Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi: Triệu chứng, điều trị
Người già rất hay bị mất ngủ, ngủ ít hay thức giấc giữa chừng khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Vậy nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là gì? Và đâu là cách khắc phục an toàn nhất?
Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng giấc ngủ không đảm bảo về chất lượng và thời gian làm cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ. Tình trạng này gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và năng lượng trong ngày. Người có tinh thần và thể chất kém thường dễ bị rối loạn giấc ngủ hơn.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là tình trạng người già gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, giấc ngủ không sâu. Nguyên nhân chính là do quá trình lão hóa khiến các cơ quan trong cơ thể không còn hoạt động tốt như trước. Tình trạng này kéo dài gây suy nhược cơ thể và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Mặc dù giấc ngủ cần thiết vẫn duy trì khoảng 7 – 8 tiếng mỗi đêm, người lớn tuổi lại có giấc ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc. Đó không hẳn là một phần của lão hóa tự nhiên, nhưng tỷ lệ mắc rối loạn giấc ngủ tăng theo tuổi tác.
Các vấn đề giấc ngủ ở người cao tuổi
Giấc ngủ của người cao tuổi gặp phải nhiều thách thức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Các dạng rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi cần được hiểu biết rõ hơn để tìm kiếm biện pháp chăm sóc và cải thiện giấc ngủ phù hợp.
- Mất ngủ: Thường gặp ở người cao tuổi làm họ khó đi vào giấc và dễ tỉnh vào ban đêm. Tình trạng này gây mệt mỏi, kém tập trung và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
- Hội chứng chân không yên (RLS): Xuất hiện vào buổi tối, tạo cảm giác khó chịu, buộc người bệnh phải liên tục cử động chân nên giấc ngủ khó trọn vẹn.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OBS): Khiến người lớn tuổi ngưng thở trong lúc ngủ do đường thở bị chặn. Hậu quả là giảm oxy máu, gây ra biến chứng tim mạch nghiêm trọng như cao huyết áp.
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: Làm người bệnh hành động theo giấc mơ sống động như la hét, đấm, đá,…. Bệnh này phổ biến ở nam giới lớn tuổi và gây nguy hiểm nếu không được điều trị.
- Bệnh ngủ rũ: Là tình trạng não không kiểm soát tốt chu kỳ thức – ngủ, khiến người bệnh buồn ngủ đột ngột trong ngày. Nó gây nguy hiểm, đặc biệt khi người bệnh đang lái xe hay thực hiện các công việc khác.
- Đảo lộn giấc ngủ: Xảy ra khi người cao tuổi ngủ nhiều vào ban ngày nhưng lại không thể ngủ vào ban đêm. Nó liên quan đến lão hóa và làm suy yếu sức khỏe tổng thể.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi, việc biết chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ đưa đến hướng khắc phục phù hợp. Theo đó những tác nhân chính khiến chất lượng giấc ngủ người già bị giảm sút bao gồm:
Quá trình lão hóa
Càng lớn tuổi, quá trình lão hóa càng diễn ra nhanh mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng da dẻ nhăn nheo, sức khỏe suy giảm, giấc ngủ chập chờn. Lúc này các tế vào và cơ quan trong cơ thể hoạt động dần chậm chạp, đặc biệt là các dây thần kinh khiến việc tiếp nhận thông tin và truyền tín hiệu kém.
Các nghiên cứu cho thấy mỗi ngày người già bị hủy hoại tới 3000 tế bào thần kinh. Bởi vậy nên càng lớn tuổi trí nhớ sẽ càng giảm, khả năng phản ứng chậm và tăng nguy cơ mất ngủ hơn bình thường.
Do bệnh lý nội khoa
Rối loạn giấc ngủ thứ phát liên quan đến các nguyên nhân bệnh lý, nhất là các bệnh xương khớp. Lúc này mật độ xương giảm dần, xương khớp yếu, thường xuyên gặp cơn đau nhức tê bì chân tay khi trời chuyển lạnh. Điều này làm người già vô cùng khó chịu dẫn đến thao thức cả đêm không ngủ được.
Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh lý khác cũng liên quan đến chứng rối loạn này:
- Bệnh Parkinson, Alzheimer
- Viêm khớp dạng thấp, gout, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm
- Các bệnh lý về tim mạch
- Bệnh về tuyến giác
- Bệnh lý về đường tiêu hóa
- Các bệnh về đường hô hấp như tắc nghẽn phế quản, viêm phổi, chứng ngưng thở khi ngủ,…
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột
- Chứng tiểu đêm
- Béo phì, thừa cân
Thuốc
Cần biết rằng việc dùng các loại thuốc quá nhiều ở người già tác động lên hệ thần kinh trung ương và làm suy giảm giấc ngủ trầm trọng.
- Thuốc hạ huyết áp
- Thuốc lợi tiểu cho bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp, tăng nhãn áp
- Các loại corticosteroid giảm đau chống viêm dùng trong điều trị viêm khớp, gout, thấp khớp
- Thuốc kháng cholinergic với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Thuốc chẹn H2 chỉ định điều trị trào ngược, viêm loét dạ dày tá tràng
- Thuốc ngủ có chứa benzodiazepine khiến người già ngủ nhiều vào ban ngày và mất ngủ khi về đêm
- Thuốc levodopa chỉ định trong điều trị bệnh Parkinson
- Thuốc adrenergic dùng trong hen suyễn hay các bệnh về tim mạch
Do tâm bệnh
Theo thống kê, tỷ lệ rối loạn tâm lý ở người cao tuổi đang ngày càng tăng. Stress, trầm cảm và rối loạn lo âu làm người già thao thức cả đêm không ngủ được, thậm chí còn nghĩ đến hành vi tự tử.
Hầu hết tâm bệnh ở người già đều do thiếu quan tâm chăm sóc, không có ai để chia sẻ, cảm thấy bản thân là gánh nặng. Tất cả đều khiến tâm trạng ngày càng đi xuống, có cảm giác tù túng, cứ “bơi” trong nỗi buồn khiến người già không thể ngủ ngon được.
Thói quen không tốt
Đau nhức cơ thể nên ít ra ngoài vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều là lý do khiến nhiều người cao tuổi rơi vào trạng thái mất ngủ, ngủ chập chờn. Bên cạnh đó là chế độ ăn uống thiếu khoa học, không đúng giờ giấc khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả.
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Việc nhận biết triệu chứng sớm giúp người cao tuổi tìm ra cách cải thiện giấc ngủ một cách hiệu quả hơn.
- Khó ngủ, nằm trằn trọc hàng giờ trước khi vào giấc
- Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại
- Ngủ không sâu giấc, chập chờn, dễ bị đánh thức
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày, thậm chí trong khi đang hoạt động
- Ngừng thở khi ngủ trong khoảng thời gian ngắn, gây tỉnh giấc
- Tỉnh giấc vào những thời điểm bất thường, kèm theo trạng thái lú lẫn
Những ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Vốn sức khỏe của người lớn tuổi không thực sự tốt, nhưng tình trạng mất ngủ sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề này. Khi không ngủ được, các cơ quan như não bộ cũng không được nghỉ ngơi, thiếu năng lượng làm tiến trình lão hóa càng đẩy nhanh hơn. Đồng thời tinh thần kém minh mẫn, người già cũng dễ cáu gắt với trạng thái kém vui vẻ.
Cụ thể những ảnh hưởng gây ra trên sức khỏe ngươi cao tuổi do rối loạn giấc ngủ bao gồm:
- Trí nhớ sa sút đình trệ, mau quên
- Da dẻ lão hóa nhanh, ngày càng nhăn nheo và sạm đi
- Tóc nhanh bạc hơn
- Tình trạng đau nhức xương khớp, các vấn đề về tiêu hóa cũng trầm trọng hơn
- Cơ thể chậm chạp, hoạt động kém vào ban ngày
- Giảm tuổi thọ
Hướng điều trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Khi người bệnh đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe toàn diện, các bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng thông qua các chẩn đoán như đo điện não, đa ký giấc ngủ, đo nhịp tim và kiểm tra tiền sử bệnh lý. Điều này giúp xác định rõ tình trạng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng người.
Trị liệu tâm lý
Nếu tình trạng mất ngủ có liên quan đến trầm cảm, stress ở người già thì việc trị liệu tâm lý sẽ là giải pháp tốt nhất. Thông qua các cuộc nói chuyện sẽ giúp người bệnh mở lòng hơn, loại bỏ được muộn phiền lo lắng, tinh thần thoải mái hơn mà không cần dùng đến bất cứ loại thuốc nào.
Nếu không gặp các vấn đề tâm lý, người thân cũng nên áp dụng việc cải thiện tâm lý thông qua việc nói chuyện, quan tâm và chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ, ông bà. Người già luôn có rất nhiều lo lắng không tốt cho sức khỏe tinh thần. Vì thế cần giải tỏa những tâm lý lắng lo này thông qua tình yêu thương chân thành từ chính người thân trong gia đình.
Dùng thuốc điều trị
Một số loại thuốc an thần có gây tác dụng ngược khiến người già mất ngủ nhiều hơn. Đặc biệt nếu đang điều trị các bệnh lý khác, việc nạp quá nhiều thuốc sẽ gay đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn…
Tuy nhiên với các trường hợp mãn tính, bác sĩ vẫn sẽ chỉ định một số loại thuốc an thần nhẹ để ngủ ngon hơn. Khi đã quen với giấc ngủ việc dùng thuốc sẽ được hạn chế dần nhưng vẫn có tác dụng. Một số thuốc được dùng để cải thiện rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi bao gồm:
- Melatonin: Hormone tổng hợp an toàn cho người già đi vào giấc ngủ nhanh hơn, đồng thời hỗ trợ duy trì chu kỳ ngủ ổn định. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng 0.1 – 5 miligam 2 giờ trước khi đi ngủ trong vài tháng.
- Thuốc ngủ: Dùng cho trường hợp mất ngủ nặng, mất ngủ mãn tính. Có thể chỉ định dùng Triazolam, Zolpidem, Ambien. Tuy nhiên chỉ được dùng trong 3 – 8 tuần để tránh các dụng phụ khác.
- Các thuốc khác: Thuốc kháng Histamine, dopamine, thuốc chống trầm cảm, bổ sung sắt nhưng còn phụ thuộc vào từng trường hợp.
Thiết bị áp lực đường thở liên tục (CPAP) được dùng đến nếu có liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý hô hấp khác.
Một số khác lại áp dụng thuốc Đông y điều trị mất ngủ cho người già. Tuy biện pháp này khá an toàn nhưng nếu tình trạng mất ngủ quá nặng có thể không đem lại kết quả như mong muốn. Ngoài ra không nên dùng thuốc Tây y kết hợp Đông y vì tương tác giữa các chất.
Cách cải thiện giấc ngủ cho người cao tuổi
Giấc ngủ ngon giúp cơ thể hồi phục, giảm căng thẳng và phòng ngừa các bệnh lý. Với những giải pháp thích hợp, người già có thể lấy lại giấc ngủ an lành mỗi đêm.
Tạo lối sống lành mạnh
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng là vấn đề cần chú ý ở người già để tăng cường sức khỏe một cách tốt nhất. Một số biện pháp nên áp dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp người lớn tuổi thêm khỏe mạnh gồm:
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá, cà phê, chất kích thích khác. Có thể uống một lượng nhỏ rượu, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên hạn chế.
- Bổ sung đầu đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B1, đạm, các khoáng chất cần thiết
- Uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, nên bổ sung thêm vitamin để tăng năng lượng tích cực
- Ăn đúng đúng giờ giấc, tránh ăn đêm quá nhiều
- Ưu tiên dùng thực phẩm thanh đạm, dễ tiêu hóa, tránh sử dụng thức ăn khô cứng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas
- Tắm với nước ấm giảm tê bì chân tay để ngủ ngon hơn
- Giữ ấm chân tay bằng cách bôi một ít dầu nóng
- Hạn chế ngủ ngày quá nhiều
- Hạn chế xem thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
- Trước giờ đi ngủ người già có thể đi bộ vài vòng quanh nhà
- Tránh bàn bạc, tranh cãi trước khi đi ngủ khiến người già suy nghĩ nhiều
- Tập thiền trước khi đi ngủ
- Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng để đi sâu vào giấc ngủ hơn
Vận động hàng ngày
Tình trạng đau nhức xương khớp, cơ thể uể oải do mất ngủ khiến người lớn tuổi rất ít vận động. Tuy nhiên việc đi bộ nhẹ khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cho tinh thần thư thái, giải tỏa stress, kích thích máu huyết lưu thông, tốt cho xương khớp và các cơ quan đem đến giấc ngủ chất lượng hơn.
Nếu có sức khỏe tốt hơn, người lớn tuổi có thể tham gia các bộ môn như dưỡng sinh, thiền hay yoga sẽ rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay ở hầu hết các vùng miền đều có các câu lạc bộ dành cho người già với rất nhiều hoạt động phù hợp để kết bạn, vui chơi tích cực.
Cách phòng ngừa
Tuân thủ các phương pháp phòng ngừa phù hợp, người cao tuổi có thể cải thiện giấc ngủ, giảm các vấn đề sức khỏe và tận hưởng cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.
- Duy trì chế độ ăn uống cân đối, nhiều rau xanh và hoa quả
- Hạn chế ăn mặn và giảm chất béo trong khẩu phần ăn
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng
- Đảm bảo giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu căng thẳng
- Duy trì giờ giấc ngủ đều đặn, kể cả ngày nghỉ
- Chỉ dùng giường để ngủ và thư giãn, không làm việc
- Tránh nằm trên giường quá lâu khi không thể ngủ
- Tạo không gian ngủ yên tĩnh, thoáng mát
- Giảm ánh sáng mạnh và ánh sáng xanh vào buổi tối
- Hạn chế dùng thiết bị điện tử trước giờ ngủ
- Không ăn quá no hay uống rượu trước khi ngủ
- Tránh uống cà phê vào buổi chiều tối
- Tập thể dục trong ngày để nâng cao sức khỏe
- Giảm lượng nước uống trước khi đi ngủ
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng mát mẻ trước giờ ngủ
- Ăn bữa tối nhẹ, ít chất béo
- Viết nhật ký để giải tỏa căng thẳng trước khi đi ngủ
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, sức khỏe người bệnh nên cần điều trị sớm. Hãy đưa người già đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chú ý chăm sóc đời sống tinh thần để luôn trong trạng thái vui vẻ tích cực nhất, từ đó hạn chế nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
- Mất ngủ – hay quên ở dân văn phòng: Nguyên nhân, cách điều trị
- Bị mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Bệnh mất ngủ giả (Parasomnias) là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Nguồn tham khảo:
- hongngochospital.vn, bvnguyentriphuong.com.vn, vinmec, hoilaokhoatphcm.com,…
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!