Trẻ biếng ăn kéo dài có nguy cơ bị tự kỷ
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh tự kỷ thuộc Trường Đại học Cambridge (Anh) đã nghiên cứu và nhận thấy được mối liên quan giữa tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài và nguy cơ bị tự kỷ. Vậy cụ thể mối quan hệ này là gì? Trẻ biếng ăn kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ hay không?
Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn
Trẻ được xác định là biếng ăn khi có 2 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau đây:
- Bữa ăn của trẻ kéo dài trên 30 phút hoặc trẻ không ăn hết khẩu phần ăn theo tiêu chuẩn.
- Trẻ ăn ít hơn 1/2 khẩu phần ăn so với tiêu chuẩn theo từng độ tuổi.
- Khi trẻ nhìn thấy thức ăn liền có biểu hiện nôn ọe, buồn nôn.
- Trẻ ngậm thức ăn trong miệng nhưng không chịu nhai nuốt.
- Trong 3 tháng liền trẻ không tăng cân, ngược lại có một số trẻ rơi vào tình trạng sụt cân nghiêm trọng.
- Trẻ từ chối và phản đối việc ăn, thường xuyên khóc lóc, chạy trốn hoặc gào thét khi thấy thức ăn.
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ
Một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ như:
- Biếng ăn do tâm lý: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất ở trẻ, chủ yếu là do cha mẹ không hiểu được tâm lý của trẻ. Tình trạng biếng ăn có thể xuất hiện và kéo dài khi trẻ trong trạng thái bị ép buộc vào một khuôn khổ nhất định như phải ngồi cố định duy nhất một chỗ trong suốt thời gian bữa ăn, phải đeo khăn ăn gây khó chịu, bị quy định về thời gian phải ăn hết khẩu phần ăn, không khí bữa ăn căng thẳng, bó buộc, thường xuyên chê trách, kể tội con trong bữa ăn, cho thuốc vào sữa hoặc thức ăn của trẻ,…
- Biếng ăn do bệnh lý: Một số bệnh ký như tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp, nhiễm ký sinh trùng như sán, giun hoặc bị sốt cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn. Đối với trường hợp này, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được khắc phục tốt hơn.
- Do sai lầm về cách chế biến thức ăn cho trẻ: Trẻ sẽ cảm thấy ngán khi phải ăn đi ăn lại một hoặc một vài món ăn. Cha mẹ chỉ cho trẻ ăn nước thịt, nước luộc rau, nước canh chứ không cho ăn thịt và phần bã dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, các trường hợp phụ huynh cho trẻ ăn liên tục các món ăn xay nhuyễn trong khoảng 2 đến 3 năm đầu đời cũng khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng. Một số trường hợp các bậc phụ huynh còn lấy nước cháo hoặc nước hầm xương để pha sữa cho trẻ, cho bột vào sữa, pha bột quá đặc cũng gây ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và hấp thu dưỡng chất của trẻ.
Trẻ biếng ăn kéo dài có nguy cơ bị tự kỷ
Các chuyên gia cho biết rằng, ở những trẻ biếng ăn và trẻ bị tự kỷ có khá nhiều điểm tương đồng với nhau. Trong thực tế, hầu hết những trẻ mắc chứng biếng ăn kéo dài đều có những biểu hiện của hội chứng tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu dựa trên 1600 người bệnh là những bé gái ở từ 12 đến 18 tuổi. Quá trình nghiên cứu được tiến hành đồng thời nhiều cuộc kiểm tra về nhận dạng của chứng tự kỷ (AQ), chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) và chỉ số thông minh xã hội (SQ).
Kết quả kiểm tra AQ cho biết, các bé gái mắc chứng biếng ăn kéo dài có nhiều biểu hiện đặc trưng của bệnh tự kỷ, còn chỉ số EQ của trẻ giảm và chỉ số SQ tăng lên. Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng, những triệu chứng và chỉ số thu được đều tương đồng với chứng tự kỷ, trẻ sẽ có hành động và thái độ cứng nhắc, sống khép kín hơn, không giao tiếp với mọi người xung quanh và thường quan tâm thái quá đến những chi tiết nhỏ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho biết thêm, những bé gái bị biếng ăn kéo dài đều có xuất hiện các triệu chứng tự kỷ vượt qua mức trung bình, không đơn thuần là những biểu hiện lâm sàng, mà ngay cả tâm lý của những trẻ biếng ăn cũng rất giống với các đối tượng bị tự kỷ. Thông thường các bé gái biếng ăn đều có mối lo ngại về các vấn đề của cơ thể, đặc biệt là cân nặng và vóc dáng, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.
Hậu quả tiềm ẩn khi trẻ biếng ăn kéo dài
Khi trẻ biếng ăn kéo dài không chỉ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ mà còn có khả năng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần. Tình trạng này khiến cho trẻ kém hấp thu dưỡng chất, tinh thần bị suy sụp và chậm phát triển, thậm chí một số trường hợp còn có thể dẫn đến tử vong. Một số hậu quả tiềm ẩn mà chứng biếng ăn kéo dài có thể gây ra cho trẻ như:
1. Trí não chậm phát triển
Ngoài gen di truyền, môi trường học tập và rèn luyện thì dinh dưỡng cũng là một yếu tố quyết định sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ. Những trẻ thường xuyên biếng ăn sẽ gặp phải nguy cơ thiếu hụt một hoặc nhiều chất quan trọng có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của não bộ, điển hình như DHA, omega 3, omega 6, protein, chất béo, sắt, taurin,….Khi trẻ bị biếng ăn, điểm số trí tuệ sẽ thua kém so với những trẻ được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng (điểm chuẩn thông thường là 14 điểm dựa vào chuẩn MDI – Mental Developmental Index). Tình trạng thua thiệt này nếu kéo dài và không được cải thiện kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến suốt 5 năm đối với sự phát triển tự nhiên về sau của trẻ.
2. Rối loạn tăng trưởng, thiếu hụt dưỡng chất
Theo nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho biết rằng, nếu trẻ biếng ăn kéo dài trong suốt 2 năm đầu đời có thể gây nên tình trạng nhẹ cân, có thể nhẹ hơn 3 lần so với mức bình thường. Thậm chí trẻ có thể thua kém từ 6 đến 22% chỉ số cân nặng lý tưởng đối với những trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu biếng ăn liên tục sẽ làm giảm sự hấp thu các vitamin quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe, ví dụ như thiếu vitamin A sẽ làm trẻ bị khô giác mạc, khô mắt, nhiều trường hợp dẫn đến mù lòa, thiếu vitamin B1 làm tăng nguy cơ bị tê phù, thiếu canxi/ vitamin D sẽ khiến trẻ dễ bị còi xương, thiếu sắt dẫn đến tình trạng thiếu máu,…
3. Suy giảm hệ miễn dịch, dễ bệnh
Nếu trẻ ăn không đủ bữa, không đáp ứng được đầy đủ dinh dưỡng và sự hấp thu cho cơ thể sẽ khiến cho sức đề kháng của trẻ bị suy giảm trầm trọng. Khi ấy, các bệnh lý hoặc vấn đề về hô hấp, đường tiêu hóa, như viêm đường hô hấp trên, viêm họng, tiêu chảy, viêm phổi,…đều có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào và cơ thể không còn khả năng chống chọi. Các chuyên gia còn cho biết thêm, khi trẻ biếng ăn, hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường 29%, nguy cơ bị viêm nhiễm đường hô hấp cũng nhiều hơn các trẻ bình thường khoảng 45%.
4. Ảnh hưởng phát triển chỉ số cảm xúc
Chỉ số cảm xúc hay còn được gọi tắt là chỉ số EQ. Theo nhận định của các nhà khoa học thì những trẻ có chỉ số EQ cao sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình phát triển khả năng khả năng diễn đạt, giao tiếp, trẻ sẽ hòa đồng với bạn bè và những người xung quanh, đồng thời trẻ cũng sẽ thích ứng nhanh với các sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng được xem là nền tảng tốt giúp trẻ có thể phát triển và hoàn thiện kỹ năng, nhân cách cần thiết để góp phần cho quá trình thành công trong tương lai. Ngược lại, những trẻ biếng ăn lại có chỉ số EQ khá thấp, trẻ thường rất thụ động, ngại giao tiếp và khó hòa nhập với xã hội. Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến chứng tự kỷ, khiến trẻ học tập sa sút, khó đạt được kết quả như mong muốn.
Nên làm gì khi trẻ bị biếng ăn?
Khi trẻ bị biếng ăn, các bậc phụ huynh nên chú ý một số điều sau:
- Thường xuyên thay đổi và chọn lựa đa dạng các thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn nhiều món khác nhau để hạn chế tình trạng ngán. Đồng thời cha mẹ cũng nên tôn trọng sở thích ăn uống của trẻ, đáp ứng các yêu cầu về món ăn của trẻ để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều các món ăn từ thịt, cá. Phụ huynh cần cân đối các dạng thức ăn, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến các món ăn để trẻ ăn được nhiều hơn.
- Nêm nếm món ăn vừa miệng và trang trí, chuẩn bị món ăn thật hấp dẫn, đẹp mắt. Ví dụ như cha mẹ nên chọn thìa, muỗng, chén, tô với nhiều hình thù và màu sắc khác nhau, các món ăn có thể trang trí sinh động hoặc tạo thành những hình thù mà trẻ yêu thích. Phương pháp này sẽ kích thích được vị giác của trẻ, đồng thời giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Nếu trẻ từ chối hoặc không thể dung nạp một món ăn mới nào đó thì cha mẹ không nên ép buộc trẻ mà hãy thử lại vào một lần khác.
- Không nên cho trẻ ăn vặt như ăn nước ngọt, bánh kẹo trước giờ ăn.
- Bữa ăn của trẻ không nên kéo dài quá lâu, tốt nhất là nên duy trì ít hơn 30 phút. Tuy nhiên, các phụ huynh nên cũng nên từ từ thay đổi thói quen này, tránh ép buộc trẻ quá mức sẽ khiến cho tình trạng biếng ăn càng trở nên nghiêm trọng.
- Cho trẻ ăn khi trẻ cảm thấy đói, không nên ép trẻ ăn khi trẻ từ chối hoặc có thể cho trẻ ăn những món ăn khác nếu trẻ thích.
- Tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong bữa ăn hàng ngày, thường xuyên khen bữa ăn ngon hoặc trẻ ăn giỏi để kích thích trẻ ăn nhiều hơn vào những lần tiếp theo.
- Nên cho trẻ tự xúc ăn hoặc khuyến khích trẻ tự cầm thức ăn để ăn. Hãy để trẻ chủ động trong bữa ăn của mình, cha mẹ nên hạn chế thúc ép hoặc cố gắng cho trẻ ăn khi trẻ đã no.
- Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh biếng ăn cho trẻ
Tình trạng biếng ăn ở trẻ nếu kéo dài liên tục và không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng tự kỷ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển tự nhiên về sau của trẻ nhỏ. Vì thế, cha mẹ nên chú ý xây dựng bữa ăn đầy đủ để giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tình trạng biếng ăn. Một số cách phòng ngừa chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo như:
- Nên cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm, tốt nhất là lúc trẻ vừa tròn 6 tháng tuổi. Cha mẹ không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn sẽ làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng của trẻ nhỏ.
- Nên lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm ăn uống hàng ngày của trẻ, đảm bảo và cân bằng đủ dinh dưỡng, khoáng chất, các loại vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày để trẻ hấp thu tốt hơn.
- Cho trẻ ăn vừa đủ số bữa và số lượng thức ăn tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Ở mỗi độ tuổi khác nhau mà trẻ cần có chế độ ăn uống riêng biệt. Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá no hoặc ép trẻ ăn những món mà trẻ không thích sẽ khiến cho trẻ bị sợ ăn, nhiều nguy cơ dẫn đến biếng ăn.
- Nên cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa, không bắt ép trẻ ăn và nên dừng bữa ăn khi trẻ không muốn ăn thêm nữa.
- Không nên quát mắng, chê bai, hăm dọa, đánh đập trẻ khi ăn sẽ gây ra những ám ảnh không mong muốn.
- Hạn chế tối đa tình trạng xao lãng trong lúc ăn, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi, chơi game, đi chơi rong.
- Tạo không khí thoải mái, vui vẻ khi trẻ ăn, thường xuyên khen ngợi và khuyến khích trẻ để trẻ cảm thấy hứng thú hơn trong việc ăn.
Bài viết trên đây đã cho bạn đọc biết thêm về mối quan hệ giữa tình trạng biếng ăn kéo dài và nguy cơ mắc phải căn bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nếu trẻ biếng ăn liên tục và không được khắc phục kịp thời sẽ có khả năng dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến sức khỏe cùng sự phát triển về sau của trẻ. Do đó, cha mẹ nên chú ý xây dựng bữa ăn cân bằng cho trẻ, áp dụng các biện pháp phòng tránh để giúp trẻ ăn ngon, hấp thụ tốt hơn, từ đó hạn chế được nguy cơ mắc phải các căn bệnh nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
- Cách chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ tại nhà cha mẹ nên lưu ý
- Hội chứng Asperger: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Trẻ bị tự kỷ bẩm sinh nguyên nhân do đâu?
- Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!