Bạo lực lạnh là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách đối phó
Bạo lực lạnh là một hình thức làm tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Sự im lặng là hình thức trừng phạt đáng sợ khiến nạn nhân luôn phải tìm cách kết nối với kẻ bạo hành, dù họ không làm gì sai.
Bạo lực lạnh là gì?
Bạo lực lạnh (Cold violence) là một hình thức bạo hành tinh thần bằng sự im lặng, thờ ơ, tránh né một cách vô cớ của một người, hay một nhóm người, dành cho đối tượng nào đó.
Bạo lực lạnh diễn ra trong những mối quan hệ thân thiết, có sự gắn bó và kết nối giữa các đối tượng như gia đình, người yêu, bạn bè. Ví dụ:
Người yêu:
- Người nam/người nữ trở nên lạnh lùng một cách đáng sợ với đối phương
- Không trả lời tin nhắn, hoặc trả lời thờ ơ, có lệ
- Làm lơ đi khi người kia bắt chuyện
- Luôn từ chối gặp mặt, từ chối các cuộc điện thoại.
Gia đình:
- Cha mẹ thờ ơ, bạo hành lạnh con cái để trừng phạt sai lầm của trẻ
- Vợ chồng lạnh nhạt, không quan tâm đến nhau
- Có thái độ ừ hử cho qua chuyện, không quan tâm đên điều đối phương nói
- Luôn giữ im lặng trong mọi tình huống
Bạo lực lạnh, hay bạo hành lạnh, bạo lực im lặng…gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Hình thức này còn tàn nhẫn hơn bạo hành thể xác, vì vết thương tinh thần mà nó để lại là rất sâu sắc.
Hình thức bạo lực này ban đầu được những người đàn ông thành thị, có học thức dùng để “trừng phạt” vợ mình. Sau đó, nhiều phụ huynh cũng áp dụng trong việc dạy con.
Bạo lực lạnh khác với chiến tranh lạnh ở chỗ xuất phát từ một phía. Hình thức này diễn ra một cách đột ngột. Bản thân người còn lại thường không hiểu được nguyên nhân là gì.
Người bị bạo hành không hiểu vì sao đối phương lại ngó lơ bản thân. Họ lo lắng, hoang mang, sợ hãi. Họ tự hạ thấp bản thân để cố gắng làm hài lòng người kia.
Ai dễ là nạn nhân của bạo lực lạnh?
Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực lạnh. Nạn nhân của tình trạng này thường là những người có tâm lý yếu đuối, hướng nội, cô độc, chẳng hạn như phụ nữ.
Hầu hết các trường hợp bị bạo lực lạnh thường xảy ra trong mối quan hệ gia đình hay yêu đương. Đa phần người phải chịu đựng trạng thái này là phụ nữ.
Những người gây ra bạo lực lạnh thường là những người có học thức, có tri thức. Họ hoàn toàn ý thức được việc im lặng có thể khiến đối phương cảm thấy khủng hoảng.
Sự im lặng chính là hình thức “trừng phạt” mà không để lại hậu quả rõ ràng như bạo hành thể xác. Trong nhiều trường hợp, bạo hành lạnh có liên quan đến guilt trip.
Bạo lực lạnh được diễn ra như thế nào?
Thường bạo lực lạnh thường diễn ra khi nạn nhân và kẻ bạo hành có một mối quan hệ nhất định. Khi kẻ bạo hành bắt đầu hành vi im lặng, họ biết chắc chắn đối phương sẽ tìm cách níu kéo.
Bạo lực lạnh cũng được coi là một hình thức thao túng tâm lý. Các hành vi bạo lực lạnh bao gồm:
- Thay đổi cảm xúc, thái độ một cách đột ngột, không có lý di
- Không còn nồng nhiệt, tận tình mà trở nên xa cách, lạnh nhạt và thờ ơ
- Tránh né, tảng lờ, không đáp lại đối phương cho dù họ tìm mọi cách để liên lạc, bắt chuyện
- Thời gian bạo lực lạnh kéo dài với mức độ tăng dần khiến nạn nhân có cảm giác muốn bùng bổ
- Từ chối, im lặng trước bất cứ sự tương tác, kết nối nào từ đối phương
- Diễn ra và lặp lại nhiều lần với các hình thức tương tự, nhưng với mức độ nghiêm trọng hơn
Kẻ bạo hành luôn tìm lý do biện minh cho hành động của bản thân. Họ không bao giờ công nhận mình đang bạo hành lạnh đối phương.
Khi mối quan hệ hòa hoãn, họ có xu hướng thể hiện sự tha thứ, lòng vị tha. Kẻ bạo hành tạo cho nạn nhân suy nghĩ họ là người tốt nhất, nhằm hạ thấp giá trị của nạn nhân.
Kẻ thực hiện bạo lực lạnh cũng thường là những người có tính cách ích kỷ, luôn đề cao cái tôi cá nhân. Họ luôn muốn mình “trên cơ” những người khác, và có tính chiếm hữu rất cao.
Việc im lặng có thể giúp họ đạt được mục đích trong việc kiểm soát đối phương. Họ muốn mọi cảm xúc, suy nghĩ của nạn nhân đều phụ thuộc vào mình.
Nhiều người còn lợi dụng cách này để ép đối phương chủ động nói lời chia tay. Nhờ đó, họ trở thành nạn nhân trong cuộc tình. Nạn nhân của bạo hành lạnh lại trở thành kẻ xấu trong mắt người khác.
Hậu quả của bạo lực lạnh
Việc bị thờ ơ, lạnh nhạt và bỏ mặc khiến các nạn nhân cảm thấy xấu hổ, buồn bã và tuyệt vọng. Họ cảm thấy bản thân không được tôn trọng, và tự cho rằng mình là người thấp kém, không có giá trị.
Thậm chí họ còn tự đổ lỗi cho bản thân, trong khi rõ ràng người sai là đối phương. Họ chấp nhận mọi điều mà đối phương yêu cầu chỉ để kẻ bạo hành vui lòng.
Hậu quả là nạn nhân ngày càng thiếu tự tin, thiếu chính kiến, phụ thuộc vào kẻ bạo hành. Họ có cái nhìn lệch lạc về chính bản thân, luôn cho rằng mình kém cỏi, vô dụng.
Khi nạn nhân càng cố tìm lý do, đối phương càng tránh né, càng im lặng. Sự tự ti, lo lắng trong nạn nhân bắt đầu xuất hiện. Họ luôn tự hỏi rằng liệu đó có phải là lỗi của bản thân mình.
Dần dần, nạn nhân nhún nhường để tìm kiếm sự tha thứ, dù đó không phải lỗi của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kẻ bạo hành thành công trong việc kiểm soát tâm lý.
Nạn nhân của bạo lực lạnh sau này sẽ trở nên nhạy cảm quá mức với những yếu tố khiến họ nhớ đến việc bị bạo hành. Nhiều trẻ nhỏ hay nhân viên văn phòng rời vào lo âu, trầm cảm do bị bạo hành tinh thần.
Cách đối phó với bạo lực lạnh
Để đối phó với bạo lực lạnh không phải là điều dễ dàng. Chính bản thân nạn nhân cần nhận ra được vấn đề của chính mình, và đứng dậy đấu tranh.
Với những trường hợp khác nhau, chúng ta sẽ áp dụng những phương thức khác nhau. Một vài giải pháp hữu ích giúp cho nạn nhân thoát khỏi bạo lực lạnh bao gồm:
1. Lên tiếng vì chính bản thân mình
Đối mặt với kẻ bạo hành lạnh, dù bạn chọn cách im lặng khuất phục, hay nói quá nhiều đều không mang đến hiệu quả. Bạn càng la hét, càng tức giận mà đối phương thờ ơ thì chỉ có bạn là bức bối mà thôi.
Thay vào đó hãy giữ thái độ bình tĩnh, kiên quyết để yêu cầu đối phương giải quyết vấn đề, chấm dứt sự yên lặng. Bạn càng mềm mỏng, đối phương càng lấn tới nên hãy giữ thái độ thật cứng rắn.
Tuy nhiên, một mối quan hệ đi đến tình trạng bạo hành lạnh là một mối quan hệ độc hại. Đặc biệt là trong chuyện tình cảm hay công việc.
Cắt đứt các mối quan hệ quá toxic là điều cần thiết. Đừng nghĩ rằng bạn có thể thay đổi được đối phương. Hãy kiên quyết ngay từ đầu để không bị tổn thương.
2. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt trong mối quan hệ, bạn có thể tìm lời khuyên từ những người mình tin tưởng. Đó có thể là cha mẹ, bạn bè, hay người yêu.
Với những mối quan hệ như cấp trên – cấp dưới, cha mẹ – con cái, hay thầy cô – học sinh, người trong cuộc đôi khi cũng rất khó lên tiếng. Những trường hợp nàynên tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh.
Chia sẻ những gì đã, và đang xảy ra trong mối quan hệ này với những người thân cận. Họ sẽ giúp bạn có những lời khuyên hữu ích để biết nên làm gì, và có nên tiếp tục hay không.
Mặt khác việc chia sẻ với một ai đó ít nhất cũng có thể giúp bạn dễ chịu hơn. Khi tâm trạng thoải mái hơn, bạn sẽ tự lấy lại sự bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn.
3. Chăm sóc phục hồi sức khỏe tinh thần
Những tổn thương do bạo lực lạnh gây ra cần được hỗ trợ, chăm sóc và chữa lành. Quá trình phục hồi sức khỏe tinh thần sẽ giúp nạn nhân lấy lại ý thức về giá trị của bản thân.
Nạn nhân của bạo lực lạnh nên tìm đến các chuyên gia, hoặc những trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được giúp đỡ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện, chia sẻ để cải thiện tinh thần cho các nạn nhân. Người bị bạo hành có thể thả lỏng, thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực.
Nhà trị liệu cũng điều chỉnh cảm xúc của bệnh nhân khỏi các tư tưởng lệch lạc, và thay thế bằng các nhận thức đúng đắn hơn. Bệnh nhân có thể thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó, một số biện pháp giúp xoa dịu tinh thần của người bị bạo lực lạnh bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tâm lý
- Tránh xa mọi tình huống gây căng thẳng, tiêu cực, tranh cãi
- Ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ, dành thời gian để chăm sóc nhiều hơn cho bản thân
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày
- Hướng tới các hoạt động nâng cao giá trị của bản thân, chẳng hạn như làm đẹp, học tập thêm các kỹ năng mới
- Đừng vội vàng bắt đầu một mối quan hệ mới nếu bản thân chưa thực sự sẵn sàng
- Học cách tự bảo vệ bản thân để không bị tổn thương
- Tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình. Chỉ khi bạn trân quý chính mình, người khác mới không thể tổn thương bạn
Bạo lực lạnh là một vấn đề cực kỳ phổ biến. Tình trạng này xuất hiện mọi lúc mọi nơi, nhưng đa phần các nạn nhân thường chấp nhận chịu đựng.
Mỗi chúng ta cần tự ý thức được việc bảo vệ bản thân. Đồng thời cũng cần hành xử văn minh hơn trong mọi mối quan hệ để không làm tổn thương bất cứ ai.
Có thể bạn quan tâm:
- Im lặng độc hại: Âm thầm gây tổn thương tâm lý cho đối phương
- Bạo lực gia đình là gì? Nguyên nhân và hướng phòng chống
- Tâm lý nạn nhân: Luôn đổ lỗi khi mọi thứ không như mong muốn
- Dấu Hiệu Bạo Hành Tinh Thần Nơi Công Sở Và Cách Vượt Qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!