Hội chứng sợ số 13 (Triskaidekaphobia) là gì? Điều cần biết

Từ việc né tránh con số 13 trong các sự kiện đến việc tòa nhà bỏ qua tầng 13, hội chứng sợ số 13 đã trở thành một phần của văn hóa đương đại và đời sống ngày nay. Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: liệu hội chứng này có thực sự đáng lo ngại?

Hội chứng sợ số 13 (Triskaidekaphobia) là gì?

Hội chứng sợ số 13 (Triskaidekaphobia) là một nỗi sợ hãi vô lý tồn tại trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở phương Tây khi con số này được coi là không may mắn, bất hạnh. Nhiều nơi né tránh hoàn toàn sự xuất hiện của con số này ở khách sạn, nhà nghỉ, xe buýt hay đường phố ở nhiều nước.

hội chứng sợ số 13 là gì
Nhiều quốc gia trên thế giới không đặt số 13 ở khắp các địa điểm

Ở một số quốc gia như Na Uy và Đức, con số này còn được xem là biểu tượng của điều xấu và liên quan đến các câu chuyện thần thoại. Nó còn mở rộng sang thứ Sáu ngày 13, được gọi là paraskevidekatriaphobia.

Nguồn gốc của hội chứng sợ số 13

Hội chứng sợ số 13 bắt nguồn từ những niềm tin lâu đời và truyền thuyết xa xưa. Một trong những nguồn gốc sớm nhất là từ Bộ luật Hammurabi của Babylon (năm 1760 TCN) mà trong đó số 13 bị bỏ qua. Ngoài ra, trong Kitô giáo, con số này được xem là không may mắn khi bữa Tiệc Ly cuối cùng của Chúa Jesus có 13 người và kẻ phản bội Judas là người thứ 13. Từ đó, số 13 dần trở thành biểu tượng của sự không may mắn.

Trong thần thoại Bắc Âu, vị thần Loki là người thứ 13 xuất hiện trong một bữa tiệc, dẫn đến cái chết của thần Balder. Sự xuất hiện của số 13 trong những sự kiện mang tính chết chóc này đã làm củng cố thêm nỗi sợ hãi của con người đối với con số này.

nguồn gốc hội chứng sợ số 13
Chúa Jesus trong bữa Tiệc Ly trước khi bị kẻ phản bội thứ 13 chỉ điểm cho lính La Mã

Nhiều sự kiện lịch sử cũng góp phần làm gia tăng nỗi sợ hãi về con số này. Chúng đã gắn kết thêm mối liên hệ giữa số 13 và sự không may mắn trong tâm trí con người.

  • Tàu vũ trụ Apollo 13 gặp sự cố khi đang trên hành trình và suýt nữa đã trở thành một thảm họa (13/ 4/1970)
  • Sự qua đời của Công nương Diana đã xảy ra tại các trụ cột thứ 13 của đường hầm Pont de l’Alma
  • Vào thứ Sáu, ngày 13/10/1307, các Hiệp sĩ Templar bị bắt giữ theo lệnh của vua Philip IV của Pháp
  • Trong Kinh Thánh, người Israel đã diễu hành 13 lần quanh thành Jericho trước khi các bức tường của thành này sụp đổ, sự kiện này được ghi lại trong sách Joshua 6:3 – 4.
  • Năm 2012, ngành công nghiệp xe hơi Ireland lo ngại việc có biển số xe “13” sẽ ảnh hưởng đến doanh số nên thay đổi hệ thống biển số thành “131” và “132” để khắc phục vấn đề này.

Triệu chứng của hội chứng sợ số 13

Hội chứng sợ số 13 gây ra những triệu chứng về tâm lý và ảnh hưởng lớn tới thể chất, khiến người mắc phải gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Khi tiếp xúc với bất kỳ thứ gì liên quan đến số 13, người bệnh có biểu hiện rõ ràng sau đây:

triệu chứng hội chứng sợ số 13
Người mắc chứng sợ Triskaidekaphobia thường bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng
  • Trở nên lo lắng, sợ hãi cực độ khi nhìn thấy hay nghe về số 13
  • Tránh mọi thứ liên quan đến số 13 như tầng nhà, số phòng và hoạt động nhiều vào ngày 13
  • Bị ám ảnh với những suy nghĩ tiêu cực, lo sợ điều không may xảy ra khi chúng liên quan đến con số này
  • Cảm thấy bất an, khó chịu khi phải làm việc, tham gia hoạt động vào ngày 13
  • Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp rõ rệt
  • Khó thở, đổ mồ hôi và chóng mặt khi vừa nhìn thấy con số 13
  • Đau đầu, buồn nôn và cảm giác rùng mình khi nghĩ đến và gặp phải số 13

Tác hại của hội chứng sợ số 13

Từ những vấn đề nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày đến khó khăn lớn trong công việc và các mối quan hệ, hội chứng Triskaidekaphobia có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều rắc rối không mong muốn.

hội chứng sợ số 13
Hội chứng sợ số 13 khiến bệnh nhân lỡ mất những địa điểm và sự kiện thú vị trong đời sống
  • Người mắc phải hội chứng buộc phải tránh né nhiều hoạt động, sự kiện và vuột mất cơ hội do sợ số 13.
  • Lo lắng liên tục về số 13 có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi và suy giảm hệ miễn dịch
  • Việc tránh giao tiếp với những người, sự kiện liên quan đến số 13 khiến người bệnh khó duy trì các mối quan hệ xã hội.
  • Nỗi sợ này có thể làm giảm khả năng tập trung và hiệu quả làm việc, đặc biệt trong các công việc liên quan đến số liệu, thống kê.
  • Người bệnh có thể phải thay đổi ngày sinh trong các tài liệu chính thức, điều này có thể gây rắc rối và mất thời gian.
  • Các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến số 13 có thể gặp trở ngại doanh số do sự e ngại của người tiêu dùng.
  • Sự e ngại quá mức về số 13 có thể dẫn đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa không cần thiết, gây thêm căng thẳng và phiền phức.

Cách xử lý và kiểm soát hội chứng sợ số 13

Tuy hội chứng sợ số 13 có thể gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống hàng ngày, nhưng có những phương pháp hiệu quả để kiểm soát và xử lý vấn đề này.

1. Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc là một phương pháp được chứng minh là có hiệu quả trong việc xử lý hội chứng sợ số 13. Phương pháp này được thực hiện từ từ và có kiểm soát khi bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố liên quan đến con số này. Từ đó người bệnh dần dần làm quen và giảm bớt sự sợ hãi.

cách chữa hội chứng sợ số 13
Chuyên gia tâm lý có thể giúp bệnh nhân vượt qua sợ hãi bằng liệu pháp tiếp xúc

Hơn nữa, quá trình này cần được thực hiện liên tục và dần dần, bắt đầu từ những tình huống ít gây lo lắng nhất và tiến đến trường hợp phức tạp hơn. Với thời gian và sự kiên nhẫn, người bệnh có thể giảm bớt nỗi sợ và cảm thấy thoải mái hơn khi đối diện với số 13 trong cuộc sống hàng ngày.

2. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một phương pháp phổ biến được chuyên gia áp dụng nhằm điều trị hội chứng sợ số 13 vì nó giúp người bệnh thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực và phản ứng của mình đối với con số này.

CBT sẽ giúp người bệnh nhận diện và thách thức những suy nghĩ không hợp lý, đồng thời phát triển các kỹ năng đối phó hiệu quả hơn. Kết quả của liệu pháp này có thể duy trì lâu dài, vì nó không chỉ giải quyết triệu chứng mà còn thay đổi cách nghĩ của người bệnh về số 13. Qua đó bệnh nhân có thể quản lý tốt tình trạng của mình hơn trong các tình huống thực tế.

3. Sử dụng thuốc hỗ trợ

Một số loại thuốc có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng của hội chứng sợ số 13 gồm thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm. Chúng giúp giảm mức độ lo lắng và căng thẳng, từ đó làm giảm các triệu chứng liên quan.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ, vì mỗi người có thể phản ứng khác nhau với thuốc. Để đạt hiệu quả cao, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định và không tự ý thay đổi liều lượng hay ngừng sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của chuyên gia.

hội chứng Triskaidekaphobia
Một vài loại thuốc được chỉ định để bệnh nhân giảm bớt triệu chứng lo âu và sợ hãi

Biện pháp ngăn ngừa hội chứng sợ số 13

Ngăn ngừa hội chứng sợ số 13 không chỉ dựa vào các phương pháp điều trị mà còn có thể được hỗ trợ bởi những thay đổi lối sống tích cực. Việc duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm mức độ lo âu và căng thẳng liên quan.

  • Sắp xếp không gian sống theo cách giúp bản thân cảm thấy dễ chịu và tránh xa những yếu tố gây lo âu
  • Thường xuyên tương tác và duy trì các mối quan hệ xung quanh mình một cách tích cực
  • Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để giảm bớt cảm giác quá tải
  • Cài đặt và sử dụng các ứng dụng hướng dẫn ngồi thiền, theo dõi tâm trạng để kiểm soát lo âu
  • Thực hiện các hoạt động thể dục như đi bộ, chạy bộ, đạp xe ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Đặt lịch ngủ cố định và duy trì thói quen ngủ đều đặn. Tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B và omega – 3 (cá hồi và hạt chia)

Cuộc sống luôn tồn tại những nỗi sợ vô hình như hội chứng sợ số 13, nhưng điều quan trọng là cần có cái nhìn khách quan và đúng đắn về nó. Việc hiểu rõ Triskaidekaphobia sẽ giúp mọi người sống thoải mái hơn, không còn bị chi phối bởi những niềm tin vô căn cứ.

Các nguồn tham khảo:

https://www.verywellmind.com/triskaidekaphobia-2671880

thanhnien.vn, vnexpress.net,….

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *