Hội chứng sợ ánh sáng: Nguyên nhân và cách khắc phục
Hội chứng sợ ánh sáng là một dạng rối loạn tâm lý ít gặp, có biểu hiện đặc trưng là nỗi sợ vô lý, quá mức và kéo dài đối với ánh sáng mặt trời. Mặc dù nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng hội chứng này có thể điều trị bằng các liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.
Hội chứng sợ ánh sáng là gì?
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu, đặc trưng bởi nỗi sợ thái quá, phi lý và dai dẳng về ánh sáng mặt trời. Người mắc chứng bệnh này luôn sợ hãi khi tiếp xúc với ánh sáng vì lo lắng quá mức về việc bị ung thư da, da thâm sạm, nếp nhăn, lão hóa,…
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) khác với chứng sợ ánh sáng (Photophobia). Photophobia là tình trạng mắt nhạy cảm và khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng, bao gồm cả ánh sáng tự nhiên từ mặt trời và ánh sáng nhân tạo. Chứng sợ ánh sáng là triệu chứng thể chất có liên quan đến nhiều bệnh lý như đau nửa đầu, các bệnh lý liên quan đến não, trầy xước giác mạc, hội chứng khô mắt,…
Trong khi đó, Heliophobia là rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu – đây là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn lo âu. Người mắc chứng bệnh này thường sợ hãi, lo lắng thái quá về những vấn đề không thực sự nguy hiểm mà ở bệnh nhân Heliophobia là ánh nắng mặt trời. Thực tế, hội chứng sợ ánh sáng không phổ biến như hội chứng sợ không gian hẹp, sợ máu, kim tiêm, độ cao,…
Mặc dù khác biệt về nguồn gốc của nỗi sợ nhưng nhìn chung, tất cả bệnh nhân rối loạn ám ảnh đặc hiệu đều không kiểm soát được sự sợ hãi và cảm giác lo âu, bất an khi đối mặt với nỗi sợ. Những người mắc hội chứng sợ ánh sáng sẽ gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống bởi 1/2 thời gian trong ngày đều có ánh nắng mặt trời. Người bệnh thường phải che chắn kỹ trước khi ra đường, thậm chí một số người giam mình trong nhà do sợ hãi quá mức.
Biểu hiện của hội chứng sợ ánh sáng
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) có triệu chứng tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác. Người mắc chứng bệnh này luôn có nỗi sợ dai dẳng và quá mức về ánh sáng. Khi đối diện với nỗi sợ, cảm giác sợ hãi, bất an sẽ tăng lên đi kèm với các triệu chứng thể chất.
Người bệnh thường lựa chọn né tránh nỗi sợ để xoa dịu tâm trạng, tránh sợ hãi và lo lắng nhưng điều này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, triệu chứng của Heliophobia có mức độ khác nhau ở từng bệnh nhân.
Các biểu hiện của hội chứng sợ ánh sáng:
- Luôn có nỗi sợ về việc phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Có cảm giác tức giận, khó chịu xen lẫn lo lắng và sợ hãi khi phải ra ngoài trời.
- Thường né tránh những tình huống phải tiếp xúc với ánh sáng như đi lại bằng xe đạp, xe máy, đi bộ,… Đối với người trưởng thành, họ thường lựa chọn các công việc làm vào ban đêm để tránh tiếp xúc với ánh nắng.
- Thoa kem chống nắng, mặc áo khoác và che chắn rất kỹ khi bước ra ngoài đường vì sợ bị ung thư da, da lão hóa, đen sạm và xấu xí.
- Trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn nôn, run rẩy, khó chịu,… khi bước ra ngoài trời.
- Tuy nhiên với những trường hợp nặng, bệnh nhân có cảm giác sợ hãi tột độ và xuất hiện các hoảng loạn, khó kiểm soát hành vi.
- Ngoài các triệu chứng cảm xúc, Heliophobia cũng gây ra các triệu chứng thể chất như nhịp tim nhanh, thở gấp, thở nhanh, đau thắt ngực, đổ mồ hôi, run rẩy, buồn nôn, tăng huyết áp, choáng váng,…
- Người mắc hội chứng Heliophobia chỉ ra ngoài khi cần thiết và họ thường nhờ người thân mua giúp những đồ dùng cần thiết hoặc đặt giao hàng thay vì tự mình ra ngoài đường. Cũng chính vì vậy mà người mắc hội chứng này gần như không bao giờ tắm biển hay chơi các môn thể thao ngoài trời.
- Do được tiếp xúc với ánh nắng từ khi còn nhỏ nên nỗi sợ của bệnh nhân Heliophobia thường bị giới hạn và hiếm khi gây ngất xỉu như hội chứng sợ máu, sợ độ cao, côn trùng,…
Hội chứng sợ ánh sáng khác với việc phải kiêng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời do một số nguyên nhân như dị ứng với ánh nắng mặt trời, mề đay do nhiệt, lupus ban đỏ, xơ cứng bì,… Việc tiếp xúc với ánh nắng khiến cho triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân có thể lo lắng khi bản thân tiếp xúc với ánh nắng và cố ý né tránh việc phải ra ngoài đường.
Tuy nhiên, hành vi né tránh hay lo lắng, sợ hãi trong trường hợp này có mục đích cụ thể. Riêng bệnh nhân Heliophobia, họ không lý giải được vì sao bản thân có nỗi sợ quá mức với ánh sáng và nhận thức được sự vô lý trong nỗi sợ nhưng không thể nào kiểm soát.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ ánh sáng
Hội chứng sợ ánh sáng thường khởi phát ở tuổi vị thành niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu nói chung và hội chứng sợ ánh sáng nói riêng.
Qua nhiều nghiên cứu và khảo sát, một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến Heliophobia:
- Từng bị cháy nắng nặng: Những người từng bị bỏng rát do cháy nắng nặng có thể hình thành nỗi sợ quá mức về ánh nắng mặt trời – nhất là khi sự kiện này xảy ra từ thời thơ ấu. Nỗi sợ về việc cháy nắng sẽ lớn dần lên nếu trẻ hoặc những người xung quanh gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến ánh sáng.
- Ảnh hưởng từ những người xung quanh: Trong một số trường hợp, trẻ có thể học theo suy nghĩ và cách phản ứng về việc sợ hãi quá mức với ánh sáng từ những người xung quanh như cha mẹ, anh chị em và người thân. Thậm chí nếu sống chung với bệnh nhân Heliophobia từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này dù không cùng huyết thống với người bệnh.
- Di truyền: Giống như các dạng rối loạn lo âu khác, ám ảnh sợ đặc hiệu nói chung và Heliophobia đều có khả năng di truyền. Ngoài ra, tiền sử gia đình mắc phải các hội chứng ám ảnh sợ khác như sợ sấm sét, sợ giông bão hay các hiện tượng thiên nhiên cũng làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ ánh sáng ở thế hệ sau.
- Tiếp xúc với các thông tin tiêu cực: Việc tiếp xúc thường xuyên với các thông tin tiêu cực như ung thư da, lão hóa da và các tác động xấu của ánh nắng cũng là yếu tố làm gia tăng nỗi sợ ánh sáng. Nguy cơ sẽ tăng lên đáng kể đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật hay còn gọi là chứng nghi bệnh.
- Mắc các rối loạn lo âu khác: Đã có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa các rối loạn lo âu. Do đó, những người bị rối loạn hoảng sợ, rối loạn sợ xã hội, rối loạn lo âu bệnh tật,… sẽ có khả năng cao mắc chứng sợ ánh sáng và các rối loạn ám ảnh đặc hiệu khác.
- Do ảnh hưởng của các bệnh thể chất: Như đã đề cập, chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) khác với sợ ánh sáng bệnh lý (Photophobia). Tuy nhiên, những người gặp phải tình trạng nhạy cảm với ánh sáng, mắt bị đau rát, khó chịu do tiếp xúc với ánh nắng trong một thời gian dài có thể phát triển hội chứng Heliophobia. Đặc biệt là khi các vấn đề sức khỏe này tiến triển dai dẳng, mãn tính và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Hội chứng sợ ánh sáng có biến chứng gì?
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) là một dạng rối loạn lo âu với đặc điểm là nỗi sợ vô lý, hoang đường và kéo dài về ánh sáng mặt trời. Ánh sáng là hiện tượng tự nhiên không thể thay đổi. Vì vậy, người mắc hội chứng này phải liên tục đối mặt nỗi sợ và có xu hướng né tránh các hoạt động như đi học, làm việc, gặp gỡ bạn bè,… vì bị nỗi sợ chi phối.
Đa phần người mắc hội chứng sợ ánh sáng đều không thể học tập và làm việc như bình thường. Người bệnh thường lựa chọn làm các công việc vào ban đêm để tránh ánh nắng và bày tỏ thái độ không muốn đến trường. Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài trời, bệnh nhân thường che chắn rất kỹ và thoa kem chống nắng để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của ánh nắng.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể bùng phát cơn hoảng loạn khi ra khỏi nhà. Điều này càng làm gia tăng mức độ lo lắng và sợ hãi với ánh nắng mặt trời. Người mắc hội chứng Heliophobia có thể giam mình trong phòng vì bị cô lập, khó hòa hợp với mọi người xung quanh. Rất nhiều bệnh nhân mắc hội chứng sợ ánh sáng phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác như trầm cảm, rối loạn lo âu sợ xã hội, rối loạn lo âu bệnh tật,…
Trong trường hợp tệ nhất, bệnh nhân sẽ nảy sinh ý nghĩ và nỗ lực thực hiện hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi sự bất lực trước nỗi sợ của chính mình. Ngoài ra, một số người bệnh có xu hướng sống cô lập và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.
Chẩn đoán hội chứng sợ ánh sáng
Nếu nghi ngờ mắc hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia), bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Những trường hợp được chẩn đoán và điều trị sớm thường có đáp ứng tốt, đồng thời ít gặp phải các phiền toái và ảnh hưởng do Heliophobia gây ra.
Hội chứng sợ ánh sáng thường được chẩn đoán qua biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình để có thêm dữ liệu trước khi đưa ra chẩn đoán xác định. Nhìn chung, chẩn đoán hội chứng này diễn ra khá nhanh chóng vì bệnh nhân ý thức được bản thân có nỗi sợ thái quá.
Để loại trừ các vấn đề sức khỏe thể chất, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT hoặc MRI não bộ. Sau khi loại trừ tất cả nguyên nhân, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc Heliophobia nếu nỗi sợ ánh sáng kéo dài dai dẳng trong ít nhất 6 tháng và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ ánh sáng
Ước tính khoảng 0.7 – 1% dân số thế giới đang phải đối mặt với hội chứng sợ ánh sáng. Hội chứng này gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, stress,… Do đó, điều trị là vấn đề cần thiết đối với bệnh nhân Heliophobia.
Hội chứng sợ ánh sáng có thể điều trị hoàn toàn và thường được điều trị ngoại trú – trừ những trường hợp nặng. Tương tự như hội chứng sợ độ cao, không gian kín và các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với Heliophobia. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét các nguyên nhân tiềm ẩn để điều trị dứt điểm các vấn đề thể chất góp phần gây ra chứng bệnh này.
Các phương pháp điều trị được xem xét áp dụng trong điều trị hội chứng sợ ánh sáng:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân mắc hội chứng sợ ánh sáng. Liệu pháp này tác động đến tâm lý của người bệnh với mục đích giải tỏa cảm xúc và chế ngự nỗi sợ. Thông qua liệu pháp tâm lý, bệnh nhân có thể giảm dần nỗi sợ vô lý đối với ánh sáng và dần dần bình thường hóa cuộc sống.
Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác, liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả cao trong điều trị hội chứng sợ ánh sáng. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp trị liệu tâm lý như:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp giải mẫn cảm) là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ ánh sáng. Trong liệu pháp này, bệnh nhân sẽ phải tiếp xúc với ánh sáng nhiều lần với cường độ từ thấp đến cao. Trong quá trình tiếp xúc với ánh nắng, chuyên gia tâm lý sẽ giám sát và theo dõi người bệnh để kịp thời hỗ trợ. Sau một thời gian, nỗi sợ vô lý với ánh sáng sẽ giảm dần và bệnh nhân có thể ra ngoài mà không có bất cứ sự lo lắng, căng thẳng hay sợ hãi nào.
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Liệu pháp nhận thức hành vi được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân xác định và thay đổi suy nghĩ không phù hợp của bản thân. Thông qua việc điều chỉnh nhận thức, cảm xúc và hành vi của người bệnh cũng sẽ thay đổi dần theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, liệu pháp nhận thức hành vi còn giúp bệnh nhân giải tỏa lo lắng và loại bỏ nỗi ám ảnh vô lý với những đối tượng không thật sự nguy hiểm.
- Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên cũng là phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị hội chứng sợ ánh sáng. Liệu pháp này mang lại hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu và đặc biệt là các chứng ám ảnh sợ đặc hiệu. Mục đích của liệu pháp thôi miên là tạo cảm giác thư giãn và giúp chuyên gia tìm hiểu các sang chấn trong quá khứ dẫn đến nỗi sợ vô lý với ánh sáng mặt trời,… Ngoài ra ở trạng thái thôi miên, chuyên gia có thể đưa ra các đề xuất để bệnh nhân biết cách đối phó với nỗi sợ khi đối mặt ở ngoài thực tế.
2. Sử dụng thuốc
Thông thường, bệnh nhân Heliophobia không được chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, thuốc có thể được dùng để nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu tâm lý, giảm các triệu chứng thể chất và cảm xúc sợ hãi, lo lắng quá mức.
Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ ánh sáng bao gồm:
- Thuốc an thần
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc chẹn beta
Trong đó, thuốc chẹn beta có tác dụng giảm các triệu chứng thể chất khi người bệnh đối diện với nỗi sợ. SSRIs và thuốc an thần đều có tác dụng giảm cảm xúc lo lắng, bất an, căng thẳng,… Tuy nhiên, thuốc an thần có khả năng gây nghiện nên lựa chọn ưu tiên luôn là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
3. Chế độ chăm sóc
Nỗi sợ quá mức về ánh sáng mặt trời không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn khiến sức khỏe thể chất suy giảm. Do đó ngoài sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc hợp lý để cải thiện sức khỏe toàn diện.
Chế độ chăm sóc dành cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ ánh sáng:
- Có chế độ ăn uống hợp lý, tránh xa rượu bia, chất gây nghiện và hạn chế dùng quá nhiều thức uống chứa caffeine. Nên tăng cường các loại thực phẩm lành mạnh, có khả năng giảm căng thẳng và lo âu như socola, rau xanh, các loại hoa quả, sữa chua, cá béo, các loại hạt, đậu, nấm,…
- Người mắc hội chứng sợ ánh sáng thường lựa chọn các công việc vào ban đêm. Tuy nhiên, điều này khiến sức khỏe suy giảm do rối loạn đồng hồ sinh học. Nếu có thể, bệnh nhân nên tìm kiếm công việc có thể làm tại nhà để ổn định lại giờ giấc. Bởi giấc ngủ vào ban đêm có vai trò quan trọng trong việc chế ngự cảm xúc tiêu cực và giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ thái quá của bản thân.
- Tránh tiếp xúc với các nguồn thông tin tiêu cực liên quan đến ánh nắng như ung thư da, cháy nắng, da lão hóa, đen sạm,… Thay vào đó, bệnh nhân nên trang bị kiến thức về những lợi ích của mặt trời như giúp duy trì sự sống, hỗ trợ điều trị các bệnh về da, xương và tăng cường hệ miễn dịch.
- Việc né tránh và sợ hãi với ánh sáng khiến bệnh nhân khó hòa hợp, cô lập với mọi người. Ngoài gia đình, bệnh nhân cũng nên chia sẻ thẳng thắn với những người xung quanh tình trạng sức khỏe của bản thân để được thấu hiểu. Khi nhận được sự đồng cảm, bản thân người bệnh sẽ có động lực để vượt qua nỗi sợ và tự tin, thoải mái hơn trong cuộc sống.
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu tương đối ít gặp. Hội chứng này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống vì ánh sáng là hiện tượng tự nhiên không thể nào thay đổi. Chính vì vậy, chủ động thăm khám và điều trị sớm trong trường hợp này là vô cùng cần thiết.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ hãi khi đi ngủ: Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh (Nomophobia)
- Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!