Tự luyến là gì? Những điều cần biết về người tự luyến

Bạn có bao giờ gặp ai đó luôn coi mình là trung tâm của mọi thứ? Đó có thể là biểu hiện của tự luyến – trạng thái khi một người quá tập trung vào bản thân và mong muốn có mọi sự chú ý để củng cố hình ảnh hoàn hảo của mình.

Tự luyến là gì?

Tự luyến là đặc điểm tính cách mà người mang nó vô cùng ngưỡng mộ bản thân nên hay thổi phồng giá trị, khả năng của mình. Những người tự luyến tập trung quá nhiều vào bản thân, phớt lờ nhu cầu và cảm xúc của người khác. Đồng thời dễ trở nên ích kỷ, thích khoe khoang và luôn khao khát được khen ngợi.

tự luyến là gì
Người tự luyến vô cùng ngưỡng mộ bản thân đến mức bỏ qua cảm xúc của người khác

Thuật ngữ tự luyến bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Narcissus – chàng trai si mê chính hình ảnh phản chiếu của mình dưới nước. Từ này đã trở thành biểu tượng cho sự yêu thích bản thân quá mức. Nhưng khi vượt quá giới hạn, nó lại gây ra rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD). Tuy nhiên, không phải ai có tính cách tự luyến cũng mắc bệnh, bởi chỉ có khoảng 1% dân số được chẩn đoán mắc rối loạn này.

Dấu hiệu nhận biết người tự luyến

Đặc điểm nổi bật của người tự luyến không chỉ nằm ở sự tự tin thái quá mà còn ở cách tương tác với xung quanh. Do đó, hãy học cách nhận diện những dấu hiệu sau đây của tính cách tự luyến để bảo vệ bản thân trong mối quan hệ này:

Tự ca ngợi bản thân quá mức

Người tự luyến luôn muốn mình là tâm điểm chú ý của mọi người nên sẽ tự ca ngợi mình và thấy không thoải mái khi không được ngưỡng mộ. Đối với họ, việc khẳng định bản thân là điều thiết yếu, vì vậy sẽ nhấn mạnh thành công của mình vượt trội hơn so với người khác.

Với tính cách tự luyến, cá nhân sẽ phóng đại thành tựu của mình, tin rằng tài năng và trí tuệ của mình luôn vượt trội. Dù không có bằng chứng rõ ràng, sự tự tin thái quá này khiến người khác cảm thấy khó chịu và bị áp lực khi phải công nhận giá trị của họ.

Có nhu cầu được khen ngợi mãnh liệt

Nhu cầu mãnh liệt của người tự luyến là được công nhận và khen ngợi. Họ cảm thấy lòng tự trọng của mình phụ thuộc vào phản hồi tích cực từ người khác. Do đó sẽ hay tìm mọi cách để thu hút sự chú ý, thậm chí còn phóng đại thành tích của bản thân.

Mặc dù bên ngoài tỏ ra tự tin và thành công, bên trong người tự luyến lại là một cuộc đấu tranh với lòng tự trọng. Từ đó họ trở nên ghen tị với thành công của người khác, so sánh không lành mạnh và cảm giác chua chát khi thấy ai đó đạt được điều mình mong muốn.

dấu hiệu của người tự luyến
Người tự luyến mong muốn được tán dương và công nhận ở mọi lĩnh vực

Thích khoe khoang, phóng đại

Vì nhu cầu mãnh liệt được ngưỡng mộ và công nhận từ người khác nên người tự luyến hay thổi phồng thành công của mình, bịa đặt, tạo ra câu chuyện hấp dẫn để gây ấn tượng với người khác. Hành động này cho thấy khát khao khẳng định giá trị bản thân và thu hút sự chú ý từ mọi người.

Bên cạnh việc khoe khoang, người tự luyến còn so sánh bản thân với người khác. Họ thường xuyên tìm cách chứng minh rằng mình vượt trội hơn nên cạnh tranh không lành mạnh. Khi gặp phải thất bại sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh và mọi người thay vì nhìn nhận lại bản thân. Việc thiếu trách nhiệm này làm tổn hại đến mối quan hệ và khiến họ rơi vào mâu thuẫn với những người xung quanh.

Coi trọng ngoại hình

Đối với người tự luyến, ngoại hình là công cụ thu hút sự chú ý và khẳng định giá trị bản thân. Họ dành rất nhiều thời gian và công sức để chăm sóc vẻ ngoài từ việc chọn lựa trang phục đến làm đẹp với hy vọng gây ấn tượng tốt với người khác.

Đặc biệt họ rất nhạy cảm với các bình luận về ngoại hình. Nếu bị chỉ trích, người tự luyến sẽ thấy tổn thương và tìm cách biện minh cho những thiếu sót của mình. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của họ vào cái nhìn của người khác về bản thân.

Bệnh tự luyến là gì? Các loại bệnh tự luyến

Bệnh tự luyến ( còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ) là một rối loạn tâm lý khiến người mắc có nhu cầu được tôn vinh bản thân quá mức và thiếu đồng cảm với người khác. Người bệnh tin rằng họ là duy nhất, đặc biệt và luôn muốn được tôn sùng, khiến cho các mối quan hệ và hành vi bị ảnh hưởng tiêu cực.

bệnh tự luyến
Bệnh tự luyến có nhiều loại và cách ảnh hưởng đến người khác nhau

Bệnh tự luyến được xếp vào nhóm B của các rối loạn nhân cách và là bệnh lý nghiêm trọng được mô tả trong DSM-5-TR. Rối loạn này không chỉ làm hại đến người bệnh mà còn gây ảnh hưởng xấu đến người khác, đặc biệt là “nạn nhân” của các hành vi ái kỷ.

Bệnh tự luyến có thể chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó có:

  • Tự luyến phô trương (Grandiose Narcissist): Người có cái tôi lớn, phóng đại bản thân, khát khao được chú ý, khen ngợi và luôn muốn gây ấn tượng với người khác.
  • Tự luyến dễ tổn thương (Vulnerable Narcissist): Mặc dù có vẻ ngoài tự tin, nhưng thực tế lại yếu đuối và dễ tổn thương. Những người này sợ bị bỏ rơi và rất nhạy cảm với lời chỉ trích.
  • Tự luyến ác tính (Malignant Narcissist): Tự luyến ác tính kết hợp với các hành vi thù địch, vô đạo đức khiến người bệnh bạo lực, tàn nhẫn, thích kiểm soát và hủy hoại người khác.
  • Tự luyến ngầm (Covert Narcissist): Loại này che giấu sự ái kỷ bằng vẻ ngoài khiêm tốn nhưng bên trong vẫn cảm thấy mình đặc biệt và xứng đáng được đối xử tốt hơn.
  • Tự luyến cộng đồng (Communal Narcissist): Người bệnh tự cho rằng mình có lòng nhân ái và đạo đức vượt trội so với người khác, tham gia các hoạt động từ thiện chỉ để gây sự chú ý.
  • Tự luyến tâm linh (Spiritual Narcissist): Bệnh nhân cho rằng mình có khả năng đặc biệt trong lĩnh vực tâm linh và tự coi mình là người được chọn bởi trời, tự phong mình là “cứu thế.”
  • Tự luyến cơ thể (Somatic Narcissist): Những người này tập trung quá mức vào ngoại hình, phô trương cơ thể và dùng nó để thu hút sự chú ý.

Sự khác nhau giữa tự luyến và rối loạn nhân cách tự luyến

Tự luyến và rối loạn nhân cách tự luyến (NPD) là 2 khái niệm liên quan đến tính cách, nhưng chúng có sự khác biệt rõ rệt. Tự luyến là một phần tính cách thể hiện qua sự tự tin, và mong muốn được người khác công nhận. Tuy nhiên, đặc điểm này chỉ xuất hiện trong một số hoàn cảnh và không gây hại đến cuộc sống của người đó.

rối loạn nhân cách tự luyến
Tự luyến nếu kéo dài sẽ trở nặng thành rối loạn nhân cách tự luyến

Ngược lại, rối loạn nhân cách tự luyến là tình trạng tâm lý nghiêm trọng, trong đó các đặc điểm tự luyến trở thành nền tảng cho tính cách, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và khiến cá nhân khó duy trì mối quan hệ lành mạnh.

Cụ thể sự khác biệt giữa tự luyến và rối loạn nhân cách tự luyến bao gồm:

Tự luyến:

  • Chỉ thể hiện 1 hoặc một vài đặc điểm tự luyến như tự tin vào khả năng bản thân
  • Các hành vi tự luyến xuất hiện trong một số tình huống hoặc nhanh chóng biến mất
  • Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống; thậm chí có thể mang lại lợi ích
  • Người tự luyến có thể nhận ra các đặc điểm tiêu cực và sẵn sàng thay đổi
  • Phát triển khả năng tự nhận thức và hiểu biết về bản thân
  • Có thể đồng cảm với người khác nhưng không phải lúc nào cũng như vậy
dấu hiệu nhận biết người tự luyến
Người bị rối loạn nhân cách tự luyến chỉ chú tâm vào bản thân và thích lợi dụng người khác

Rối loạn nhân cách tự luyến (NPD):

  • Có hầu hết các đặc điểm tự luyến bởi chúng là nền tảng cho tính cách
  • Hành vi tự luyến không thay đổi, luôn xuất hiện trong mọi tình huống
  • Bệnh gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và các mối quan hệ
  • Người mắc không coi các đặc điểm này là tiêu cực và không có động lực để thay đổi
  • Thiếu tự nhận thức, không nhận ra vấn đề của mình
  • Rất ít hoặc không có khả năng đồng cảm, có thể lợi dụng cảm xúc của người khác

Cách giao tiếp với người tự luyến

Giao tiếp với người có tính cách tự luyến là một thách thức không hề nhỏ bởi đối phương ít chú ý đến ý kiến, cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, dưới đây có nhiều cách giúp bạn giao tiếp hiệu quả với người tự luyến nhằm tạo ra môi trường giao tiếp tích cực:

  • Cẩn thận lắng nghe: Hãy dành thời gian lắng nghe dù đối phương nói nhiều về bản thân, việc thể hiện sự quan tâm sẽ giúp người tự luyến thấy được công nhận và có thể mở lòng hơn.
  • Tránh chỉ trích trực tiếp: Người tự luyến rất nhạy cảm với phê bình nên đừng chỉ trích thẳng thừng, hãy chọn cách phản hồi tích cực để họ ít phòng vệ hơn.
  • Chân thành khen ngợi: Nếu nhận thấy những điểm tích cực, hãy khen ngợi người tự luyến một cách chân thành để đối phương giao tiếp thoải mái và khuyến khích họ mở lòng hơn.
cách giao tiếp với người tự luyến
Trò chuyện tích cực với người tự luyến là cách hữu ích khi giao tiếp với những người này
  • Tránh mâu thuẫn: Hãy tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết dù cho người tự luyến không dễ chấp nhận ý kiến khác biệt.
  • Khuyến khích tự phản ánh: Hãy hỏi về cảm xúc và trải nghiệm của người tự luyến để khuyến khích họ tự phản ánh và nhìn nhận bản thân cũng như cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh.
  • Thiết lập ranh giới: Nếu cảm thấy việc giao tiếp đang gây tổn hại cho mình, hãy đặt ra ranh giới rõ ràng nhằm bảo vệ sự bình yên của bản thân trong mọi mối quan hệ.

Với những người tự luyến, cuộc sống xoay quanh việc duy trì hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác. Tuy nhiên, để xây dựng mối quan hệ lành mạnh chúng ta cần biết giữ khoảng cách với những người có tính cách đó, tránh để nó ảnh hưởng đến bản thân.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://www.verywellhealth.com/narcissistic-personality-disorder-types-5213256
  • https://www.mentalhealth.com/library/the-narcissist-versus-the-narcissistic-personality-disorder
  • https://www.family-institute.org/behavioral-health-resources/eight-types-narcissists

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *