Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia) và những bí ẩn phía sau
Người mắc hội chứng sợ hạnh phúc gặp khó khăn trong việc tự mang lại cho mình niềm vui vì bản thân cảm thấy không xứng đáng với điều đó. Cách tốt nhất để biết xem liệu bạn có đang gặp phải tình trạng này là tìm hiểu và trò chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia) là gì?
Hội chứng sợ hạnh phúc (tiếng Anh gọi là cherophobia) là nỗi ám ảnh trong đó một người có ác cảm phi lý với hạnh phúc. Thuật ngữ này xuất phát từ Hy Lạp với “chero” mang nghĩa “vui mừng”.
Khi một người mắc chứng cherophobia, họ thường ngại tham gia vào các hoạt động mà nhiều người cho là vui vẻ hoặc hạnh phúc. Những người mắc hội chứng này không phải lúc nào cũng sợ những cảm giác dễ chịu mà hạnh phúc mang lại, mà trên thực tế họ quan tâm nhiều hơn đến những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Cherophobia không được sử dụng rộng rãi hoặc được xác định rõ ràng trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) – nguồn tài liệu chính để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe tâm thần. Nhưng một số chuyên gia y tế Healthline đã phân loại chứng sợ cherophobia là một dạng lo lắng.
Triệu chứng thường gặp của hội chứng sợ hạnh phúc
Một người mắc chứng sợ hạnh phúc không phải lúc nào cũng buồn mà chỉ đơn giản là tránh các sự kiện và hoạt động có thể mang lại cảm giác hạnh phúc. Theo Healthline, một số triệu chứng thường gặp của chứng rối loạn này là:
- Lo lắng khi được mời đến một buổi gặp mặt cộng đồng, hội nhóm.
- Từ chối tham gia các hoạt động vui vẻ.
- Nghĩ rằng mình đang hạnh phúc đồng nghĩa sẽ có điều gì đó không tốt xảy ra.
- Có suy nghĩ nếu mình hạnh phúc sẽ khiến bản thân trở thành một người xấu.
- Tin rằng việc thể hiện sự hạnh phúc là không tốt cho bản thân, bạn bè hoặc gia đình.
- Nghĩ rằng cố gắng để được hạnh phúc là lãng phí thời gian và năng lượng.
Khi một người cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi, khó thở hay tăng huyết áp thì đó đều là những triệu chứng của chứng lo âu nói chung nhưng vẫn bắt gặp trên người mắc chứng sợ hạnh phúc. Điều này là do cherophobia có thể gây ra lo lắng hoặc hoảng loạn khi một người phải đối mặt với niềm vui.
Đối tượng của hội chứng sợ hạnh phúc
Nghiên cứu cho thấy rằng các đối tượng sau đây có thể dễ mắc chứng sợ cherophobia hơn, chẳng hạn như:
- Những người đã từng trải qua sự kiện đau thương về thể chất hoặc tinh thần trong quá khứ. Họ có thể từ chối các hoạt động vui chơi vì lo lắng về những điều tồi tệ sẽ xảy ra với mình. Việc giữ mình tránh các tình huống xã hội xa lạ giúp bản thân có thể dự đoán được nhiều hơn và có cảm giác kiểm soát được những gì sẽ xảy ra..
- Người hướng nội cũng có nhiều khả năng mắc chứng sợ hãi hạnh phúc vì họ thích làm mọi việc một mình, dè dặt hơn và có thể cảm thấy khó chịu khi ở trong đám đông và môi trường ồn ào.
- Những người cầu toàn thể hiện niềm tin phi lý rằng hạnh phúc chỉ dành cho những người lười biếng và do đó bản thân có thể tránh những hoạt động tưởng chừng như không hiệu quả nhưng có thể mang lại hạnh phúc.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ hạnh phúc
Đôi khi người ta có thể không tìm ra nguyên nhân chính xác cho chứng sợ hạnh phúc này. Tuy nhiên, sau đây là một số nguyên nhân nổi bật nhất được đề xuất:
1. Niềm tin nhận thức
Cherophobia có thể xuất phát từ niềm tin tiêu cực của một người đối với cuộc sống của mình. Những niềm tin tiêu cực này khiến bản thân sợ hãi về hạnh phúc ngay cả khi mình thực sự muốn hoặc khao khát nó.
Những người mắc hội chứng này sợ cảm giác hạnh phúc, bởi vì có niềm tin tiêu cực rằng cuối cùng mọi chuyện sẽ không có kết thúc tốt đẹp. Họ cũng có thể tin rằng hạnh phúc chỉ là tạm thời.
Cuối cùng, niềm tin ở đây đôi khi cũng có thể là một sự căm ghét sâu xa. Con người có thể tin tưởng một cách tiêu cực rằng hạnh phúc không dành cho mình. Họ cố tình tránh né những người và hoạt động mang lại cho mình niềm vui.
2. Hướng nội
Mặc dù tính hướng nội không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cherophobia, nhưng người hướng nội lại có nhiều khả năng trải qua nỗi sợ hãi về hạnh phúc hơn vì thích ở một mình và tránh các hoạt động vui vẻ. Do đó, những điều mà người mắc chứng sợ cherophobia làm để tránh hạnh phúc đều giống với những gì mà người hướng nội đang thực hiện.
3. Trầm cảm
Bản thân trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần được liệt kê trong DSM và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác chán nản và thiếu hạnh phúc. Chứng bệnh này ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của một người.
Những người bị trầm cảm có xu hướng nghĩ rằng dù hoạt động xã hội có mang lại cho mình hạnh phúc thì cuối cùng họ cũng sẽ quay trở lại trạng thái bất hạnh. Mặc dù chưa có báo cáo chứng minh được rằng trầm cảm là nguyên nhân gây ra cherophobia, nhưng có thể thấy mối liên kết mạnh mẽ giữa chúng.
4. Trí nhớ
Khoa học chứng minh rằng con người thường nhớ những trải nghiệm tiêu cực mạnh mẽ hơn là tích cực. Đối với những người đã từng trải qua sự kiện bất hạnh ngay sau hạnh phúc hoặc khi hạnh phúc bị cắt đứt bởi một sự kiện tiêu cực thì họ có thể hình thành nỗi sợ hãi về cảm giác này.
Tóm lại, cherophobia dựa trên ký ức của người mắc chứng bệnh này. Đó là một liên kết mạnh mẽ và thường phải mất rất nhiều công sức để xóa bỏ.
Khắc phục hội chứng sợ hạnh phúc
Thông thường, hội chứng sợ hạnh phúc bị coi nhẹ như một dạng lo âu hoặc tác dụng phụ của trầm cảm. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần và những người mắc hội chứng này đang tìm cách đối phó với nó. Sau đây là một số cách để khắc phục cherophobia:
1. Thực hành kỹ thuật thư giãn
Tất cả chúng ta đều cần một chút thư giãn để loại bỏ các căng thẳng do hội chứng sợ hạnh phúc gây ra. Giải pháp tốt nhất là thực hành một số kỹ thuật đơn giản nhằm mang lại cảm giác dễ chịu, xóa tan lo lắng.
- Bài tập hít thở sâu: Nếu cảm thấy hơi lo lắng hoặc căng thẳng, những gì bản thân nên làm là hít thở sâu và chậm hơn. Quá trình oxy hóa phát huy tác dụng và chúng ta có thể cảm thấy tốt hơn nhiều.
- Nghe nhạc: Âm nhạc là một liệu pháp khiến cơ thể thoát khỏi sự lo âu, trầm cảm trong trạng thái và cảm xúc.
- Tắm nước nóng trước khi đi ngủ: Việc tắm nước nóng sẽ làm lưu thông khí huyết, xoa dịu căng thẳng và mệt mỏi do cảm giác sợ hãi hạnh phúc gây ra.
- Thiền chánh niệm: Nó là một trong những kỹ thuật thư giãn giúp cho con người nhận thức rõ hơn về cơ thể và tâm trí của mình. Điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh và loại bỏ mọi căng thẳng khỏi cuộc sống.
2. Trị liệu tâm lý
Các phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện các triệu chứng của nỗi sợ hạnh phúc và chất lượng cuộc sống. Việc trò chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bản thân hiểu rõ hơn về nỗi sợ này và đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Đây là liệu pháp có thể giúp người mắc chứng sợ hạnh phúc xác định những suy nghĩ và hành vi phi lý của mình.
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp này giúp một người từ từ tiếp xúc với những tình huống hạnh phúc đồng thời chịu đựng sự lo lắng liên quan và nhận thấy rằng hạnh phúc không mang lại tác dụng phụ.
- Liệu pháp thôi miên: Thôi miên có thể được sử dụng để thiết lập lại các bộ phận của não, nơi liên kết hạnh phúc với những sự kiện tồi tệ.
3. Viết nhật ký
Nếu không sẵn sàng để chia sẻ vấn đề sức khỏe tinh thần này với người thân và bạn bè, bạn có thể viết nhật ký. Viết nhật ký là cách giải tỏa áp lực cuộc sống và những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén như bi quan, buồn bã, căng thẳng, lo âu,…
Việc viết ra những hoạt động, tâm trạng hàng ngày không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình mà còn tạo ra một không gian riêng để xả hơi và hiểu rõ những gì đang diễn ra trong tâm trí chính mình.
Đây cũng được xem là hành vi theo dõi sự tiến bộ của bản thân mỗi ngày. Bằng cách ghi lại những mục tiêu, thách thức và thành tựu, chúng ta có thể xem lại quá trình phát triển của mình và biết được bản thân cần cải thiện những gì.
4. Tập thể dục và vận động thể chất
Khi những suy nghĩ khiến bản thân quá mệt mỏi thì vận động thể chất là điều tốt nhất. Đây được xem là một trong những cách làm giảm stress hiệu quả nhờ giải phóng Cortisol – hormone được sản sinh từ tuyến thượng thận nếu gặp phải căng thẳng và sợ hãi. Bạn có thể tham gia các bộ môn thể chất như bơi lội, chạy bộ, bóng rổ,…
Tập thể dục cũng kích thích não bộ giải phóng endorphins. Đây là chất dẫn truyền thần kinh có hiệu quả cao và có thể tránh được các nguyên nhân xấu gây ra nỗi sợ đối với hạnh phúc.
Mặc dù hội chứng sợ hạnh phúc không phải là một tình trạng nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một trải nghiệm khó khăn. Điều quan trọng là hiện tượng này cần sự nhận biết và can thiệp ở nhiều khía cạnh để giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ và tận hưởng cuộc sống một cách tích cực.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ yêu (Philophobia): Hướng dẫn cách vượt qua
- Hội chứng Hikikomori: Nhiều người trẻ tự xa lánh cộng đồng
- Hội chứng Sợ Kết Hôn (Gamophobia): Biểu hiện và cách khắc phục
- Hội chứng sợ nước (Aquaphobia): Dấu hiệu và cách can thiệp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!