ngủ. Nếu người bệnh sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây nên một số vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc dưới đây cũng có thể gây ra chứng rối loạn giấc ngủ:
- Methyldopa.
- Atenolol.
- Thuốc chống co giật (phenytoin).
- Thuốc tránh thai đường uống.
- Thuốc an thần và thuốc ngủ (secobarbital natri, glutethimide, pentobarbital, benzodiazepin, chloral hydrate và amobarbital natri).
- Các chất ức chế monoamin oxydase.
- Sử dụng rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện
2. Các tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư
Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ gây khó chịu như ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, bốc hỏa, đau đớn, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, mất tự chủ, rối loạn hô hấp, cơ thể mệt mỏi, suy nhược,…Những triệu chứng này có thể gây nên tình trạng khó ngủ, khiến người bệnh không thể ngủ ngon giấc, trằn trọc cả đêm.
3. Nằm viện lâu ngày
Để có được một giấc ngủ trọn vẹn và chất lượng khi sinh hoạt trong môi trường bệnh viện là khá khó khăn. Đa phần những bệnh nhân ung thư phải điều trị tại bệnh viện trong thời gian khá dài, gây nên nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số yếu tố có thể tác động đến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân như:
- Giờ giấc của bệnh viện: Giấc ngủ có thể bị gián đoạn khi nhân viên y tá hoặc bác sĩ tiến hành kiểm tra, thăm khám, phát thuốc hoặc áp dụng các biện pháp điều trị.
- Môi trường: Người bệnh có thể không thích ứng được với giường bệnh, nhiệt độ phòng, tiếng ồn xung quanh,…
Hậu quả của rối loạn giấc ngủ có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của các phương pháp điều trị và hỗ trợ người bệnh ung thư. Ngoài ra, nguy cơ mắc phải chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu cũng sẽ dần tăng lên.
4. Những vấn đề về tâm lý
Hầu hết những người bị ung thư đều ở trong tâm trạng lo lắng, hoảng loạn, căng thẳng khi đối diện với tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố liên quan khác. Điều này cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là chứng mất ngủ.
Cách khắc phục rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với kết quả điều trị ung thư, nó có thể cản trở quá trình điều trị và làm cho các triệu chứng bệnh gia tăng nghiêm trọng hơn. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe, người bệnh bệnh chú ý để thực hiện một số điều sau đây:
1. Xây dựng thói quen ngủ tốt
Việc rèn luyện cho bản thân một thói quen ngủ lành mạnh sẽ giúp bạn dễ ngủ và có được giấc ngủ ngon hơn. Một số thói quen mà người bệnh nên rèn luyện như:
- Ngủ và thức dậy cùng một thời gian cố định trong ngày, kể cả những ngày không phải thực hiện bất kì công việc gì.
- Vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, thoải mái, giữ cho phòng yên tĩnh, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng phù hợp, chăn mền lúc nào cũng sạch sẽ và giữ được độ ấm thích hợp.
- Có thể sử dụng thêm tinh dầu thơm để cho giấc ngủ được dễ dàng hơn.
- Hạn chế tình trạng đi tiểu đêm bằng cách uống nhiều nước vào ban ngày, bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế uống nước nhiều trước khi đi ngủ, vệ sinh trước lúc ngủ.
- Không ngủ trưa quá nhiều, tốt nhất giấc ngủ vào ban ngày chỉ nên duy trì trong khoảng 15 đến 30 phút.
- Không xem tivi, điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ hoặc không ăn quá no vào sát giờ chuẩn bị đi ngủ.
- Để giấc ngủ ngon hơn có thể ngâm chân với nước ấm để cơ thể được thư giãn.
2. Chú ý chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ của con người, đặc biệt là những bệnh nhân bị ung thư. Người bệnh nên chú ý xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống khoa học và lành mạnh để hạn chế tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài. Một số lưu ý dành cho bạn như:
- Lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất.
- Cân bằng hàm lượng dưỡng chất dung nạp mỗi ngày vào cơ thể.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung chất xơ, tăng cường sức đề kháng.
- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính trong ngày, tuy nhiên không được ăn quá no vào buổi tối.
- Hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, không ăn quá nhiều những thực phẩm đóng gói, đồ ăn chế biến sẵn.
- Không lạm dụng các thực phẩm hoặc đồ uống có chứa nhiều caffeine.
- Tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc hoặc sử dụng các chất gây nghiện.
3. Tập luyện thể dục thường xuyên
Các chuyên gia cho biết rằng, thói quen tập luyện thể dục mỗi ngày không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn cải thiện tâm trạng, đẩy lùi các suy nghĩ tiêu cực. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành ra 30 phút để tập luyện cũng sẽ giúp giải tỏa mọi áp lực, cơ thể được thư giãn và thoải mái hơn.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân ung thư chỉ nên lựa chọn các bài tập đơn giản như đi bộ, yoga, thiền định,…để tập luyện phù hợp với sức khỏe của bản thân. Đồng thời, người bệnh không nên cố gắng tập quá sức, đặc biệt là không vận động nhiều trong khoảng 3 tiếng trước khi đi ngủ.
4. Áp dụng các biện pháp thư giãn
Sức khỏe tinh thần cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của con người, đặc biệt là những đối tượng đang điều trị ung thư. Để giúp tâm trí được cân bằng và ổn định hơn bạn có thể áp dụng một số biện pháp thư giãn như ngồi thiền, massage, xoa bóp, tắm nước ấm, ngâm chân với nước ấm,…
Ngoài ra, đối với tình trạng trạng bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, người bệnh cũng nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. Các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh tháo gỡ được những khúc mắc và đưa ra biện pháp khắc phục, cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
Rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư không phải là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu có thể can thiệp kịp thời sẽ giúp người bệnh dần cải thiện được chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ tốt trong quá trình điều trị bệnh ung thư.
Có thể bạn quan tâm
- Nghiến răng khi ngủ có phải là bệnh? Nguyên nhân và cách điều trị
- Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Diễn biến và chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư
- Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!