Hội chứng sợ rắn (Ophidiophobia): Ám ảnh tột độ khi gặp rắn

Hội chứng sợ rắn khó phát hiện hơn so với các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác. Bởi về cơ bản, rắn là loài động vật chứa nọc độc gây chết người nên bất cứ ai cũng đều có cảm giác sợ hãi đáng kể khi gặp phải. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hội chứng này và cách nhận diện chính xác.

hội chứng sợ rắn là gì
Hội chứng sợ rắn (Ophidiophobia) đề cập đến nỗi sợ quá mức và ám ảnh về các loài rắn

Hội chứng sợ rắn (Ophidiophobia) là gì?

Rắn là loài động vật nguy hiểm do có chứa nọc độc trong vết cắn. Mặt khác, ngoại hình đáng sợ cũng là lý do khiến rất nhiều người sợ hãi khi nhìn thấy loài động vật này. Nếu nỗi sợ đi kèm với cảm giác ám ảnh tột độ, đây có thể là biểu hiện của hội chứng sợ rắn.

Hội chứng sợ rắn (Ophidiophobia) là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu thuộc nhóm rối loạn lo âu. Hội chứng này đề cập đến rối loạn tâm lý mà người bệnh có nỗi sợ quá mức, không thể kiểm soát về các loài rắn (bao gồm cả những loài rắn không có độc).

Nỗi sợ được xác định là quá mức khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Đa phần những người mắc hội chứng này đều có trải nghiệm tiêu cực về rắn khi còn thơ ấu. Chính trải nghiệm này khiến cho não bộ phát sinh cảm giác sợ hãi, lo lắng tột độ khi gặp phải tình huống tương tự.

Cảm giác sợ hãi thông thường hoàn toàn khác biệt so với hội chứng sợ rắn. Dù vậy, việc phần đông mọi người đều có ác cảm và lo lắng khi nhìn thấy loài động vật này vô tình gây ra khó khăn trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Nhận diện hội chứng sợ rắn

Đặc điểm chung của các rối loạn ám ảnh sợ hãi là nỗi sợ không thể kiểm soát. Cảm giác sợ tột cùng được kích hoạt ngay khi nghĩ đến hoặc nhìn thấy loài rắn. Bên cạnh biểu hiện về tâm lý – tâm thần, hội chứng này còn gây ra một số triệu chứng thể chất kèm theo.

hội chứng sợ rắn là gì
Người mắc chứng Ophidiophobia luôn tìm cách né tránh những tình huống có sự xuất hiện của rắn, trăn (kể cả những loài vô hại)

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ rắn:

  • Luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng tột độ khi nghĩ về loài rắn.
  • Sợ hãi kinh hoàng, đổ mồ hôi, run rẩy… khi nhìn thấy rắn, thậm chí là các hình ảnh và video clip về loài động vật này.
  • Né tránh các tình huống có thể nhìn thấy rắn như đi công viên, sở thú, leo núi… Thậm chí, né tránh cả những cuộc nói chuyện liên quan đến các loài rắn.
  • Hoạt động hằng ngày bị giới hạn do nỗi sợ về rắn. Chẳng hạn như từ chối leo núi, khám phá rừng nhiệt đới… cùng bạn bè vì lo sợ sẽ gặp rắn, không thể thưởng thức bộ phim vì biết trước nội dung sẽ có sự xuất hiện của các loài rắn…

Khi đối mặt với những tình huống như gặp rắn thật, nhìn thấy hình ảnh rắn trên điện thoại, TV hoặc thậm chí là nghĩ về rắn… cảm giác sợ hãi tột độ sẽ xuất hiện. Cùng với nỗi sợ và sự lo lắng quá mức là một loạt các triệu chứng thể chất như:

  • Đổ mồ hôi
  • Đỏ bừng
  • Chóng mặt, nhức đầu
  • Khô miệng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Đau vùng thượng vị
  • Hơi thở nhanh
  • Thở gấp, hơi thở nông

Trong những tình huống này, cảm giác sợ hãi choán hết tâm trí, thôi thúc ý nghĩ chạy trốn. Vì vậy, phần lớn người mắc hội chứng sợ rắn thường có biểu hiện mất kiểm soát, tìm cách tháo chạy khỏi tình huống. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngất xỉu do sợ hãi quá mức.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ rắn

Cũng như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ rắn chưa được biết rõ. Nhiều khả năng hội chứng này là kết quả của trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Mặt khác, yếu tố di truyền, tính cách, môi trường sống… cũng có thể tham gia vào cơ chế bệnh sinh.

Ophidiophobia là gì
Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ có thể là gốc rễ gây ra nỗi sợ hãi và ám ảnh về loài rắn

Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia tin rằng hội chứng sợ rắn có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Di truyền: Các rối loạn lo âu thường có tính chất di truyền. Rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ rắn nói riêng có thể di truyền giữa những thành viên trong gia đình. Dù cơ chế chưa được biết rõ nhưng thực tế đã cho thấy, nguy cơ mắc hội chứng này tăng lên nếu bố hoặc mẹ có tiền sử.
  • Trải nghiệm trong quá khứ: Nỗi sợ quá mức về loài rắn có thể phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực như bị rắn cắn, người thân mất do rắn cắn… Từ trải nghiệm này, não bộ sẽ tự động tạo ra cảm giác sợ hãi, lo lắng tột độ trước những tình huống tương tự nhằm bảo vệ bản thân tránh khỏi nguy hiểm.
  • Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh: Trong nhiều trường hợp, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamin có thể là nguyên nhân dẫn đến việc khó kiểm soát nỗi sợ. Vì vậy, đây được xem là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ hình thành nỗi ám ảnh quá mức.
  • Ảnh hưởng của nền văn hóa: Trong nhiều nền văn hóa, hình tượng rắn bị gắn liền với sự xấu xa, dối trá. Quan niệm này vô tình tạo ra cảm giác sợ bị vấy bẩn và tạo ra hành vi né tránh, trốn chạy khi nhìn thấy loài động vật này.

Nhìn chung, hội chứng sợ rắn hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân cụ thể mà thường là kết quả do nhiều yếu tố tác động. Mặt khác, hội chứng này có thể đi kèm với nhiều vấn đề tâm lý – tâm thần như hội chứng sợ biển, hội chứng sợ động vật…

Hội chứng sợ rắn và những ảnh hưởng đối với cuộc sống

Khác biệt lớn nhất giữa cảm giác sợ hãi thông thường với hội chứng sợ rắn đó chính là ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống. Nỗi sợ sinh lý là cách để cơ thể cảnh báo những tình huống nguy hiểm, căng thẳng và chúng sẽ biến mất hoàn toàn sau khi rời khỏi tình huống đó.

Ngược lại, nỗi sợ bệnh lý thường kéo dài dai dẳng và dường như không thể kiểm soát. Cảm giác sợ hãi, lo lắng choán lấy hết tâm trí dẫn đến tình trạng stress kéo dài, tinh thần bứt rứt, khó tập trung hoàn toàn cho học tập và công việc.

Bên cạnh đó, những hành vi né tránh như không đến công viên, tham quan rừng nhiệt đới, sở thú… cũng làm giảm chất lượng cuộc sống, giới hạn trải nghiệm và ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ. Những người bị rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ rắn nói riêng thường có xu hướng sống khép kín, thiếu kỹ năng xã hội và giao tiếp.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ rắn hoàn toàn có thể hạn chế bằng cách phát hiện và điều trị sớm. Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng nhìn chung, nếu được can thiệp sớm nỗi sợ sẽ giảm đi đáng kể và không làm cản trở quá nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán hội chứng sợ rắn

Hội chứng sợ rắn là một vấn đề tâm lý nên các xét nghiệm cận lâm sàng dường như không có giá trị. Hội chứng này chủ yếu được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ cũng có thể khai thác các yếu tố nguy cơ để đưa ra chẩn đoán chính xác thông qua việc loại trừ những khả năng khác.

hội chứng sợ rắn là gì
Hội chứng sợ rắn được chẩn đoán dựa trên tiêu chí của Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5)

Các bước chẩn đoán hội chứng sợ rắn:

  • Hỏi bệnh (về triệu chứng, thời gian xuất hiện, ảnh hưởng đối với cuộc sống)
  • Khai thác tiền sử cá nhân, gia đình
  • Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các rối loạn tâm thần khác như rối loạn hoảng sợ, loạn thần, tâm thần phân liệt…

Như các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, chứng Ophidiophobia sẽ được chẩn đoán dựa trên Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5). Hội chứng này sẽ được chẩn đoán khi đáp ứng 7 tiêu chí sau:

  1. Nỗi sợ dai dẳng quá mức, thậm chí vô lý về loài rắn (ngay cả những tình huống không nguy hiểm như hình ảnh, video từ rắn…).
  2. Phản ứng lo lắng, sợ hãi xuất hiện lập tức ngay khi nhìn thấy rắn.
  3. Nhận ra nỗi sợ của bản thân là quá mức nhưng không thể nào kiểm soát dù đã rất cố gắng.
  4. Cảm thấy đau khổ, lo sợ kinh hoàng khi nhìn thấy rắn. Hoặc các hành vi né tránh tiếp xúc với loài động vật này (bao gồm cả hình ảnh, mô hình hoặc video về rắn).
  5. Các hành vi né tránh, cảm giác sợ hãi và lo lắng khi nhìn thấy rắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày. Chính bản thân người bệnh nhận thấy chất lượng cuộc sống giảm đi rõ rệt.
  6. Nỗi sợ quá mức về loài rắn kéo dài ít nhất 6 tháng.
  7. Nỗi sợ về rắn không liên quan đến các chẩn đoán khác như rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), ám ảnh sợ xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ…

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ rắn

Điều trị các vấn đề tâm lý – tâm thần hiện vẫn đang là một thách thức lớn đối với y học. Do căn nguyên chưa rõ ràng nên mức độ đáp ứng sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp.

Các phương pháp được cân nhắc cho các trường hợp bị hội chứng sợ rắn (Ophidiophobia):

1. Tâm lý trị liệu

Đa phần các trường hợp bị chứng sợ rắn đều từng có trải nghiệm tiêu cực về loài động vật này. Tâm lý trị liệu sẽ được can thiệp để từng bước gỡ bỏ vướng mắc về tâm lý, giảm nỗi sợ và cảm giác lo lắng quá mức. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng sẽ giúp thay đổi suy nghĩ và hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.

Ophidiophobia
Tâm lý trị liệu là phương pháp hiệu quả nhất đối với chứng Ophidiophobia tính đến thời điểm hiện tại

Các phương pháp tâm lý trị liệu có hiệu quả với chứng Ophidiophobia bao gồm:

  • Liệu pháp tiếp xúc: Bằng cách tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần, cảm giác sợ hãi, lo lắng quá mức khi nhìn thấy rắn dần sẽ được kiểm soát. Trong liệu pháp này, nhà trị liệu sẽ hướng dẫn các kỹ thuật giúp chế ngự nỗi sợ, giải tỏa căng thẳng trong những tình huống không mong muốn.
  • Liệu pháp thôi miên: Ở trạng thái thôi miên, suy nghĩ dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Liệu pháp này sẽ được cân nhắc thực hiện nhằm thay đổi những suy nghĩ sai lầm, cực đoan về loài rắn. Khi suy nghĩ thay đổi, cảm giác lo lắng, sợ hãi sẽ thuyên giảm rõ rệt.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): CBT có hiệu quả trong điều trị hội chứng sợ rắn và nhiều vấn đề tâm lý – tâm thần khác. Liệu pháp này tập trung vào việc loại bỏ suy nghĩ tiêu cực để thay đổi cảm xúc và hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.

Hạn chế của tâm lý trị liệu là thời gian thực hiện khá lâu nên đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của phương pháp còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của nhà trị liệu. Vì vậy, bạn nên tìm đến những địa chỉ trị liệu tâm lý uy tín để được hỗ trợ tốt nhất.

2. Liệu pháp hóa dược

Thuốc không thể làm giảm nỗi sợ quá mức về loài rắn. Tuy nhiên, dùng thuốc sẽ giúp giảm các triệu chứng thể chất, cải thiện tình trạng lo lắng, căng thẳng, mất ngủ… có liên quan đến hội chứng này.

Liệu pháp hóa dược hiếm khi được chỉ định đơn độc vì không có hiệu quả rõ ràng. Thuốc thường được dùng phối hợp với tâm lý trị liệu để đạt được kết quả khả quan nhất.

Ophidiophobia
Thuốc có thể được sử dụng để cải thiện tâm trạng và đẩy lùi các triệu chứng thể chất liên quan

Các loại thuốc được dùng trong điều trị hội chứng sợ rắn:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện tâm trạng, giảm tình trạng buồn rầu, u uất có liên quan đến hội chứng sợ rắn. Nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng là các chất ức chế serotonin có chọn lọc (SSRIs) vì độ an toàn cao và mang lại cải thiện khá rõ rệt.
  • Thuốc an thần, giải lo âu: Trong trường hợp quá căng thẳng, thuốc giải lo âu sẽ được sử dụng để giải tỏa tâm trạng và an thần gây ngủ. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ngắn hạn do nguy cơ lạm dụng cao.
  • Thuốc chẹn beta: Hiệu quả của thuốc chẹn beta đối với rối loạn ám ảnh cụ thể nói chung và hội chứng sợ rắn nói riêng vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhìn chung, thuốc chỉ được sử dụng để giảm các triệu chứng thể chất liên quan đến nỗi ám ảnh như tăng huyết áp, chóng mặt, tăng nhịp tim…

Bên cạnh việc dùng thuốc, nhà trị liệu sẽ hướng dẫn một số bài tập thư giãn, hít thở sâu để kiểm soát nỗi sợ và điều hòa huyết áp. Các bài tập này có thể thực hiện ngay trong tình huống gây ra sự sợ hãi nhằm giảm mức độ của các triệu chứng thể chất.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Hội chứng sợ rắn thường liên quan đến các yếu tố nội sinh và tác động tâm lý trong quá trình trưởng thành. Vậy nên, việc điều trị có thể không mang lại kết quả trong một sớm một chiều.

Ngoài các phương pháp y tế, nên kết hợp với lối sống khoa học để cân bằng thể chất và tinh thần. Một chế độ sống lành mạnh có thể không kiểm soát triệt để nỗi ám ảnh nhưng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị.

Các biện pháp hỗ trợ cho quá trình điều trị hội chứng sợ rắn bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là yoga và kỹ thuật thở bụng. Thói quen này không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn giúp ổn định tinh thần và giải tỏa stress hữu hiệu.
  • Lên kế hoạch ăn uống hợp lý, hạn chế rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích để tinh thần được thư giãn, cân bằng. Nếu có điều kiện, nên tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm cải thiện kỹ năng xã hội và mở rộng các mối quan hệ.
  • Stress có thể khiến cho hội chứng sợ rắn trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, nên giảm thiểu tối đa các tình huống căng thẳng trong công việc, các mối quan hệ…
  • Tập thói quen viết lại cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Bằng cách bộc lộ bản thân, tâm trạng bức bối, căng thẳng sẽ được giải tỏa đáng kể. Điều này giúp ích không nhỏ trong quá trình điều trị hội chứng sợ rắn và các vấn đề tâm lý khác.
  • Chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với những người xung quanh để được thấu hiểu và hỗ trợ. Bằng cách này, người mắc hội chứng sợ rắn có thể tránh được lối sống cô lập, thiếu tương tác với những người xung quanh.

Trong nhiều trường hợp, hội chứng sợ rắn không thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên, điều trị kịp thời và đúng cách có thể kiểm soát nỗi sợ đáng kể. Nếu nghi ngờ bản thân mắc phải hội chứng này, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ/ chuyên gia để được hỗ trợ kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *