Tâm trạng mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Ngoài những vấn đề thể chất, tâm trạng của mẹ bầu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mẹ bầu nên tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Tâm trạng mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Trong thời gian mang thai, bất cứ tác động nào đến cơ thể mẹ đều ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai cần phải xây dựng lối sống khoa học để nâng cao sức khỏe và tạo điều kiện cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cũng là yếu tố mẹ bầu cần quan tâm trong suốt thai kỳ.
Sau khi trải qua cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc khi biết mình mang thai, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với căng thẳng, lo lắng và nhiều cảm xúc tiêu cực khác do những thay đổi tâm sinh lý. Ngoài ra, những sự kiện xảy ra trong thời gian này cũng khiến cho tâm trạng của mẹ bầu trở nên bất ổn. Tương tự như các vấn đề thể chất, tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi.
Nếu giữ tâm trạng tiêu cực trong thời gian dài, thai nhi sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả và thậm chí có thể dẫn đến nhiều tình huống đáng tiếc. Ngược lại, mẹ bầu có tinh thần tốt, lạc quan sẽ trải qua thai kỳ khỏe mạnh và ít gặp phải các vấn đề thể chất.
Nếu đang băn khoăn về vấn đề “Tâm trạng mẹ bầu ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?”, thai phụ có thể tham khảo thông tin sau để hiểu rõ hơn:
1. Tâm trạng tích cực
Tâm trạng tích cực là những cảm xúc mang đến cảm giác hạnh phúc, vui vẻ và thỏa mãn. Các tâm trạng này được chi phối bởi hormone serotonin và endorphin. Khi mẹ bầu vui vẻ và lạc quan, tín hiệu sẽ truyền đến thai nhi và mang lại những lợi ích tương tự.
Giữ tâm trạng tích cực trong thai kỳ mang đến nhiều lợi ích như:
- Giúp thai nhi khỏe mạnh, hấp thu tốt chất dinh dưỡng và phát triển thuận lợi.
- Tâm trạng tích cực còn giúp tăng cường sức đề kháng, qua đó giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ thai nhi và hỗ trợ mẹ vượt qua kỳ sinh nở một cách thuận lợi.
- Những cảm xúc tích cực còn giúp tăng mối liên kết mẹ và thai nhi. Khi mẹ vui, thai nhi sẽ có những phản ứng đáp lại. Điều này rất có ý nghĩa trong quá trình phát triển não bộ và hệ thần kinh.
- Tâm trạng tốt còn giúp giảm thiểu những biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, sinh non, sảy thai, động thai, trẻ sinh ra nhẹ cân và ốm yếu.
- Ngoài ra, tâm trạng tích cực còn giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, hạn chế đau đầu, mất ngủ, ốm nghén,… Khi sức khỏe của mẹ bầu được cải thiện, thai nhi sẽ phát triển tốt hơn và ít gặp phải các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ.
Ngoài ra, tâm trạng tích cực còn giúp mẹ bầu làm việc hiệu quả và chủ động hơn trong cuộc sống. Đồng thời giúp thai phụ mở rộng mối quan hệ và tích lũy được những kinh nghiệm quý báu về vấn đề mang thai, sinh nở và sau khi sinh từ đồng nghiệp, bạn bè.
2. Tâm trạng tiêu cực
Ngược lại với tâm trạng tích cực, mẹ bầu có tâm trạng tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi – nhất là khi những cảm xúc này dai dẳng trong một thời gian dài. Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi khiến mẹ bầu trở nên nhạy cảm và dễ buồn rầu, căng thẳng về những vấn đề trong cuộc sống. Nếu không biết cách điều chỉnh, thai nhi sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả như:
- Lo lắng, căng thẳng quá mức làm gia tăng hormone cortisol và adrenaline. Các hormone này sẽ truyền qua bánh nhau, đi vào cơ thể thai nhi và gây ra phản ứng tương tự như ở cơ thể mẹ. Cụ thể, các hormone gây stress có thể khiến thai nhi gặp vấn đề trong phát triển não bộ, thần kinh và có các vấn đề về tim bẩm sinh.
- Tâm trạng tiêu cực khiến não bộ của thai nhi chậm phát triển, từ đó ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.
- Tâm trạng buồn chán, bi quan và nóng giận khi mang thai khiến sức khỏe của mẹ suy kiệt. Từ đó khiến thai nhi không nhận đủ chất dinh dưỡng, chậm phát triển, có nguy cơ sinh ra nhẹ cân và ốm yếu.
- Một số nghiên cứu cho thấy, tâm lý căng thẳng, buồn chán, lo âu và hoảng loạn khi mang thai có liên quan đến những vấn đề tâm lý – thần kinh ở trẻ như rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ, chậm phát triển, nguy cơ cao bị trầm cảm, rối loạn lo âu,… Ngoài ra, trẻ thường thiếu các kỹ năng xã hội như giao tiếp, kết bạn, ngại đám đông,…
- Dù chưa có kết luận chính thức nhưng một số nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, mẹ bầu có những cảm xúc tiêu cực dai dẳng trong thai kỳ ảnh hưởng đáng kể đến tính cách của trẻ. Trẻ khi lớn lên thường có tính cách bất ổn, hay nóng nảy, tức giận, cáu kỉnh và khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
- Quan trọng nhất, tâm trạng tiêu cực của mẹ bầu làm gia tăng những biến chứng thai kỳ như sảy thai, động thai, trẻ sinh ra nhẹ cân, ốm yếu, sinh non và tiền sản giật. Với những mẹ bầu có tâm lý bất ổn, biến chứng thai kỳ xảy ra có vai trò như sang chấn tâm lý thúc đẩy sự phát triển của các rối loạn tâm thần như rối loạn stress sau sang chấn, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…
Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Do đó, thai phụ cần chú ý đến sức khỏe thể chất và tinh thần trong suốt thai kỳ để trẻ sinh ra khỏe mạnh, thông minh và có thể phát triển một cách thuận lợi.
Làm sao để cân bằng cảm xúc khi mang thai?
Khi mang thai, nội tiết tố có sự thay đổi đột ngột dẫn đến cảm xúc bất ổn và nhạy cảm. Do đó, mẹ bầu sẽ gặp phải khó khăn trong việc cân bằng tâm trạng và giữ tinh thần ổn định. Một số lời khuyên sau sẽ giúp phụ nữ mang thai dễ dàng hơn trong việc kiểm soát cảm xúc:
1. Có lối sống khoa học và lành mạnh
Lối sống lành mạnh không chỉ mang đến lợi ích đối với thể chất mà còn góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần. Thể chất khỏe mạnh sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt căng thẳng, phiền muộn, lo lắng và có thể kiểm soát tâm trạng tiêu cực tốt hơn.
Lối sống khoa học giúp mẹ bầu cải thiện tâm trạng tiêu cực:
- Chú ý đến thói quen ăn uống, tránh ăn uống theo sở thích khiến sức khỏe của chính bản thân và thai nhi bị ảnh hưởng. Khi mang thai, mẹ bầu nên xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
- Không nên ăn uống quá độ và dùng các món ăn quá bổ dưỡng khiến cơ thể tăng cân nhanh, mệt mỏi và uể oải. Tình trạng này vô tình gia tăng sự lo lắng, căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực.
- Ngoài ra, ăn uống đúng cách còn giúp thai phụ ngăn chặn những vấn đề sức khỏe như ốm nghén, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp và tiểu đường thai kỳ. Khi có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu sẽ giảm mức độ lo lắng về sức khỏe của bản thân và thai nhi. Ngược lại, việc đối mặt với các vấn đề sức khỏe trong giai đoạn này sẽ khiến mẹ bầu dễ căng thẳng, cáu kỉnh, lo lắng, bi quan và buồn bã.
- Tâm trạng được cải thiện đáng kể nếu mẹ bầu luôn dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Giấc ngủ sâu sẽ giúp xoa dịu tâm trạng và mang đến cho mẹ bầu tinh thần thoải mái, tích cực hơn.
- Sau 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga,… để giảm những vấn đề thể chất thường gặp như đau nhức lưng, đau mỏi vai gáy, đau đầu, mệt mỏi và uể oải. Ngoài ra, tập thể dục cũng là biện pháp giải tỏa áp lực cuộc sống và mang đến tinh thần thoải mái nhất.
Lối sống khoa học có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của mẹ bầu. Do đó trong suốt thai kỳ, mẹ nên duy trì lối sống lành mạnh để giữ tâm trạng ổn định và có một thai kỳ khỏe mạnh.
2. Mở lòng với những người xung quanh
Mẹ bầu rất hay suy nghĩ, lo lắng về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống như mâu thuẫn với bạn đời, người thân, áp lực công việc, tài chính, tương lai,… Thực tế, sự thay đổi của nội tiết tố khiến thai phụ trở nên nhạy cảm và bi quan. Vì vậy để có cái nhìn khách quan hơn, mẹ bầu nên mở lòng chia sẻ với mọi người.
Khi nói ra hết suy nghĩ và nỗi lo, mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, lời khuyên từ những người xung quanh sẽ giúp trấn an tâm lý và góp phần thay đổi suy nghĩ tiêu cực. Trong khi đó, nếu giữ lo lắng trong lòng, mẹ bầu sẽ rơi vào trạng thái u uất, buồn bã và căng thẳng quá mức. Về lâu dài, những cảm xúc tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và gây ra nhiều vấn đề tâm lý cho mẹ bầu.
3. Trang bị kỹ năng giải tỏa căng thẳng
Như đã đề cập, sự thay đổi đột ngột của tâm sinh lý khi mang thai khiến mẹ bầu khó tránh khỏi tâm trạng nóng giận, cáu kỉnh, buồn bã và lo lắng. Do đó ngoài việc chăm sóc thể chất, mẹ bầu cũng nên trang bị những kỹ năng giải tỏa căng thẳng như:
- Thư giãn vào cuối ngày bằng các hoạt động lành mạnh như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, chăm sóc cây cối, trang trí lại nhà cửa, đốt nến thơm tắm nước ấm,…
- Thiền định và yoga đã được chứng minh là biện pháp giảm căng thẳng hiệu quả. Hơn nữa, biện pháp này tương đối dễ thực hiện và rất thích hợp với phụ nữ mang thai, đang cho con bú.
- Nếu yêu thích nấu ăn, mẹ bầu nên dành thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu và chế biến các món ăn mới thay vì chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực.
- Khi mang thai, mẹ bầu có thể dùng một số loại trà như trà táo, trà cam quế, trà hoa cúc,… để làm dịu tâm trạng. Dùng các loại trà này vào buổi tối còn giúp cải thiện giấc ngủ và giúp mẹ bầu lấy lại tinh thần thoải mái vào sáng hôm sau.
- Nếu quá căng thẳng vì áp lực công việc, mẹ bầu nên xin nghỉ một vài ngày để thư giãn đầu óc. Hoặc có thể đi du lịch ngắn ngày để giải tỏa phiền muộn, căng thẳng và nạp lại nguồn năng lượng tích cực.
4. Tham gia các khóa học tiền sản
Sự nhạy cảm về tâm lý khiến mẹ bầu khó tránh khỏi sự lo lắng và suy nghĩ tiêu cực. Do đó, mẹ nên dành thời rảnh rỗi để tham gia các khóa học tiền sản. Các khóa học này sẽ giúp mẹ bầu tạm quên đi những phiền muộn, đồng thời có thêm kinh nghiệm về việc chăm sóc thai kỳ và chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở.
Hiện nay, các khóa học tiền sản còn giúp mẹ bầu trang bị kỹ năng để giữ tâm lý ổn định và giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, việc tham gia các khóa học tiền sản sẽ hỗ trợ phụ nữ mang thai có một thai kỳ ổn định và khỏe mạnh nhất.
5. Tiếp nhận tư vấn tâm lý khi cần thiết
Dưới tác động của hormone thai kỳ, phụ nữ mang thai trở nên nhạy cảm hơn và rất khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Chính vì vậy nếu không thể gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, mẹ bầu nên xem xét việc tư vấn tâm lý. Dưới góc độ khách quan, các chuyên gia sẽ giúp thai phụ đánh giá chính xác mức độ của vấn đề, từ đó giải tỏa tâm trạng tiêu cực và nhìn nhận lại những giá trị mà bản thân đang sở hữu.
Tư vấn tâm lý thai kỳ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp mẹ bầu giữ tâm lý ổn định và chuẩn bị cho bản thân tâm thế vững vàng nhất khi con chào đời. Ngoài ra, can thiệp tư vấn tâm lý kịp thời còn có thể ngăn chặn những rối loạn tâm lý – tâm thần như stress, trầm cảm khi mang thai, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ,…
Hy vọng qua bài viết, mẹ bầu đã hiểu rõ tâm trạng của bản thân ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi. Từ đó có biện pháp kiểm soát cảm xúc và có được thai kỳ khỏe mạnh nhất. Nếu không thể gạt bỏ tâm trạng tiêu cực, mẹ bầu nên tìm kiếm sự giúp đỡ để tránh những tình huống đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm
- Mẹ hay khóc khi mang thai có ảnh hưởng gì đến bé?
- Khủng hoảng tâm lý khi mang thai là gì? Có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!