Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần: Điều cần biết
Loạn thần và trầm cảm là hai chứng bệnh tâm lý, tinh thần nguy hiểm, có thể xuất hiện cùng lúc và kết hợp với nhau để tạo thành tình trạng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần.
Tìm hiểu mối quan hệ giữa chứng loạn thần và bệnh trầm cảm
Chứng loạn thần được đặc trưng bởi sự nhận thức và liên hệ sai lệch hoàn toàn với thế giới hiện thực. Dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng này khiến bệnh nhân bị hoang tưởng, gặp ảo giác và trải nghiệm những cảm xúc kỳ lạ dù không nhận được kích thích từ thực tế. Do đó, theo thời gian, họ dần mất đi động lực sống và xa rời xã hội.
Khi mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân sẽ thường xuyên đối mặt với nhiều trải nghiệm dị thường, đáng sợ. Những triệu chứng loạn thần khiến bệnh nhân tự làm tổn thương bản thân hoặc tấn công người khác. Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường kể trên.
Nhìn chung, chứng loạn thần xảy ra tương đối thất thường và dễ phát hiện hơn triệu chứng trầm cảm. Khi bị loạn thần, người bệnh sẽ thay đổi hành vi, ngôn ngữ một cách đột ngột. Lúc này, họ dường như trở thành một con người hoàn toàn khác từ cử chỉ, thái độ cho đến điệu cười. Không chỉ dừng lại ở đó, bệnh nhân còn hành động mất kiểm soát, như thể bị ai đó nhập vào người, thậm chí gây tổn thương chính mình và sát hại người thân.
Chứng loạn thần không biểu hiện biến chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể kéo theo nhiều bệnh lý khác, đồng thời gây ra hàng loạt khó khăn khi người bệnh tự chăm sóc bản thân.
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm trạng được đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, chán nản, thất vọng và mất hứng thú kéo dài. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, cảm nhận, cách cư xử của bệnh nhân cũng như tạo thành nhiều vấn đề tiêu cực về thể chất và tinh thần khác.
Nếu triệu chứng phiền muộn diễn ra trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, người bệnh sẽ trở nên trầm uất, tuyệt vọng, thậm chí nảy sinh ý định tự sát và cố gắng kết liễu cuộc đời.
Các chuyên gia cho biết, loạn thần là một thể bệnh trầm cảm nặng lâm sàng. Bên cạnh các biểu hiện điển hình của bệnh trầm cảm, tình trạng trầm cảm nặng có kèm triệu chứng loạn thần sẽ đi kèm hiện tượng thấy ảo giác và gặp hoang tưởng. Bệnh nhân thường mắc phải hai dạng hoang tưởng là hoang tưởng buộc tội và hoang tưởng nghi bệnh.
Bệnh trầm cảm nặng có thể khởi phát ở bất cứ đối tượng (trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành, người cao tuổi, thai phụ, phụ nữ sau sinh…) và xuất hiện phổ biến trong độ tuổi 25 – 30. Các triệu chứng đặc trưng là sự kết hợp của nhiều triệu chứng thuộc chứng trầm cảm nhẹ, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ…
Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là bệnh gì?
Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là tình trạng hoang tưởng hình thành trên nền bệnh trầm cảm nặng, bao gồm hoang tưởng buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng thảm họa, hoang tưởng tín ngưỡng. Sự phong phú và đa dạng về các loại hoang tưởng này khiến bác sĩ chuyên khoa gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán phân biệt.
Tất cả hoang tưởng này xuất hiện đồng thời với bệnh trầm cảm nặng. Nếu bệnh trầm cảm nặng được chữa khỏi hoàn toàn, các triệu chứng hoang tưởng cũng dần dần biến mất.
Sau khi bệnh trầm cảm được điều trị dứt điểm, nếu triệu chứng hoang tưởng vẫn tiếp tục tồn tại, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiếp tục chẩn đoán để tìm hiểu căn nguyên vấn đề. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, bệnh trầm cảm nội sinh có thể hình thành nhiều ý nghĩ tội lỗi và rối loạn tâm thần vận động.
Các nghiên cứu về mối quan hệ gia đình của những người bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần với họ hàng bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực không tìm thấy mối liên hệ đáng kể. Do đó, các nhà khoa học rút ra kết luận: Tình trạng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần không liên quan đến tình trạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực có triệu chứng loạn thần.
Ước tính, khoảng 20% bệnh nhân trầm cảm nặng xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần. Sự kết hợp này được các chuyên gia gọi là trầm cảm có loạn thần. Thuật ngữ mô tả tình trạng này trong ngành tâm thần học là trầm cảm nặng với biểu hiện loạn thần.
Khi mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân có thể nhìn thấy, nghe thấy và tin tưởng những điều hoàn toàn không có thật. Theo thống kê, chứng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1/4 tổng số bệnh nhân nhập viện vì bệnh trầm cảm.
Có hai dạng trầm cảm có triệu chứng loạn thần, đó là trầm cảm có triệu chứng loạn thần theo tâm trạng và trầm cảm có triệu chứng loạn thần không theo tâm trạng. Cả hai dạng này đều bao gồm hiện tượng ảo giác và hoang tưởng.
- Trầm cảm có triệu chứng loạn thần theo tâm trạng bao gồm sự hoang tưởng và ảo giác về các chủ đề phù hợp với bệnh trầm cảm điển hình, chẳng hạn cảm giác tội lỗi, kém cỏi, vô dụng, không xứng đáng…
- Trầm cảm có triệu chứng loạn thần không theo tâm trạng bao gồm sự hoang tưởng và ảo giác về các chủ đề không liên quan đến bệnh trầm cảm điển hình.
Các biểu hiện của cả hai dạng này đều đặc biệt nguy hiểm bởi ảo giác và hoang tưởng thường rất ám ảnh, đáng sợ và có thể dẫn đến hành động tự tử. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời trước khi họ tự tổn hại bản thân hoặc tấn công người khác.
Sự khác biệt giữa trầm cảm không có triệu chứng loạn thần và trầm cảm có triệu chứng loạn thần
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, các bệnh nhân rối loạn tâm thần có thể nghe thấy giọng nói bí ẩn hoặc chìm đắm trong nhiều ý nghĩ kỳ lạ như: người khác có thể nhìn thấy suy nghĩ của họ, ai đó đang cố gắng làm hại họ, họ đang bị quỷ ám, họ đã phạm tội và đang bị truy nã…
Trong khi đó, những người bị trầm cảm có triệu chứng loạn thần thường tức giận mà không vì bất cứ lý do rõ ràng nào. Họ có thể thích ngủ ngày và thức đêm. Một số người không muốn nói chuyện, nói những điều vô nghĩa hoặc bỏ bê vẻ ngoài (không tắm rửa, không rửa mặt, không thay quần áo…).
Nhìn chung, các ảo giác và hoang tưởng của bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng loạn thần khá phù hợp với dấu hiệu của bệnh trầm cảm điển hình (chẳng hạn cảm giác thất bại, kém cỏi, vô dụng, tội lỗi…).
Ngược lại, các triệu chứng loạn thần ở bệnh nhân tâm thần phân liệt (một dạng rối loạn tâm thần phổ biến) thường rất kỳ lạ, không thể tưởng tượng và không có bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào với trạng thái tâm trạng.
Vì cảm thấy xấu hổ và mặc cảm vì những ảo giác, hoang tưởng của mình, những người bị trầm cảm có triệu chứng loạn thần thường cố gắng che giấu vấn đề. Điều này vô tình khiến bệnh tình của họ ngày càng tồi tệ. Việc chẩn đoán chính xác tình trạng này vô cùng quan trọng, bởi phương pháp điều trị trầm cảm có triệu chứng loạn thần và trầm cảm không có triệu chứng loạn thần hoàn toàn khác nhau.
Nguyên nhân gây trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Hiện nay, nguyên nhân cụ thể của tình trạng trầm cảm có triệu chứng loạn thần vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, những bệnh nhân từng mắc hoặc có người thân trong gia đình từng mắc có các rối loạn tâm thần có nhiều khả năng bị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự kết hợp giữa gen và tình trạng căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến một số chất hóa học bên trong não bộ, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể bắt nguồn từ sự mất cân bằng của các hormon bên trong cơ thể.
Triệu chứng điển hình của trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Đúng như tên gọi, tình trạng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần bao gồm biểu hiện trầm cảm nặng và dấu hiệu nhận biết của chứng loạn thần, đó là:
- Mệt mỏi, cáu gắt
- Khó tập trung
- Cảm thất bất lực, tuyệt vọng
- Tự ti, căm ghét chính mình, cho rằng bản thân vô dụng
- Cố gắng tránh xa những người xung quanh
- Mất hứng thú với nhiều sở thích trước đây
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Sút cân hoặc tăng cân đột ngột
- Nói về chuyện tự tử hoặc đe dọa tự tử
- Gặp ảo giác, bị hoang tưởng
- Có niềm tin lệch lạc
- Nhận thức sai lầm
- Nhìn thấy, nghe thấy và tin tưởng những điều vô lý, phi thực tế
Một số người bệnh thường xuyên nghi ngờ bản thân mắc bệnh nan y (chẳng hạn bệnh ung thư) trong khi trên thực tế, họ không hề bị bệnh. Vài bệnh nhân khác nghe thấy giọng nói chỉ trích họ bên tai “Bạn thật xấu xa, tồi tệ”, “Bạn không đủ tốt đâu”, “Bạn không xứng đáng được sống”…
Nhìn chung, đối với bệnh nhân, những ảo giác và hoang tưởng này sống động y như thật và họ luôn tin tưởng vào những gì mà bản thân trải nghiệm. Đôi khi, chúng có thể khiến người bệnh hoảng loạn đến mức tự tổn thương bản thân hoặc tấn công người khác. Do đó, bệnh nhân trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Biện pháp chẩn đoán trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám sức khỏe, đặt ra nhiều câu hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh, đồng thời tiến hành xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu nhằm loại trừ các tình trạng bệnh lý khác có thể xảy ra.
Nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình bị rối loạn lưỡng cực, họ sẽ được tầm soát các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm. Tuy không nhất thiết xác nhận hoặc giảm thiểu rủi ro mắc chứng rối loạn lưỡng cực nhưng hình thức đánh giá này có thể giúp bác sĩ tránh được việc chẩn đoán sai lầm.
Bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần khi người đó xuất hiện đồng thời các triệu chứng trầm cảm nặng và các triệu chứng loạn thần. Tuy nhiên, những biểu hiện loạn thần thường không đáng chú ý.
Hơn nữa, không phải mọi bệnh nhân đều thông báo trung thực về những ảo giác, hoang tưởng mà họ đang gặp phải. Trong trường hợp này, họ cần được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ tâm thần.
Để được chẩn đoán bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần, người bệnh phải trải qua giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất hai tuần. Đặc biệt, họ cần có từ 5 triệu chứng trở lên những triệu chứng sau:
- Tăng động hoặc cử động chậm chạp, kém linh hoạt
- Thay đổi cảm giác thèm ăn và thay đổi cân nặng
- Chán nản thường xuyên
- Khó tập trung
- Cảm thấy tội lỗi
- Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
- Thiếu hứng thú với sở thích trước đây hoặc không còn quan tâm đến thế giới xung quanh
- Thiếu sức sống, cạn kiệt năng lượng
- Nảy sinh ý nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự tử
- Xuất hiện hoang tưởng, ảo giác
Có thể bạn quan tâm: Trầm cảm nặng có thể gây mất trí nhớ
Phương pháp điều trị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa chấp thuận bất kỳ phương pháp điều trị nào cho chứng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Thế nhưng, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần với liệu pháp sốc điện (ECT) theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị nội khoa
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ cân nhắc kê toa thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Những loại thuốc này có thể tác động trực tiếp đến các chất dẫn truyền thần kinh bên trong bộ não, từ đó tạo nên trạng thái cân bằng mới.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chẳng hạn fluoxetine (prozac)
- Thuốc chống loạn thần không điển hình như: olanzapine (zyprexa), quetiapine (seroquel), risperidone (risperdal)…
Nhìn chung, các loại thuốc này sẽ phát huy hiệu quả tối đa trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.
Áp dụng liệu pháp sốc điện (ECT)
Đây là lựa chọn điều trị thứ hai sau phương pháp điều trị nội khoa. Kỹ thuật được tiến hành ở bệnh viện.
Sau khi giúp bệnh nhân chìm vào giấc ngủ và tiến hành gây mê toàn thân, bác sĩ tâm thần sẽ điều chỉnh dòng điện đi qua bộ não với cường độ vừa phải. Điều này tạo nên một cơn động kinh trong tầm kiểm soát có thể ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh bên trong bộ não.
Liệu pháp sốc điện sẽ mang đến tác dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất là đối với những trường hợp trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần và đang nảy sinh ý định tự tử.
Để xác định phác đồ điều trị an toàn và phù hợp nhất, bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận kỹ lưỡng với người bệnh và gia đình của họ. Bệnh tình có thể tái phát sau khi áp dụng liệu pháp sốc điện. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân dùng thêm thuốc Tây.
Tóm lại, thời gian chữa chứng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần của mỗi bệnh nhân rất khác nhau. Trong đa số trường hợp, hai phương pháp điều trị trên sẽ mang đến kết quả khả quan. Nếu đang mắc phải tình trạng này, bạn cần kiên trì sử dụng thuốc Tây trong một khoảng thời gian dài và thăm khám liên tục để ngăn ngừa tái phát.
Có thể bạn quan tâm
- Trầm cảm kháng trị là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
- Cẩn trọng với chứng trầm cảm sau khi chia tay và cách vượt qua
- Trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh
- Trầm cảm ở người cao tuổi: Nguyên nhân và hướng điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!