Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo: Dấu hiệu và những ảnh hưởng
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo có thể gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống bởi người đó luôn muốn tất cả mọi thứ phải hoàn hảo, chỉn chu nhất có thể. Những người này thường mất rất nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề xung quanh chỉ để đạt tới mức độ hoàn hảo 100% mà họ mong đợi. Đây có thể là biểu hiện của các vấn đề tâm lý, tâm thần cần được điều trị sớm để có chất lượng cuộc sống tích cực hơn.
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất sự hoàn hảo là những thứ hướng đến giá trị tuyệt đối, đạt mức độ 100% mà không ai có thể chê trách và tìm ra lỗi sai ở đâu. Chẳng hạn khi lau bàn thì không còn hạt bụi nào, không bị để lại các vật nước loang lổ; khi làm bài kiểm tra thì đạt điểm 10 tuyệt đối; quần áo phải luôn phẳng phiu không có một nếp nhăn nào; làm việc phải luôn đạt hiệu suất tốt nhất…
Thực tế bất cứ ai cũng luôn hướng đến sự hoàn hảo, chỉn chu bởi điều này đồng nghĩa với việc đạt được những giá trị tốt nhất. Dù vậy không phải lúc nào cũng có thể đạt được mức độ 100%, đôi lúc có sai sót, thiếu hụt một chút cũng là vấn đề khá bình thường. Tuy nhiên lại có những người cảm thấy điều này lại vô cùng bức bối, khó chịu, thậm chí bị ám ảnh và bắt buộc phải tìm mọi cách để sự vật, sự việc đó đạt được độ hoàn hảo tuyệt đối.
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo không đơn giản chỉ là đặc trưng về tính cách, về sự cầu toàn mà có thể được coi như một dạng bệnh tâm lý được gọi là rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế ( Obsessive- Compulsive Personality Disorder – OCPD). Tình trạng này thường được đặc trưng bởi sự ám ảnh cầu toàn một cách thái quá. Niềm tin về sự hoàn hảo tuyệt đối 100% có thể chuyển hướng thành những cảm xúc tiêu cực nếu không thể đạt được.
Trong đó “Obsession” có nghĩa là những ám ảnh, suy nghĩ xuất hiện lặp đi lặp lại trong tâm trí có tính cưỡng bức bắt buộc và “Compulsion” chính là những hành vi có tính “nghi thức” luôn đi kèm với những ám ảnh, suy nghĩ. Chẳng hạn luôn phải kiểm tra lại.. OCPD cũng được gọi là rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức và đây là trạng thái không bình thường về mặt nhân cách.
Đặc trưng của rối loạn ảnh ảnh sự hoàn hảo là luôn chú ý từ những tiểu tiết đế tổng thể, luôn đề cao quy tắc, sắp xếp trật tự, không muốn phạm sai lầm, không muốn có bất cứ sai sót nào. Tất cả những vấn đề liên quan đến bản thân họ, dù là nơi ở, ăn uống, học tập hay công việc luôn cần đạt độ hoàn hảo tuyệt đối.
Cần hiểu rằng sự cầu toàn (Perfectionism) và rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là hai khía cạnh khác nhau mặc dù đôi khi các đặc trưng thể hiện bên ngoài cũng khá tương đồng với nhau. Người cầu toàn cũng có xu hướng muốn tất cả mọi thứ phải hoàn hảo và làm mọi cách để đạt được mục đích này, họ cũng khó chịu khi không đạt được sự tốt nhất. Tuy nhiên ở OCPD, sự mong muốn về hoàn hảo của họ có thể trở thành nỗi ám ảnh, căng thẳng nghiêm trọng.
Nhận diện rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Các đặc điểm của người mắc chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường rất dễ nhận diện bởi nó được biểu hiện rõ nét cả về các khía cạnh bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên hầu hết mọi người thường không cho rằng đó là bệnh mà chỉ cho rằng do người đó quá khó tính, quá cầu toàn. Bản thân những người này cũng hoàn toàn cho rằng sự cầu toàn của bản thân là hoàn toàn bình thường, không phải là điều phi lý.
Một số biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo như
- Dành sự quan tâm quá mức đến tất cả mọi vấn đề xung quanh họ và đòi hỏi phải hoàn hảo tuyệt đối, bao gồm cả những chi tiết nhỏ nhặt đến tổng thể
- Cứng nhắc một cách thái quá, tất cả mọi vấn đề của họ đều cần có lịch trình, kế hoạch đã được sắp xếp một cách rõ ràng, có trật tự nghiêm ngặt và bắt buộc phải tuân theo tuyệt đối
- Luôn nỗ lực làm tất cả mọi thứ để đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối mà họ mong đợi, tuy nhiên điều này có thể kèm theo sự chậm trễ và không hoàn thành đúng thời hạn yêu cầu bởi họ thường mất thời gian cho các chi tiết quá nhỏ nhặt không đáng
- Gọn gàng và sạch sẽ cực độ, ghét sự lộn xộn, mất trật tự
- Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo thường có xu hướng trốn tránh các công việc, nhiệm vụ bởi họ lo lắng sẽ không thể đạt được mức độ tuyệt đối như mong muốn
- Nhạy cảm quá mức với lời chê bai và sự thất bại, khả năng chịu đựng với những lời chỉ trích thường rất thấp
- Không muốn giao việc cho những người xung quanh vì lo lắng sẽ không đạt được kết quả mà họ mong muốn hoặc bất buộc người đó phải làm theo những lộ trình, cách sắp xếp mà họ đã đặt ra sẵn
- Cứng nhắc, khô khan, bướng bỉnh thiếu tính linh hoạt trong mọi tình huống phát sinh
- Không muốn chấp nhận rằng một đồ vật nào đó đã mất đi giá trị mặc dù vốn dĩ họ không còn cần sử dụng những thứ đó
- Có xu hướng nghi ngờ hay tự phê bình, hạ thấp bản thân
- Khó khăn khi sắp xếp các thứ tự ưu tiên bởi với họ sự hoàn hảo của tất cả mọi thứ đều là như nhau, điều gì cũng quan trọng
- Có xu hướng chỉ trích và áp đặt người khác quá mức để đạt được sự hoàn hảo 100% theo nhu cầu, mong muốn của bản thân họ
- Sự tập trung cống hiến quá mức trong một vấn đề nào đó ( không mang đến giá trị về tài chính) khiến những người mắc OCPD có xu hướng bỏ bê các mối quan hệ hay các hoạt động giải trí xung quanh
- Quá cứng nhắc, tỉ mỉ trong các vấn đề liên quan đến giá trị đạo đức hay chuẩn mực xã hội ( ngoài trừ những đối tượng có tham gia vào các hoạt động tôn giáo)
- Khó khăn trong giao tiếp bởi họ thường chỉ nói khi khẳng định lập lập của mình là chắc chắn và logic, không trò chuyện một cách bốc đồng. Bản thân họ cũng hướng tới các cuộc trò chuyện logic và trí tuệ hơn là các cuộc trò chuyện phiếm
- Hầu như không biểu cảm cảm xúc
- Có xu hướng tiết kiệm quá mức với cả bản thân và những người xung quanh bởi họ cho rằng tiền bạc giống như một khoản dự trù cần thiết trong tương lai, không thể hoang phí
- Rối loạn nhân cách ám ảnh sự hoàn hảo cũng khiến những người này có xu hướng bị cô độc, một mình bởi sự ám ảnh quá mức của họ khiến những người xung quanh sợ hãi, lo lắng. Bản thân những người này cũng thích hoạt động một cách độc lập hơn là làm việc với những người khác
- Ám ảnh, lo lắng, căng thẳng về sự hoàn hảo đến mức làm suy giảm về chất lượng cuộc sống, tinh thần hay sức khỏe nghiêm trọng
- Trong bất cứ vấn đề nào, những người rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo cũng thường có xu hướng nhấn mạnh nguyên tắc, không muốn ( hoặc không chấp nhận) có ngoại lệ trong bất cứ trường hợp nào
Cần hiểu rằng một khái niệm khác cũng có thể nhầm lẫn với OCPD chính là OCD – Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Người mắc chứng OCD cũng có các đặc điểm khá tương đồng, chính là ám ảnh các hành vi nghi thức hoàn hảo quá mức. Họ có thể rửa tay hàng trăm lần nếu vô tình chạm vào tay nắm cửa của nhà vệ sinh chung, hoảng sợ thái quá nếu thấy có vết dầu mỡ trên sàn nhà.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh ở OCD thường mang tính chất phi lý quá mức, xuất hiện trong rất nhiều các vấn đề quanh cuộc sống. Chẳng hạn có một vết xước nhỏ trên tay cũng khiến họ lo lắng rằng tay có thể bị hoại tử. Trong khi đó OCPD mang có tính chất hướng về cái tôi cá nhân, về các vấn đề liên quan trực tiếp đến họ và có tính thực tế cao hơn.
Mặt khác người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể ý thức rằng bản thân đang có nỗi lo lắng, ám ảnh phi lý nhưng không thể nào kiểm soát được. Trong khi đó người mắc rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo cho rằng sự lo âu, căng thẳng của họ là hoàn toàn hợp lý, mặt khác còn cảm thấy hài lòng và thích thú, không cảm thấy bị phiền nhiễu bởi sự cầu toàn quá mức của bản thân.
Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Thống kê cho thấy có khoảng 2,1 đến 7,9% dân số được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn hẳn nữ giới. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thể xác định chính xác các nguyên nhân ra nỗi ám ảnh quá mức về mặt nghi thức cưỡng chế mà chỉ tạm thời đưa ra một số yếu tố nguy cơ có liên quan.
Một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ gây rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo như
- Yếu tố di truyền: một thống kê cho thấy nếu cha mẹ mắc chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thì tỷ lệ con cái có nguy cơ mắc bệnh là 35%.
- Bất thường ở não bộ: sự thiếu hụt bất thường ở các chất dẫn truyền thần kinh cũng được cho là có liên quan đến những nỗi ám ảnh cưỡng chế quá mức. Chẳng hạn thiếu hụt vasopressin và oxytocin hay sự rối loạn điều hòa serotonin ở các synap trên một số khu vực não bộ được co là có liên quan mật thiết đến nguy cơ này.
- Yếu tố môi trường : rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo cũng có thể xuất hiện ở những người thường xuyên bị đặt áp lực về sự hoàn hảo. Chẳng hạn cha mẹ luôn quá khắt khe, bắt buộc con phải đứng đầu lớp, bắt buộc con phải làm tốt tất cả mọi thứ, không bao giờ hài lòng với những thứ mà con đạt được. Dần dần sự chuẩn mực ăn sâu vào nhân cách khiến người có những cái nhìn lệch lạc, cứng nhắc quá mức về việc phải đạt được những kết quả tuyệt đối.
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo và những hệ lụy khó ngờ
Nhiều người cho rằng việc ám ảnh bắt buộc phải hoàn hảo không phải là điều gì sai trái hay nghiêm trọng bởi “hoàn hảo” đồng nghĩa với sự tốt nhất, tuyệt đối 100%. Tuy nhiên trên thực tế, rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo chưa chắc đã giúp kết quả đó trở thành tốt nhất mà ngược lại còn gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập, công việc, thể chất và cả các mối quan hệ hằng ngày.
Việc người OCPD quá chú ý vào các tiểu tiết nhỏ không đáng khiến thời gian để hoàn thành của họ thường chậm trễ quá mức bình thường, điều này sẽ ảnh hưởng cực kỳ xấu đến chất lượng công việc hay học tập, thi cử. Sự cứng nhắc và nỗi ám ảnh của họ không cho phép bản thân bỏ qua các chi tiết cho dù rõ ràng nó không ảnh hưởng đến cái tổng thể.
Mặt khác bản thân người mắc rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối các mối quan hệ, đặc biệt khi bắt buộc phải làm việc nhóm. Bởi những người OCPD luôn có xu hướng bắt buộc tất cả mọi người phải làm theo lộ trình mình đặt ra theo một khuôn khổ quá cứng nhắc, rập khuôn, thiếu linh hoạt nên cũng rất dễ xảy ra các cuộc tranh cãi không mong muốn.
Bên cạnh đó, nỗi ám ảnh khi không thể hoàn thiện được vấn đề nào đó có thể khiến những người này rơi vào căng thẳng, stress, lo âu, tiêu cực đến mất ngủ. Do đó rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo rất dễ kèm theo sự suy giảm về thể chất cũng như gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu..
Cũng cần biết rằng, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường không thuyên giảm theo thời gian bởi bản thân những người này thường không cảm thấy khó khăn, khó chịu với nỗi lo lắng của mình nên sẽ không tìm kiếm sự giúp đỡ. Hầu hết chỉ khi mức độ ám ảnh của họ quá mức, có làm suy giảm đến các hoạt động trong đời sống, chất lượng sức khỏe hay tinh thần mới bắt đầu thăm khám hoặc được người thân yêu cầu đi khám.
Hướng khắc phục rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo cần được thăm khám và chẩn đoán chuyên môn tại các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý, tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý. Người bệnh sẽ được yêu cầu làm các bài test hoặc thực hiện các chẩn đoán y khoa để xác định chính xác nguyên nhân, tránh nguy cơ nhầm lẫn với các tình trạng khác có các triệu chứng tương tự.
Sự cầu toàn quá mức đã dần ăn sâu vào tiêu chuẩn đạo đức, nhận thức, tính cách của người bệnh nên cần mất rất nhiều thời gian để kiểm soát. Gia đình cần phối hợp với bác sĩ, chuyên gia trị liệu chặt chẽ để hỗ trợ chăm sóc, kiểm soát những thói quen mang tính nghi thức của người bệnh trong các hoàn cảnh cần thiết.
Điều trị bằng thuốc
Không có bất cứ loại thuốc nào được chỉ định điều trị đặc trị cho rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo bởi vốn dĩ thuốc không thể làm thay đổi tính cách hay suy nghĩ của một người. Tuy nhiên bác sĩ có thể xem xét việc sử dụng một vài loại thuốc để xoa dịu tâm lý, giảm mức độ căng thẳng hay lo lắng quá mức khi đứng trước các tình huống mà người bệnh yêu cầu cần có sự cầu toàn.
Các loại thuốc được chỉ định phổ biến là Clomipramine, Fluoxetin, Sertralin, Fluvoxamine, Citalopram,…hay một số nhóm thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc an thần. Cũng cần hiểu rằng thuốc không hoàn toàn có hiệu quả trong tất cả mọi trường hợp mà chỉ mang tính chất tương đối. Các nhóm thuốc này cũng thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên cần phải thận trọng, tuân thủ tuyệt đối chỉ định từ bác sĩ trong quá trình sử dụng.
Trong một vài trường hợp, người bệnh điều trị lâu dài nhưng không có hiệu quả và có xu hướng bị kháng thuốc thì có thể được áp dụng các biện pháp mạnh hơn, chẳng hạn sốc điện hay phẫu thuật. Tuy nhiên các biện pháp này vẫn đang được nghiên cứu hoàn thiện hơn nên không phải trường hợp nào cũng có thể được áp dụng.
Trị liệu tâm lý
Không phải tất cả các bệnh nhân rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo đều công nhận rằng bản thân mình đang gặp vấn đề tâm lý và chấp nhận điều trị. Trị liệu tâm lý hướng tới mục tiêu đầu tiên là giúp bệnh nhân chấp nhận bản thân bị rối loạn nhân cách, đồng thời điều chỉnh các tư duy, suy nghĩ lệch lạc, sai lầm theo hướng tích cực và phù hợp hơn. Đây cũng là biện pháp đang được hướng đến chủ yếu cho những bệnh nhân rối loạn tâm lý.
Hai liệu pháp chính đang được áp dụng cho các bệnh nhân OCPD là liệu pháp tâm động học (psychodynamic) và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Nhà trị liệu sẽ trò chuyện với từng bệnh nhân và yêu cầu họ chia sẻ về cảm xúc, trải nghiệm, suy nghĩ của bản thân, thông qua đó để tìm hiểu rõ gốc rễ vấn đề mà họ đang vướng mắc. Các biện pháp sau đó được xây dựng dựa trên căn nguyên từng vấn đề.
Nhà trị liệu cũng hướng dẫn người bệnh các biện pháp đối diện với căng thẳng bằng cách tạo các tình huống khiến họ phải bộc lộ các hành vi nghi thức của bản thân. Dần dần, mức độ lo lắng của người bệnh sẽ giảm dần, người bệnh không còn quá cứng nhắc. Bên cạnh đó các biện pháp thể hiện cảm xúc thay vì luôn kìm nén như trước cũng được nhà trị liệu hướng dẫn để bệnh nhân có thể cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn.
Trị liệu tâm lý thực sự có mang đến hiệu quả tích cực trong việc giúp người bệnh rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo điều chỉnh, sắp xếp lại các nhận thức, suy nghĩ của bản thân theo hướng tích cực hơn. Người bệnh cần chấp nhận đôi khi cần phải có những sai sót, linh hoạt hơn trong các tình huống mà không còn quá lo lắng hay căng thẳng như trước.
Hoàn hảo là điều bất cứ ai cũng luôn hướng tới tuy nhiên nếu để những điều này điều khiển tâm trí, hành vi hay mọi vấn đề khác trong cuộc sống của chúng ta thì hoàn toàn là điều không nên. Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, chuyên gia kết hợp với một lối sống lành mạnh, tích cực hơn để sớm vượt qua những nỗi ám ảnh phi lý của bản thân mình.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định và hướng điều trị
- Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED): Dấu hiệu và cách kiểm soát
- Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder): Phân loại, biểu hiện, điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!