Nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên và cách phòng ngừa
Tỷ lệ tự sát ở thanh thiếu niên đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nguy cơ tự sát thường có liên quan đến các rối loạn tâm thần và những sự kiện gây tổn thương tâm lý như bị nhà trường kỷ luật, áp lực học tập, mất người thân,…
Thực trạng tự sát ở thanh thiếu niên
Tự sát là hành vi được thực hiện với mục đích tìm đến cái chết bao gồm các hành vi đã hoàn thành hoặc cố gắng thực hiện nhưng không thành công. Ngoài ra, tự sát cũng có thể chỉ mới dừng ở mức nảy sinh ý nghĩ và lên kế hoạch tự sát. Hành vi này thường gặp ở những người mắc các rối loạn tâm thần hoặc phải đối mặt với các tình huống bất lợi dẫn đến túng quẫn và hoảng loạn.
Tự sát ít gặp ở trẻ em mà gặp chủ yếu là thanh thiếu niên và người trưởng thành. Theo thống kê, đây là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến tử vong ở người từ 15 – 29 tuổi chỉ đứng sau tai nạn giao thông (thống kê vào năm 2012).
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ thanh thiếu niên tự sát thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ số ca tự sát đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây và đòi hỏi phải có biện pháp ngăn chặn để tránh các hậu quả nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên
Hành vi tự sát thường có liên quan đến các rối loạn tâm thần và các rối loạn khác của não bộ. Ngoài ra, hành vi này cũng có mối liên hệ mật thiết với yếu tố tâm lý xã hội, môi trường, tiền sử gia đình và một số vấn đề khác. Dù xảy ra do nguyên nhân nào, động cơ để thôi thúc hành vi tự sát đều là nhằm giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ, tuyệt vọng và túng quẫn.
Các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên:
1. Các rối loạn tâm thần
Đa phần các trường hợp tự sát đều có liên quan đến các rối loạn tâm thần như rối loạn trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn stress sau chấn thương, rối loạn hành vi và các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu, chất gây nghiện. Các bệnh lý này đều gây ra sự đau khổ sâu sắc cho bệnh nhân, từ đó thôi thúc ý nghĩ và hành vi tự sát để giải thoát chính mình.
Ngoài ra, chấn thương não cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra hành vi tự sát do tổn thương tế bào thần kinh và các cơ quan bên trong não bộ. Thực tế, không ít trường hợp bị trầm cảm sau khi chấn thương não, từ đó gia tăng hành vi tự sát và tự hại.
2. Các yếu tố tâm lý xã hội
Ngoài nguyên nhân trên, hành vi tự sát ở thanh thiếu niên cũng có liên quan đến các yếu tố tâm lý xã hội. Các yếu tố này gây ra khủng hoảng tâm lý và thôi thúc hành vi tự sát để giải thoát bản thân. Các yếu tố tâm lý xã hội có thể dẫn đến tự sát ở thanh thiếu niên bao gồm:
- Các hành vi kỷ luật trong nhà trường (đình chỉ học tập, hủy kết quả thi, đuổi học,…)
- Bị cô lập xã hội
- Bị tẩy chay ở trường học, nạn nhân của bạo lực học đường
- Áp lực học tập
- Quan hệ tình cảm không được như mong muốn
- Mất mát người thân
- Bắt chước do trào lưu tự sát
3. Tiền sử gia đình
Nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên có thể gia tăng khi gia đình có người thân từng có hành vi tự tử (dù thành công hay thất bại). Ngoài ra, thanh thiếu niên có bố mẹ bị rối loạn cảm xúc, tiền sử có các hành vi bạo lực, dính líu đến pháp luật,… thường có nguy cơ tự sát cao.
Bên cạnh đó, sự xa cách giữa con cái và bố mẹ cũng làm tăng nguy cơ tự tử. Bởi con trẻ không thể chia sẻ với bố mẹ những áp lực và cảm xúc tiêu cực. Dần dần, cảm xúc bị ức chế dẫn đến hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi đau khổ và buồn bã.
4. Yếu tố môi trường
Ngoài 3 nhóm nguyên nhân chính trên, nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên cũng có thể gia tăng khi có những yếu tố môi trường như:
- Không dám nói với bố mẹ về việc bản thân có các vấn đề tâm lý, tâm thần do sợ bị la mắng. Ngoài ra, vấn đề kỳ thị người bị rối loạn tâm thần cũng là rào cản khiến thanh thiếu niên không thể chia sẻ với mọi người và khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Dễ tiếp cận với những phương tiện gây tử vong như súng, thuốc độc, dao,…
Theo số liệu thống kê, rối loạn cảm xúc là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các hành vi tự sát ở thanh thiếu niên. Trong đó, gần 50% trường hợp tự sát xảy ra sau các hành động kỷ luật từ nhà trường.
Khi nghiên cứu kỹ hơn, các chuyên gia nhận thấy, nhiều thanh thiếu niên tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân trước lời buộc tội và hình phạt của nhà trường. Thực trạng này một lần nữa cho thấy những hạn chế trong phương pháp giáo dục và phản ánh được tình trạng thiếu sự thấu hiểu giữa thầy cô – học sinh.
Phòng ngừa tự sát ở thanh thiếu niên bằng cách nào?
Để ngăn chặn hành vi tự sát ở thanh thiếu niên, cần khắc phục từ nguyên nhân. Tuy nhiên sau khi phát hiện các hành vi nỗ lực tự sát, gia đình cần cho bệnh nhân nhập viện để được chăm sóc đặc biệt và ổn định lại tinh thần.
1. Nhập viện nếu cần thiết
Thanh thiếu niên khi có hành vi tự sát thường đang trong trạng thái bất ổn về tinh thần. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện, gia đình nên đưa trẻ vào bệnh viện trong thời gian sớm nhất để được cấp cứu và chăm sóc đặc biệt. Điều trị nội trú trong thời gian này sẽ giúp phòng tránh các hành vi đe dọa đến tính mạng của trẻ và những người xung quanh.
Sau khi cấp cứu vết thương, các bác sĩ sẽ đánh giá tâm lý và sử dụng các loại thuốc an thần để cải thiện tình trạng kích động. Tùy theo mức độ hoảng loạn, điều trị nội trú sẽ kéo dài khoảng vài ngày đến vài tuần.
2. Sử dụng thuốc
Đa phần các hành vi tự sát ở thanh thiếu niên đều có liên quan đến các rối loạn tâm thần và những sự kiện gây tổn thương tâm lý. Do đó, trẻ cần phải được đánh giá tâm lý để chẩn đoán chính xác vấn đề đang gặp phải. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc sau:
- Các loại thuốc chống trầm cảm (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế MAOI,…)
- Thuốc giải lo âu
- Thuốc chống loạn thần
- Các loại vitamin, khoáng chất và thuốc bồi bổ thần kinh
Trong giai đoạn đầu, thuốc chống trầm cảm có thể gia tăng các hành vi tự sát do kích động. Chính vì vậy, gia đình cần phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc và hành vi của bệnh nhân. Thực tế, không ít thanh thiếu niên sử dụng quá liều thuốc giải lo âu với mục đích tự tử.
3. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp có hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên – đặc biệt là do trầm cảm. Phương pháp này được thực hiện nhằm tác động lên tâm lý của bệnh nhân thông qua hình thức giao tiếp. Sau khi trò chuyện, chuyên gia sẽ nắm bắt được những vấn đề bệnh nhân đang gặp phải và can thiệp các phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp.
Nhìn chung, tâm lý trị liệu có thể giải quyết được những vấn đề dẫn đến tự sát ở thanh thiếu niên và nâng đỡ tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên, quá trình trị liệu có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ của thuốc – đặc biệt là ở những trường hợp đã có ý nghĩ và hành vi tự sát.
4. Sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng
Thanh thiếu niên có sự thay đổi đáng kể về tư duy, quan điểm sống và hành vi. Ở giai đoạn này, tâm lý của trẻ trở nên rất nhạy cảm do tác động của hormone. Do đó, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống đều có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và gia tăng nguy cơ tự sát.
Để giúp bệnh nhân vượt qua, gia đình và những người xung quanh cần có sự nỗ lực. Sự động viên, chia sẻ của mọi người sẽ là động lực để bệnh nhân tìm lại niềm vui, hy vọng trong cuộc sống.
- Gia đình cần quan tâm, chia sẻ để nắm bắt được những vấn đề mà trẻ phải đối mặt trong trường học. Từ đó kết hợp với nhà trường để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh đưa ra những hình phạt nặng nề khiến trẻ bị tổn thương và nảy sinh hành vi nông nổi.
- Không quá đặt nặng áp lực thành tích mà khuyến khích trẻ học tập đúng năng lực. Bên cạnh đó, cần cho trẻ trau đổi các kỹ năng mềm thay vì chỉ chú tâm đến kiến thức trong sách giáo khoa.
- Thanh thiếu niên đã bắt đầu các mối quan hệ tình cảm. Vì chưa có kinh nghiệm nên trẻ rất dễ bị tổn thương nếu đối phương lừa dối. Do đó, gia đình cần đồng hành với trẻ trong thời gian này và đưa ra lời khuyên phù hợp để trẻ nhìn nhận sự việc theo chiều hướng khách quan nhất.
- Kiểm soát việc con cái sử dụng mạng xã hội và internet. Thực tế, rất nhiều trường hợp tự sát bắt nguồn từ trào lưu trên mạng xã hội. Để tránh xâm phạm vào quyền đời tư của con, bố mẹ nên quy định thời gian sử dụng internet và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, vui chơi lành mạnh.
- Chú ý các biểu hiện của con để kịp thời phát hiện con là nạn nhân của bạo lực học đường hoặc Cyberbullying. Sau đó, hợp tác với nhà trường và cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo trẻ được học tập và sinh sống trong môi trường lành mạnh nhất.
- Nếu gia đình vừa trải qua mất mát, nên động viên, chia sẻ để trẻ nỗ lực vượt qua. Trong trường hợp cần thiết, nên cho trẻ tiếp nhận tư vấn tâm lý sớm để phòng ngừa stress và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên có thể gia tăng nếu không nhận được sự quan tâm từ gia đình và những người xung quanh. Vì vậy, gia đình cần đồng hành cùng con trong giai đoạn này để kịp thời giúp đỡ khi con gặp phải những khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- 9 Tác hại của sự cô đơn bạn cần cảnh giác
- Mệt mỏi áp lực vì điểm số và 5 cách giúp bạn vượt qua
- Cách nhận biết tâm lý người tự sát
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!