Nhiễu loạn cảm xúc: Triệu chứng, chẩn đoán, hướng điều trị
Nhiễu loạn cảm xúc là rối loạn tâm thần đặc trưng bởi tình trạng khóc/ cười vô cớ, đột ngột và không thể kiểm soát. Trạng thái cảm xúc không phù hợp với diễn biến tâm lý và ngữ cảnh hiện tại. Chứng bệnh này thường gặp ở người có các vấn đề thần kinh như động kinh, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson, Alzheimer, xơ cứng rải rác,…
Nhiễu loạn cảm xúc là gì?
Nhiễu loạn cảm xúc (Tiếng Anh: Pseudobulbar Affect – PBA) dễ bị nhầm lẫn với rối loạn cảm xúc. Thuật ngữ này đề cập đến rối loạn tâm thần đặc trưng bởi việc khóc, cười một cách vô cớ, xảy ra đột ngột mà bản thân bệnh nhân không thể kiểm soát. Trạng thái này hoàn toàn không phù hợp với ngữ cảnh và diễn biến tâm lý bên trong.
Nếu như rối loạn cảm xúc liên quan đến tổn thương tâm lý thì nhiễu loạn cảm xúc có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề thần kinh tiềm ẩn như u não, xơ cứng rải rác, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, Parkinson,… Các chuyên gia tin rằng, tổn thương ở thần kinh trung ương dẫn đến việc cảm xúc bị nhiễu loạn, bộc phát một cách vô lý và không thể kiểm soát.
Trên thực tế, tỷ lệ người bị nhiễu loạn cảm xúc là rất thấp và đa phần đều bị chẩn đoán nhầm với các rối loạn cảm xúc như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,… Phải mất một thời gian khá dài các bác sĩ mới đưa ra chẩn đoán chính xác. Thường là sau khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc điều chỉnh khí sắc nhưng không nhận thấy cải thiện.
Hiện tại, xung quanh chứng nhiễu loạn cảm xúc – Pseudobulbar Affect vẫn còn nhiều tranh cãi. Tên gọi của chứng bệnh này cũng chưa được thống nhất hoàn toàn. Dù vậy, nhiễu loạn cảm xúc thực sự gây ra nhiều khó khăn cho bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống và đôi khi phát triển thành các rối loạn cảm xúc thực sự.
Theo ước tính của các chuyên gia, có khoảng 1 triệu dân số Hoa Kỳ có biểu hiện nhiễu loạn cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về thống kê này vì không ít trường hợp bị chẩn đoán sai.
Khác với rối loạn cảm xúc, nhiễu loạn cảm xúc hiếm khi liên quan đến sang chấn tâm lý. Chứng bệnh này có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề thần kinh. Theo thống kê, nhiễu loạn cảm xúc thường gặp ở những đối tượng sau:
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS) chiếm 50% trường hợp
- Chấn thương sọ não chiếm khoảng 48% trường hợp
- Bệnh đa xơ cứng rải rác chiếm 46% trong tổng số bệnh nhân bị nhiễu loạn cảm xúc
Nhiễu loạn cảm xúc được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần vì bệnh nhân có các triệu chứng tâm thần vô cùng rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Bởi nhiều chuyên gia cho rằng, nhiễu loạn cảm xúc là hội chứng tâm thần kinh và các rối loạn cảm xúc chỉ là biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương.
Triệu chứng nhận biết nhiễu loạn cảm xúc
Cảm xúc được bộc lộ thường có mối liên hệ mật thiết với tâm lý, suy nghĩ ở bên trong. Tuy nhiên với người bị nhiễu loạn cảm xúc, cảm xúc bộc phát một cách đột ngột, không phù hợp với tâm lý, ngữ cảnh và bản thân bệnh nhân cũng không thể kiểm soát chúng.
Triệu chứng điển hình của nhiễu loạn cảm xúc là trạng thái khóc/ cười vô cớ, đột ngột. Cảm xúc được bộc lộ không phù hợp với hoàn cảnh, chẳng hạn như bệnh nhân có thể khóc lóc khi đang ăn uống hoặc đang trò chuyện bình thường với những người xung quanh.
Ngoài trạng thái khóc/ cười vô cớ, một số bệnh nhân còn có biểu hiện thất vọng, nổi giận một cách vô cớ và không chủ đích. Nhìn chung, biểu hiện đặc trưng nhất của nhiễu loạn cảm xúc là thể hiện cảm xúc với cường độ cao, đột ngột, không thể đoán trước và không thể kiểm soát.
Nhiễu loạn cảm xúc sẽ có những biểu hiện đặc trưng như sau:
- Bệnh nhân đột ngột khóc hoặc cười, trạng thái này không phù hợp với ngữ cảnh và diễn biến tâm lý bên trong.
- Bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ và không thể kiểm soát.
- Đôi khi thể hiện sự giận dữ, thất vọng vô cớ.
- Biểu cảm khuôn mặt không phù hợp với cảm xúc (chẳng hạn như vừa khóc vừa cười, giận dữ nhưng khuôn mặt không thể hiện sự tức giận thay vào đó là sự bất lực, đau khổ,…)
- Các cơn bùng phát có tần suất đa dạng tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Có thể xảy ra nhiều lần trong ngày nhưng cũng có thể chỉ diễn ra một vài lần trong tháng.
Bản thân bệnh nhân không thể kiểm soát cảm xúc của chính mình – ngay cả khi ở giữa đám đông. Các biểu hiện do nhiễu loạn cảm xúc gây ra sẽ khiến cho bệnh nhân rơi vào trạng thái xấu hổ, căng thẳng. Nhiều người từ chối gặp gỡ vì lo ngại bệnh sẽ bùng phát khi đang trò chuyện, ăn uống cùng mọi người.
Nguyên nhân gây nhiễu loạn cảm xúc
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây nhiễu loạn cảm xúc vẫn chưa được biết rõ. Dù có khá nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng để đưa ra bất cứ kết luận nào.
Theo thống kê dịch tễ, có thể xác định nhiễu loạn cảm xúc liên quan mật thiết với các vấn đề thần kinh – đặc biệt là những khu vực có vai trò điều chỉnh cảm xúc. Tổn thương khu vực thần kinh này khiến cho việc điều chỉnh cảm xúc bị rối loạn, từ đó dẫn đến việc khóc/ cười một cách vô cớ và đột ngột.
Một số vấn đề thần kinh có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễu loạn cảm xúc:
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)
- Bệnh Wilson
- Động kinh
- U não
- Bệnh Parkinson
- Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác
- Xơ cứng rải rác (MS)
- Chấn thương sọ não
Các vấn đề thần kinh có thể gây tổn thương cơ quan thần kinh điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, glutamate, dopamin, acetylcholine, Norepinephrine…
Ngoài ra, tổn thương thần kinh cũng có thể làm mất kết nối vùng thùy trán và tiểu não. Đây là hai cơ quan chịu trách nhiệm điều khiển cảm xúc và điều hòa phản xạ. Mất kết nối đồng nghĩa với việc não bộ không thể kiểm soát cảm xúc, bộc lộ cảm xúc với cường độ mạnh một cách đột ngột, không chủ đích.
Nhiễu loạn cảm xúc – Chứng bệnh tiềm ẩn nhiều biến chứng
Các triệu chứng của nhiễu loạn cảm xúc gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Nhìn chung, sau khi khóc cười vô cớ, bệnh nhân sẽ tự trở về trạng thái thông thường. Tuy nhiên, việc bộc lộ cảm xúc một cách vô lý, vô cớ khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhất là trong các mối quan hệ.
Vì không thể kiểm soát cảm xúc, bệnh nhân sẽ né tránh gặp gỡ để đề phòng trường hợp khóc/ cười vô cớ khi đang chuyện trò hay ăn uống cùng với người khác. Một số người né tránh làm các công việc phải giao tiếp, gặp gỡ nhằm hạn chế phiền toái do nhiễu loạn cảm xúc gây ra.
Về bản chất, nhiễu loạn cảm xúc không thực sự nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh đều là kết quả do tổn thương thần kinh trung ương gây ra. Tuy nhiên, những phiền toái cho chứng bệnh này sẽ dẫn đến vô số hệ lụy. Nếu không được chữa trị, người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng sau đây:
- Trầm cảm: Khi mắc chứng nhiễu loạn cảm xúc, bệnh nhân sẽ không tránh khỏi tâm lý buồn bã, u uất. Về lâu dài, trạng thái cảm xúc giảm thấp sẽ tiến triển thành trầm cảm. Bệnh nhân mất hy vọng vào cuộc sống, luôn cảm thấy chán nản, không có động lực để sống tiếp.
- Rối loạn lo âu: Giống như các rối loạn tâm thần khác, nhiễu loạn cảm xúc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu. Bệnh nhân thường xuyên căng thẳng vì lo sợ các triệu chứng sẽ bộc phát một cách vô cớ, đột ngột khi đang ở giữa đám đông.
- Giảm tương tác xã hội: Đây là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bị nhiễu loạn cảm xúc. Vì lo sợ bản thân sẽ khóc/ cười vô cớ giữa đám đông, người bệnh có xu hướng né tránh các tình huống xã hội. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể nhốt mình trong phòng và lựa chọn công việc làm tại nhà, hình thức giao hàng tận nơi để tránh phải ra ngoài.
Ngoài những biến chứng kể trên, người bị nhiễu loạn cảm xúc còn phải đối mặt với chất lượng cuộc sống giảm sút. Các triệu chứng do chứng bệnh này gây ra khiến bệnh nhân không thể sinh hoạt, làm việc bình thường như trước.
Một số bệnh nhân tìm đến bia rượu, chất kích thích để giải tỏa sự bất lực và lo lắng của bản thân. Tuy nhiên, thói quen không lành mạnh sẽ khiến cho các triệu chứng của nhiễu loạn cảm xúc trở nên trầm trọng hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Tần suất khóc/ cười vô cớ trở nên dày đặc, cảm xúc cũng được bộc lộ với cường độ cao hơn. Bệnh nhân ngày càng u uất, buồn bã, né tránh tương tác xã hội.
Chẩn đoán nhiễu loạn cảm xúc
Nhiễu loạn cảm xúc chưa thực sự phổ biến và rất nhiều người không biết đến thuật ngữ này. Đây cũng là lý do PBA hay bị chẩn đoán nhầm với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Phần lớn bệnh nhân đều bị chẩn đoán nhầm và sau một thời gian điều trị, bác sĩ mới phát hiện ra điều bất thường.
Các kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán nhiễu loạn cảm xúc:
- Khai thác triệu chứng
- Khám thần kinh
Các triệu chứng của nhiễu loạn cảm xúc không thực sự rõ ràng nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm là rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu,… Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chí chẩn đoán các bệnh lý này để loại trừ các khả năng có thể xảy ra.
Phân biệt nhiễu loạn cảm xúc với trầm cảm
Đa phần các trường hợp nhiễu loạn cảm xúc đều bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm. Trầm cảm là rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp dai dẳng trong một thời gian dài.
Biểu hiện điển hình của trầm cảm là buồn bã, đau khổ với mức độ sâu sắc dần theo thời gian. Bệnh nhân bi quan, mất động lực vào cuộc sống, tự hạ thấp giá trị và luôn cho rằng bản thân đã phạm phải những tội lỗi nghiêm trọng. Người bị trầm cảm có xu hướng khóc lóc vô cớ, có khi gào khóc không rõ lý do.
Bệnh nhân nhiễu loạn cảm xúc cũng có biểu hiện khóc vô cớ nhưng thời gian ngắn hơn, cường độ cảm xúc mạnh. Trạng thái khóc vô cớ do nhiễu loạn cảm xúc không liên quan đến diễn biến tâm lý. Trong khi đó, bệnh nhân trầm cảm khóc lóc là do bi quan, mất hy vọng, mặc cảm tội lỗi,…
Cách điều trị nhiễu loạn cảm xúc (PBA) hiệu quả
Các chuyên gia cho biết, nhiễu loạn cảm xúc là chứng bệnh mãn tính, tiến triển suốt đời. Bởi nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ các vấn đề thần kinh mãn tính như bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson,…
Chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm nhiễu loạn cảm xúc. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bằng thuốc và lối sống khoa học. Nhìn chung, đa phần các trường hợp tích cực điều trị đều giảm tần suất các cơn bùng phát và mức độ triệu chứng cũng giảm đi đáng kể.
Các phương pháp điều trị nhiễu loạn cảm xúc được áp dụng hiện nay:
1. Cách kiểm soát tạm thời
Như đã đề cập, nhiễu loạn cảm xúc đặc trưng bởi trạng thái khóc/ cười một cách vô cớ, không chủ đích và xảy ra vô cùng đột ngột. Khi triệu chứng bùng phát, bệnh nhân không thể kiểm soát cảm xúc và phải đối mặt với ánh nhìn, sự dò xét của những người xung quanh.
Trong các cơn bùng phát, người bệnh có thể thực hiện một số cách kiểm soát tạm thời như:
- Học cách bình tĩnh, tránh hoảng loạn khi trong các cơn bùng phát.
- Hít thở thật sâu để giữ sự bình tĩnh và giảm cường độ cảm xúc.
- Phân tán sự tập trung bằng cách nghĩ về một điều gì khác. Cách này sẽ giúp cơn bùng phát qua đi nhanh hơn.
- Trong các cơn bùng phát, khuôn mặt của bệnh nhân thường rất căng thẳng dẫn đến biểu cảm kỳ lạ, không nhất quán với cảm xúc. Lời khuyên của các chuyên gia là nên thả lỏng cơ mặt, vai và cổ.
Đây là những cách tạm thời giúp bệnh nhân kiểm soát cơn bùng phát của nhiễu loạn cảm xúc. Sau khi trở lại trạng thái ổn định, bệnh nhân nên chủ động chia sẻ về tình trạng sức khỏe của bản thân để được hỗ trợ khi cần thiết. Che giấu bệnh sẽ khiến bệnh nhân tự cô lập chính mình và giảm dần tương tác xã hội.
2. Các phương pháp điều trị lâu dài
Hiện tại, phương pháp điều trị duy nhất cho nhiễu loạn cảm xúc là sử dụng thuốc. Một số loại thuốc đã được chứng minh có thể làm giảm tần suất, mức độ của các triệu chứng. Đáp ứng của mỗi người với thuốc là khác nhau, do đó bệnh nhân có thể phải điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau trước khi tìm được loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễu loạn cảm xúc:
- Dextromethorphan/quinidine sulfate (Nuedexta®): Loại thuốc này đã được FDA Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc. Thuốc giúp làm giảm đáng kể tần suất, mức độ của các triệu chứng. Sử dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như ho, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn và buồn ngủ nhẹ.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số trường hợp có đáp ứng tốt với thuốc chống trầm cảm. Nhóm thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng do nhiễu loạn cảm xúc gây ra. Với bệnh nhân PBA, liều dùng thường sẽ thấp hơn so với khi điều trị trầm cảm.
3. Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Nhiễu loạn cảm xúc là rối loạn tâm thần mãn tính kéo dài dai dẳng suốt đời. Hiện tại, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm chứng bệnh này. Sử dụng thuốc phần nào có thể làm giảm tần suất, cường độ triệu chứng nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn. Do đó, bệnh nhân cần phải xây dựng lối sống phù hợp để có thể hạn chế những ảnh hưởng của bệnh.
Hướng dẫn xây dựng lối sống cho bệnh nhân nhiễu loạn cảm xúc:
- Cải thiện các vấn đề thần kinh bằng cách tích cực điều trị và phục hồi chức năng.
- Cồn, chất kích thích có thể khiến chứng nhiễu loạn cảm xúc trở nên nghiêm trọng hơn. Để kiểm soát bệnh, tốt nhất nên kiêng cữ rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện,…
- Hạn chế các loại thực phẩm có thể làm tăng cường độ cảm xúc như đường, chất béo bão hòa,… Thay vào đó, nên sử dụng thực phẩm lành mạnh như cá béo, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,… để điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ.
- Trạng thái khóc/ cười vô cớ do nhiễu loạn cảm xúc gây ra sẽ khiến người bệnh dễ căng thẳng, lo âu. Để phòng ngừa rối loạn lo âu và trầm cảm, bệnh nhân nên tập thể dục. Các bộ môn như yoga, đi bộ, bơi lội,… thực sự rất hữu ích trong việc kiểm soát stress và giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
- Bệnh nhân nhiễu loạn cảm xúc nên chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp tình trạng sức khỏe để được hỗ trợ.
Nhiễu loạn cảm xúc (PBA) chưa được quan tâm đúng mức nên các trường hợp mắc bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm, can thiệp điều trị muộn,… Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về chứng bệnh. Qua đó có thể nhận diện sớm và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định và hướng điều trị
- Khóc nhiều sẽ bị gì? Tác hại và cách để vượt qua
- Cười Nhiều Có Bị Gì Không? Có phải dấu hiệu tâm thần?
- Hay Khóc Một Mình Là Dấu Hiệu Bị Bệnh Gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!