Hay quên là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại hay quên những thứ cơ bản, chẳng hạn như tên người quen, vật dụng cá nhân, ngày quan trọng,….? Tình trạng này diễn ra đôi khi khiến con người dễ bực mình, nhưng nó lại là dấu hiệu cho thấy não bộ đang bị quá tải và cần được thư giãn.

Hay quên là bệnh gì?

Hay quên (còn được gọi là chứng đãng trí) là hiện tượng một người không thể nhớ lại các sự kiện gần đây, các chi tiết quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Nó là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa và là một phần của cơ chế hoạt động trí nhớ nhưng khi tần suất tăng cao, đó là dấu hiệu bạn nên chú ý đến sức khỏe não bộ.

hay quên là gì
Chứng hay quên có thể là một tình trạng khá phổ biến nhất là khi tuổi tác tăng lên

Theo Tiến sĩ Helena Chang Chui – chuyên gia về bệnh Alzheimer (Bệnh viện Keck Medicine) thì sự lão hóa tự nhiên khiến con người dễ mắc chứng hay quên nhẹ. Đây là một phần bình thường của quá trình thay đổi trong cơ thể và não bộ khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, nếu tình trạng hay quên trở nên nghiêm trọng, đó lại là dấu hiệu của bệnh Alzheimer và các vấn đề về mất trí nhớ khác.

Đối tượng nguy cơ mắc chứng hay quên

Chứng hay quên không chỉ là vấn đề của người cao tuổi mà còn ngày càng xuất hiện phổ biến ở những người trẻ tuổi. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, một số nhóm đối tượng đặc biệt sau đây lại có nguy cơ cao hơn:

  • Người bị tổn thương não bộ do trải qua chấn thương vùng đầu
  • Người thường xuyên sử dụng chất kích thích
  • Người mắc chứng động kinh
  • Người làm việc trong môi trường căng thẳng và mệt mỏi

Dấu hiệu nhận biết bệnh hay quên

Việc quên tạm thời những chi tiết nhỏ có thể không đáng lo ngại, nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và là dấu hiệu của các bệnh lý về trí nhớ. Dưới đây là những dấu hiệu rõ ràng cần chú ý để nhận biết sớm bệnh hay quên:

chứng hay quên
Người mắc chứng hay quên thường không nhớ cả những thứ quen thuộc với mình
  • Thường quên các thông tin như ngày tháng, lịch hẹn, tên của người quen dù vừa mới tiếp xúc
  • Mất phương hướng trong không gian quen thuộc, bị lạc ngay tại nhà riêng hoặc văn phòng
  • Cảm giác não bộ “mờ mịt” làm bạn không thể tập trung vào công việc, học tập
  • Nhầm lẫn khi xử lý thông tin kể cả trong các tình huống đơn giản
  • Tình trạng này làm suy giảm khả năng suy nghĩ thấu đáo, khiến người bệnh chần chừ, lúng túng khi phải đưa ra quyết định quan trọng
  • Việc thực hiện các công việc hàng ngày trở nên khó khăn hơn như nấu ăn, tìm kiếm từ ngữ để diễn đạt
  • Lơ đãng, thường xuyên để quên đồ đạc như chìa khóa, điện thoại ở những nơi không nhớ rõ

Nguyên nhân gây bệnh hay quên

Chứng hay quên là hiện tượng phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau sau đây:

  • Tổn thương não bộ: Những chấn thương vùng đầu, đột quỵ, các tổn thương ở não chuyên xử lý và lưu trữ thông tin có thể làm suy giảm trí nhớ.
  • Bệnh lý thần kinh: Các bệnh như động kinh và đột quỵ làm tổn thương các tế bào thần kinh, dẫn đến việc não bộ không còn hoạt động hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ thông tin.
  • U não và nhiễm trùng não: Các khối u, nhiễm trùng não làm tăng áp lực lên cấu trúc não bộ, ảnh hưởng đến việc truyền dẫn thông tin và khiến khả năng ghi nhớ bị suy giảm.
  • Thiếu oxy lên não và nhiễm độc CO: Khi não không nhận đủ oxy do thiếu máu, hít phải khí độc như CO, các tế bào não có thể bị tổn thương gây mất trí nhớ và khả năng tập trung.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc sử dụng lâu dài như thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của não bộ.
  • Thiếu hụt vitamin B12: Vitamin B12 rất quan trọng cho hoạt động của hệ thần kinh. Khi cơ thể thiếu hụt loại vitamin này, sẽ dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, suy giảm khả năng ghi nhớ và sự tập trung.
  • Áp lực tâm lý: Căng thẳng kéo dài, lo âu và mất ngủ là những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng não bộ, gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ.
nguyên nhân của bệnh hay quên
Thuốc chống trầm cảm có thể là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ

Chứng hay quên có nguy hiểm không?

Chứng hay quên là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là khi tuổi tác tăng lên. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.

  • Ảnh hưởng đến học tập, công việc: Thường xuyên quên mất công việc, cuộc hẹn, thông tin quan trọng gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống hàng ngày. Việc khó ghi nhớ làm giảm hiệu suất làm việc, ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình và xã hội.
  • Dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng: Trong một số trường hợp, chứng hay quên có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý nghiêm trọng như Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu, trầm cảm. Chúng làm trầm trọng thêm tình trạng hay quên và gây ra vấn đề về trí nhớ và khả năng nhận thức.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Chứng hay quên có thể khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, tự ti. Những cảm giác này dẫn đến việc cô lập bản thân và giảm chất lượng cuộc sống. Đồng thời tác động tiêu cực đến gia đình và những người xung quanh.

Chẩn đoán bệnh hay quên

Để chẩn đoán chứng hay quên một cách chính xác, bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Dưới đây là các biện pháp chẩn đoán phổ biến giúp bác sĩ đánh giá tình trạng và tìm ra yếu tố gây bệnh cơ bản:

  • Khám sức khỏe và đánh giá triệu chứng: Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để xác định các triệu chứng gồm việc kiểm tra phản xạ, cảm giác và thăng bằng của người bệnh. Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh lý như những vấn đề ảnh hưởng đến não bộ, sử dụng chất kích thích và các yếu tố gia đình có thể liên quan đến tình trạng hay quên.
chẩn đoán bệnh hay quên
Bác sĩ thực hiện nhiều bước chẩn đoán để giúp người bệnh nhận thức đúng tình trạng bệnh
  • Kiểm tra nhận thức: Các bài kiểm tra nhận thức sẽ được thực hiện để đánh giá trí nhớ ngắn hạn và dài hạn của người bệnh. Bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng tư duy, sự chú ý cùng khả năng nhớ lại thông tin để hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của chứng bệnh đến khả năng nhận thức.
  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Để phát hiện tổn thương thực thể trong não, loại trừ rối loạn do lão hóa và các bất thường khác, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT).
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để đánh giá tình trạng chuyển hóa trong cơ thể, kiểm tra chức năng của các cơ quan như tuyến giáp, gan và mức độ thiếu hụt vitamin. Kết quả của các xét nghiệm này có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra chứng hay quên và hỗ trợ việc điều trị.

Cách điều trị chứng hay quên

Mặc dù bệnh hay quên có thể không cần điều trị đặc biệt, nhưng nhiều trường hợp vẫn cần sự can thiệp để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu tác động của chứng bệnh:

  • Điều trị các tình trạng chưa được chẩn đoán trước đó:

Khi chứng hay quên xuất hiện mà không rõ nguyên nhân, việc chẩn đoán chính xác là bước đầu tiên. Tiếp đến cần thực hiện điều trị với các phương pháp như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) để phục hồi sau chấn thương đầu, thay đổi thuốc gây ra vấn đề về trí nhớ.

điều trị bệnh hay quên
Chứng hay quên có thể được điều trị hiệu quả bằng tâm lý trị liệu với liệu pháp CBT
  • Điều trị bệnh lý gây ra chứng hay quên:

Đối với các bệnh lý nghiêm trọng như Alzheimer, sa sút trí nhớ thì các loại thuốc như sertralin và paroxetin thường được sử dụng để điều trị trầm cảm. Trong khi đó clonazepam, bromazepam lại làm giảm lo âu một cách nhanh chóng. Bệnh nhân cũng cần các thuốc cải thiện tuần hoàn não như ginkgo biloba, piracetam (chỉ hiệu quả khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm).

  • Cải thiện chứng hay quên do lão hóa:

Đối với chứng hay quên do lão hóa, không cần điều trị đặc biệt. Thay vào đó, người bệnh có thể cải thiện trí nhớ bằng thói quen sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ trí nhớ và chức năng não bộ.

Cách phòng ngừa bệnh hay quên

Những phương pháp phòng ngừa sớm sau đây sẽ giúp người bệnh quản lý chứng hay quên hiệu quả hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn:

cách phòng ngừa bệnh hay quên
Đọc sách thường được khuyến khích để cải thiện chức năng não bộ
  • Tham gia các hoạt động thể chất và trí tuệ như đi bộ, đọc sách, chơi các trò chơi tư duy
  • Thiết lập thói quen ngủ đủ giấc, đảm bảo giấc ngủ kéo dài từ 7- 8 tiếng mỗi đêm để não bộ phục hồi và duy trì trí nhớ tốt
  • Tạo thói quen đặt các vật dụng quan trọng như chìa khóa, ví và điện thoại ở cùng một vị trí cố định mỗi ngày
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên để duy trì thể trạng tốt, từ đó cải thiện trí nhớ và tinh thần
  • Tránh uống rượu, kiểm soát số lượng khi uống để giảm tác động tiêu cực lên trí não
  • Lên kế hoạch công việc hàng ngày, sử dụng ghi chú, lịch và danh sách việc cần làm
  • Thử học một kỹ năng mới như một ngôn ngữ, môn thể thao để kích thích não bộ và tăng cường khả năng ghi nhớ
  • Dành thời gian cho gia đình, bạn bè và tham gia vào các hoạt động xã hội như tình nguyện để duy trì sự gắn kết tốt cho tinh thần
  • Kiểm soát huyết áp cao bằng cách duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ não bộ khỏi những tác động tiêu cực
  • Dùng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng như axit béo omega – 3

Hay quên không phải chứng bệnh quá nghiêm trọng, nhưng nếu nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì người bệnh nên xem xét áp dụng nhiều giải pháp cải thiện trí nhớ. Việc thường xuyên dành thời gian nghỉ ngơi, điều chỉnh thói quen sống sẽ giúp mọi người lấy lại sự tỉnh táo và trí nhớ lâu dài hơn.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • vinmec.com, hongngochospital.vn,…
  • https://healthify.nz/health-a-z/f/forgetfulness/
  • https://www.verywellhealth.com/forgetfulness-6361615

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *