Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân và cách chữa trị
Theo số liệu thống kê nhận thấy, nước ta có khoảng 60% dân số trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên. Đây được xem là một trong các nguồn lực vô cùng quý giá có thể góp phần lớn trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, một vấn đề cần được quan tâm gần đây đó chính là tỉ lệ sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, gây nên nhiều sự lo lắng đối với cả gia đình và xã hội.
Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì – Nguyên nhân do đâu?
Tuổi dậy thì là lứa tuổi ẩm ương mà chắc hẳn ông bố bà mẹ nào cũng cảm thấy lo lắng bởi lúc này tâm sinh lý của trẻ sẽ bị thay đổi một cách nhanh chóng, đôi khi ngay cả trẻ cũng không thể hiểu rõ được chính bản thân mình. Không chỉ đơn thuần là những sự biến đổi về thể chất, ngoại hình mà ngay cả cảm xúc, suy nghĩ và nhận thức cũng không còn là một đứa trẻ ngây thơ nhưng vẫn chưa đủ chín chắn, trưởng thành.
Cũng chính vì thế, mà khi bước vào độ tuổi này trẻ sẽ dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý. Nó có thể xảy ra ngay sau khi trẻ trải qua một sự kiện, tình huống gây tổn thương nghiêm trọng hoặc ít lâu sau đó. Các sự kiện này có thể vừa mới xuất hiện hoặc đã xảy ra từ trước đó và kéo dài cho đến hiện tại. Hoặc ngay cả khi trẻ không phải là người trực tiếp trải nghiệm mà là việc chứng kiến người thân trải qua những tổn thương, đau khổ cũng có thể khiến trẻ bị sang chấn tâm lý.
Các sự kiện gây sang chấn có thể khởi phát và kéo dài trong khoảng vài tuần hoặc thậm chí là vài năm. Với tâm lý vô cùng nhạy cảm của tuổi dậy thì thì trẻ nhỏ sẽ cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng nếu những khúc mắc, tổn thương không sớm đực tháo gỡ và giải quyết. Trẻ sẽ liên tục hồi tưởng lại những kí ức tồi tệ, các hình ảnh, âm thanh ám ảnh sẽ xuất hiện trong tâm trí và cả giấc mơ.
Một số tình huống, sự kiện có thể khiến trẻ tuổi dậy thì rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý như:
- Từng bị lạm dụng tình dục
- Bị bạo hành, đánh đập, tra tấn, bạo lực học đường
- Từng bị bắt cóc, khủng bố, tấn công bất ngờ, đe dọa cướp tài sản, bị uy hiếp tính mạng,…
- Chứng kiến cảnh thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần, sạt lở,…
- Là nạn nhân của chiến tranh hoặc từng mất người thân vì chiến tranh.
- Tai nạn giao thông.
- Áp lực, thất bại trong học tập kéo dài.
- Những đứa trẻ đã được chẩn đoán mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì còn có thể xuất phát từ những tổn thương tâm lý kéo dài dai dẳng. Nó có thể đến từ sự vô tâm, thờ ơ của gia đình, từ các áp lực học tập và thi cử hoặc do bất kì lý do nào đó. Thậm chí ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu có những rung động đầu đời. Sau khi chia tay người yêu cũng có thể để lại cho trẻ những tổn thương lớn về tinh thần, dần rơi vào sang chấn.
Cách nhận biết trẻ ở tuổi dậy thì bị sang chấn tâm lý
Bản thân của những trẻ đang bị sang chấn tâm lý thường sẽ không thể nhận ra được những triệu chứng bất thường của bản thân. Tuy rằng ở độ tuổi dậy thì trẻ vẫn có thể ý thức nhiều hơn về bản thân mình nhưng do các sang chấn tâm lý diễn ra với tần suất nghiêm trọng hoặc kéo dài trong một thời gian khiến cho trẻ dần xem đó là điều “bình thường”.
Đối với những trường hợp bị sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì sẽ dễ nhận biết nhờ vào các dấu hiệu sau đây:
Cố gắng tránh né các sự kiện, hình ảnh gợi nhớ đến quá khứ:
- Ở độ tuổi này, trẻ thường có nhiều xu hướng sống khép kín hơn, ít khi chia sẻ với những người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình. Đặc biệt ở những trẻ bị sang chấn tâm lý, bạn sẽ càng dễ nhận thấy trẻ ít khi biểu đạt cảm xúc của mình hoặc có thể biểu đạt một cách quá mức.
- Trẻ có xu hướng muốn từ chối, né tránh các hoạt động, các địa điểm, hình ảnh, con người có liên quan đến những sự kiện từng gây sang chấn tâm lý.
- Trẻ không muốn trò chuyện hay nhắc đến các tình huống sang chấn đã xảy ra trước đó hoặc thậm chí không muốn nghĩ về nó.
- Dường như trẻ không còn nhớ được những yếu tố, chi tiết quan trọng và chủ chốt của sự kiện đã từng xảy ra.
Trẻ luôn bị chìm đắm trong những kí ức tồi tệ và những cảm xúc bi quan, tiêu cực:
- Thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, đau lòng, lo lắng về cả quá khứ lẫn tương lai.
- Cảm thấy khó chịu, không thoải mái, lo âu, bồn chồn về những giấc mơ hoặc những cơn ác mộng của mình.
- Những hình ảnh, sự kiện, kỉ niệm có liên quan đến quá khứ cứ liên tục xuất hiện quấy nhiễu tâm trí của trẻ.
- Thường xuyên hồi tưởng lại những kí ức xưa cũ, nhớ lại những chi tiết, lời nói, hành vi, cảm giác tồi tệ như thể các sự kiện ấy lại tái hiện thêm nhiều lần nữa.
- Khi có những yếu tố làm gợi nhớ đến quá khứ thì trẻ sẽ có xu hướng trở nên kích động, cáu gắt, khó chịu, hoang mang, mất kiểm soát.
Các triệu chứng của rối loạn cơ thể kém thích nghi:
- Tâm trạng thay đổi bất thường, dễ cáu gắt, bực tức, giận dữ.
- Thường xuyên cảm thấy giật mình vì những âm thanh, tiếng động hoặc những cử chỉ nhỏ.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, trằn trọc không ngủ được, thường xuyên mơ gặp ác mộng, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm và khó ngủ lại.
- Giảm sự tập trung, khả năng chú ý giảm sút.
- Luôn ở trong trạng thái đề phòng, cảnh giác về các tình huống, sự kiện gây nguy hiểm.
Sau khi trải qua sự kiện tổn thương, trẻ luôn ở trong tâm trạng tiêu cực, bi quan:
- Cảm thấy lo lắng, bất an về hầu hết những sự việc xảy ra xung quanh, luôn có suy nghĩ và niềm tin về việc tất cả mọi người đang đối mặt với những điều gây nguy hiểm.
- Nhiều xu hướng muốn đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho các tình huống gây sang chấn, tổn thương tâm lý.
- Không còn cảm thấy hứng thú với các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra xung quanh cuộc sống.
- Hầu như trẻ không còn cảm nhận được những điều tích cực, không còn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, xung quanh chỉ toàn một màu u tối.
Những thách thức ở trường học:
- Tuổi dậy thì cũng là giai đoạn mà trẻ nhỏ phải đối diện với chương trình học tập nâng cao hơn, trải qua nhiều kì thi áp lực hơn. Đây cũng là một trong các yếu tố có thể làm gia tăng sự căng thẳng ở trẻ nhỏ, khiến nhiều trẻ không thể chủ động kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân.
- Trẻ không thể tập trung vào việc học tập, kết quả sa sút.
- Nhiều trẻ còn có hành vi chống đối, trốn học, không tuân thủ các nội quy của nhà trường và lớp học.
- Mối quan hệ giữa bạn bè dần bị rạn nứt.
Thường thì các biểu hiện sang chấn tâm lý ở trẻ tuổi vị thành niên có thể xuất hiện sau khoảng 1 tháng xảy ra sự kiện tổn thương. Tuy nhiên cũng có không ít các trường hợp âm thầm phát triển trong vài năm liền ở tuổi thơ và cho đến khi bước vào giai đoạn dậy thì lại bắt đầu khởi phát nghiêm trọng.
Những yếu tố có liên quan đến tình huống hay sự kiện gây sang chấn thường sẽ liên tục tái hiện trong cuộc sống của trẻ nhỏ. Nếu trẻ phải chứng kiến và trải qua chúng thêm một lần nữa thì những hình ảnh, kí ức trong quá khứ sẽ bắt đầu xuất hiện và làm cho trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn kéo dài.
Nguy cơ bị sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì
Trong thực tế thì không phải bất kì đứa trẻ ở tuổi dậy thì nào cũng sẽ bị sang chấn tâm lý sau khi trải qua các sự kiện gây tổn thương, đau buồn. Các triệu chứng của sang chấn tâm lý khởi phát hay không còn phải tùy thuộc vào những yếu tố khác. Chẳng hạn như tính cách, trải nghiệm sống, sự hỗ trợ của người thân và xã hội, tình trạng sức khỏe tâm thần, tiền sử bệnh lý, mức độ nghiêm trọng của hiện tượng, bản chất của nó,….
Kết quả của một số cuộc nghiên cứu khoa học cho biết, đa phần những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý đều sở hữu những mức hormone chủ chốt không điển hình. Nó có sự liên quan đến các phản ứng stress, căng thẳng của con người. Chẳng hạn như trẻ dậy thì bị sang chấn tâm lý thường có nồng độ epinephrine và norepinephrine cao và nồng độ cortisol thấp hơn mức bình thường.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì các loại hormone này đều nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với phản ứng “đối đầu hay bỏ chạy”/ “fight or flight” khi phải đối diện với những thách thức trong cuộc sống. Hiểu một cách đơn giản là khi chứng kiến hoặc trải qua các sự kiện sang chấn, trẻ sẽ bắt đầu đưa ra sự lựa chọn: đối đầu hay bỏ chạy.
Cách khắc phục sang chấn tâm lý ở trẻ dậy thì
Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì nếu liên tục kéo dài và không có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và cả đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Thậm chí nhiều trường hợp nghiêm trọng, trẻ nhỏ còn có khả năng đối diện với các nguy cơ phát triển thành những rối loạn tâm thần nguy hiểm hơn, điển hình như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu,…
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường của trẻ sau khi trẻ trải qua những sự kiện tồi tệ thì cha mẹ cũng nên chủ động đưa con tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Sau khi xác định được cụ thể về tình trạng sức khỏe tâm lý của trẻ thì chuyên gia sẽ tiến hành tư vấn và đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp.
Thông thường đối với các trường hợp bị sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp trị liệu tâm lý. Nhờ vào các buổi trò chuyện trực tiếp với chuyên gia/ nhà trị liệu mà trẻ cũng sẽ được tháo gỡ bớt những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của bản thân. Ngoài ra, trẻ cũng được hướng dẫn và nâng cao các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, đối mặt và xử lý khó khăn để dần hòa nhập và cân bằng tốt cuộc sống hiện tại.
Các chuyên gia thường sẽ khuyến khích cha mẹ hoặc người thân của trẻ cùng tham gia vào các buổi trị liệu. Với phương pháp trị liệu gia đình sẽ giúp cho người thân hiểu hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ, đồng thời biết thêm những cách để hỗ trợ và giúp trẻ phục hồi nhanh chóng.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, sang chấn tâm lý khiến trẻ hình thành các hành vi, suy nghĩ gây hại và đe dọa đến tính mạng thì cần được kiểm soát bằng thuốc. Bác sĩ tâm thần sẽ cân nhắc để lựa chọn loại thuốc phù hợp, kê đơn với liều lượng tốt nhất để giúp trẻ hạn chế những hành vi tiêu cực.
Việc dùng thuốc ở trẻ dậy thì cần phải có sự theo dõi và hỗ trợ của bác sĩ lẫn người thân trong gia đình. Bởi các loại thuốc này tuy có thể khống chế được các triệu chứng bệnh nhưng nhiều khả năng gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chính vì thế cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia để tránh các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh việc áp dụng tốt các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì gia đình cũng cần chú ý quan tâm và dành nhiều thời gian để bên cạnh, động viên, chia sẻ cùng trẻ. Các bậc phụ huynh nên tạo nhiều điều kiện để trẻ được tham gia vào những hoạt động vui chơi, thư giãn bên ngoài. Đồng thời hãy giúp trẻ xây dựng và duy trì tốt lối sống lành mạnh, khoa học để giúp trẻ mau chóng phục hồi được sức khỏe tinh thần, gia tăng sức đề kháng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì. Ở giai đoạn này trẻ trở nên vô cùng nhạy cảm bởi sự ảnh hưởng của hàng loạt các yếu tố biến đổi từ thể chất đến tinh thần. Chính vì thế, gia đình, nhà trường cần dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ trẻ thật tốt để phòng tránh và kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường ở trẻ, đặc biệt là sau khi trẻ trải qua các sự kiện đau buồn.
Có thể bạn quan tâm
- Bị Sang Chấn Tâm Lý Nên Uống Thuốc Gì?
- Sang Chấn Tâm Lý Ở Trẻ: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
- Sang Chấn Tâm Lý Sau Ly Hôn: Biểu Hiện Và Cách Vượt Qua
- Sang chấn tâm lý sau phá thai: Biểu hiện và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!