Hội chứng bác học (Savant): Bên cạnh lợi ích có nhiều tác hại
Hội chứng bác học được xem là một trong các hội chứng khá hiếm gặp trên toàn thế giới nói đến những người có khả năng vượt trội về một lĩnh vực nào đó nhưng lại có khiếm khuyết về tâm lý, mắc phải các vấn đề rối loạn phát triển thần kinh. Họ có thể sở hữu trí nhớ siêu phàm, khả năng tính toán nhanh, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ vượt trội,…
Hội chứng bác học (Savant) là gì?
Hội chứng bác học hay còn được gọi với tên khoa học là Savant syndrome là một trong các thuật ngữ lạ được sử dụng để chỉ đến các trường hợp người có khả năng vượt bậc về một lĩnh vực nào đó nhưng lại mắc phải một số khiếm khuyết tâm lý. Đây không phải là một bệnh lý hay một chứng rối loạn tâm thần nhưng nó lại có khả năng gây ra nhiều tác động to lớn đối với đời sống, sinh hoạt hàng ngày của con người.
Hội chứng này còn khá xa lạ đối với nhiều người và cực hiếm trên toàn thế giới. Những “thiên tài” mắc phải Savant thường sẽ có những tài năng vượt bậc hơn so với những người bình thường, tuy nhiên họ lại gặp phải một số khiếm khuyết về tâm lý hoặc có khả năng mắc phải đồng thời các rối loạn thần kinh khác. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy có hơn 50% các trường hợp Savant là người bệnh tự kỷ, ngoài ra cũng có một vài bệnh nhân gặp phải các tổn thương ở não bộ.
Một người mắc hội chứng bác học có thể sở hữu khả năng tính nhẩm siêu phàm, khả năng ghi nhớ đỉnh cao, thiên phú về âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, giao tiếp, toán học, vật lý,…Những khả năng này giống như một sức mạnh tiềm tàng, thiên bẩm mà bản thân người bị Savant cũng không thể lý giải, nhận thức rõ ràng về nó.
Đặc biệt hơn, trong một số trường hợp, người mắc hội chứng bác học hoàn toàn có những cảm xúc, hành vi bình thường mà không chịu ảnh hưởng bởi các tác động tâm lý, các rối loạn tâm thần khác. Họ có thể duy trì và phát triển tốt các tài năng vượt trội của bản thân, nhưng rất hiếm gặp.
Khả năng siêu phàm của người mắc hội chứng bác học
Như đã chia sẻ, những người mắc hội chứng bác học sẽ sở hữu những tài năng vượt bậc và phi thương. Họ có thể giỏi về một lĩnh vực, ngành nghề nào đó mà bản thân họ cũng không thể hiểu rõ về nó.
Cụ thể một số khả năng thiên bẩm mà người mắc hội chứng Savant có thể sở hữu như:
- Khả năng tính nhẩm cực nhanh: Không cần đến các công cụ hỗ trợ như máy tính, những người bị hội chứng bác học có thể sở hữu được khả năng tính nhẩm vượt trội. Bất kỳ các công thức, bài toán phức tạp nào được đặt ra họ cũng có thể đưa ra kết quả thật nhanh chóng và chính xác. Họ có thể giải được những phương trình cực kỳ khó, đưa ra đáp án đúng của các căn bậc hai, căn bậc ba cực nhanh chóng.
- Khả năng tính nhẩm lịch: Bạn có thể thấy được tài năng này thông qua một số bộ phim truyền hình, điện ảnh với những người có khả năng tính nhẩm lịch một cách chuẩn xác. Họ không cần xem lịch nhưng vẫn có thể nói đúng ngày tháng năm đó sẽ rơi vào ngày nào.
- Trí nhớ siêu phàm: Một số người mắc phải hội chứng bác học lại sở hữu được khả năng ghi nhớ đỉnh cao. Họ có thể nhớ được số điện thoại, nội dung của trang sách chỉ qua một lần nhìn. Hoặc có khả năng ghi nhớ được những sự việc, tình huống, vấn đề xảy ra từ rất lâu trong quá khứ.
- Thiên phú về nghệ thuật: Người mắc hội chứng Savant có thể sở hữu năng khiếu vượt bậc về nghệ thuật như khả năng chơi nhạc cụ, giọng hát thiên bẩm, cảm nhận âm nhạc, khả năng hội họa, điêu khắc,…
- Khả năng ngôn ngữ: Đây được xem là tài năng thường gặp ở những người mắc hội chứng bác học. Có rất nhiều “thiên tài” sở hữu khả năng ngôn ngữ vượt trội, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trẻ có thể biết đọc chữ khi chưa đi học, biết được các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, nói và dịch được rất nhiều ngôn ngữ.
Theo đó, mỗi tình trạng mắc hội chứng bác học có thể tồn tại một hoặc một vài kỹ năng thiên bẩm khác nhau. Phần lớn, những khả năng vượt trội này đều có liên quan đến hoạt động của bán cầu não phải nên phần lớn sẽ nghiêng về hướng sáng tạo, nghệ thuật.
Nếu biết cách tiếp cận và rèn luyện thì những người Savant hoàn toàn có khả năng phát triển tốt các thiên bẩm mà mình sở hữu, giúp họ đạt được những thành công vượt trội trong cuộc sống. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề tâm lý nên quá trình phát huy tài năng cũng có thể gặp nhiều cản trở và khó khăn.
Nguyên nhân gây ra hội chứng bác học
Rối loạn phổ tự kỷ và các vấn đề chấn thương xảy ra ở não bộ được xem là hai yếu tố có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng là nguyên nhân có thể làm khởi phát hội chứng bác học. Theo đó, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và tìm hiểu về tình trạng này, họ nhận thấy một số yếu tố liên quan như:
- Do di truyền: Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, đa số các tình trạng Savant đều có ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Họ cho biết, nếu trong gia đình có người thân như ông bà, ba mẹ hoặc anh chị em ruột mắc phải hội chứng này thì các thành viên còn lại cũng sẽ có nguy cơ phát triển cao hơn so với mức bình thường.
- Do chấn thương ở não bộ: Các vụ tai nạn hoặc những bệnh lý làm ảnh hưởng, tổn thương ở não bộ cũng có thể dẫn đến các rối loạn chức năng và hình thành nên hội chứng bác học. Ngoài ra, một số ý kiến chia sẻ rằng, các biến chứng xảy ra ở thời thơ ấu, đặc biệt là trong giai đoạn vừa mới chào đời cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến Savant.
- Ảnh hưởng từ hormone: Sự gia tăng đột ngột của hàm lượng hormone bên trong cơ thể, đặc biệt là testosterone của nam giới cũng có thể là yếu tố hình thành nên các hội chứng nguy hiểm, trong đó phổ biến nhất là hội chứng ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, hàm lượng hormone này cũng có khả năng ức chế sản xuất hormone oxytocin – giữ vai trò thích ứng với xã hội, môi trường.
- Các bệnh lý về thần kinh: Tự kỷ, sa sút trí tuệ, rối loạn thần kinh là một trong các vấn đề sức khỏe có liên quan đến hội chứng bác học.
Ngoài ra, hội chứng bác học cũng có nhiều khả năng khởi phát ở các trường hợp như:
- Nam giới có nguy cơ mắc phải Savant cao hơn gấp 6 lần so với nữ giới.
- Tỷ lệ khởi phát hội chứng bác học sẽ gia tăng nếu tiền sử gia đình đã từng bị Asperger.
- Những trường hợp bị dị tật bẩm sinh.
- Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân.
- Ba mẹ sinh con quá trễ, thường là sau 40 tuổi.
- Ảnh hưởng từ môi trường độc hại, ô nhiễm.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rõ về nguyên nhân gây ra hội chứng Savant. Điều này cũng gây nên nhiều cản trở đối với quá trình can thiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ khắc phục hiệu quả.
Một số bệnh lý liên quan đến hội chứng bác học
Những người mắc hội chứng Savant tuy sở hữu được những năng lực vượt trội hơn người nhưng họ cũng phải đối diện với những rối loạn, khiếm khuyết về tâm lý, tâm thần. Chính vì thế, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một số sự bất ổn về sức khỏe tinh thần ở những người mắc hội chứng bác học.
Cụ thể dựa vào kết quả các nghiên cứu và thông tin thống kê thực tế cho thấy, hội chứng Savant có khả năng liên quan và kèm theo một số hội chứng, bệnh lý như:
- Hội chứng Asperger: Các trường hợp mắc phải hội chứng này sẽ gặp phải các khó khăn và cản trở trong quá trình kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc và dễ gặp phải các rắc rối trong những mối quan hệ xã hội.
- Hội chứng Rett: Người bị Savant nếu xuất hiện kèm theo hội chứng Rett sẽ gặp phải nhiều hạn chế trong việc phát triển các kỹ năng vận động.
- Hội chứng Heller (rối loạn tự kỷ thoái hóa): Là tình trạng bệnh lý khiến cho bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn co giật nguy hiểm. Đồng thời họ cũng sẽ dần bị suy giảm hoặc có khả năng không thể phát triển tốt về mặt trí tuệ, tư duy.
- Rối loạn phổ tự kỷ: Là chứng rối loạn phát triển xuất hiện phổ biến ở trẻ em và có thể kéo dài dai dẳng cho đến khi trưởng thành hoặc thậm chí là suốt đời. Người bệnh tự kỷ sẽ gặp phải nhiều khiếm khuyết về khả năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng tương tác và giao tiếp xã hội cùng với các hành vi bất thường, lặp đi lặp lại một cách rập khuôn.
Người mắc hội chứng bác học có thể gặp phải rất nhiều các vấn đề tâm lý hoặc các rối loạn tâm thần khác nhau. Tùy vào tình trạng khiếm khuyết và mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mà sự ảnh hưởng, tác động đến sức khỏe, đời sống cũng sẽ khác nhau ở mỗi người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng Savant
Các triệu chứng của hội chứng bác học biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Nó thường phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau nên khó có thể nhận định chung về tình trạng này.
Tuy nhiên, phần lớn những người mắc hội chứng Savant đều có xuất hiện các biểu hiện khác lạ về tâm thần, thần kinh, họ gặp phải các khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội. Đồng thời, các tài năng vượt trội có thể được phát hiện ngay từ sớm nhưng cũng có nhiều trường hợp bị ẩn dấu lâu ngày nếu không có cơ hội được tiếp xúc với những yếu tố thúc đẩy.
Cụ thể, một người có thiên phú về hội họa nhưng trong suốt thời gian dài họ không được tiếp xúc với các dụng cụ vẽ thì họ cũng không có cơ hội để bộc lộ và phát triển tài năng của mình. Theo đó, những người xung quanh chỉ nhìn nhận họ là người có vấn đề tâm thần cùng với những hành động khác lạ, bất thường.
Ví dụ một số triệu chứng thường gặp ở người mắc hội chứng bác học như:
- Khả năng giao tiếp, diễn đạt ngôn ngữ bằng lời nói yếu kém hơn so với bình thường.
- Hạn chế trong việc tương tác xã hội, có xu hướng né tránh việc giao tiếp trực tiếp bằng mắt.
- Bị hạn chế trong các chuyển động bình thường.
- Khó khăn trong việc bộc lộc cảm xúc, kiểm soát hành vi.
- Khả năng phát triển thể chất, tinh thần kém.
- Có xu hướng thu mình, tách biệt, ít nói.
- Gặp hạn chế trong việc xây dựng và kết nối với mọi người xung quanh.
- Tuy giỏi ở một lĩnh vực nào đó nhưng trí thông minh lại rất yếu kém.
- Dễ gặp rắc rối trong các sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Với những triệu chứng đặc trưng và phổ biến này thì phần lớn những người mắc hội chứng Savant đều sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, phát triển đời sống lành mạnh, ổn định. Một số trường hợp “thiên tài” còn có thể đối mặt với căn bệnh trầm cảm, những cảm xúc tiêu cực, bi quan khó có thể kiểm soát, thậm chí là xuất hiện các hành vi không lành mạnh, đe dọa tự sát.
Các ví dụ điển hình về hội chứng Savant
Hội chứng Savant hay còn được mọi người gọi là “căn bệnh nan y” của những thiên tài tuy tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng nhưng nó cũng mang đến cho thế giới rất nhiều các tài năng vượt trội, cống hiến to lớn cho các lĩnh vực khác nhau như hội họa, âm nhạc, toán học, ngôn ngữ,…
Nhắc đến hội chứng bác học, chúng ta có thể kể đến hơn 60 trường hợp mắc phải với những tài năng vượt xa tầm mong đợi. Cụ thể có thể nói đến những cái tên nổi tiếng và đã được ghi nhận như:
1. Thiên tài toán học và vật lý Jason Padgett
Jason Padgett là một trong những cái tên điển hình về hội chứng bác học. Trước đây anh chỉ là một người bình thường, thậm chí còn ham chơi, thích rượu chè, cờ bạc và chưa từng có sự quan tâm hay yêu thích gì với toán học, thậm chí anh còn bỏ ngang quá trình học đại học của mình.
Sau một lần đi chơi tiệc tùng cùng với bạn bè vào năm 2002, anh bị hai tên cướp đánh vào đầu từ phía sau nhưng may mắn vết thương không quá nặng và chỉ bị chấn thương não nhẹ. Tuy nhiên, sau đó anh bắt đầu khởi phát chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) với nỗi sợ to lớn về việc có thể mắc phải các mầm bệnh từ môi trường xung quanh, vì thế anh luôn có xu hướng nhốt mình trong nhà.
Trong thời gian này, Jason Padgett cũng bắt đầu nảy sinh niềm hứng thú đối với toán học, anh có thể dành phần lớn thời gian trong ngày để nghiên cứu về toán học và cảm thấy thích thú với lĩnh vực hình học phân dạng – được xem là lĩnh vực toán học vô cùng phức tạp và xa vời. Điều này khiến anh ấy cũng bỏ dần các thói quen tiêu cực của ngày xưa, chăm chú để có thể tìm hiểu và vẽ ra những bức tranh hình học thú vị.
Trong một dịp hiếm hoi khi đi ra đường, Jason Padgett gặp một nhà vật lý và ông ta nhận thấy tài năng của anh qua các bức vẽ nên đã thúc giục anh tham gia lớp học toán tại trường cao đẳng. Tại đây, những khả năng của anh được bộc lộ một cách rõ nét và phát triển vượt bậc.
Sau đó, Jason Padgett cũng được thăm khám và nhận định mắc phải hội chứng bác học, vùng não bị tổn thương và hiện anh đang sử dụng các vùng não khác mà người bình thường không bao giờ sử dụng. Cho đến hiện nay, Jason Padgett được mọi người biết đến là một trong các thiên tài có khả năng vẽ fractal bằng tay.
2. Thiên tài ngôn ngữ Ben McMahon
Ben McMahon gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng vào năm 22 tuổi tại Melbourne (Úc). Anh rơi vào mê sảng và được dự đoán về mức độ nguy kịch của tính mạng. Tuy nhiên, Ben đã tỉnh dậy và sống sót một cách thần kỳ sao hơn một tuần hôn mê.
Đặc biệt hơn, sau khi tỉnh dậy, Ben nhận thấy mình có khả năng nói tiếng Trung Quốc một cách thành thạo thay vì là tiếng Anh. Cũng bởi ngay sau lúc tỉnh dậy sau cơn hôn mê, anh gặp một người nữ y tá và cho rằng cô ấy là người Trung Quốc nên đã sử dụng tiếng Trung để giao tiếp dù trước đây đã từng được học nhưng không giỏi về ngôn ngữ này.
Sau khoảng 2 đến 3 ngày sau, Ben mới bắt đầu phục hồi được khả năng nói tiếng Anh của mình, đồng thời ngôn ngữ Trung vẫn sử dụng được thành thạo. Các chuyên gia cũng đã tiến hành thăm khám và đánh giá sức khỏe của Ben, họ chẩn đoán anh mắc phải chứng Savant.
Bên cạnh trường hợp của Ben thì cũng có một số tình huống xảy ra tương tự. Điển hình là câu chuyện của bé gái 13 tuổi bị hôn mê vào năm 2010 và sau khi tỉnh lại, cô bé bất ngờ nói được tiếng Đức thay vì tiếng Croatia – ngôn ngữ mẹ đẻ của cô bé. Hoặc trường hợp của một cựu lính hải quân Mỹ sau khi bị bất tỉnh tại khách sạn và tỉnh dậy cũng đã nói thành thạo tiếng Thụy Điển.
3. Siêu trí nhớ Orlando Serrell
Orlando Serrell là trường hợp mắc phải hội chứng bác học sau khi bị bóng va vào đầu và gặp phải chấn thương não với di chứng nghiêm trọng. Anh sinh năm 1968 tại Mỹ và là một người rất thích chơi bóng chày. Vụ tai nạn diễn ra vào năm 1979 khi anh cùng chơi bóng với các bạn nhỏ tiểu học và vô tình bị bóng va mạnh vào đầu.
Cơn đau kéo dài nhiều tiếng nhưng anh vẫn cố chịu đựng. Sau đó, vào khoảng cuối năm 1979, anh phát hiện ra bản thân có khả năng ghi nhớ và tính toán lịch một cách siêu phàm. Anh có thể tính được ngày tháng năm của tương lai chỉ trong vài giây ngắn ngủi mà không cần phải xem đến lịch hay bất kỳ công cụ hỗ trợ nào.
Đặc biệt hơn, Orlando Serrell còn có thể ghi nhớ một cách tỉ mỉ về những yếu tố, chi tiết, hoạt động xảy ra trong một ngày cụ thể ở quá khứ. Khả năng ghi nhớ của anh đã được công nhận và anh cũng được chẩn đoán mắc phải hội chứng Savant.
4. Daniel Tammett – thiên tài toán học
Sau cơn động kinh năm 3 tuổi, Daniel Tammett bắt đầu bị ám ảnh bởi những con số nhưng lúc này vẫn chưa ai có thể nhận ra được tài năng thực sự của anh, mọi người chỉ nghĩ anh là một học sinh giỏi toán với những giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, cho đến năm 25 tuổi, nhận thấy Daniel có những biểu hiện bất thường và sau khi tiến hành thăm khám bác sĩ chẩn đoán anh bị tự kỷ cùng với hội chứng bác học.
Sở hữu tài năng tính toán vượt trội, anh có thể tính nhẩm đến cả các con số thập phân nhỏ nhất. Đồng thời, Daniel cũng được xem là một nhà ngôn ngữ với việc sử dụng thành thạo hơn 10 thứ tiếng.
5. Lachlan Connors – thần đồng âm nhạc
Lachlan Connors được biết đến với khả năng cảm thụ âm nhạc tuyệt, anh có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau như piano, guitar, mandolin, ukulele, harmonica,…Anh là người Mỹ và ngay từ nhỏ khả năng âm nhạc của anh chỉ là con số ), thậm chí các bài nhạc thiếu nhi anh cũng không thể chơi được một cách trọn vẹn nhưng sau vụ chấn thương nghiêm trọng trong trận đấu thể thao thì anh bắt đầu trở thành “thiên tài bất đắc dĩ”.
Do chấn thương quá nghiêm trọng nên Lachlan Connors không thể tiếp tục đam mê thể thao của mình. Tuy nhiên, sau các cơn động kinh cùng với những ảo giác phức tạp khiến cho anh phát hiện ra được tài năng âm nhạc của mình. Anh có thể chơi được rất nhiều các nhạc cụ khác nhau, kể cả những nhạc cụ mà trước giờ anh chưa từng rèn luyện.
Chẩn đoán hội chứng bác học
Như đã nói, hội chứng bác học không phải là bệnh lý hoặc các rối loạn tâm thần nên việc chẩn đoán vẫn chưa được thực hiện với một quy trình cụ thể, chính xác. Tuy nhiên, đối với các trường hợp có kèm theo những khiếm khuyết tâm thần hoặc các rối loạn chức năng não bộ đã được tiến hành chẩn đoán, điều trị thành công.
Người bệnh sẽ được tiến hành thăm khám, đánh giá về tình trạng sức khỏe tâm lý cùng với các biểu hiện thiên tài để đưa ra được nhận định phù hợp nhất. Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ xem xét về những tình trạng chấn thương nghiêm trọng đã từng xảy ra trước đó, hỗ trợ xác định rõ về nguyên nhân.
Những người được nghi mắc phải hội chứng bác học cũng sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, điển hình như MRI, CT, chụp não, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm,…Song song với đó, bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ tiến hành đánh giá về chỉ số IQ, EQ và một vài chỉ số liên quan khác để có được thông tin cụ thể, chi tiết hơn.
Tuy nhiên, các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán hội chứng bác học có thể linh hoạt thay đổi tùy vào từng tình trạng khác nhau. Đối với các trường hợp nghiêm trọng sẽ được kết hợp thêm nhiều biện pháp khác để đưa ra được kết quả chuẩn xác.
Cách điều trị hội chứng bác học
Hội chứng bác học không phải là bệnh và cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào được hỗ trợ để áp dụng điều trị thành công cho tình trạng này. Theo đánh giá của các chuyên gia thì Savant là hiện tượng các kỹ năng siêu phàm của con người có kèm theo một số rối loạn chức năng não bộ, gây ra các biểu hiện bất thường về tâm lý, hành vi.
Mặc dù không có phác đồ can thiệp cụ thể cho tình trạng này nhưng đối với các trường hợp khiếm khuyết nghiêm trọng vẫn có thể được hỗ trợ cải thiện hiệu quả qua nhiều biện pháp khác nhau. Những tình trạng có đi kèm với các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tự kỷ, sa sút trí tuệ sẽ được chuyên gia hỗ trợ khắc phục bằng nhiều phương pháp khoa học hiện đại để phục hồi tốt khả năng sinh hoạt, nâng cao mức độ IQ của từng trường hợp.
Bên cạnh việc tạo điều kiện để phát huy tốt những tài năng vượt bậc thì người mắc chứng Savant cũng sẽ được hỗ trợ tham gia vào các chương trình giáo dục đặc biệt để rèn luyện và nâng cao tốt những kỹ năng cơ bản khác. Theo đó, tâm lý trị liệu cũng là một trong các lựa chọn thích hợp để giúp kiểm soát các rối loạn về cảm xúc, tâm thần, gia tăng nhận thức, tư duy đúng đắn và hỗ trợ họ kết nối tốt với xã hội.
Tuy rằng những người mắc hội chứng bác học có thể đạt được được những kỳ tích đáng ngưỡng mộ nhưng một trong số đó lại bị mất khả năng tự chăm sóc bản thân, có xu hướng dựa dẫm vào gia đình. Chính vì thế, sự đồng hành và hỗ trợ từ người thân, xã hội cũng góp phần lớn trong quá trình cân bằng cuộc sống cho người Savant, giúp họ duy trì đời sống ổn định, lành mạnh.
Nếu có thể được hỗ trợ phù hợp thì người mắc phải hội chứng bác học vẫn có thể tận hưởng được cuộc sống và phát huy tốt những tài năng bí ẩn của bản thân. Điều này không chỉ mang đến nhiều lợi ích đối với cá nhân mà còn tạo nên những điều tuyệt vời trong cuộc sống, góp phần giúp cho xã hội phát triển nhờ vào những “thiên tài”.
Hội chứng bác học tuy có thể tạo ra những nhân tài với các khả năng đặc biệt nhưng họ lại phải đối diện với một số vấn đề tâm lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ phát huy tài năng thì người mắc chứng Savant cũng cần được hỗ trợ khắc phục để nâng cao các khiếm khuyết, giúp học hòa nhập cộng đồng và duy trì đời sống độc lập hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng ngủ li bì: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách khắc phục
- Hội chứng Lithromantic là gì? Nhận biết và chữa trị thế nào?
- Hội chứng Burnout là gì? Những hệ lụy với sức khỏe và công việc
- Hội chứng Tourette: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!