Hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia): Làm sao vượt qua?
Hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia) là một bệnh tâm lý thuộc rối loạn lo âu xã hội. Nó khiến người bệnh lo sợ, hoảng loạn khi tiếp nhận một cuộc điện thoại.
Hội chứng sợ gọi điện thoại là gì?
Hội chứng sợ gọi điện thoại hoặc nghe điện thoại (Telephobia) thể hiện qua việc một người cảm thấy lo lắng, sợ hãi cực độ khi phải nghe, hoặc tham gia vào một cuộc nói chuyện qua điện thoại.
Đây được xem là một loại bệnh tâm lý thuốc nhóm rối loạn lo âu xã hội (social anxiety). Trạng thái lo lắng và sợ hãi nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân.
Người mắc Telephobia có xu hướng né tránh, sợ hãi, lo lắng bất thường, tỏ ra khó chịu, và đau khổ khi phải liên lạc qua điện thoại.
Hội chứng này không ảnh hưởng đến việc sử dụng thiết bị. Người bệnh chỉ hoảng loạn khi phải gọi hoặc trò chuyện, còn với mục đích khác thì không bị ảnh hưởng.
Hội chứng sợ gọi điện thoại là một trong những hội chứng lạ lùng liên quan đến thiết bị này. Ngoài ra, chúng ta còn có hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh (Nomophobia)
Xem thêm: Hội Chứng Sợ Hãi Khi Không Có Điện Thoại Bên Cạnh (Nomophobia)
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ gọi điện thoại
Một số nguyên nhân phổ biến thường được cho là gây ra hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia) bao gồm:
1. Sợ người gọi
Người gọi được xem là mối đe dọa của các bệnh nhân. Có thể trong quá khứ, những người gọi đến từng khiến bệnh nhân ám ảnh và sang chấn tâm lý.
Với những cuộc gọi số lạ, bệnh nhân không biết đầu dây bên kia là ai. Điều này làm tăng thêm sự lo lắng và sợ hãi. Những cuộc gọi đến bất ngờ, khiến bệnh nhân rơi vào tâm lý lo lắng khó tả.
Người bệnh sẽ thường cảm thấy lo lắng khi nhấc máy và tiếp nhận một cuộc gọi đến. Đồng thời, khi gọi cho một ai đó và chờ họ bắt máy cũng khiến bệnh nhân sợ hãi.
2. Sợ thông tin của cuộc gọi
Đây là nguyên nhân phổ biến hơn dẫn đến hội chứng sợ gọi điện thoại. Có thể bệnh nhân đã từng nhận cuộc gọi với thông tin xấu, hoặc mang tính đe dọa.
Những cuộc gọi mang đến thông tin gây sốc rất dễ gây ám ảnh cho người nghe. Họ lo lắng phải nghe được những điều tiêu cực, nên không dám bắt máy.
Ngoài ra, nhiều người khởi phát hội chứng này sau khi bị khủng bố, làm phiền, đùa giỡn, chơi khăm,… qua điện thoại. Hành vi này khiến họ bị căng thẳng stress
3. Sợ tiếng chuông điện thoại/ Âm thanh khi gọi
Tiếng chuông điện thoại cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng này. Một số người rất nhạy cảm với âm thanh, thế nên tiếng chuông đột ngột có thể khiến người bệnh hoảng sợ.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc hội chứng sợ điện thoại cũng có thể do sợ âm thanh, hoặc giọng nói phát ra từ thiết bị. Họ cảm thấy như việc phải nghe giọng nói qua loa như một sự tra tấn tinh thần.
4. Sợ mất kiểm soát trong diễn đạt
Có nhiều người không thể tự tin khi nói chuyện gián tiếp qua một vật nào đó. Họ cảm thấy không thể truyền đạt hết được những suy nghĩ và mong muốn của mình cho đối phương hiểu.
Việc thiếu tự tin khi giao tiếp dẫn đến sự mất kiểm soát trong việc diễn đạt. Người bệnh trở nên lúng túng, lắp bắp và hay lặp lại. Chính đều này dẫn đến việc sợ hãi.
Tình trạng mất kiểm soát còn xảy ra mạnh mẽ hơn khi bệnh nhân phải nói chuyện điện thoại với một người quan trọng như cấp trên, đối tác, khách hàng, người phỏng vấn,…
5. Sợ bị đánh giá, phán xét
Quan tâm quá mức đến suy nghĩ của người khác cũng gây ra hội chứng sợ gọi điện thoại. Nhiều người lo lắng trò chuyện gián tiếp không trôi chảy sẽ khiến đầu dây bên kia đánh giá thấp họ.
Ngoài ra, trong quá trình nói chuyện điện thoại sẽ có những khoảng lặng. Tức là hai người không biết làm sao nối tiếp câu chuyện và cùng im lặng.
Điều này cũng gây ám ảnh cực độ cho người bệnh. Họ sợ rằng người kia sẽ cảm thấy chán khi nói chuyện, cảm thấy khả năng giao tiếp của mình kém.
Dấu hiệu của hội chứng sợ gọi điện thoại
Khi nói chuyện qua điện thoại, có thể nhận thấy bệnh nhân nhút nhát và tự ti hơn hẳn. Trong khi ngoài thực tế, họ có thể là người rất lanh lợi và hoạt ngôn.
Người bệnh nói chuyện không rõ ràng và không kiểm soát được lời nói của mình. Một số những biểu hiện thường thấy của một người mắc hội chứng Telephobia bao gồm:
- Tìm mọi lý do để tránh né cuộc gọi.
- Cố tình không bắt máy hoặc gọi lại sau.
- Luôn để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc không làm phiền.
- Luôn dùng hình thức nhắn tin thay vì gọi.
- Cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện nhanh chóng.
- Hay suy nghĩ và băn khoăn về những gì vừa nói.
- Sợ người khác hiểu sai ý.
- Tim đập nhanh khi nghe điện thoại.
- Tay chân run rẩy, đổ mồ hôi.
- Buồn nôn, khó thở.
- Khô miệng.
- Lo lắng không ngừng
Những biểu hiện này thường thấy ở những người mắc hội chứng sợ gọi điện thoại. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở người bình thường do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Do đó người bệnh nên đến gặp bác sĩ, hoặc chuyên gia tâm lý để được đánh giá chính xác nhất.
Cách vượt qua hội chứng sợ gọi điện thoại
Bệnh nhân không cần né tránh vì hiện nay, có nhiều cách có thể giúp họ vượt qua hội chứng sợ điện thoại.
1. Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Phương pháp trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi được đánh giá khá cao, và được áp dụng cho nhiều loại bệnh của rối loạn lo âu. Trong đó bao gồm hội chứng sợ điện thoại.
Đầu tiên cần xác định rõ nguyên nhân của nỗi sợ. Khi các bác sĩ biết rõ được vấn đề xuất phát từ đâu, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Sau khi xác định được vấn đề, người bệnh sẽ được tư vấn những kỹ năng để có thể đối phó và chống lại nỗi sợ của bản thân.
Việc luyện tập các kỹ năng để đối phó nỗi sợ, cũng sẽ bao gồm việc bệnh nhân tiếp xúc nhiều hơn với các tình huống liên quan đến điện thoại.
2. Liệu pháp tiếp xúc giúp điều trị hội chứng sợ gọi điện thoại
Liệu pháp tiếp xúc buộc người bệnh đối mặt với nỗi sợ hãi của mình và chống trả nó. Quá trình này có thể thực hiện trong thời gian dài để tiến bộ dần.
Nếu việc nói chuyện với người lạ quá khó khăn, vậy hãy bắt đầu từ những người thân thiết gần gũi để dần lấy lại sự tự tin. Người bệnh có thể bắt đầu bằng những mẩu chuyện ngắn và nhỏ, những câu giao tiếp thông thường đơn giản.
Sau khi đã quen với việc nói chuyện với người quen, để ngừng được hoàn toàn nỗi sợ, bệnh nhân cần thực hành với cả người lạ.
Việc này ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng dần bệnh nhân sẽ dạn dĩ và không còn thấy sợ hãi nữa. Có thể tập luyện bằng cách gọi cho một nhà hàng để đặt bàn, đặt đồ ăn, hỏi thăm về giờ mở cửa, đóng cửa,…
3. Giữ thái độ bình tĩnh và vui vẻ
Bạn cần tự trấn an bản thân, và khiến cơ thể thoải mái bình tĩnh hơn trước khi nghe máy. Hãy cố gắng xây dựng cho mình một tinh thần ổn định và bình tĩnh trước mọi tình huống.
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện qua điện thoại, hãy cố gắng nghĩ vui vẻ và tích cực, điều này sẽ vô thức khiến hành vi của bạn cũng bình tĩnh theo.
Đừng suy nghĩ và tưởng tượng ra những thứ nghiêm trọng vì nó chỉ khiến tâm trạng xấu đi. Khi giọng điệu của bạn vui vẻ, đối phương cũng có thể cảm nhận thấy điều đó.
4. Soạn ý khi nói chuyện
Nếu lo lắng khi không biết phải nói gì, hoặc quá căng thẳng dẫn đến truyền đạt không đầy đủ và lủng củng, vậy hãy tập ghi ra những ý chính.
Ghi chú thông tin giúp khắc phục tình trạng lo sợ, căng thẳng khi nói chuyện điện thoại. Bạn nên tập thói quen này với cuộc gọi quan trọng, đối tác làm ăn, đồng nghiệp, các vấn đề về công việc,…
Ghi chú trước sẽ giúp đảm bảo được chất lượng của buổi nói chuyện. Đồng thời, cũng hạn chế được những “khoảng lặng” khiến bệnh nhân hoảng sợ.
5. Tập hít thở
Tập hít thở cũng là một phương cách giúp việc khắc phục tình trạng sợ gọi điện thoại được hiệu quả hơn.
Khi hỏng sợ, bệnh nhân có xu hướng thở dốc và mạnh dẫn đến việc mất bình tĩnh và hoảng loạn. Việc tập luyện thở đều và chậm sẽ giúp cơ thể được thư giãn.
Cố gắng tập hít thở và điều chỉnh nhịp độ thở trước, trong và sau khi thực hiện cuộc gọi. Hít thở điều độ cũng giúp bản thân được tập trung hơn.
Do đó, hãy cố gắng hít sâu từ 5-10 lần trước khi bắt đầu một cuộc gọi. Điều này giúp cơ thể và cả suy nghĩ được thư giãn hoàn toàn, tránh các sự tiêu cực, phóng đại sẽ ảnh hưởng đến việc bình tĩnh.
Sau mỗi cuộc gọi, cần cách nhau vài phút để tinh thần được ổn định trở lại. Không thực hiện cuộc gọi liên tục và dồn dập, cần có khoảng nghỉ để giảm bớt lo lắng và cải thiện hiệu suất.
Hãy cố gắng gợi nhớ lại cảm giác thoải mái, thành công sau một cuộc điện thoại tích cực, và giữ nó cho những cuộc gọi tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
- Nỗi ám ảnh sợ quá khứ và cách vượt qua
- Sốc Tâm Lý Vì Nỗi Đau Mất Người Thân Và Cách Giúp Bạn Vượt Qua
- Trầm cảm do mạng xã hội – Thực trạng đáng báo động ở giới trẻ
- Bài test kiểm tra mức độ rối loạn lo âu chính xác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!