Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì và 5 cách vượt qua
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì thường có liên quan đến sự thay đổi hormone, áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè,… Tình trạng này khiến trẻ khó tập trung, kết quả học tập giảm sút, tinh thần bất ổn kéo dài. Để trẻ vượt qua khủng hoảng, gia đình cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì là gì?
Rối loạn cảm xúc là tình trạng cảm xúc không ổn định, lên xuống thất thường xảy ra trong một thời gian dài. Thực tế, khi đối mặt với căng thẳng, bất cứ ai cũng sẽ mất một thời gian đáng kể mới có thể ổn định tinh thần. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn cảm xúc.
Rối loạn cảm xúc có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở những giai đoạn “nhạy cảm” như dậy thì, mang thai và sau khi sinh. Những giai đoạn này cơ thể có sự xáo động về hormone, sinh lý nên tinh thần thường không ổn định.
Ở tuổi dậy thì, những thay đổi về tâm sinh lý sẽ khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề tâm lý và rối loạn cảm xúc là tình trạng khá phổ biến. Ngày nay, tỷ lệ trẻ phải đối mặt với các rối loạn tâm lý ngày càng tăng. Có thể dễ dàng nhận thấy những sự việc đau lòng như trẻ tự tử, có hành vi hủy hoại bản thân,… do trầm cảm và rối loạn cảm xúc kéo dài trên các trang báo điện tử.
Những hiểu biết về các vấn đề tâm lý nói chung và rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì nói riêng ở cộng đồng là khá hạn chế. Nhiều phụ huynh hoàn toàn không nhận ra sự bất thường ở con trẻ và đây chính là yếu tố khiến cho các vấn đề tâm lý ở trẻ kéo dài, gây ra hệ lụy đau lòng.
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì là do đâu?
Dậy thì là giai đoạn quan trọng đối với con trẻ, dù là bé trai hay bé gái. Quả thật đây là giai đoạn trẻ có nhiều sự thay đổi cả về tâm lý và sinh lý. Lúc này, trẻ chưa hẳn là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con. Vậy nên, trẻ ở giai đoạn này vô cùng nhạy cảm với những tình huống trong cuộc sống.
Nếu gia đình không giáo dục và quan tâm đúng cách, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt tâm lý. Theo các chuyên gia, rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì chủ yếu bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Sự thay đổi của hormone
Trong giai đoạn dậy thì, nội tiết tố có sự thay đổi rõ rệt. Nồng độ testosterone, androgen, estrogen và prolactin trong cơ thể tăng lên đột ngột. Sự gia tăng của hormone nhằm mục đích hoàn thiện tuyến sinh dục ở cả bé trai và bé gái. Đồng thời giúp cho những đường nét trên cơ thể trở nên nữ tính hoặc nam tính hơn.
Ngoài những thay đổi về mặt sinh lý, sự biến đổi của hormone trong giai đoạn dậy thì cũng tăng sự nhạy cảm về mặt tâm lý. Đặc điểm chung của trẻ ở giai đoạn này là luôn muốn khẳng định bản thân, dễ tự ái, bốc đồng và khó kiểm soát các cảm xúc tiêu cực.
Hormone thay đổi được xem là yếu tố nguy cơ làm gia tăng một loạt các vấn đề tâm lý ở tuổi dậy thì như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu,… Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố nguy cơ, không hoàn toàn là nguyên nhân chính. Dù vậy, với sự nhạy cảm tăng cao, gia đình và thầy cô cần phải có phương pháp giáo dục đúng cách.
2. Áp lực học tập
Phải thừa nhận rằng, nền giáo dục của nước ta chú trọng nhiều về thành tích. Nhà trường, thầy cô cho đến phụ huynh đều đặt nặng điểm số hơn là kiến thức các em tiếp thu được trong quá trình học tập. Cấp 2, cấp 3 là giai đoạn học sinh phải đối mặt với áp lực lớn từ sự kỳ vọng của gia đình.
Những thống kê đã được thực hiện cho thấy, hơn 80% học sinh và sinh viên đang đối mặt với áp lực học tập ở mức độ nào đó. Áp lực ở mức vừa phải sẽ thúc đẩy các em học tập siêng năng, kỷ luật hơn với bản thân. Tuy nhiên nếu phải đối mặt với áp lực dài ngày, không ít học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, rối loạn cảm xúc,…
Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Các kỳ kiểm tra diễn ra thường xuyên khiến trẻ phải học tập liên tục, không được nghỉ ngơi và vui chơi. Căng thẳng trong học tập cộng với áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và áp lực tự đặt ra cho bản thân khiến cho cảm xúc trở nên bất ổn.
3. Mâu thuẫn trong các mối quan hệ
Ở giai đoạn dậy thì, bản thân trẻ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường. Hơn nữa với tâm lý muốn khẳng định mình, trẻ có thể mâu thuẫn, xung đột với gia đình và thầy cô. Trong mối quan hệ với bạn bè, trẻ cũng không tránh khỏi xung đột do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và vụng về trong giao tiếp.
Mâu thuẫn trong các mối quan hệ gây ra những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, buồn bã, mệt mỏi, bức bối,… Trạng thái cảm xúc này kéo dài cộng với sự thay đổi của hormone trong cơ thể là nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì.
Không ít trường hợp, mâu thuẫn sâu sắc đến mức trẻ rơi vào trầm cảm và u uất trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do hiểu biết còn hạn chế nên nhiều bậc phụ huynh không chú ý biểu hiện bất thường khiến trẻ phải đối mặt với sự buồn bã, đau khổ dai dẳng.
4. Thiếu kỹ năng sống
Đa phần những rắc rối trẻ phải đối mặt trong giai đoạn dậy thì đều bắt nguồn từ việc thiếu kỹ năng sống. Ở giai đoạn này, trẻ đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều thiếu sót. Do đó, đa phần các vấn đề đang phải đối mặt không được giải quyết thỏa đáng mà trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu như khi còn nhỏ, trẻ dễ dàng chia sẻ với bố mẹ về mọi thứ thì khi bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ tự mình giải quyết mọi vấn đề. Khi không được hướng dẫn, trẻ sẽ giải quyết mọi thứ theo bản năng và trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Thiếu kỹ năng sống thường do cách giáo dục không phù hợp của gia đình và nhà trường. Hiện nay, công tác trang bị kỹ năng cho học sinh được chú trọng hơn. Bởi đây là kỹ năng cần thiết, hỗ trợ các em trong việc giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống và học cách kiểm soát áp lực từ việc học.
5. Các biến cố trong cuộc sống
Các biến cố xảy ra trong cuộc sống có thể là nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Thường gặp nhất là gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn, anh chị em phải chia cắt, phá sản,… Ở độ tuổi chưa thực sự trưởng thành, tâm lý của trẻ còn non nớt nên không thể tránh khỏi cảm xúc mạnh khi đối mặt với biến cố.
Ngoài ra, những biến cố khác như bị lừa dối tình cảm, phải đối mặt với hậu quả do quan hệ tình dục sớm, mâu thuẫn sâu sắc với gia đình, bị bạo hành,… cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì. Trẻ chưa có kinh nghiệm và kỹ năng sống nên cần một thời gian dài để có thể ổn định cảm xúc. Vì vậy sau các biến cố, nhiều trẻ phải đối mặt với rối loạn cảm xúc và nhiều hội chứng tâm lý khác.
Nhận biết rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Dậy thì là một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành. Những thay đổi về tâm sinh lý gây ra nhiều khó khăn trong việc giáo dục, thấu hiểu con cái. Rất nhiều bậc phụ huynh không hề nhận ra các dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì có triệu chứng khá rõ rệt. Gia đình có thể phát hiện sớm chứng bệnh này qua các dấu hiệu bất thường sau đây:
1. Tâm trạng không ổn định
Tâm trạng không ổn định là dấu hiệu điển hình của rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Trẻ mắc chứng bệnh này thường có tâm trạng vui buồn thất thường. Trẻ có thể tỏ ra vô cùng vui vẻ, náo nhiệt nhưng lại nhanh chóng trở nên buồn bã, nhạy cảm.
Ở giai đoạn dậy thì, cường độ cảm xúc được bộc lộ rất mạnh mẽ. Khi rơi vào những tình huống không thật sự căng thẳng nhưng một số trẻ có xu hướng tuyệt vọng cùng cực, đau khổ, buồn bã. Tâm trạng không ổn định là đặc điểm chung của trẻ ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên nếu bị rối loạn cảm xúc, sự bất ổn sẽ trở nên rõ ràng hơn và gia đình có thể phát hiện dễ dàng.
2. Nóng giận vô cớ
Nóng giận vô cớ là một trong những biểu hiện của rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Một số trẻ thay đổi tính khí hoàn toàn khi vào giai đoạn dậy thì. Trẻ đánh mất đi sự vui vẻ, hồn nhiên vốn có, thường xuyên nóng nảy và giận dữ vô cớ.
Cảm xúc tiêu cực được bộc phát một cách vô cớ là dấu hiệu cho thấy trẻ đang phải đối mặt với các vấn đề tâm lý. Đây được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đang phải chịu áp lực và căng thẳng quá mức. Khi bộc phát sự nóng nảy, đôi khi trẻ không kiểm soát được lời nói và hành vi của chính mình.
Trước phản ứng tiêu cực của trẻ, đa phần các bậc phụ huynh đều thể hiện sự giận dữ. Không ngừng la mắng thậm chí đánh trẻ với mục đích điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, cách giáo dục này chỉ khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Trẻ thu mình vào thế giới riêng và chật vật trong việc điều chỉnh tâm trạng.
3. Bi quan, mất hy vọng vào cuộc sống
Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì khiến trẻ trở nên bi quan và mất hy vọng vào cuộc sống. Áp lực học tập, mâu thuẫn với bạn bè, gia đình thiếu thấu hiểu,… khiến trẻ mất hết lòng tin. Trẻ cảm thấy cuộc sống không còn hy vọng và niềm vui.
Quả thật ở giai đoạn này, bản thân trẻ chưa hoàn thiện về suy nghĩ và nhận thức nên không tránh khỏi những ý nghĩ lệch lạc, non nớt. Liên tục phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, mâu thuẫn sẽ khiến trẻ mất hy vọng vào cuộc sống. Trẻ có thể buông thả bản thân, bỏ bê việc học nếu không được hỗ trợ, quan tâm kịp thời.
4. Mất dần hứng thú với mọi thứ
Rối loạn cảm xúc khiến trẻ mất dần hứng thú trong cuộc sống. Ban đầu là cảm giác giảm hứng thú khi vui chơi, học tập và từ từ cảm giác này mất đi hoàn toàn. Thay vì hào hứng trong các hoạt động vui chơi, trẻ trở nên lầm lì và chán nản.
Thậm chí nhiều trẻ bỏ qua cả những sở thích trước đây như đọc sách, xem phim, chơi game, đá bóng,… Khi nhận thấy những sự thay đổi này, gia đình nên tìm cách trò chuyện để hiểu hơn về vấn đề trẻ đang phải đối mặt. Không nên chủ quan bỏ qua những dấu hiệu bất thường vì rất có thể trẻ đang phải đối mặt với chứng rối loạn cảm xúc.
5. Giảm trí nhớ và khả năng tập trung
Cảm xúc chi phối mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành vi. Tâm trạng không ổn định khiến trí nhớ của trẻ suy giảm và khó tập trung khi học tập. Đây là những dấu hiệu thường thấy ở trẻ bị rối loạn cảm xúc, căng thẳng quá mức do áp lực học tập, trầm cảm tuổi dậy thì,…
Giảm trí nhớ và khả năng tập trung khiến cho kết quả học tập của trẻ giảm sút. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân và hỗ trợ trẻ bình ổn tâm trạng, nhiều phụ huynh phản ứng bằng cách trách móc, chì chiết trẻ. Cảm xúc không ổn định cùng với “sức nặng” của những lời nói tiêu cực từ bố mẹ khiến trẻ ngày càng lún sâu vào sự buồn bã, bi quan, đánh mất hy vọng và hứng thú với tất cả mọi thứ xung quanh.
6. Lầm lì, thu mình
Biểu hiện thường gặp khác của chứng rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì là trẻ có xu hướng thu mình và lầm lì. Nhiều trẻ trước đây rất hoạt bát, vui vẻ nhưng sau đó sống thu mình, ít chia sẻ và hạn chế giao tiếp với những người xung quanh.
Cảm xúc buồn bã, muộn phiền là nguyên nhân khiến trẻ đánh mất đi những cảm xúc tiêu cực. Trẻ thu mình sống trong thế giới riêng để có thể nghĩ về bản thân và những vấn đề đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cách nhìn nhận của trẻ mang hơi hướng tiêu cực. Càng suy nghĩ, trẻ càng nhận thấy bản thân kém cỏi, tội lỗi và mất dần hy vọng trong cuộc sống.
7. Chống đối, nổi loạn
Ở tuổi dậy thì, chống đối và nổi loạn là hành vi thường gặp. Chống đối là phản ứng thường thấy do trẻ luôn muốn khẳng định mình và muốn được thừa nhận là người trưởng thành. Trong nhiều trường hợp, trẻ thường xuyên chống đối, nổi loạn là do rối loạn cảm xúc. Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, gia đình nên can thiệp sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Tâm lý của mỗi trẻ là khác nhau nên ngoài các triệu chứng kể trên, rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì cũng có thể bộc lộ thông qua những biểu hiện khác. Nhìn chung, trẻ mắc chứng bệnh này sẽ có sự thay đổi về tâm trạng và hành vi. Kết quả học tập có xu hướng đi xuống, trẻ mất hứng thú trong việc học và không còn hào hứng với các hoạt động giải trí. Một số trẻ có thể đắm chìm trong game online để giải tỏa cảm xúc.
Ảnh hưởng của chứng rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Dậy thì là giai đoạn cảm xúc của trẻ trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Sự thay đổi của hormone gây ra xáo động về tâm lý và tăng sự nhạy cảm của trẻ với tình huống trong cuộc sống. Các vấn đề tâm lý nói chung và rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì nói riêng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Cảm xúc bất ổn khiến trẻ khó có thể tập trung cho việc học, kết quả học tập sụt giảm rõ rệt. Ngoài ra, tinh thần không ổn định cũng làm gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Hành vi chống đối, nổi loạn, giận dữ vô cớ,… có thể khiến trẻ bị bạn bè cô lập và tẩy chay, gặp phải nhiều phiền toái với thầy cô và gia tăng mâu thuẫn với gia đình.
Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực kể trên, rối loạn cảm xúc còn dẫn đến hành vi tự hủy hoại. Một số trẻ có biểu hiện của hội chứng tự ngược đãi bản thân, trầm cảm và tồi tệ hơn là hành vi tự sát.
Cách vượt qua rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì là tình trạng khá phổ biến. Trước áp lực học tập ngày một lớn, gia đình thiếu sự thấu hiểu, quan tâm,… tỷ lệ trẻ mắc phải các vấn đề tâm lý không ngừng gia tăng. Để hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng và ổn định lại tâm trạng, gia đình cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì:
1. Sự hỗ trợ của gia đình
Nhìn chung, sự xáo động tâm lý ở tuổi dậy thì chủ yếu do thay đổi hormone. Nếu nhận được sự quan tâm đúng mức từ gia đình, trẻ sẽ nhanh chóng ổn định tinh thần, lấy lại sự vui vẻ và giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Hơn ai hết, gia đình có vai trò vô cùng đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ.
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, gia đình nên chủ động trò chuyện, chia sẻ. Ở giai đoạn này, trẻ không muốn bị đối xử như một đứa trẻ nên bố mẹ cần trò chuyện với thái độ cởi mở, tôn trọng.
Không nên ép buộc trẻ nói ra nguyên nhân vì điều này sẽ khiến cho trẻ và gia đình ngày càng có khoảng cách. Trẻ ở tuổi dậy thì rất nhạy cảm nên gia đình không thể giáo dục như cách trước đây. Hãy trò chuyện, chia sẻ với trẻ như một người bạn. Khi có đủ tin tưởng, trẻ mới có thể cởi mở chia sẻ với bố mẹ về những vấn đề bản thân đang phải đối mặt.
Sự quan tâm từ gia đình sẽ giúp trẻ điều chỉnh những cảm xúc bất ổn. Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Trong hành trình trưởng thành, gia đình có vai trò quan trọng nhất với trẻ. Vì vậy, thay vì chỉ chú trọng đến điểm số, bố mẹ nên dành thời gian chia sẻ cùng trẻ.
2. Điều chỉnh lại lối sống
Điều chỉnh lối sống giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ. Khi nhận thấy con trẻ có biểu hiện rối loạn cảm xúc, gia đình nên giúp trẻ điều chỉnh lối sống:
- Giảm bớt áp lực học tập để tránh căng thẳng thần kinh. Gia đình không nên kỳ vọng và gây áp lực quá lớn cho trẻ về điểm số, thành tích. Nếu sức khỏe của trẻ không ổn định, nên cho trẻ nghỉ một thời gian để điều chỉnh lại tâm trạng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp giảm bớt căng thẳng thần kinh và hỗ trợ phục hồi tinh thần tốt hơn. Chế độ ăn nên tập trung vào rau xanh, trái cây, ngũ cốc, các loại cá béo, hạt, thịt,… Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có gas và đồ uống chứa cồn.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao để giải tỏa cảm xúc. Nếu cần thiết, có thể cho trẻ tham gia các khóa yoga, thiền định để điều chỉnh tâm trạng và học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Khuyến khích trẻ ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
Lối sống khoa học giúp ích rất nhiều trong việc điều chỉnh cảm xúc và giải tỏa căng thẳng. Với những trường hợp rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì mức độ nhẹ, sự quan tâm của gia đình và lối sống lành mạnh có thể giúp trẻ vượt qua khủng hoảng một cách dễ dàng.
3. Xây dựng các mối quan hệ tích cực
Ngoài gia đình, bạn bè là mối quan hệ cần thiết đối với trẻ. Bố mẹ nên lắng nghe, chia sẻ cùng con cái những vấn đề trong cuộc sống. Hướng dẫn trẻ giải quyết những tình huống căng thẳng, gỡ rối mâu thuẫn và xây dựng những mối quan hệ tích cực.
Khi có những người bạn thật sự, trẻ sẽ được hỗ trợ và giúp đỡ khi gặp khó khăn. Ngoài vòng tay của gia đình, các mối quan hệ tích cực sẽ giúp hành trình trưởng thành của trẻ được thuận lợi hơn.
Bố mẹ và con cái sẽ luôn có khoảng cách do cách biệt về tuổi tác. Vậy nên, những người bạn thật sự sẽ cùng trẻ chia sẻ những khó khăn, vấn đề trong cuộc sống. Gia đình nên hướng dẫn trẻ cách xây dựng mối quan hệ và lựa chọn những người bạn phù hợp.
4. Sử dụng thuốc
Với người dưới 18 tuổi, bác sĩ rất hạn chế chỉ định thuốc hướng thần do tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Thuốc chỉ được sử dụng khi rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì có mức độ nặng, trẻ có ý nghĩ và hành vi tự sát.
Các loại thuốc chống trầm cảm thường được dùng để làm giảm triệu chứng của rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, thống kê cho thấy dùng thuốc cho thanh thiếu niên có thể gia tăng nguy cơ tự sát. Do đó, chỉ định thuốc cho trẻ ở tuổi dậy thì thường sẽ được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì bao gồm:
- Fluoxetin
- Escitalopram
- Clomipramine
- Sertraline
- Fluvoxamine
5. Tâm lý trị liệu
Dùng thuốc trong giai đoạn dậy thì tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Do đó, tâm lý trị liệu thường sẽ là lựa chọn ưu tiên. Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì chủ yếu liên quan đến các biến cố trong cuộc sống, áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè,… Can thiệp trị liệu tâm lý trong những trường hợp này mang đến cải thiện rõ rệt.
Liệu pháp tâm lý giúp trẻ điều chỉnh tâm trạng, học cách kiểm soát sự nóng nảy, tức giận, buồn bã và những cảm xúc tiêu cực khác. Ngoài ra, trị liệu tâm lý còn giúp trẻ hình thành những thói quen tốt và giảm sự nhạy cảm với các yếu tố căng thẳng.
Tâm lý trị liệu mang lại hiệu quả trong việc cải thiện các cảm xúc tiêu cực và giúp trẻ lấy lại hứng thú, hy vọng trong cuộc sống. Trong quá trình can thiệp, trẻ cũng sẽ được trang bị thêm kỹ năng để có thể thích nghi với những tình huống không thuận lợi. Với những kỹ năng này, trẻ hoàn toàn có thể kiểm soát stress và tránh được các vấn đề tâm lý.
Hiện nay, trong các trường học đều sẽ có phòng tham vấn tâm lý. Trẻ có thể chủ động chia sẻ với chuyên gia để được hỗ trợ gỡ rối những vướng mắc, điều chỉnh lại tâm trạng.
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì rất dễ bị bỏ qua do gia đình ít quan tâm và các bậc phụ huynh chưa có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề tâm lý. Nếu không phát hiện sớm, bản thân trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy, biến chứng. Trong giai đoạn dậy thì, gia đình cần quan tâm nhiều hơn để giúp đỡ trẻ vượt qua khủng hoảng và trưởng thành một cách lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm
- Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân và cách chữa trị
- Cha Mẹ Cần Làm Gì Khi Con Bước Vào Giai Đoạn Tuổi Dậy Thì?
- Dấu hiệu khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và cách giúp trẻ vượt qua
- Các hội chứng tâm lý thường gặp tuổi dậy thì cần cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!