Tâm trạng vui buồn thất thường là dấu hiệu của bệnh gì?
Tâm trạng vui buồn thất thường không chỉ còn là một trạng thái bất ổn của mỗi người mà hoàn toàn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần. Nếu phát hiện bản thân đang gặp tình trạng này và không thể kiểm soát các cảm xúc quá khích của chính mình thì cần đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Tâm trạng vui buồn thất thường là dấu hiệu của bệnh gì?
Bất cứ ai trong cuộc đời cũng sẽ cảm thấy bản thân những những thời điểm vui buồn thất thường, vừa khóc vừa cười, đây có là là một trạng thái hết sức bình thường khi bạn thấy mệt mỏi quá sức. Các trạng thái này sẽ qua đi nhanh chóng khi các áp lực căng thẳng được giải quyết.
Tuy nhiên nếu các triệu chứng diễn ra thường xuyên mà chính bạn cũng không thể kiểm soát các các hành vi này thì đừng nên chủ quan vì đây có có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần vô cùng nguy hiểm. Bạn cần phải nhanh chóng đến bênh viện gần nhất để làm các kiểm tra chẩn đoán chuyên môn.
1. Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là tình trạng gặp chủ yếu ở nữ giới được đặc trưng bởi tâm trạng thay đổi thất thường. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện trước từ 7-10 ngày xuất hiện ngày kinh đầu và có thể kết thúc sau khi hành kinh vài giờ. Tuy nhiên do có tính chu kỳ lặp lại mỗi tháng nên nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, tinh thần người bệnh.
PMS được gây ra bởi sự gia tăng nội tiết tố cơ thể để chuẩn bị cho việc rụng trứng, sự thiếu hụt các chất bao gồm serotonin, magiê và canxi, ngoài ra yếu tố di truyền cũng góp phần gây ra bệnh. Người mắc chứng tiền kinh nguyệt thường có những triệu chứng đặc trưng bao gồm
- Sự thay đổi cảm xúc nhanh chóng đột ngột, chẳng hạn đang xem phim vui vẻ nhưng người bệnh bỗng nhiên cảm thấy vô cùng buồn và khóc
- Cáu kỉnh, dễ tức giận, có kích động nhưng sau đó cũng có thể cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân
- Trạng thái mơ màng, mệt mỏi, mất tập trung, thiếu năng lượng cho các hoạt động thường ngày
- Vú căng đau, phù nề, cảm thấy đau nhức cơ thể
- Thèm ăn hoặc ăn quá nhiều
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Có cảm giác căng thẳng, lo lắng, choáng ngợp hoặc mất kiểm soát.
Tuy nhiên đa phần PMS không quá trầm trọng và có thể kiểm soát được bằng thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định một số nhóm thuốc điều chỉnh nội tiết tố hoặc SSRIs để giảm các triệu chứng lo lắng căng thẳng quá mức. NSAIDs cũng có thể dùng để giảm đau bụng kinh nếu có.
Tuy nhiên ở một số phụ nữ mắc PMS nặng có thể phải chỉ định cắt buồng trứng để loại bỏ chu ky kinh nguyệt sử dụng các liệu pháp hoocmon thay thế. Tuy nhiên phương pháp này ít được áp dụng với người trẻ vì còn cần tính toán xem xét đến các yếu tố mang thai.
2. Tâm trạng vui buồn thất thường có thể là dấu hiệu của nghiện
Bạn có thể xuất hiện những sự thay đổi tích cách, cảm xúc bất thường nếu đang bị nghiện một thứ gì đó. Có thể là thuốc lá, bia rượu, đồ uống có cồn và nguy hiểm hơn là các chất kích thích.
Nếu thiếu các thứ trên bạn sẽ trong tâm trạng cực kỳ khủng hoảng, bực tức, khó chịu, mệt mỏi nhưng khi được sử dụng tâm trạng sẽ trở nên cực kỳ hưng phấn, vui vẻ, riêng với các chất kích thích có thể có các trạng thái hưng cảm phấn khích quá mức. Họ có thể trở nên cực kỳ hưng phấn trong vài giây sau đó chuyển sang tức giận trong những giây tiếp theo.
Nghiện ngập cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tâm thần nguy hiểm đồng thời làm tổn hại đến thể chất trầm trọng. Tùy thể loại gây nghiện là gì mà việc điều trị sẽ tiến hành khác nhau, riêng với bệnh nhân sử dụng các chất kích thích như ma túy, cần sa, đá… cần phải thực hiện cai nghiện tại các trung tâm dành cho những đối tượng này.
3. Rối loạn khí sắc
Rối loạn khí sắc là một dạng rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi tâm trạng vui buồn thất thường với các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm diễn ra đột ngột xen lẫn nhau mà chính bản thân người bệnh rất khó để kiểm soát. Dần dần họ mất khả năng khống chế suy nghĩ, hành vi của chính mình và không thể hòa nhập các với hoạt động xã hội thông thường.
Nguyên nhân rối loạn khí sắc được nhận định là có liên quan đến di truyền, sự tác động của môi trường hay sự thay đổi các yếu tố sinh học trong bộ não. Bệnh được chia thành những nhóm chính sau đâuy
- F30: Giai đoạn hưng cảm.
- F31: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
- F32: Giai đoạn trầm cảm.
- F33: Rối loạn trầm cảm tái diễn.
- F34: Các trạng thái rối loạn khí sắc dai dẳng.
- F38: Các rối loạn khí sắc khác.
- F39: Rối loạn khí sắc không biệt định.
Một rối loạn cảm xúc được chẩn đoán là rối loạn khí sắc khi bệnh nhân có những cơn buồn bã, căng thẳng xem lẫn với sự phấn khích dai dẳng. Trong giai đoạn hưng cảm bệnh nhân thường có sự phấn khích theo xu hướng bạo lực còn trong giai đoạn trầm cảm lại có những suy nghĩ hành vi tự oán trách bản thân và muốn tự tử.
Trong điều trị rối loạn khí sắc cần phải kết hợp giữa việc dùng thuốc và trị liệu tâm lý trong từng giai đoạn để kiểm soát sớm các suy nghĩ, hành vi bất thường của bệnh nhân. Một số trường hợp có thể cần phải thực hiện sốc điện nếu bệnh nhân bị hưng cảm nặng, có thể xuất hiện những hoảng tưởng ảo giác.
4. Tâm trạng vui buồn thất thường có thể là trầm cảm nhẹ
Nếu bạn cho rằng người trầm cảm thường chỉ có trạng thái buồn bã thì hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều loại trầm cảm thường gặp, trong đó bao gồm cả các giai đoạn cảm xúc thất thường. Tuy nhiên điều này khiến trầm cảm khó phát hiện hơn và có thể dẫn đến những giai đoạn bệnh nặng hơn.
Ở một số người mắc trầm cảm ẩn hay trầm cảm cười, họ thường cố gắng che dấu bệnh tật bằng cách tham gia tất cả mọi hoạt động một cách vui vẻ nhiệt huyết “giả tạo”. Tuy nhiên trong thâm tâm họ lại cảm thấy cực kỳ cô đơn và buồn phiền, lạc lõng giữa chốn đông người. Do đó đôi khi họ thường trầm lặng xuống, thể hiện khí sắc u buồn, lơ đễnh, mất tâm trung, đôi khi cũng có sự kích động và dễ tức giận một cách quá khích.
Các giai đoạn vui buồn thất thường ở bệnh nhân trầm cảm có thể đi qua nhanh bởi người bệnh luôn muốn cố gắng kiểm soát nó ở nơi đông người, chỉ khi ở một mình thì tâm trạng u buồn mới thực sự thể hiện rõ ràng. Do đó với người ngoài có thể những người này có tính cách ” nắng mưa thất thường” mà không biết rằng họ đang đấu tranh tâm lý rất nhiều.
Do bản thân người bệnh có thể nhận thức được các vấn đề của bản thân nên nếu sớm điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý có thể làm thuyên giảm bệnh tốt hơn. Tuy nhiên nếu không nhanh chóng phát hiện và kiểm soát kịp thời người bệnh có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như tự làm đau bản thân hay tự tử.
5. Rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới cũng là bệnh lý được đặc trưng bởi sự biến đổi bất thường về mặt cảm xúc mà bản thân bệnh nhân không thể khống chế. Do các cảm xúc vui buồn, tức giận, lo lắng diễn ra quá đột ngột nhanh chóng khiến họ trở nên không biết phải làm gì, kết quả là bệnh nhân trở nên kích động một cách bất thường.
Thông thường các cảm xúc thay đổi thất thường sẽ xuất hiện khi người bệnh rơi vào một tình huống tương tác giữa người đó và một người khác làm họ cảm thấy nguy hiểm. Bệnh nhân thường có xu hướng lý tưởng hóa những người xung quanh, cho rằng người đó phải ở bên cạnh chăm sóc họ, chỉ được quan tâm tới họ. Nếu xảy ra các hành động trái với ý nghĩ này thì các cảm xúc giận dữ, kích động sẽ đột ngột xuất hiện.
Rối loạn nhân cách ranh giới thường đi kèm với các rối loạn lo âu hay trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn rất nhiều. Các giai đoạn thay đổi cảm xúc không kéo dài quá lâu nhưng thường xuyên lặp lại khiến bệnh nhân ngày càng xa rời các mối quan hệ, trở nên bị cô lập với xung quanh.
6. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc thuộc nhóm các bệnh lý tâm thần vô cùng nguy hiểm. Trong những giai đoạn thay đổi cảm xúc nếu người bệnh không thể kiểm soát suy nghĩ, hành vi của bản thân có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy nguy hiểm như làm hại bản thân hay những người xung quanh.
Các giai đoạn của rối loạn cảm xúc lưỡng cực được chia ra làm 3 nhóm chính bao gồm hưng cảm, trầm cảm, hỗn hợp hưng cảm và trầm cảm. Trong đó các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm được biểu hiện như sau
- Giai đoạn hưng cảm
- Cảm thấy vui vẻ phấn kích tột độ, cảm thấy cơ thể dư thừa năng lượng cần nhanh chóng được giải phòng
- Không nghỉ ngơi mà chỉ muốn làm gì đó không ngừng nghỉ để giải phóng năng lượng, tuy nhiên kết quả làm việc thường không tốt
- Dễ bị kích động, khó tập trung vào một việc gì đó
- Có thể xuất hiện dấu hiệu ảo giác, ảo tưởng trong một số trạng thái hưng cảm nặng
- Giai đoạn trầm cảm
- Không còn cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn u ám bao quanh người bệnh không thể thoát ra được
- Mất dần năng lượng, sự vui vẻ, không còn muốn làm việc hay nói chuyện với bất cứ ai
- Ăn uống kém ngon, bỏ ăn, không muốn ăn uống khiến cơ thể suy nhược nhanh chóng
- Có những suy nghĩ và hành vi theo hướng tiêu cực bị quan
- Cảm giác tội lỗi, trách cứ bản thân, sợ hãi, căng thẳng
- Mất ham muốn tình dục
- Không tập trung, lơ đễnh, trí nhớ suy giảm khiến chất lượng làm việc ngày càng sa sút
- Luôn cảm thấy đau nhức cơ thể nhưng nếu thực hiện các biện pháp kiểm tra có thể không tìm ra nguyên nhân
- Suy nghĩ đến các chết, thực hiện các hành vi làm đau bản thân hoặc tự tự
Các trạng thái hưng cảm và trầm cảm có thể xuất hiện xem lẫn nhau khiến người bệnh thay đổi trạng thái đột ngột không thể kiểm soát. Các triệu chứng này cũng có thể thay đổi theo từng ngày, từng mùa với xu hướng ngày càng nặng hơn làm tổn hại tinh thần và sức khỏe bệnh nhân trầm trọng.
Đây là một bệnh lý cực kỳ phức tạp và cũng rất khó khăn trong điều trị. Người bệnh cần áp dụng dùng thuốc và trị liệu tâm lý trong thời gian dài, có thể cần phải sốc điện để kiểm soát những suy nghĩ, hành vi bất thường.
Hướng phòng tránh tình trạng tâm trạng vui buồn thất thường
Thực tế tâm trạng vui buồn thất thường còn có thể ảnh hưởng từ môi trường sống, tính cách từ cha mẹ. Chẳng hạn ở một người nhạy cảm quá mức, họ có thể đột nhiên cảm thấy buồn bã nếu ai đó vô tình làm một điều gì khiến họ cảm thấy tổn thương hay những người có cha mẹ có tính cách như vậy thì rất dễ ảnh hưởng từ bé.
Tuy nhiên nói chung dù là trạng thái cảm xúc bình thường, do tính cách hay liên quan đến bệnh lý thì tâm trạng vui buồn thất thường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân người bệnh. Đặc biệt những người mắc các bệnh lý tâm thần liên quan đến tình trạng này rất khó để tìm kiếm một công việc phù hợp hay có được các mối quan hệ xung quanh, điều này khiến cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn.
Nếu liên quan đến các vấn đề bệnh lý người bệnh cần nhanh chóng đến các bệnh viện tâm thần để được chỉ định điều trị phù hợp. Bên cạnh đó để cải thiện tình trạng này tại nhà (có thể áp dụng cho mọi trường hợp), bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau đây
- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh để bản thân rơi vào trạng thái lo lắng căng thẳng quá mức
- Sớm học các biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng, kiểm soát tâm trạng và lấy lại bình tĩnh như liệu pháp hít thở
- Học thiền là biện pháp giúp thanh lọc tâm trạng, hướng đến sự an yên cho tâm hồn, từ đó có thể bình tĩnh giải quyết những tình huống bất ngờ
- Chia sẻ với những người thân về tình trạng mà bản thân đang gặp, nhất là khi cảm thấy không thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình
- Một số biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng, tăng cường trí não giúp bạn học được sự kiên trì, bình tĩnh hơn như leo núi, chạy bộ hay bơi lội, tập thể dục thể thao mỗi ngày
- Tránh xa bia rượu, các chất kích thích, cà phê, thuốc lá, đặc biệt khi tâm trạng đang thay đổi bất thường
- Nghe nhạc, đọc sách có thể làm giảm bớt những lo âu và căng thẳng
- Luôn luôn hướng đến những suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề một cách lạc quan tích cực hơn
- Chấp nhận trị liệu tâm lý nếu phát hiện thấy bản thân đang gặp các vấn đề về tâm thần
Rất nhiều người thường chủ quan với trạng thái tâm trạng vui buồn thất thường khiến các bệnh lý ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Yêu thương cảm xúc của bản thân mình là rất cần thiết nhưng đừng bỏ qua các dấu hiệu bất thường của chính mình mà cần nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
- Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc và những lưu ý khi dùng
- Ám ảnh sợ chuyên biệt: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!