Nghiện công việc (Workaholism): Ảnh hưởng và cách can thiệp
Để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực từ chứng nghiện công việc, quan trọng nhất là nhận ra vấn đề và tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Nghiện công việc (Workaholism) là gì?
Nghiện công việc hay còn được gọi là “workaholism”, là tình trạng mà người ta gắn bó với công việc quá mức cần thiết hoặc làm việc một cách không cân đối và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như cuộc sống cá nhân.
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ định nghĩa chứng nghiện công việc là “nhu cầu bắt buộc phải làm việc và làm việc đó ở mức độ quá mức. Người nghiện công việc là người gặp khó khăn trong việc kiềm chế công việc.”
Người nghiện công việc là người cảm thấy có sự thôi thúc không thể cưỡng lại được để làm việc dù họ có muốn hay không. Họ thường không có khả năng giới hạn thời gian dành cho công việc bất chấp hậu quả tiêu cực xảy ra như tổn hại các mối quan hệ và sức khỏe.
Chứng nghiện công việc có thể được coi là điều kiện tiên quyết để thành công. Do đó, một số người có thể cảm thấy vô cùng khó khăn khi rời bỏ công việc, ngay cả khi họ có cơ hội làm điều đó.
Nghiện công việc có biểu hiện ra sao?
Biểu hiện của chứng nghiện công việc có thể được phản ánh thông qua:
- Dành nhiều giờ làm việc hơn so với những người khác, thậm chí làm việc cả cuối tuần và ngày lễ.
- Cảm thấy lo lắng hoặc không thoải mái khi không làm việc, thậm chí là trong những kỳ nghỉ.
- Gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ và tham gia vào các hoạt động giải trí, thư giãn.
- Chủ nghĩa cầu toàn và làm việc say sưa cho đến khi hoàn toàn kiệt sức.
- Có lịch trình bận rộn và chỉ xoay quanh công việc.
- Thường xuyên mang việc về nhà hoặc làm việc khi đã hết giờ làm.
- Người mắc chứng này luôn cảm thấy đang làm việc có ý nghĩa cho cuộc sống nên khó chấp nhận việc vấn đề nghiện công việc đang cản trở mình.
- Người nghiện công việc ít hài lòng với công việc và cuộc sống hơn những người khác.
- Cảm giác lo lắng khi cân nhắc làm việc khác.
- Bỏ qua các nhu cầu thể chất như ăn uống thường xuyên và ngủ để tập trung vào công việc.
- Lòng tự trọng thấp và cho rằng công việc là cơ hội để bản thân được công nhận, yêu mến.
- Tránh né các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng hoặc cô đơn, xung đột chưa được giải quyết bằng cách ở lại nơi làm việc đến muộn.
- Mất ngủ vì làm việc nhiều giờ hoặc không thể ngừng suy nghĩ về công việc.
Do đâu mà con người nghiện công việc?
Những người nghiện công việc bù đắp những vấn đề cá nhân và tham vọng bằng công việc. Tuy nhiên, có những nguyên nhân được xác định khiến mọi người trở thành người nghiện công việc, bao gồm:
1. Nguyên nhân tâm lý
Đặc điểm tâm lý có thể đóng vai trò quan trọng trong chứng nghiện công việc. Các chuyên gia cho rằng những người cầu toàn, tự ái hoặc có lòng tự trọng thấp dễ bị ám ảnh bởi sự cống hiến hết mình cho công việc.
Xã hội thường đặt ra áp lực cao về thành công, vì vậy các cá nhân cảm thấy cần phải làm việc quá mức để đáp ứng kỳ vọng đó. Một số người có xu hướng xác định bản thân của mình dựa trên thành công nghề nghiệp và hiệu suất làm việc. Họ có thể cảm thấy cần phải làm việc không ngừng để cảm thấy tự trọng và tự giá trị.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân tâm lý khác dẫn đến làm việc quá mức, bao gồm:
- Cố gắng thoát khỏi những vấn đề cấp bách.
- Kiệt sức về mặt cảm xúc và cố gắng lấp đầy nó.
- Tập trung vào sự đánh giá từ lãnh đạo và đồng nghiệp.
2. Ảnh hưởng tuổi thơ
Một lý do khác khiến mọi người nghiện công việc có thể nằm ở quá trình giáo dục. Việc đảm nhận trách nhiệm của người lớn khi còn nhỏ và có cha mẹ tham công tiếc việc có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện công việc. Công việc có thể giúp cân bằng cảm xúc, thay thế những cảm giác khó chịu về tuổi thơ và đạt được cảm giác về một cuộc sống trọn vẹn.
Khi cha mẹ đặt kỳ vọng cao vào thành tích của con mình, đứa trẻ có thể tiếp thu những kỳ vọng đó để đáp ứng yêu cầu của cha mẹ. Những bậc cha mẹ bảo vệ con cái quá mức khiến trẻ hiểu rằng cần phải đạt được thành tích cao để tồn tại.
3. Yếu tố liên quan công việc
Môi trường làm việc có thể tạo ra áp lực để làm việc nhiều hơn, đặc biệt là nếu việc này được đánh giá cao và được thưởng bằng cách tăng lương hoặc thăng tiến.
Một số người có thể sử dụng công việc như một cách để tránh những khó khăn trong cuộc sống gia đình hoặc để tránh sự xáo trộn trong các mối quan hệ.
Ảnh hưởng của chứng nghiện công việc
Ảnh hưởng của chứng nghiện công việc đối với đời sống, sức khỏe mỗi người có thể kể đến như:
- Nghiện công việc có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi, suy giảm hệ thống miễn dịch và gặp phải các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm.
- Làm việc quá mức có thể phá vỡ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
- Chứng nghiện công việc có thể làm căng thẳng mối quan hệ hôn nhân, dẫn đến ly hôn.
- Việc nghiện làm việc có thể làm mất đi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân cũng như tái tạo năng lượng.
- Giảm hiệu suất làm việc do sự mệt mỏi và mất tập trung.
- Những người nghiện công việc dễ bị nghiện thứ cấp hơn, chẳng hạn như nghiện rượu và ăn quá nhiều.
- Khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.
- Khi người nghiện công việc không thể làm việc, họ trở nên rất kích động và cáu kỉnh.
Cách can thiệp nghiện công việc hữu ích
Trên thực tế, không có giải pháp nào để điều trị hoàn toàn chứng nghiện công việc nhưng vẫn có một số lựa chọn khác nhằm hạn chế chứng hội chứng này. Luôn có những người và nguồn lực sẵn sàng hỗ trợ bạn trong quá trình loại bỏ hành vi gây nghiện công việc. Dưới đây là các cách để bắt đầu vượt qua chứng nghiện công việc:
1. Nói chuyện với sếp
Nếu công việc quá nặng nề hoặc áp lực quá lớn, quan hệ với lãnh đạo cần phải được thiết lập một cách cởi mở và chân thành.
Hãy thảo luận với sếp về tình trạng làm việc của bản thân và cùng tìm kiếm giải pháp để giảm bớt áp lực, tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh. Một người sếp tốt sẽ không muốn bạn kém cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đồng thời lãnh đạo không muốn nhân viên của mình cảm thấy choáng ngợp, kiệt sức, làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
2. Chủ động nghỉ ngơi
Hãy sắp xếp thời gian trong lịch trình của bạn để nghỉ ngơi. Nghĩ ra một số điều bạn từng thích làm để giải trí và có chủ động thực hiện chúng.
Quản lý thời gian và nghỉ ngơi đúng cách là việc vô cùng quan trọng. Đặt ra các giới hạn thời gian làm việc và dành thời gian cho các hoạt động giải trí, thư giãn và tái tạo năng lượng. Điều này giúp tái tạo sức khỏe tâm thần và cải thiện hiệu suất làm việc.
3. Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn
Nếu nghiện công việc gây ra các vấn đề lớn về sức khỏe hoặc cuộc sống, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm là một lựa chọn tốt. Họ có thể giúp bạn hiểu và đối phó với chứng nghiện công việc thông qua các liệu pháp:
- Liệu pháp gia đình: Có thể giúp cá nhân hiểu được tác động của công việc của họ đối với các thành viên trong gia đình, hiểu được nguồn gốc của chứng nghiện và yêu cầu trợ giúp trong việc hình thành những thói quen mới.
- Liệu pháp tâm động: Khi điều trị chứng nghiện công việc, các nhà trị liệu xem xét bệnh lý nào là lý do dẫn đến việc cuồng công việc, đồng thời cố gắng giảm bớt lo lắng và bất an.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi thách thức các giả định và thay thế chúng bằng suy nghĩ cá nhân về công việc. Nó cũng đặt ra những giới hạn hành vi cụ thể và gợi ý những cách hành động dễ quản lý hơn trong công việc.
4. Lập kế hoạch công việc
Bằng cách lập kế hoạch sau giờ làm việc, bạn có thể mong đợi và đặt ra những giới hạn lành mạnh để hoàn thành công việc trong ngày. Có cho mình một thói quen khác để thực hiện ngoài công việc sẽ giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn.
5. Thay đổi công việc
Hãy nghiêm túc xem xét môi trường làm việc và cần nhận thức rằng không có công việc nào đáng để mạo hiểm sức khỏe của mình.
Nếu công việc hiện tại không phù hợp và không thể điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của bản thân, hãy tìm kiếm một công việc mới hoặc thay đổi sự nghiệp. Trong một môi trường làm việc mới, bạn có thể có cơ hội tìm kiếm sự cân bằng và hài lòng hơn.
Đôi khi việc thoát khỏi nghiện công việc có thể là một quá trình đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ nếu cần thiết và luôn nhớ rằng sức khỏe và sự cân bằng trong cuộc sống là quan trọng nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng Burnout: Những hệ lụy với sức khỏe và công việc
- 24 cách giải tỏa stress trong công việc bạn nên biết
- Hội chứng sợ thất bại (Atyphobic) luôn cản trở bạn thành công
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!