Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi: Nguyên nhân và khắc phục
Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến và thường có liên quan đến xung đột trong gia đình, con cái ít quan tâm, chia sẻ,… Khác với người trẻ tuổi, thể chất và tinh thần của người già rất dễ suy sụp. Nếu gia đình không chú ý đến những biểu hiện bất thường, người cao tuổi rất dễ mắc phải các vấn đề về tâm lý.
Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi là gì?
Khủng hoảng tâm lý được hiểu là tình trạng tâm lý không ổn định, thay đổi đột ngột và khó kiểm soát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn khủng hoảng tâm lý đều xảy ra do sau khi đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như tai nạn, mất người thân, vỡ nợ, bị bắt cóc, lạm dụng tình cảm,… Ngoài ra, tuổi tác cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ khủng hoảng tâm lý.
Thực tế cho thấy, khủng hoảng thường xảy ra ở trẻ trong tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, sau sinh và người cao tuổi. Đây đều là những giai đoạn cơ thể có sự thay đổi đột ngột về tâm sinh lý. Yếu tố này khiến cho tâm lý trở nên nhạy cảm và khó tránh khỏi tình trạng bất ổn.
Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến. Khi đối mặt với tuổi già, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu suy giảm khả năng hoạt động và vì vậy tinh thần cũng sa sút ít nhiều. Lúc còn trẻ, chúng ta dễ dàng vực dậy và vượt qua những chuyện không vui trong cuộc sống. Tuy nhiên với người cao tuổi, họ dễ bị tổn thương vì những chuyện rất nhỏ và có thể suy sụp nếu cuộc sống không diễn ra theo đúng mong muốn.
Con cái hầu như chỉ quan đến sức khỏe thể chất mà quên mất người cao tuổi cũng cần được chăm sóc về tinh thần. Những khủng hoảng về mặt tâm lý ở người già cần được quan tâm kịp thời để tránh những hậu quả về lâu dài. Người già thường khó tính, tâm lý bất ổn, khó chiều nhưng sẽ nhanh chóng lấy lại sự lạc quan, vui vẻ nếu được con cái chăm sóc và thấu hiểu.
Biểu hiện khủng hoảng tâm lý ở người già
Khủng hoảng tâm lý ở người già có biểu hiện khá đa dạng. Một số người chỉ có dấu hiệu stress, dễ buồn bã và bi quan. Tuy nhiên, cũng có không ít cụ ông cụ bà rơi vào trạng thái u uất, cáu kỉnh, buồn rầu, tuyệt vọng và mất hoàn toàn hy vọng vào cuộc sống. Để tránh những hậu quả về lâu dài, gia đình cần nhận biết sớm khủng hoảng tâm lý thông qua các biểu hiện sau:
- Khó tính, không vừa ý với tất cả mọi thứ trong cuộc sống.
- Người già bị khủng hoảng tâm lý thường trách móc con cái nhưng lại không hề cảm thấy dễ chịu với điều này. Sau khi la mắng con cháu, họ thường khép mình và ít khi trò chuyện, chia sẻ với người thân.
- Tâm trạng bất ổn, dễ cáu gắt và bực dọc. Thậm chí, nhiều người cao tuổi rất dễ nổi nóng vì những sự việc không quá nghiêm trọng.
- Suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống hiện tại và tương lai.
- Một số người già thường hay đề cập đến cái chết vì không còn hy vọng hay niềm vui trong cuộc sống.
- Nếu cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn và xung đột, người già rất dễ bị căng thẳng, lo lắng vì luôn nghĩ cho con cho cháu.
- Ít khi vui vẻ, tâm trạng buồn bã, cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng, ăn ngủ không ngon và ít giao tiếp với mọi người.
Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi là khởi đầu của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. So với người trẻ, người già rất dễ bị suy sụp do tất cả các cơ quan đều đang trong quá trình thoái hóa. Vì cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều suy giảm nên gia đình cần dành sự quan tâm đặc biệt cho bố mẹ, ông bà để họ có thể giữ được tinh thần sống lạc quan.
Nguyên nhân gây ra khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi
Ngoài yếu tố tuổi tác, khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Xác định được nguyên nhân sẽ giúp cho gia đình nắm bắt rõ tâm lý và có biện pháp khắc phục phù hợp.
Các nguyên nhân gây ra khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi:
1. Cuộc sống cô đơn, con cái ít quan tâm
Trong khi người cao tuổi thường dành nhiều thời gian ở nhà thì con cái, cháu chắt phải bận rộn với công việc, học tập và các hoạt động giải trí, vui chơi. Cuộc sống cô đơn khiến cho người già trở nên chán nản, bi quan và hình thành những suy nghĩ tiêu cực.
Hơn nữa, giữa các thế hệ bao giờ cũng có khoảng cách nhất định và bản thân người già không thể bắt kịp xu hướng của cuộc sống. Điều này khiến cho không ít người hình thành suy nghĩ bản thân bị tụt hậu, cô đơn và lạc lõng.
Khác với người trẻ, người già không thể chủ động trong việc đi lại do vấn đề sức khỏe và phạm vi các mối quan hệ cũng hạn chế. Người cao tuổi gần như chỉ có thể trò chuyện với con cháu nên việc tất cả mọi người đều bận rộn khiến người cao tuổi dễ bị khủng hoảng tâm lý.
2. Do không còn khả năng lao động
Do tuổi tác cao nên người già không thể lao động để tạo thu nhập cho gia đình. Nếu như cuộc sống gia đình khó khăn, người cao tuổi rất dễ bị căng thẳng và tự trách bản thân vì không giúp ích được cho gia đình, ngược lại còn trở thành gánh nặng của con cái.
Ngoài ra, nhiều người già có cuộc sống đủ đầy cũng có thể bị khủng hoảng tâm lý do cảm thấy mất đi động lực vì không còn được làm việc, cống hiến. Tình trạng này gặp nhiều ở những người có tri thức, đam mê với công việc và muốn dành hết năng lực của bản thân để giúp ích cho xã hội.
3. Lo lắng về sức khỏe của bản thân
Đa phần người già đều có các vấn đề về sức khỏe mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn giấc ngủ, viêm khớp,… Ngoài những ảnh hưởng về thể chất, các bệnh lý này cũng khiến cho tinh thần của người cao tuổi bị suy sụp. Nhiều khảo sát cũng đã cho thấy, phần lớn người bị trầm cảm và rối loạn lo âu đều mắc các chứng bệnh không thể điều trị như ung thư, các bệnh rối loạn miễn dịch, tim mạch và tiểu đường.
Nếu liên tục đối mặt với cơn đau và những triệu chứng do các bệnh lý này gây ra, người già khó lòng giữ được thái độ sống lạc quan, vui vẻ. Trong trường hợp gia đình neo người, con cháu quá bận rộn với công việc và học tập, người già rất dễ bị khủng hoảng tâm lý và gặp phải hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác.
4. Xung đột, mâu thuẫn gia đình
Niềm hạnh phúc nhất của người cao tuổi là con cháu khỏe mạnh, hòa thuận và có cuộc sống đủ đầy. Nếu gia đình xảy ra xung đột và mâu thuẫn, tâm lý của người già sẽ rất dễ bị suy sụp. Thực tế, bất đồng là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, rất nhiều người không biết cách xử lý khiến cho không khí trong gia đình trở nên nặng nề và mệt mỏi.
Người tổn thương nhất trong các cuộc cãi vã, xung đột chính là con trẻ và người cao tuổi. Người già có hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nên khi thấy con cái bất hòa, họ khó có thể giữ được sự vui vẻ và lạc quan – đặc biệt là khi anh chị em ruột trong nhà mâu thuẫn về tiền bạc, lợi ích. Đây chính là điều khiến người cao tuổi trăn trở, buồn phiền dẫn đến khủng hoảng tâm lý.
5. Cuộc sống có nhiều thay đổi sau khi nghỉ hưu
Kết thúc một khoảng thời gian dài làm việc, người già sẽ được nghỉ ngơi và quây quần bên con cháu. Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột trong cuộc sống sau khi nghỉ hưu chính là yếu tố gây ra sự bất ổn về mặt tâm lý. Nếu như trước đây họ bận rộn với công việc thì giờ đây, người già phải lủi thủi một mình trong nhà vì con cháu đều bận rộn.
Với những người đã quen với sự bận rộn, cuộc sống nhàn hạ có thể gây ra sự nhàm chán và trống rỗng. Không ít người cảm thấy bản thân vô dụng và không có giá trị sau khi nghỉ hưu. Nếu gia đình không chú ý đến tâm trạng của người già, bản thân họ sẽ phải đối mặt với khủng hoảng và nhiều vấn đề về tâm lý. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất.
Hậu quả của khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi
Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến. Nếu được gia đình quan tâm và chia sẻ, những bất ổn về tâm lý ở người già sẽ được tháo gỡ, họ sẽ nhanh chóng lấy lại sự lạc quan và vui vẻ trong cuộc sống. Ngược lại, tâm lý bất ổn kéo dài sẽ gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Khủng hoảng tâm lý gây ra những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, lo lắng, căng thẳng, bi quan,… Những cảm xúc này khiến người già mất đi niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống. Về lâu dài, suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực kết tinh dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe như trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần, rối loạn giấc ngủ, cao huyết áp, thiếu máu não,…
Sau khi về hưu, người già đáng ra phải được sống hạnh phúc, vui vẻ bên con cháu thì giờ đây, thứ họ phải đối mặt hằng ngày là sự cô đơn, buồn chán và trống rỗng. Nếu có sẵn các vấn đề sức khỏe mãn tính, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bị khủng hoảng tâm lý. Trường hợp xấu nhất, người cao tuổi có thể hình thành ý nghĩ và thực hiện hành vi tự sát vì không còn hy vọng trong cuộc sống.
Cách khắc phục khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi
Người cao tuổi có tâm lý khá nhạy cảm do cơ thể đang đối mặt với quá trình lão hóa. Những phiền toái trong cuộc sống hằng ngày cộng với việc cô đơn, con cháu ít quan tâm và chia sẻ khiến nhiều người già bị khủng hoảng tâm lý. Do đó, gia đình cần phải quan tâm đặc biệt đến người cao tuổi, đặc biệt là người có sức khỏe kém và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính.
Các biện pháp giúp người già vượt qua khủng hoảng tâm lý:
1. Kết bạn với những người cao tuổi khác
Cuộc sống bận rộn khiến con cái không thể dành nhiều thời gian ở bên cạnh ông bà, bố mẹ. Để tránh tâm trạng cô đơn và buồn bã, gia đình nên khuyến khích người cao tuổi kết bạn với những người bạn đồng trang lứa sống gần đó. Khi có bạn bè, các cụ ông cụ bà sẽ cảm thấy bớt cô đơn và tìm được niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. Từ đó giúp người cao tuổi bình ổn tâm lý và vượt qua khủng hoảng.
Ngoài ra, gia đình cũng có thể cho người cao tuổi tham gia các câu lạc bộ trong khu phố để có thể giao lưu, kết bạn và trò chuyện. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ còn thiết kế nhiều chương trình để giúp người cao tuổi tìm được niềm vui và giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ.
2. Con cháu cần dành thời gian bên cạnh ông bà
Điều quan trọng nhất để giúp người già vượt qua khủng hoảng tâm lý là con cháu cần dành thời gian quan tâm và chia sẻ với ông bà, bố mẹ. Hơn ai hết, các cụ ông cụ bà luôn muốn nhìn thấy con cháu sum vầy và quây quần. Vì vậy dù có bận rộn như thế nào, gia đình cũng nên dành một chút ít thời gian vào cuối ngày để trò chuyện và tâm sự với ông bà, bố mẹ những chuyện xảy ra trong ngày.
Bên cạnh đó, nên dặn dò những người thân ở xa dành thời gian vào cuối tuần đến thăm ông bà, bố mẹ. Sự quan tâm của những người thân trong gia đình chính là nguồn động lực để người cao tuổi bỏ qua những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và cảm nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn.
Trong trường hợp gia đình có mâu thuẫn, tranh cãi, nên tìm cách giải quyết hợp lý nhất. Nếu giữa các thành viên không có sự thống nhất, nên nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư hoặc chuyên gia tâm lý. Tất cả mọi việc cần được xử lý thấu đáo để không khí gia đình nhanh chóng bình thường trở lại.
Có thể nói, mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình chính là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của người già. Khi tất cả thành viên trong gia đình hòa thuận và vui vẻ, tâm lý của người cao tuổi sẽ dần được cải thiện. Ngược lại, xung đột sâu sắc không được hóa giải sẽ khiến cho tình trạng khủng hoảng tâm lý trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Tham gia các hoạt động thể dục thể thao
Người già phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần. Chính vì vậy, gia đình cần khuyến khích họ tập thể dục thường xuyên. Tốt nhất, người thân trong nhà nên dậy sớm để tập thể dục cùng các cụ ông cụ bà. Đối với người cao tuổi, các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thái cực quyền,… rất tốt đối với sức khỏe.
Ngoài việc nâng cao thể chất và kiểm soát các triệu chứng do bệnh mãn tính gây ra, tập thể dục cũng là cách giải tỏa tâm trạng và nạp lại năng lượng tích cực. Thói quen tập thể dục hằng ngày giúp người cao tuổi thư giãn đầu óc và tinh thần thoải mái hơn. Đặc biệt, thói quen này còn giúp cải thiện giấc ngủ và tạo cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
4. Cùng người thân làm các công việc gia đình nhẹ nhàng
Bản thân người già hay có suy nghĩ bản thân vô dụng và trở thành gánh nặng của gia đình. Thay vì chăm sóc quá mức, gia đình nên nhờ cụ ông cụ bà giúp một số việc nhẹ nhàng như quét nhà, nêm nếm thức ăn, chăm sóc cây cối,… Những công việc này vừa giúp cải thiện sức khỏe vừa tạo cho người già tâm lý thoải mái và tự tin hơn trong cuộc sống.
Thay vì tự mình quyết định những việc quan trọng, con cháu cũng nên tham khảo ý kiến của người cao tuổi trong gia đình. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn và cũng giúp cho họ cảm thấy bản thân có ích. Chỉ với những hành động rất nhỏ, gia đình có thể giúp người cao tuổi giải tỏa tâm lý và lấy lại tinh thần lạc quan, vui vẻ,…
5. Động viên người già thăm khám và điều trị các vấn đề sức khỏe
Một trong những nguyên nhân khiến người cao tuổi bị khủng hoảng tâm lý là do mắc phải các vấn đề sức khỏe mãn tính. Bên cạnh việc quan tâm và chia sẻ, gia đình nên khuyến khích cụ ông cụ bà thăm khám thường xuyên và tích cực trong quá trình điều trị.
Hiện tại, y học vẫn còn khá nhiều hạn chế. Mặc dù vậy, việc điều trị sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với các bệnh nan y có tiên lượng xấu, gia đình nên xem xét liệu pháp tâm lý để nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân và người nhà. Tâm lý thoải mái sẽ giúp người cao tuổi đón nhận cuộc sống một cách tích cực và trọn vẹn hơn dù đang phải chống chọi với bệnh tật.
Khủng hoảng tâm lý là tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống nếu để kéo dài. Chính vì vậy, con cháu trong gia đình cần có sự quan tâm đúng mực đối với ông bà, bố mẹ để họ giữ được tinh thần lạc quan và vui vẻ.
Có thể bạn quan tâm
- Suy nhược cơ thể người già và những điều cần lưu ý
- Cảnh giác với chứng rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
- Stress ở người già: Nguyên nhân và cách điều trị an toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!