Tìm hiểu phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) có thể thúc đẩy khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ. Hình ảnh trực quan giúp con ghi nhớ và học hỏi tốt hơn.
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) là gì?
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) có tên khoa học là Picture Exchane Communication System, hay hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh.
Đây là phương pháp được nghiên cứu bởi nhà tâm lý nhi Andrew Bondy và nhà âm ngữ trị liệu Lori Frost. Phương pháp được công bố chính thực tại Chương trình tự kỷ Delaware vào năm 1985.
Theo đó, trong phương pháp này, hình ảnh sẽ được dùng làm ngôn ngữ nói khi giao tiếp. Hình ảnh trực quan giúp hình thành ngôn ngữ, hỗ trợ giao tiếp cho trẻ tự kỷ tốt hơn.
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) còn được áp dụng với cả trẻ chậm nói đơn thuần, hay các rối loạn chậm phát triển khác. PECS đã được áp dụng tại các nước Châu Âu, Úc, Mỹ và được đánh giá cao.
Theo đánh giá sau quá trình áp dụng của khoa Tâm bệnh thuộc Bệnh viện Nhi Trung Ương năm 2011, phương pháp này có hiệu quả đáng kể trong nâng cao các kỹ năng, nhận thức và giao tiếp cho trẻ tự kỷ.
Ngoài ra phương pháp này cũng hỗ trợ trẻ tự kỷ đưa ra những nhận định về các sự vật, hiện tượng mà con nghe thấy, nhìn thấy xung quanh. Chẳng hạn bé nhìn thấy một chú chim sẽ tự động lấy hình chú chim để đưa cho đối tác.
Bé bắt đầu có xu hướng tự nhiên trong giao tiếp hơn. Điều này giúp đem đến hy vọng trẻ có thể chủ động nói chuyện hay thể hiện nhu cầu của bản thân một cách rõ ràng hơn.
Hình ảnh trực quan như một cầu nối giúp trẻ giao tiếp hiệu quả hơ. Đây là bước đệm cần thiết để bé phát triển ngôn ngữ, nhận thức một cách tốt nhất, giúp phát triển trí tưởng tượng và ghi nhớ tốt hơn.
Thực hiện phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
Để dạy trẻ tự kỷ với PECS, đầu tiên cần phải chuẩn bị đạo cụ. Chúng ta có thể sử dụng các hình ảnh, hoặc video có nội dung liên quan đến bài học.
Hãy bắt đầu từ những chủ đề mà con quan tâm. Sử dụng hình ảnh có nội dung sinh động màu sắc để thu hút con như: bông hoa, hình động vật hay hình thời tiết.
Quá trình hướng dẫn trẻ cũng nên bắt đầu từ những bài học đơn giản nhất. Phụ huynh cũng nên đưa ra các phần thưởng nhỏ để khích lệ con mỗi khi con làm đúng. Đây là một điểm mấu chốt để giúp trẻ tự kỷ tích cực hơn trong học tập.
PECS được dựa trên ABA (Applied Behaviour Analysis – Ứng dụng phân tích hành vi) để đổi hình ảnh theo những gì trẻ muốn. Đơn giản từ việc bắt đầu từ những đồ vật, vấn đề mà trẻ quan tâm.
Để đạt được điều này, bé cần chọn những tranh mô tả thứ bé cần và đưa cho giáo viên hay cha mẹ, hoặc cũng có thể là người bạn đang cùng học (đối tác trong quan hệ giao tiếp).
Nếu bé đưa đúng hình ảnh thì đối tác sẽ đưa lại cho bé món đồ mà con mong muốn. Điều này nhằm củng cố thêm quan hệ giao tiếp – tương tác giữa 2 chủ thể.
Một đạo cụ cũng cần thiết không kém là cuốn tập dùng để đựng các hình ảnh trong các bài học của con. Cụ thể, PECS thường được thực hành trên trẻ tự kỷ với 6 giai đoạn/ cấp độ khác nhau:
1. Giai đoạn 1: Giao tiếp như thế nào?
Bắt đầu hướng dẫn trẻ giao tiếp thông qua những bức tranh riêng lẻ. Chẳng hạn như đưa ra các đồ vật mà bé rất thích, sau đó để các hình ảnh tương ứng với đồ vật đó.
Trẻ lấy chính xác hình ảnh để đưa cho đối tượng giao tiếp bằng cách bỏ lên tay của người này, sai đó đồ vật sẽ được trao đổi ngược lại cho con.
Những điểm cần chú ý trong giai đoạn này bao gồm:
- Tốt nhất là có hai người hướng dẫn trẻ cách vào hoạt động
- Người thứ nhất sẽ là đảm nhiệm vai trò là đối tác trong quan hệ giao tiếp (ĐTTQHGT)
- Người thứ hai sẽ đảm nhiệm việc đưa ra những gợi ý thể chất, ngồi ở phía sau và không giao tiếp với con
- Người thứ nhất cần đặt sẵn bức tranh trên bàn, và đưa ra các đồ vật được mô tả trực tiếp bên ngoài.
- Khi trẻ bắt đầu chú ý, người thứ 2 sẽ cầm lấy tay trẻ, gợi ý về việc trẻ sẽ cầm bức tranh đặt lên tay người thứ 1
- Khi trẻ đã bắt đầu quen hơn thì giảm dần sự gợi ý để bé chủ động làm một mình.
- Hai người hướng dẫn cũng cần luân phiên thay đổi vị trí của nhau.
- Giới thiệu tranh mỗi lần đưa ra
- Không nên sử dụng quá nhiều gợi ý cho con bằng bằng lời nói.
- Thực hành khoảng 30-40 cơ hội tập giao tiếp mỗi ngày, có thời gian nghỉ ngơi mỗi lần, không nên ép con học quá nhiều
- Sử dụng những hình thức hỗ trợ củng cố học tập khác nhau, ví dụ ngoài hình ảnh có thể dùng thức ăn hay thông qua các trò chơi.
- Làm cho tranh được phù hợp với khả năng sử dụng tay của trẻ.
2. Giai đoạn 2: Khoảng cách và kiên trì
Mục tiêu trong giai đoạn này là kích thích nhu cầu trẻ tự kỷ tìm kiếm sách, lấy tranh ra, tiến đến gần đối tác, gây sự chú ý, đồng thời đặt tranh lên tay của đối tượng giao tiếp.
Các quy trình được thực hiện tương tự như giai đoạn 1, nên thay đối tác thành giáo viên bằng những người trong gia đình, bố mẹ, bạn bè,…
Đồng thời có thể đổi cả môi trường học (thay vì học ở lớp thì luyện tập tại nhà), vị trí để tranh xa hơn, cũng như nới rộng phạm vi giao tiếp.
Người hướng dẫn cũng không nên sử dụng lời nói gợi ý lúc này mà để bé tự chủ động hơn.
3. Giai đoạn 3: Phân biệt tranh
Mục tiêu trong giai đoạn này là để trẻ tự kỷ xin đồ vật bằng cách đến gần cuốn tập, tự động chọn đúng tranh, đến gần và đưa tranh cho các đối tượng giao tiếp.
Các cách hướng dẫn trẻ trong giai đoạn này bao gồm hai giai đoạn.
Trong giai đoạn A, người hướng dẫn cần đưa cho con 2 bức tranh. Trong đó có 1 bức có hình mà bé thích, bức còn lại là đồ vật bé không thích.
Nếu bé đưa đúng bức mà bé thích thì hãy khen ngợi khuyến khích, và đưa cho bé món đồ bé muốn. Nếu bé đưa sai tranh thì cho bé làm lại. Chú ý nên đổi vị trí tranh, và không gợi ý bằng lời nói.
Khi bé bắt đầu phân biệt được hình ảnh bé thích và không thích thì sẽ chuyển sang giai đoạn B. Đây là bước liên kết tranh với đồ vật bằng cách đưa hai hình ảnh thể hiện các đồ vật bé đều thích.
Lúc này khi bé lấy một bức tranh, thay vì đưa cho bé đồ vật mà bé thích, hãy để bé lựa chọn đồ vật tương ứng với hình ảnh. Nếu bé lấy sau thì hãy cản trở và chỉ vào bức tranh mà bé đang cầm.
Người hướng dẫn có thể đứng bên cạnh mở tay hướng về phía đồ vật đúng, không gợi ý lời nói. Tiếp tục đổi vị trí tranh và đồ vật nhiều lần để bé thực hiện lại.
Có thể tăng dần tăng mức độ khó lên bằng cách đưa ra nhiều hình ảnh và độ vật hơn.
4. Giai đoạn 4: Nguyên câu
Mục tiêu của giai đoạn này là giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, giao tiếp bằng cách dùng nguyên câu để nói.
Phụ huynh cần chuẩn bị tranh cùng như mảnh giấy/bảng có ghi chữ “cho con” và đưa cho người hướng dẫn. Một lần học có thể cho trẻ học khoảng 20 tranh.
Các bước hướng dẫn con tại giai đoạn 4 như sau:
Bước 1:
- Hướng dẫn bé học cách đặt bức tranh về đồ vật mà bé mong muốn lên bảng “Cho con”, thay vì đưa cho ĐTTQUGT.
- Người hướng dẫn thứ 2 sẽ hỗ trợ trẻ làm điều này. Trong khi đặt tranh lên tay đối tượng giao tiếp, người hướng dẫn cũng cần đọc to cho con nguyên câu.
- Ví dụ bé cần gấu bông thì nói “cho con gấu”. Chú ý nên dùng những câu ngắn và đơn giản, không tốn nhiều thời gian chờ, vì bé có thể không đợi lâu được.
Bước 2:
- Lúc này trẻ sẽ lấy bảng “cho con và đặt lên hình ảnh có chứa đồ vật mà bé mong muốn.
- Sau đó tiếp tục thực hiện như phần 1, người hướng dẫn đưa tranh cho đối tượng giao tiếp và hô to phần “cho con…”
Bước 3: Giai đoạn này cần hỗ trợ bé đọc được nguyên câu.
- Khi trẻ đã quen với các hành động giao – nhận đồ kèm lời nói, đối tượng giao tiếp có thể gợi ý chữ đầu hoặc chữ cuối để bé nói câu hoàn chỉnh
- Hãy khuyến khích trẻ nói bằng cách đợi trẻ nói xong thì mới đưa đồ vật
- Giai đoạn này vẫn còn khá khó để bé giao tiếp mạnh dạn. Nếu trẻ vẫn không nói thì tạm thời vẫn nên đưa đồ vì nếu không trẻ sẽ chán và không muốn học nữa.
5. Giai đoạn 5: Trả lời “Con muốn gì?”
Giai đoạn này hướng tới mục tiêu trẻ sẽ chủ động xin đa dạng đồ vật và có thể trả lời câu hỏi “con muốn gì” từ những người hướng dẫn.
Điều này sẽ dần dần tăng tính giao giúp chủ động và phát triển một số kỹ năng cần thiết khác. Hướng dẫn thực hiện như sau:
Bước 1: Gợi ý và kết hợp hỏi xem con muốn gì.
Chẳng hạn phụ huynh vừa chỉ các bức tranh “cho con” kết hợp với đồ vật để đưa cho người hướng dẫn. Nếu bé chưa nhớ ra nên làm gì người hướng dẫn sẽ giúp con trong lần đầu.
Bước 2: Trì hoãn sự nhắc nhở
Cụ thể lúc này người hướng dẫn sẽ không nhắc nữa mà đợi khoảng 1- 2 phút sau khi hỏi “con muốn gì?” để đợi con chủ động thực hiện.
Tuy nhiên nếu bé vẫn không nhớ ra thì người hướng dẫn sẽ chỉ chỉ vào bức hình “cho con” để bé làm các bước tiếp theo. Hãy cố gắng giúp con ghi nhớ và chủ động thực hiện thay vì để người hướng dẫn làm mẫu.
Bước 3: Thay phiên giữa sự trả lời và bé chủ động tự xin.
Tạo cơ hội để trẻ tự xin, hoặc tự muốn đổi các trò chơi thú vị khác. Điều này giúp trẻ chủ động giao tiếp với mọi người hơn.
6. Giai đoạn 6: Bình luận
Mục tiêu trong giai đoạn này là hướng dẫn con nghe hiểu nhiều câu hỏi hơn là “con muốn gì?”. Chẳng hạn như “con thấy gì?”, “con có gì?” hay là “con nghe gì?” và “cái gì?”.
Ngoài ra giai đoạn này vẫn cần kích thích sự chủ động xin đồ và giao tiếp của con. Một số lưu ý để thực hiện hiệu quả trong giai đoạn này bào gồm:
- Bổ sung thêm các bức tranh “Con thấy” thay vì tranh “cho con” như trước. Cha mẹ sử dụng những thứ con không thích để kích thích bé trả lời những câu như “Con thấy gì?”
- Hướng dẫn con phân biết và hiểu giữa những câu hỏi khác nhau. Chẳng hạn đặt tranh “con thấy” ở bên phải và “con muốn” ở trên trái. Làm mẫu hướng dẫn các câu trả lời để con hiểu. Nếu bé có đáp án sai hãy hướng dẫn trẻ thực hiện lại kết hợp với việc thay đổi thứ tự tranh. .
- Tiếp tục kích thích sự thú vị trong bào học để lôi cuốn bé chủ động xin.
- Tăng tính chủ động bình luận. Chú ý nên đợi bé vài phút trước khi đặt các câu hỏi mới để con có thể suy nghĩ và đưa ra câu hỏi
Sau thời gian học tập với PECS, trẻ tự kỷ dần tăng khả năng tập trung chú ý chung, có thể giao tiếp mắt với cha mẹ, hợp tác hơn khi học.
Đồng thời mức độ giao tiếp dần chuyển sang giai đoạn yêu cầu, bé có hiểu và đưa ra một số yêu cầu nhất định.
Ngoài ra một số trung tâm giáo dục cho trẻ tự kỷ cũng có thể thực hiện phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) qua các bước sau:
- Bước 1: Hướng dẫn trẻ tự kỷ biết về tên gọi của các vật trong hình.
- Bước 2: Dạy cho trẻ tự kỷ hiểu ý nghĩa của các hình.
- Bước 3: Hướng dẫn con cách yêu cầu thông qua hình ảnh
- Bước 4: Dạy trẻ kết nối giữa hình ảnh với đồ vật.
- Bước 5: Dạy trẻ kết nối hình với ý tưởng
Ưu/ nhược điểm phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
PECS được đánh giá phù hợp với những trẻ trong độ tuổi mẫu giáo trở xuống, đây cũng là giai đoạn cần có sự hỗ trợ để bé phát triển dần các nhận thức cần thiết.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng không có phương pháp nào là hoàn hảo để cải thiện tự kỷ, nhưng nếu hiểu về các ưu/nhược điểm sẽ giúp bạn có phương án khắc phục phù hợp hơn.
Ưu điểm của PECS trong điều trị cho trẻ tự kỷ
Ưu điểm lớn nhất của PECS là đem lại kết quả khả quan trong việc nâng cao nhận thức của trẻ tự kỷ. Trẻ cải thiện khả năng giao tiếp tự nhiên, chủ động hơn, và có thể nói chuyện đơn giản với những người xung quanh.
Ngoài ra phương pháp này có thể áp dụng tại trường học nhưng phụ huynh cũng hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.
Cha mẹ có thể tham gia các lớp tập huấn cho phụ huynh có con bị tự kỷ hoặc đi học cùng con để hiểu rõ cách dạy, từ đó áp dụng tại nhà để hỗ trợ con hiệu quả hơn.
Việc chuẩn bị các đạo cụ hình ảnh cũng không quá khó mà các chi phí chuẩn bị không không quá đắt.
Nhược điểm của phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
Hình ảnh có thể sẽ không đảm bảo có thể truyền tải được hết những nội dung, kỹ năng giao tiếp cần có của con. Ngoài ra, con có thể phụ thuộc vào hình ảnh, cản trở khả năng học nói.
Mặt khác việc chỉ học qua hình sẽ không thể nào đảm bảo giúp con phát triển các kỹ năng cần thiết khác như kỹ năng xã hội, vận động..
Tuy nhiên trên thực tế, PECS được kết hợp với phương pháp AAC, ABA, RDI, Sensory therapy (Điều hoà cảm giác), hay Playground trong trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ để hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện.
Nhưng nếu gia đình muốn hướng dẫn con học tập tại nhà thì nên tham khảo với các chuyên gia. Nhất là về việc chuẩn bị hình ảnh, đạo cụ để đảm bảo kết quả tốt nhất.
Cha mẹ cũng cần thực sự kiên trì trong việc hướng dẫn, giảng dạy cho con. Thời gian đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mọi thứ sẽ dần thay đổi.
Nói chung phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) vẫn được đánh giá cần thiết trong quá trình hỗ trợ cho cho bé và đang được ứng dụng tại rất nhiều cơ sở giáo dục cho trẻ tự kỷ.
Gia đình nên đưa bé đi điều trị và học tập tại các môi trường chuyên biệt từ giai đoạn sớm để tạo cơ hội cho bé phát triển một cách tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Những phương pháp can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ
- Mối liên hệ giữa tự kỷ và hội chứng biết đọc trước tuổi ở trẻ
- Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ và những điều cần biết
- Cách chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ tại nhà cha mẹ nên lưu ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!