Hội chứng khó học toán (Dyscalculia): Nguyên nhân, cách cải thiện
Hội chứng khó học toán là một dạng rối loạn gây cản trở khả năng nhớ, và hiểu các thao tác tính toán của người bệnh. Đây là một trong các nguyên nhân gây dốt toán, làm ảnh hưởng đến học tập.
Hội chứng khó học toán (Dyscalculia) là gì?
Hội chứng khó học toán còn được gọi với tên khoa học là Dyscalculia. Những trường hợp mắc phải hội chứng này gặp nhiều hạn chế trong việc hiểu, ghi nhớ và thực hiện các thao tác trong toán học.
Người bệnh dường như không thể tính toán tốt. Họ cũng không hiểu rõ về các công thức toán học, khó tiếp thu kiến thức toán dù đã dùng nhiều cách.
Theo nghiên cứu, Dyscalculia là một hội chứng mãn tính. Hội chứng này khiến quá trình học tập, làm việc, và phát triển tiềm lực của con người bị hạn chế.
Hội chứng khó học toán có thể khởi phát ở bất kỳ ai. Đa phần nó xuất hiện ở những trẻ nhỏ có chỉ số IQ thấp, nhưng cũng không hiếm trường hợp trẻ có chỉ số IQ bình thường, hoặc vượt trội.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng ước tính có khoảng từ 5 đến 10% số người đang bị ảnh hưởng bởi khuyết tật học tập này. Tỷ lệ mắc bệnh không có sự chênh lệch lớn về giới tính.
Xem thêm: Hội chứng sợ đi học (Didaskaleinophobia) và thông tin cần biết
Dấu hiệu nhận biết hội chứng khó học toán
Biểu hiện của hội chứng khó học toán sẽ khác nhau tùy vào từng tình trạng bệnh. Các dấu hiệu của bệnh thường sẽ được khởi phát ngay từ bé và kéo dài cho đến lúc trưởng thành. Cụ thể như sau:
1. Biểu hiện của trẻ độ tuổi mầm non
Giai đoạn này trẻ vẫn chưa được tiếp cận quá nhiều với toán học. Phép toán lúc này chỉ là những con số và các phép tính đơn giản.
Vì thế, việc nhận biết hội chứng khó học toán cũng có phần khó khăn. Trẻ dễ bị nhầm lẫn là chậm phát triển trí tuệ, hoặc kém thông minh.
Một số dấu hiệu thường gặp như:
- Trẻ gặp phải nhiều khó khăn trong việc học đếm
- Trẻ khó đếm được các con số liền kề nhau, hay đếm sót, hoặc thậm chí không biết đếm.
- Trẻ không biết cách phân biệt các con số
- Trẻ dễ bị nhầm lẫn giữa các số với nhau.
- Trẻ không hứng thú, không thể chơi các loại đồ chơi có liên quan đến toán học
- Trẻ không nhận diện được thứ tự lớn bé.
- Không hiểu được ý nghĩa của các con số
- Gặp khó khăn trong việc vận dụng toán học vào đời sống.
2. Biểu hiện của trẻ học cấp một
Lúc này, trẻ em bắt đầu được tiếp xúc nhiều hơn với toán học. Trẻ bắt đầu học tập theo chương trình bài bản nên các biểu hiện cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
- Gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, thực hành các bài toán cơ bản.
- Không biết cách phân biệt và sử dụng các ký hiệu toán học.
- Không hiểu được những thuật ngữ trong toán học.
- Vẫn sử dụng cách tính toán cũ của mầm non thay vì các cách tính nâng cao, hiệu quả hơn.
3. Biểu hiện của trẻ học cấp hai
Đối với chương trình học cấp 2, toán học sẽ trở nên phức tạp hơn. Với trường hợp mắc hội chứng khó học toán, các em sẽ xuất hiện một số triệu chứng đặc trưng sau:
- Gặp nhiều cản trở trong việc hiểu và ghi nhớ các khái niệm về toán học
- Dễ bị nhầm lẫn giữa các cách tính toán.
- Không phân biệt rõ về các chữ số hàng trăm, hàng nghìn,….
- Không thể hiểu và tính toán được các phép tính có phân số.
- Hiệu suất học tập thua kém các bạn cùng trang lứa.
Lúc này không còn đơn giản là những phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản. Các em học sinh phải có sự tư duy linh hoạt hơn để học tập, và vận dụng kiến thức toán học hiệu quả.
4. Biểu hiện của trẻ học cấp ba
Hội chứng khó học toán kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình học tập. Các em học sinh cấp 3 phải đối mặt với chương trình toán học vô cùng phức tạp, do đó biểu hiện của Dyscalculia càng rõ ràng.
- Khó có thể bắt kịp chương trình học toán
- Gặp khó khăn trong các môn học có liên quan như lý, hóa,…
- Gặp cản trở trong việc tìm kiếm cách tiếp cận, vận dụng toán học.
- Khó giải toán, không thể hoàn thành tốt các bài tập được giao.
- Hạn chế về nhiều mặt của đời sống. Ví dụ như không biết chi tiêu, sử dụng tiền
5. Biểu hiện ở người trưởng thành
Dù không phải học tập và thực hiện các bài toán phức tạp, nhưng người lớn vẫn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hội chứng khó học toán.
- Khó khăn hoặc thậm chí không thể đọc chính xác giờ trên các đồng hồ cơ.
- Bị hạn chế về khả năng tính toán, ngay cả khi được sử dụng máy tính hỗ trợ.
- Yếu kém trong việc ghi nhớ những hoạt động có liên quan đến con số.
- Không biết cách ước lượng thời gian.
- Khó khăn trong việc quản lý thời gian, lên kế hoạch làm việc.
- Gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến tiền bạc, tài chính.
Hội chứng khó học toán bắt nguồn từ đâu?
Hiện nay, các thông tin và nghiên cứu về hội chứng khó học toán vẫn chưa được chia sẻ rộng rãi. Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này vẫn còn là một ẩn số.
Dưới đây là một số giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh:
- Tính di truyền
- Cấu trúc bất thường của não
- Những vấn đề trong quá trình mang thai gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ
- Các chấn thương ở não bộ
Ngoài ra, dưới đây là những yếu tố tăng khả năng mắc bệnh
- Trẻ mắc chứng khó đọc cũng có nguy cơ mắc Dyscalculia. Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 40-65% trẻ bị Dyscalculia gặp khó khăn về vấn đề đọc, hiểu.
- Những đứa trẻ sợ học toán, lo lắng, căng thẳng quá mức về việc học toán
- Tăng động giảm chú ý (ADHD) gây trở ngại trong học tập và đời sống.
Hội chứng khó học toán cần được phát hiện và khắc phục kịp thời. Có như vậy mới tránh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với học tập, đời sống của bệnh nhân.
Hội chứng khó học toán gây nên cản trở gì?
Toán học và khả năng logic được xem là nền tảng để rèn luyện, phát triển những kỹ năng học tập, xã hội khác. Do đó, hội chứng khó học toán gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh.
1. Cản trở với việc học
Những đứa trẻ có khả năng học toán kém thường không thể duy trì kết quả học tập tốt. Trẻ dễ bị thụt lùi so với các bạn cùng trang lứa trong nhiều môn học.
Những đứa trẻ mắc phải hội chứng khó học toán thường bị cho là kém thông minh. Điều này có thể khiến trẻ trở nên xấu hổ, tự ti và mặc cảm về năng lực của bản thân.
Lâu dần trẻ sẽ hình thành những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Trẻ dần trở nên tách biệt, xa lánh với xã hội. Đặc biệt, trẻ sẽ hình thành cảm giác sợ hãi, căng thẳng tột độ với môn toán.
Có không ít các trường hợp trẻ nhỏ mắc Dyscalculia liên tục từ chối việc đi học. Trẻ chống đối bằng mọi cách vì không muốn đến trường, không muốn bị cười chê.
2. Cản trở trong sinh hoạt
Trong sinh hoạt, việc bị hạn chế khả năng tính toán cũng ảnh hưởng đến kiểm soát tài chính, chi tiêu. Những người này dễ bị lợi dụng do không thể tính toán một cách hiệu quả.
Các trường hợp Dyscalculia thường có khả năng ghi nhớ kém. Họ không thể nhớ được tên hoặc gương mặt của những người xung quanh nên khó có thể duy trì được các mối quan hệ lành mạnh, lâu bền.
Bên cạnh đó, do không thể đảm bảo tốt các hoạt động đời sống nên nhiều người có khả năng phụ thuộc và luôn cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người xung quanh.
Hội chứng khó học toán gây nên nhiều ảnh hưởng đối với tâm lý, tinh thần của người bệnh. Họ thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng, sợ hãi quá mức.
Tình trạng này kéo dài sẽ có nguy cơ khởi phát thành các chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Cách khắc phục và vượt qua hội chứng khó học toán
Biểu hiện của hội chứng khó học toán rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng kém thông minh, chậm phát triển, hoặc lười học ở nhiều trẻ nhỏ.
Các bậc phụ huynh thay vì tìm hiểu nguyên nhân thì thường hay trách phạt, cho rằng con cái lười nhát và không chịu cố gắng để học tập tốt.
Tình trạng này không chỉ gây bất ổn tâm lý cho trẻ, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với quá trình học tập, làm việc, sinh hoạt của bệnh nhân.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, bạn cần chủ động đưa trẻ đến thăm khám, chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, chất lượng để được hỗ trợ hiệu quả hơn.
Tùy vào từng mức độ bệnh khác nhau, chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng những biện pháp can thiệp như:
1. Sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường
Gia đình chính là chỗ dựa vững chắc để đồng hành cùng các em. Các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đúng mực, và tạo điều kiện thuận lợi để trẻ nhỏ được tiếp xúc, học hỏi, rèn luyện, phát triển tốt về kỹ năng học tập của mình.
Đồng thời, nhà trường cũng cần đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhờ đó, các em học sinh có thể dễ dàng tiếp thu và cải thiện khả năng toán học. Cụ thể:
- Tránh việc bắt ép, nhồi nhét kiến thức quá mức đối với trẻ mắc hội chứng khó học toán.
- Tuyệt đối không nên la mắng, chỉ trích, phê bình hoặc đánh đập trẻ
- Không nên tạo áp lực quá lớn đối với bệnh nhân.
- Hãy dành cho trẻ những lời động viên, khuyến khích
- Nhẫn nại trong việc giáo dục, phân tích bài học cho trẻ.
- Gia đình cần có sự kiên nhẫn và nỗ lực bởi trẻ mắc hội chứng khó học toán sẽ cần rất nhiều thời gian để cải thiện.
- Dành thời gian chia sẻ, tâm sự và động viên con nhiều hơn.
- Hướng dẫn cho trẻ cách kiểm soát cảm xúc, giảm căng thẳng khi đối mặt với toán học.
- Xây dựng thói quen lành mạnh, tích cực trogn sinh hoạt và học tập cho trẻ
Trẻ Dyscalculia nên được cân nhắc theo học tại các trường, cơ sở giáo dục chuyên biệt. Đây là môi trường tốt để trẻ có thể học tập hiệu quả, tránh việc bị kỳ thị hoặc gia tăng áp lực học tập.
2. Can thiệp tâm lý
Hội chứng khó học toán cũng có thể đi kèm một số vấn đề sức khỏe tâm lý. Do đó việc áp dụng các liệu pháp can thiệp tâm lý là điều cần thiết.
Nhiều trẻ nhỏ và người bệnh do sự hạn chế trong quá trình tính toán, tiếp cận với toán học lâu ngày gây nên những mặc cảm, tự ti đối với mọi người xung quanh. Họ dần trở nên tách biệt và dễ mắc trầm cảm.
Do đó, liệu pháp tâm lý được chỉ định sử dụng để giúp bệnh nhân giải tỏa tốt các cảm xúc tiêu cực, tồi tệ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho người bệnh nhìn nhận rõ hơn về vấn đề của bản thân và dần điều chỉnh cảm xúc theo chiều hướng đúng đắn hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn trang bị thêm cho bệnh nhân về các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giảm căng thẳng, lo lắng để lấy lại sự tự tin, bình tĩnh của bản thân.
Người bệnh sau khi hiểu rõ được chính mình cũng sẽ dễ dàng đối diện với những khó khăn trong học tập, cuộc sống, toán học và góp phần cải thiện tốt hơn.
Các thông tin của hội chứng khó học toán (Dyscalculia) đã được chia sẻ cụ thể trong bài viết trên đây. Hy vọng bạn đọc sẽ có được thêm những dữ kiện hữu ích để can thiệp, khắc phục hiệu quả tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ thất bại (Atyphobic) luôn cản trở bạn thành công
- Rối loạn học tập: Nguyên nhân, Cách nhận biết và Điều trị
- Hội chứng bác học (Savant): Bên cạnh lợi ích có nhiều tác hại
- Dấu hiệu trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học và cách xử lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!