7 Điều Cơ Bản Giúp Bạn Thấu Hiểu Tâm Lý Người Cao Tuổi
Thấu hiểu tâm lý người cao tuổi là cách để giúp người già vượt qua những bất ổn về mặt tinh thần. 7 Điều đơn giản trong bài viết sẽ giúp con cháu hiểu rõ tâm lý của người già, từ đó có cách ứng xử và thái độ phù hợp hơn.
7 điều cơ bản giúp thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi
Người cao tuổi thường có tâm lý nhạy cảm hơn so với người trẻ tuổi và người ở độ tuổi trung niên. Nguyên nhân là do sự sụt giảm nghiêm trọng của các hormone và sự thoái hóa của các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, không ít người già phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý và một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Vào năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Số liệu được khảo sát vào năm 2011 cho thấy, khoảng 12% dân số nước ta là người trên 60 tuổi và con số này sẽ tăng lên 21% vào năm 2040. Mặc dù số lượng người trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao nhưng đa phần đều không được quan tâm về tinh thần, tâm lý. Phần lớn các gia đình đều chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất và đáp ứng những nhu cầu vật chất mà quên mất rằng, người cao tuổi cũng cần được thấu hiểu, chia sẻ.
Khi bước vào tuổi già, người cao tuổi sẽ có nhiều thay đổi về tâm lý. Họ dành nhiều thời gian để suy nghĩ về quá khứ, hình thành nỗi sợ cô đơn, bị con cháu bỏ bê, không chăm sóc, tủi thân, buồn bã, bi quan, khó chiều,… Thậm chí, không ít người cao tuổi nghĩ về cái chết hằng ngày vì mất hoàn toàn đi niềm vui và sự lạc quan.
Vì những lý do trên, gia đình cần thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi để giúp họ giữ được sự vui vẻ và vượt qua những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, việc thấu hiểu tâm lý người già là vấn đề không hề dễ dàng. Nếu đang băn khoăn về vấn đề này, bạn nên tham khảo 7 điều sau để có thể thấu hiểu và giúp ông bà, bố mẹ tìm được niềm vui trong cuộc sống:
1. Thấu hiểu được nỗi sợ của người cao tuổi
Người cao tuổi phải sống phụ thuộc vào con cái vì lý do sức khỏe. Nếu như trước đây, họ có thể chủ động trong tất cả mọi việc thì giờ đây, người già sẽ gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thường ngày và không thể tiếp tục lao động để tạo ra thu nhập. Những yếu tố này khiến cho tâm lý của họ trở nên tiêu cực và hình thành nhiều nỗi sợ “vô hình”.
Nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là sợ cô đơn và sợ trở thành gánh nặng của con cái. Người trẻ có thể tìm kiếm, gặp gỡ bạn bè khi buồn chán nhưng người cao tuổi thường không có nhiều bạn bè và cũng khó chủ động trong việc đi lại. Chính vì vậy, họ rất sợ cô đơn và luôn mong ngóng con cháu sum vầy. Tuy nhiên, vì cuộc sống bận rộn nên con cháu không thể dành nhiều thời gian bên cạnh ông bà. Điều này khiến cho người cao tuổi dễ tự ti, cảm thấy cô đơn, trống rỗng và buồn bã.
Ngoài nỗi sợ cô đơn, người cao tuổi còn sợ trở thành gánh nặng cho con cái. Khi bước vào tuổi già, họ sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật và gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt. Do đó, con cái sẽ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc và tiêu tốn rất nhiều tiền bạc cho quá trình thăm khám, điều trị. Vì nghĩ cho con cho cháu nên người già rất sợ trở thành gánh nặng của gia đình và đôi khi cố gắng che giấu bệnh tật vì không muốn con cái phải lo lắng.
Hiểu được nỗi sợ của người già chính là bước đầu để bạn thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi. Bởi đa phần cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đều xuất phát từ chính những nỗi sợ này.
2. Dành thời gian trò chuyện mỗi ngày
Người già rất sợ cô đơn và luôn muốn con cháu sum vầy. Vì vậy, bạn nên dành thời gian để trò chuyện với ông bà/ bố mẹ mỗi ngày. Nên dành khoảng 30 – 60 phút mỗi tối để trò chuyện và chia sẻ với họ những vấn đề, sự việc xảy ra trong ngày. Người già ít có các mối quan hệ và cuộc sống quẩn quanh trong nhà nên rất nhàm chán. Khi lắng nghe những câu chuyện được con cháu chia sẻ, cụ ông cụ bà sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái và trẻ trung hơn.
Dù xã hội có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản, người già vẫn có nhiều kinh nghiệm trong việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề,… Vì vậy, việc chia sẻ với người cao tuổi những vấn đề bạn đang phải đối mặt cũng giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn.
Ngoài ra, trò chuyện mỗi ngày cũng giúp bạn thấu hiểu sâu sắc tâm lý của người cao tuổi. Thông qua các cuộc trò chuyện, ông bà có thể bày tỏ nỗi lòng và những suy nghĩ tiêu cực. Nếu không chung sống với ông bà/ bố mẹ, bạn nên dành chút thời gian cuối tuần về thăm các cụ. Hoặc cũng có thể liên lạc qua điện thoại để giúp các cụ cảm thấy được quan tâm và vượt qua nỗi sợ cô đơn, bị con cháu bỏ bê.
3. Hỏi ý kiến người cao tuổi trước khi đưa ra quyết định
Người cao tuổi thường có trí nhớ kém và thiếu minh mẫn khi đưa ra các quyết định. Vì lý do này nên con cháu thường tự quyết định cho cụ về việc sắm sửa đồ đạc, thời gian khám bệnh, phương pháp điều trị,… Tuy nhiên, điều này vô tình khiến người cao tuổi bị tổn thương vì nghĩ rằng bản thân vô dụng, trở thành gánh nặng để con cháu phải bận tâm.
Thay vì tự đưa ra quyết định, con cháu nên hỏi ý kiến ông bà/ bố mẹ trong tất cả mọi việc – đặc biệt là những việc liên quan đến chính bản thân họ. Khi được con cái hỏi ý kiến, họ sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và không còn cảm giác bản thân vô dụng, tự ti.
Ngoài ra, bạn cũng nên trò chuyện với người cao tuổi khi đang đắn đo trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Dù sức khỏe suy giảm nhưng người già có kinh nghiệm sống dày dạn nên có thể giúp bạn nhìn nhận vấn đề đúng đắn và khách quan hơn. Bên cạnh đó, việc chia sẻ với người già những vấn đề khó khăn cũng giúp họ ý thức được vai trò của bản thân trong gia đình.
4. Khuyến khích người cao tuổi vận động nhẹ nhàng
Tâm lý của người cao tuổi khá nhạy cảm, bất ổn và khó kiểm soát. Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng này là thói quen ít vận động và quanh quẩn trong nhà suốt ngày dài. Vì vậy, bạn và những người thân trong gia đình nên khuyến khích người cao tuổi vận động nhẹ nhàng.
Các bài tập đơn giản như yoga, thái cực quyền, ngồi thiền, đi bộ,… sẽ giúp người già giảm đau nhức xương khớp, ngủ ngon và thoải mái hơn về tinh thần. Ngoài ra, một số hoạt động như chăm sóc cây cối, thú cưng, nấu nướng,… cũng là hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng của người cao tuổi. Nếu có thể, con cháu nên cùng thực hiện để người già cảm nhận được cuộc sống gia đình hạnh phúc sum vầy và giữ được sự lạc quan, vui vẻ.
5. Hỗ trợ người già trong quá trình điều trị
Đa phần người già đều phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu não, rối loạn tiền đình,… Các bệnh lý này khiến người cao tuổi gặp rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Vì không chủ động trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân,… nên người già dễ bị khủng hoảng tâm lý và hình thành suy nghĩ bản thân vô dụng. Về lâu dài, người già sẽ không cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống mà thay vào đó là sự bi quan, buồn bã và chán nản. Rất nhiều người cao tuổi muốn từ bỏ điều trị vì chi phí tốn kém và sức khỏe không có chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, người già thường không thể hiện rõ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân vì sợ khiến con cháu phải lo lắng. Chính vì vậy, họ thường chọn cách che giấu để con cháu nghĩ rằng bản thân hoàn toàn khỏe mạnh và không nhất thiết phải tiếp tục điều trị.
Để thấu hiểu được tâm lý của người cao tuổi, bạn nên hỗ trợ họ trong quá trình điều trị. Trước tiên, cần nâng cao kiến thức về bệnh lý, sau đó nắm bắt liều lượng, tác dụng phụ của thuốc và xây dựng lối sống phù hợp để kiểm soát bệnh tình.
Khi nhận được sự chăm sóc của người thân trong gia đình, tình trạng sức khỏe của người cao tuổi sẽ có cải thiện theo thời gian. Hơn nữa, người già có thể cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà con cháu dành cho mình. Từ đó có động lực trong quá trình điều trị và giữ được thái độ lạc quan, vui vẻ dù phải đối mặt với bệnh tật.
Trong quá trình hỗ trợ người già điều trị, bạn không nên bộc lộ sự lo lắng quá mức. Thay vào đó, nên thể hiện tình cảm chân thành và sự quan tâm đúng mực. Nếu sức khỏe của người già đã ổn định, có thể để họ tự thực hiện một số việc đơn giản. Điều này sẽ giúp cho người cao tuổi cảm thấy tự tin và được tiếp thêm động lực để vượt qua bệnh tật.
6. Tổ chức những chuyến đi chơi cho người cao tuổi
Người già thường có tâm lý hướng về quá khứ để an ủi thực tế phải sống cô quạnh, lủi thủi vì con cháu bận rộn. Bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc, bạn cũng nên tổ chức những chuyến đi chơi ngắn ngày để giúp người già giải tỏa cảm xúc và tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Người già có thể trạng kém và dễ mệt. Do đó, bạn nên tổ chức những chuyến đi gần hoặc có thể cho người già về thăm quê một vài ngày.
Sau mỗi chuyến đi, người già sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái và vui vẻ hơn. Bên cạnh đó, thông qua những chuyến đi cùng với gia đình, bạn sẽ thêm thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi và những thành viên khác.
7. Duy trì mâm cơm gia đình
Đối với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, mâm cơm gia đình có vai trò rất quan trọng. Trong bữa ăn, tất cả thành viên trong gia đình có thể trò chuyện và chia sẻ với nhau những việc xảy ra trong ngày. Đây là cách đơn giản để gắn kết mọi người và giúp bạn thấu hiểu hơn tâm lý của người cao tuổi.
Qua mâm cơm, bạn có thể bày tỏ tình cảm sâu sắc với người thân bằng những món ăn thơm ngon, đúng sở thích. Những hành động dù rất nhỏ nhưng vẫn thể hiện được tình cảm chân thành và giúp người già hiểu được tấm lòng, sự quan tâm của con cái. Từ đó họ sẽ giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ thay vì chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực.
Duy trì mâm cơm gia đình cũng là cách giúp xóa bỏ khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, đồng thời hóa giải mâu thuẫn và xung đột trong gia đình. Hơn ai hết, gia đình luôn có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân mỗi người. Vì vậy, dù cuộc sống có bận rộn như thế nào, bạn vẫn nên dành thời gian cuối ngày để chuẩn bị các món ăn thơm ngon cho những người mà mình thương yêu.
Thấu hiểu tâm lý người cao tuổi là vấn đề không dễ dàng do khoảng cách thế hệ và đôi khi người già cố tình che giấu vì không muốn trở thành gánh nặng của con cái. Tuy nhiên, nếu khéo léo, bạn có thể hiểu được tâm lý và cảm xúc của người già. Qua đó giúp họ giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan và có thêm động lực để chống chọi với bệnh tật, tuổi già.
Có thể bạn quan tâm
- Suy nhược cơ thể người già và những điều cần lưu ý
- Cảnh giác với chứng rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
- Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi: Nguyên nhân, biểu hiện và khắc phục
Mẹ mình là gen X, hiện tại mik với mẹ thường ko nói chuyện với nhau. Mẹ đặt camera trong phòng mik. Mik hiện tại cx đã 23 r, mik nghĩ chỉ là mẹ mik lo cho mik mới lớn. Nhưng mà mỗi lần mik ik hc hoặc đi trực về quá 10h là mẹ đth liên tục hối mik về ko là mẹ doạ mik đòi bỏ nhà này nọ. Mik nghĩ mẹ sợ cô đơn nên mik có rước em chó về. Nhưng mà mik ko biết tại sao mà lúc rước chú chó đó về tới giờ mỗi lần mik đi ngang qua chỗ mẹ đang ngồi hay đứng thì mẹ nhìn mik mà giống như kiểu lườm mik. Mik cx ko biết là có sai ở đâu ko mà mik hỏi thì mẹ lại nói là “có gì đâu, con nghĩ nhiều rồi, mẹ nhìn tại con gái mẹ đẹp mà”. Lúc đó mik cx buồn. Hiện tại thì mik vẫn phải vừa hc vừa trực nên ko có nhiều thời gian cho mẹ. Mik cx ko biết mik có làm gì mẹ buồn hay ko nx.
Chào bạn, Trung tâm đã nhận thông tin của bạn, về điều này thì bạn nên dành thời gian cho mẹ bạn nhiều hơn, bởi mẹ bạn có thể gặp một bất ổn tâm lý do một nguyên nhân hay cú sốc nào đó và cũng bởi vậy nên mẹ bạn cũng không an tâm khi một mình. Bạn có thể ngồi lại nói chuyện, chia sẻ với mẹ, hoặc đưa mẹ đi thư giãn như đi chơi, đi dạo… Nếu điều này vẫn tiếp tục bạn có thể liện hệ hotline Trung tâm 096 589 8008 hoặc để lại số điện thoại tại đây sẽ có Chuyên gia liên hệ hỗ trợ cho bạn