Rối loạn giả bệnh là gì? Cách phát hiện và khắc phục

Rối loạn giả bệnh đặc trưng bởi các hành vi cố ý gây bệnh, lừa dối với mục đích thuyết phục người khác tin rằng bản thân đang có các bệnh lý thể chất hoặc tâm thần. Hành vi giả bệnh được thực hiện không vì lợi ích hay mục đích cụ thể nào. Vì biểu hiện phức tạp nên quá trình chẩn đoán – điều trị bệnh lý này rất khó khăn và còn nhiều hạn chế.

Rối loạn giả bệnh là gì?
Rối loạn giả bệnh (Factitious Disorder) còn được gọi là bệnh tự tạo

Rối loạn giả bệnh là gì?

Rối loạn giả bệnh (Factitious Disorder) hay bệnh tự tạo là một dạng rối loạn tâm thần có mức độ nghiêm trọng. Đặc trưng của hội chứng này là bệnh nhân tự gây thương tích và thực hiện nhiều hành động với mục đích cố tình bị bệnh. Thậm chí, người mắc hội chứng rối loạn giả bệnh còn có những hành vi lừa dối như làm giả kết quả xét nghiệm với mục đích thuyết phục người khác tin rằng bản thân đang mắc bệnh và cần tiến hành điều trị.

Thực tế, nhiều người cũng có hành vi giả bệnh nhưng với mục đích và động cơ rõ ràng. Chẳng hạn như nhiều người cố tình làm giấy xét nghiệm giả để được nghỉ làm, tránh đi nghĩa vụ, thắng kiện,… Tuy nhiên, những trường hợp này không phải là rối loạn giả bệnh.

Người mắc chứng rối loạn giả bệnh biết rằng bản thân đang cố tình thực hiện các hành vi “giả bệnh” nhưng họ không hề có mục đích hay động cơ nào cả. Đồng thời cũng không hiểu vì sao mình lại thực hiện các hành vi như vậy.

Người mắc chứng này sẽ xuất hiện cả các triệu chứng thể chất và tâm thần (giả vờ hoặc có thật). Nếu thực sự gặp phải các triệu chứng bất thường, bệnh nhân thường cố ý phóng đại để khiến người khác nghĩ rằng bản thân đang mắc phải bệnh nặng. Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân chính xác đối với hội chứng rối loạn giả bệnh. Do đó, quá trình chẩn đoán và điều trị gặp rất nhiều phiền toái, khó khăn.

Dấu hiệu rối loạn giả bệnh

Rối loạn giả bệnh có triệu chứng đa dạng. Bệnh nhân thường bắt chước các biểu hiện bất thường của những bệnh nhân hoặc tự tạo ra thương tích để thuyết phục mọi người về việc bản thân thực sự mắc bệnh.

Những trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng và diễn ra kịch tính thường được gọi là hội chứng Munchausen. Hội chứng này là một dạng rối loạn tâm thần nặng hơn, người bệnh thường tự gây thương tích bằng nhiều cách tự đánh đập, cào cấu, tự tiêm chất độc vào cơ thể,… với mục đích được chú ý và chăm sóc.

Các triệu chứng thường gặp ở người mắc chứng rối loạn giả bệnh giúp sớm phát hiện gồm:

  • Có các hành động bắt chước để thuyết phục người khác bản thân đang có các vấn đề sức khỏe và cần được thăm khám, điều trị.
  • Đôi khi tự gây thương tích và thực hiện các hành vi nhằm khiến cho cơ thể có biểu hiện trông giống như đang mắc bệnh.
  • Một số người tự tạo ra bệnh bằng cách sinh hoạt thiếu khoa học, dùng chất kích thích, rượu bia, nhịn ăn,…
  • Phóng đại các triệu chứng bản thân gặp phải. Chẳng hạn họ chỉ bị đau đầu và choáng váng do thiếu ngủ nhưng phóng đại quá mức như đau đầu khủng khiếp, hoa mắt, muốn ngất xỉu, tụt huyết áp,…
  • Đa phần những người mắc hội chứng rối loạn giả bệnh rất giỏi trong việc che giấu các hành vi giả vờ của mình. Hơn nữa, các hành vi này được thực hiện không vì mục đích hay lợi ích nên những người xung quanh rất hiếm khi nghi ngờ người bệnh.
  • Người mắc hội chứng rối loạn giả bệnh có sự hiểu biết nhất định về các bệnh lý, đặc biệt là thuật ngữ y khoa.
  • Nếu tinh ý sẽ nhận thấy các triệu chứng mà bệnh nhân đề cập thường không nhất quán, mơ hồ và hay thay đổi.
  • Người mắc chứng này thường bịa ra tiền sử bệnh lý chẳng hạn như từng bị ung thư, dị ứng nghiêm trọng, thậm chí bị nhiễm các bệnh xã hội.
  • Một số bệnh nhân có thể thực hiện các hành vi nguy hiểm như tự tiêm chất độc, vi khuẩn,… vào cơ thể để giả mạo mắc bệnh.
  • Thường được chẩn đoán mắc các bệnh lý nghiêm trọng nhưng không tìm ra nguyên nhân và cũng không có đáp ứng với các phác đồ điều trị.
  • Thường xuyên đi khám bệnh, một số người sử dụng tên giả để thuận tiện trong việc thăm khám.
  • Người mắc hội chứng rối loạn giả bệnh luôn có mong muốn thực hiện xét nghiệm, làm phẫu thuật và điều trị nội trú tại bệnh viện.
  • Tỏ ra khó chịu, thậm chí tranh cãi với bác sĩ và nhân viên y tế khi được chẩn đoán hoàn toàn không mắc bệnh.
  • Khi người khác cho bệnh nhân thấy các bằng chứng chứng minh họ đang giả vờ hoặc cố ý tự tạo thương tích, họ vẫn sẽ không chấp nhận và không tiếp nhận điều trị bên chuyên khoa tâm thần.
Cách phát hiện rối loạn giả bệnh
Người mắc chứng rối loạn giả bệnh thường cố ý tự gây bệnh hoặc phóng đại các triệu chứng mà bản thân gặp phải

Rối loạn giả bệnh thường xảy ra với chính bản thân người bệnh. Trường hợp này được gọi là rối loạn giả bệnh lên bản thân. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp rối loạn giả bệnh lên người khác với biểu hiện là bệnh nhân sẽ chủ động nói với những người xung quanh việc một người nào đó có các biểu hiện bất thường về thể chất hoặc tinh thần. Thậm chí, họ có thể tự gây bệnh và thương tích để mọi người nghĩ rằng người này thực sự mắc bệnh.

Đa phần những người bị họ giả bệnh lên là người nhỏ tuổi hơn (thường là con cái). Hành động lừa dối này được thực hiện mà không có động cơ hay mục đích cụ thể. Tuy nhiên, việc giả bệnh lên con cái khiến trẻ phải tiếp nhận điều trị mặc dù không mắc bệnh. Hơn nữa, trẻ có thể bị ám thị và nghĩ rằng bản thân đang mắc bệnh thực sự.

Nguyên nhân gây chứng rối loạn giả bệnh

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng rối loạn giả bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu và khảo sát, các chuyên gia nhận thấy một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này, bao gồm:

Nguyên nhân chứng rối loạn giả bệnh
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn giả bệnh cao hơn bình thường
  • Tiền sử bị lạm dụng về thể chất và tình cảm.
  • Từng trải qua bệnh lý nghiêm trọng ở thời thơ ấu hoặc gia đình có người bị ốm nặng.
  • Một số người thực hiện các hành vi giả bệnh để đổ lỗi cho những thất bại của bản thân. Lúc này, những người xung quanh sẽ thông cảm cho các sai sót của người bệnh.
  • Một số người cố ý thực hiện các hành vi giả bệnh nhằm thể hiện sự hiểu biết của bản thân về kiến thức y khoa. Mặc dù hành vi này không mang lại lợi ích và những người xung quanh cũng không hề biết bệnh nhân thực hiện các hành vi tinh vi để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, người bệnh cảm thấy rất thoải mái khi lừa gạt được mọi người và đặc biệt là nhân viên y tế.
  • Việc được mọi người quan tâm quá mức khi bị ốm cũng có thể là động cơ để bệnh nhân thực hiện các hành vi giả bệnh.
  • Người bị rối loạn nhân cách có khả năng mắc hội chứng rối loạn giả bệnh cao hơn bình thường, đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới. Những người mắc phải dạng rối loạn nhân cách này thường rất thông minh, nhạy bén, linh hoạt và nhiều thủ đoạn. Đây cũng là lý do vì sao những người xung quanh rất khó phát hiện các biểu hiện bất thường ở bệnh nhân.
  • Không có bằng chứng cho thấy rối loạn giả bệnh có khả năng di truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu bố mẹ hoặc người thân có những hành vi giả bệnh, con cái ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Người mắc chứng rối loạn giả bệnh hoàn toàn ý thức được mức độ của các hành vi giả bệnh. Thậm chí, bệnh nhân biết được các hành vi này có thể khiến bản thân mắc bệnh thực sự và đối mặt với nguy cơ tử vong nhưng vẫn thực hiện. Mặc dù ý thức được nhưng người bệnh không thể kiểm soát hành vi của bản thân và cũng không tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần.

Ảnh hưởng của chứng rối loạn giả bệnh

So với chứng nghi bệnh (rối loạn lo âu bệnh tật), chứng rối loạn giả bệnh có mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu như người mắc chứng nghi bệnh lo lắng thái quá, dai dẳng về sức khỏe của bản thân thì người mắc hội chứng này lại cố ý khiến bản thân mắc bệnh. Thậm chí họ thực hiện cả những hành vi nguy hiểm với mục đích tự gây bệnh và thuyết phục những người xung quanh tin rằng họ đang thực sự có các vấn đề sức khỏe.

Trên thực tế, rất khó để chẩn đoán hội chứng rối loạn giả bệnh do bệnh nhân có sự hiểu biết nhất định về các thuật ngữ y khoa và đặc điểm bệnh. Do đó, các triệu chứng mà họ cố tình tạo ra trùng khớp với biểu hiện đặc trưng của bệnh lý. Hơn nữa, người mắc hội chứng này thường rất thông minh và thủ đoạn nên các hành vi được thực hiện tinh vi, chính xác và gần như không thể tìm thấy điểm bất thường.

Tác hại chứng rối loạn giả bệnh
Bệnh nhân thường cố ý uống rượu bia, dùng chất kích thích để khiến bản thân mắc bệnh thực sự

Hậu quả của chứng rối loạn giả bệnh là phải can thiệp các phương pháp điều trị không cần thiết như sử dụng thuốc dài hạn, phẫu thuật nội tạng, cắt bỏ chi,… Về lâu dài, bệnh nhân sẽ mắc phải các bệnh lý thực sự. Ngoài ra, các hành vi tự tạo bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thậm chí là tử vong.

Vì mục đích là tạo ra bệnh nên người mắc chứng rối loạn giả bệnh thường lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện và có lối sống không lành mạnh. Do bị chi phối bởi suy nghĩ và hành vi cố ý giả bệnh, người mắc hội chứng này gần như không thể học tập và làm việc như bình thường mặc dù rất thông minh và có năng lực. Hội chứng rối loạn giả bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh mà còn khiến gia đình mệt mỏi và tiêu tốn nhiều chi phí để thăm khám, điều trị.

Chẩn đoán rối loạn giả bệnh

Chẩn đoán chứng rối loạn giả bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, quá trình chẩn đoán diễn ra rất khó khăn vì người bệnh thường không trung thực trong việc khai báo triệu chứng, tiền sử cá nhân, gia đình,… Và đôi khi người bệnh có các biểu hiện mắc bệnh thực sự do những hành vi cố ý gây bệnh.

Chẩn đoán rối loạn giả bệnh
Chứng rối loạn giả bệnh được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng

Một số triệu chứng giúp bác sĩ chẩn đoán hội chứng rối loạn giả bệnh:

  • Bệnh nhân từng thăm khám, xét nghiệm và điều trị nhiều lần tại các bệnh viện dù nhân viên y tế đã khẳng định không nhất thiết phải xét nghiệm hay điều trị nội trú. Tuy nhiên, người mắc hội chứng này rất thông minh nên đa phần đều sử dụng tên giả.
  • Đã loại trừ tất cả các bệnh lý thể chất cho các biểu hiện bất thường của người bệnh (thường là các biểu hiện hư cấu, cường điệu,… do bệnh nhân tự thực hiện với mục đích đánh lừa người khác).
  • Tiền sử bệnh không phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.
  • Không tìm ra nguyên nhân rõ ràng cho các chấn thương và bệnh lý.
  • Tiến triển bệnh khác hẳn, không phù hợp với tất cả các bệnh nhân khác.
  • Triệu chứng không thuyên giảm dù được điều trị với phác đồ tối ưu nhất.
  • Các triệu chứng mơ hồ, không nhất quán và thậm chí mâu thuẫn với nhau.
  • Khi bác sĩ yêu cầu xem hồ sơ bệnh án, người bệnh thường từ chối cung cấp.
  • Đặc biệt, các hành vi giả bệnh được thực hiện không vì mục đích hay lợi ích rõ ràng.

Sau khi thu thập triệu chứng, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định.

Các phương pháp điều trị rối loạn giả bệnh

Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị chứng rối loạn giả bệnh. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá và xem xét phương pháp điều trị phù hợp. Đa phần người mắc hội chứng này đều không chấp nhận bản thân mắc bệnh tâm thần và thường từ chối can thiệp điều trị. Chính vì vậy, bác sĩ phải tiếp cận bệnh nhân một cách nhẹ nhàng, không phán xét để người bệnh chấp nhận và tích cực trong quá trình điều trị.

1. Tiếp cận nhẹ nhàng, không phán xét

Khi đề cập thẳng thừng việc bệnh nhân mắc phải các bệnh lý tâm thần có thể khiến người bệnh tức giận, khó chịu và xây dựng tâm thế phòng thủ. Phản ứng chung của bệnh nhân là tranh cãi, sau đó tìm đến một bệnh viện khác để được chẩn đoán và điều trị. Bệnh nhân sẽ lại tiếp tục rút hồ sơ bệnh án và tìm đến bệnh viện khác (thường sử dụng tên giả để tiện cho quá trình thăm khám) cho đến khi bác sĩ chẩn đoán mắc phải các bệnh lý mà người bệnh cố ý gây ra.

Do đó, bác sĩ phải tiếp cận nhẹ nhàng, không phán xét để bệnh nhân chấp nhận điều trị. Để bệnh nhân không cảm thấy tức giận, bác sĩ vẫn sẽ đưa ra chẩn đoán người bệnh mắc bệnh tự tạo nhưng không đề cập đến việc bệnh nhân cố ý thực hiện các hành vi gây bệnh hoặc phóng đại quá mức các triệu chứng mà bản thân gặp phải.

Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ nghĩ đơn giản đây là bệnh lý bản thân đã cố ý tạo ra nên sẽ chấp nhận kết quả và can thiệp điều trị. Việc tiếp cận với người mắc chứng rối loạn giả bệnh thực sự là một thử thách lớn – nhất là với những bệnh nhân có hiểu biết sâu sắc về y khoa. Do đó, bác sĩ chẩn đoán và tiếp cận với bệnh nhân phải là người có kinh nghiệm, nắm bắt sâu sắc tâm lý và suy nghĩ của người bệnh.

2. Các phương pháp điều trị được xem xét

Với chứng rối loạn giả bệnh, các phương pháp điều trị thường được thực hiện với mục đích kiểm soát tình trạng tổng thể thay vì cải thiện triệu chứng như các rối loạn tâm thần khác. Tùy theo từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được xem xét các phương pháp điều trị như sau:

Hội chứng rối loạn giả bệnh
Sử dụng thuốc giúp cải thiện triệu chứng của các bệnh lý mà bệnh nhân tự tạo ra
  • Cho bệnh nhân điều trị nội trú: Người mắc chứng rối loạn giả bệnh luôn mong muốn được điều trị nội trú. Do đó, bác sĩ sẽ xem xét cho người bệnh điều trị tại bệnh viện để tránh tình trạng bệnh nhân tìm kiếm các bệnh viện khác. Ngoài ra, khi người bệnh ở tại bệnh viện, bác sĩ và y tá có thể kiểm soát hành vi tự gây bệnh có tính chất nguy hiểm như tiêm thuốc, tiêm chất độc vào cơ thể.
  • Liệu pháp tâm lý: Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị chứng rối loạn giả bệnh. Mục đích của liệu pháp này là giải tỏa stress và cải thiện kỹ năng đối đầu, vượt qua những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Trong trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời trầm cảm và rối loạn lo âu, liệu pháp tâm lý giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn chặn kịp thời ý nghĩ, hành vi tự sát.
  • Sử dụng thuốc: Thuốc thường được sử dụng để cải thiện các triệu chứng thể chất do bệnh nhân cố ý gây ra. Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời với các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Quá trình điều trị chứng rối loạn giả bệnh diễn ra rất khó khăn và đôi khi không đạt được kết quả như mong muốn. Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị gia đình cùng tham gia trị liệu để được hiểu rõ tâm lý của người bệnh, từ đó biết cách chăm sóc và cư xử phù hợp để tránh tình trạng bệnh nhân nổi giận và tìm kiếm bệnh viện khác.

Rối loạn giả bệnh là một dạng rối loạn tâm thần có mức độ nặng, chẩn đoán và điều trị còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân thường có đáp ứng tốt và có thể quay trở lại cuộc sống như bình thường.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *