Hội chứng uể oải dịp cận Tết (Holiday click-off)
Hội chứng uể oải dịp cận Tết là vấn đề thường xảy ra đối với những người đi làm. Tâm lý căng thẳng, áp lực vì quá nhiều việc phải lo nghĩ khiến người mắc không có động lực đi làm, dần gây nên sự tồn đọng và kém chất lượng trong công việc.
Hội chứng uể oải dịp cận Tết – Vấn đề không của riêng ai
Vì tâm lý căng thẳng chuẩn bị, sắm sửa cho Tết thật chu đáo, đồng thời cũng là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vã nên ai cũng mong chờ và nôn nao. Bên cạnh đó, càng gần Tết thì “hàng ngàn” câu hỏi lại xuất hiện như “Nên mua gì mặc Tết”, “Tết nên đi du lịch ở đâu”, “Nên xin nghỉ Tết mấy ngày”, “Tết này có thưởng không?”,… khiến mọi người thêm lo lắng và stress.
Có quá nhiều vấn đề cần giải quyết dịp Tết, vô tình khiến con người mắc phải Hội chứng uể oải dịp cận Tết (Holiday click-off) mà không hề hay biết. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng công việc và cuộc sống.
Hội chứng uể oải dịp cận Tết nhằm mô tả tình trạng stress, mệt mỏi, căng thẳng do phải lo nghĩ quá nhiều để chuẩn bị cho Tết. Dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực đi làm và chỉ tập trung cho những kế hoạch cá nhân vào dịp Tết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà nó cũng tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Hội chứng uể oải dịp cận Tết là vấn đề chung của rất nhiều người, đặc biệt là với những người phải nghỉ Tết trễ hơn so với số đông. Khi thấy mọi người nô nức, bận rộn chuẩn bị cho Tết, càng khiến tâm lý người đi làm trở nên bồn chồn, phân tán bởi những nhu cầu cá nhân cần được giải quyết.
Nguyên nhân gây ra hội chứng uể oải dịp cận Tết
Một số nguyên nhân được cho là dễ khiến con người mắc phải Hội chứng uể oải dịp cận Tết:
1. Áp lực công việc
Không chỉ có tâm trạng háo hức chờ mong Tết, con người cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, kinh tế,… Càng gần đến cuối năm, các công ty, doanh nghiệp “chạy nước rút” để đẩy nhanh tiến độ công việc nên khiến tâm lý nhân viên trở nên căng thẳng, áp lực. Họ sẽ có xu hướng tránh né, chán nản khi làm việc.
Bên cạnh đó, nhiều nhân viên cũng lo lắng, thắc mắc về các vấn đề như lương tháng 13, thưởng Tết, ngày nghỉ Tết,… càng khiến tâm lý mất tập trung vào công việc. Gần Tết thì vấn đề kinh tế càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì vậy càng khiến nhiều người trở nên mệt mỏi và áp lực.
2. Nhiều việc cần chuẩn bị cho Tết
Đây là vấn đề chung của nhiều người, Tết đến mang theo nhiều việc cần phải giải quyết. Đặc biệt là đối với những người đã có gia đình, họ vừa phải đi làm vừa phải lo lắng sắm sửa cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, quà cáp biếu tặng,…Vì vậy, họ không còn động lực và hứng thú trong công việc khi cận Tết.
3. Thay đổi nhịp sinh học
Nhịp sinh học cũng sẽ bị “đảo lộn” vào những ngày cận Tết do lịch trình công việc thay đổi, giờ giấc sinh hoạt thay đổi vì phải chuẩn bị cho Tết, dẫn đến tâm lý mệt mỏi, căng thẳng. Vì phải hoạt động nhiều hơn bình thường nên con người dễ bị quá sức, dẫn đến uể oải trong công việc, học tập.
4. Tâm trạng dao động
Tâm trạng dao động cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Hội chứng uể oải dịp cận Tết. Dịp Tết có thể gây ra cảm xúc lẫn lộn, từ niềm vui đến nỗi buồn, nhất là đối với những người xa nhà hoặc có những kỷ niệm buồn liên quan đến dịp lễ này. Tạo cho con người những cảm xúc hỗn loạn khó tả.
Tết cũng là khi mọi người rất bận rộn với những kế hoạch cá nhân, nhìn thấy không khí chuẩn bị Tết rộn ràng, khiến tâm trạng người mắc càng trở nên dao động. Họ sẽ chỉ suy nghĩ cách để giải quyết các vấn để của bản thân, điều này gây xao nhãng và mất tập trung vào công việc.
5. Tâm lý “giải quyết sau”
Việc uể oải, chán nản khi làm việc vào những ngày cận Tết cũng xuất phát từ tâm lý “giải quyết sau”. Vì mang suy nghĩ là đã gần nghỉ Tết, nên những công việc sau Tết sẽ giải quyết hoặc quá nhiều việc phải lo nên công việc để sau rồi tính. Những suy nghĩ này dần khiến con người trở nên lười biếng, ỷ lại và thiếu động lực trong công việc.
Dấu hiệu của hội chứng uể oải dịp cận Tết
Dấu hiệu của Hội chứng uể oải dịp cận Tết có thể biểu hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe tinh thần và thể chất. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:
1. Về tâm trạng
- Cảm giác mệt mỏi và thiếu động lực: Cảm thấy uể oải và không muốn tham gia vào các hoạt động công việc, học tập.
- Cảm giác căng thẳng và lo lắng: Áp lực công việc và các hoạt động chuẩn bị cho Tết có thể khiến bạn căng thẳng và lo lắng hơn bình thường.
- Tâm trạng biến đổi: Có thể trải qua những thay đổi đột ngột về tâm trạng, từ vui vẻ sang buồn bã hoặc cáu kỉnh mà không rõ lý do. Ngoài ra, tâm trạng còn có thể bồn chồn, gấp gáp hơn bình thường.
2. Về sức khỏe
- Rối loạn giấc ngủ: Bồn chồn khó ngủ, thức giấc giữa đêm, hoặc cảm thấy không được nghỉ ngơi sau khi thức dậy.
- Thay đổi trong thói quen ăn uống: Ăn quá nhiều hoặc quá ít, hoặc không cảm thấy thèm ăn.
- Đau nhức cơ thể: Cảm giác đau nhức hoặc căng cơ, đặc biệt là ở cổ, lưng và vai do căng thẳng.
- Mệt mỏi thường xuyên: Cảm giác mệt mỏi liên tục, kể cả sau khi nghỉ ngơi hoặc ngủ.
3. Về hành vi
- Tránh né công việc: Tìm cách tránh né công việc hoặc nhiệm vụ quan trọng. Hoặc dời công việc sau Tết mới giải quyết
- Giảm hiệu suất công việc: Có thể sẽ nhận thấy mình không còn làm việc hiệu quả như trước. Công việc trở nên khó khăn hơn mặc dù trước đây bạn vẫn có thể làm được.
- Thay đổi thói quen hàng ngày: Bạn có thể bỏ qua hoặc thay đổi các thói quen hàng ngày như tập thể dục hoặc sở thích cá nhân để lo nghĩ cho dịp Tết.
Những dấu hiệu này chỉ là một phần của hội chứng, nếu thấy tình trạng sức khỏe suy giảm, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra. Những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, bạn cần lưu ý để kịp thời điều trị.
Tác hại của hội chứng uể oải dịp cận Tết
Thực tế, hội chứng uể oải dịp cận Tết không phải là bệnh nên sẽ không gây ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng nó sẽ gây hệ lụy lớn trong công việc, đồng thời sức khỏe thể chất và tinh thần cũng suy giảm do căng thẳng quá mức:
1. Đối với công việc
Trong môi trường làm việc, hội chứng này có thể dẫn đến giảm hiệu suất và chất lượng công việc. Cảm giác mệt mỏi, thiếu động lực và căng thẳng tăng cao khiến cho người mắc khó có thể tập trung vào công việc, trì trệ, dễ mắc lỗi và giảm sự sáng tạo.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả công việc cá nhân mà còn có thể gây trở ngại cho sự phát triển của cả công ty, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm khi mọi dự án và mục tiêu cần được hoàn thành trước kỳ nghỉ lễ dài.
2. Đối với sức khỏe
Hội chứng uể oải dịp cận Tết có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn giấc ngủ, căng thẳng mãn tính, lo âu và thậm chí là trầm cảm. Sự căng thẳng kéo dài không chỉ gây ra mệt mỏi thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng, làm giảm khả năng tận hưởng cuộc sống và giao tiếp xã hội.
Trong dài hạn, điều này có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến stress như huyết áp cao, bệnh tim và các vấn đề tiêu hóa.
Cách vượt qua hội chứng uể oải dịp cận Tết
Hội chứng tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và chất lượng cuộc sống của người mắc. Vì vậy, cần phải có biện pháp giúp vượt qua hội chứng này, lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
1. Quản lý thời gian
Tuy nhiều công việc cần phải giải quyết, nhưng vẫn sẽ có cách để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý. Để tránh “khủng hoảng”, bạn cần lập kế hoạch một cách rõ ràng.
Hãy biết sắp xếp và ưu tiên công việc nào cần giải quyết trước để giảm bớt áp lực và căng thẳng. Bạn có thể tham khảo ma trận Eisenhower để có cách quản lý thời gian tối ưu hơn. Từ đó bạn sẽ không còn phải lo lắng về những vấn đề chưa được giải quyết và có thể tập trung cho công việc.
2. Tập trung vào sức khỏe tinh thần
Hội chứng uể oải dịp cận Tết khiến tâm lý trở nên stress, nặng nề, vì thế việc giải tỏa căng thẳng là điều cần thiết. Thực hành mindfulness, thiền, hoặc tham gia các hoạt động giải trí sẽ giúp cải thiện tâm trạng và giảm bớt áp lực.
Đừng yêu cầu sự hoàn hảo với mọi thứ và gánh vác quá nhiều việc sẽ chỉ khiến tâm lý trở nên mệt mỏi hơn. Điều quan trọng là bạn phải biết cân đối và giữ cho đầu óc luôn thoải mái. Vì chỉ khi bạn khỏe mạnh bạn mới có thể hoàn thành được công việc của mình thật tốt.
3. Duy trì lối sống lành mạnh
Để giúp tinh thần cũng như sức khỏe được tốt hơn, bạn cũng nên duy trì lối sống lành mạnh cho bản thân. Ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và đảm bảo ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Không chỉ là dịp Tết mà bất cứ lúc nào bạn cũng cần chú trọng đến cách sinh hoạt và ăn uống của mình để đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh. Khi cơ thể khỏe mạnh, tâm trạng tích cực sẽ giúp bạn có thể phòng ngừa các vấn đề về stress, áp lực và lo âu quá độ.
4. Chia sẻ, giải tỏa tâm trạng
Nếu cảm thấy bản thân đang phải đảm đương quá nhiều việc để chuẩn bị cho Tết, hãy biết chia sẻ và phân chia công việc cho các thành viên trong gia đình. Điều này giúp bạn căng thẳng mệt mỏi hơn, đồng thời cũng khiến các thành viên khác gắn kết với nhau và có trách nhiệm hơn trong công việc của gia đình.
Bạn cũng có thể giải tỏa tâm trạng bằng cách nói chuyện và tâm sự với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Từ đó có thể nhận được những lời khuyên hữu ích, giải đáp các thắc mắc, lo lắng đang “xáo trộn” trong suy nghĩ của mình.
5. Thiết lập giới hạn
Học cách nói “không” với những yêu cầu hoặc nhiệm vụ không cần thiết giúp giảm bớt gánh nặng công việc và trách nhiệm. Khi bạn cố gồng gánh quá nhiều sẽ khiến bản thân quá sức và kiệt quệ, đặc biệt là trọng dịp cận Tết. Nếu bạn không biết cách sắp xếp và chọn lọc công việc, có thể sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái bế tắc.
Bạn cũng nên thiết lập giới hạn trong suy nghĩ của mình vào từng hoàn cảnh. Phân tách rõ ràng với bản thân, nếu đang ở nơi làm việc sẽ không nghĩ đến việc riêng để tránh xao nhãng. Ngược lại, khi về nhà bạn cố gắng hoàn thành việc cá nhân tốt nhất để không ảnh hưởng đến công việc.
Hội chứng uể oải dịp cận Tết phản ánh về những áp lực và căng thẳng mà nhiều người phải đối mặt khi chuẩn bị cho ngày lễ lớn này. Để vượt qua, cần có sự chia sẻ công việc và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng Tết là dịp để nghỉ ngơi và sum họp, đừng để những mệt mỏi ảnh hưởng đến bản thân và cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ đau (Algophobia): Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Hội chứng người tốt là gì? Cách nhận biết và làm sao để thoát khỏi
- Hội Chứng Sợ Bị Bỏ Rơi: Nguyên Nhân Và Cách Vượt Qua Nỗi Sợ
- Hội chứng sợ yêu (Philophobia): Nguyên nhân, hướng dẫn cách vượt qua
- Hội Chứng Sợ Ánh Sáng: Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!